Phim Người đàn bà tuyệt vời: Hạnh phúc của một người bình thường

Lệ Thu

Liên hoan phim quốc tế Berlin 2017 trao tặng giải thưởng Gấu Bạc cho bộ phim “A Fantastic Woman” của đạo diễn Chilê, Sebastian Lelio. © https://www.berlinale.de/en/home.html

Nói tới điện ảnh Chilê, người ta không thể không đề cập đến những thành công, có thể nói là vang dội, mà bộ phim “Người đàn bà tuyệt vời” của đạo diễn Sebastian Leilo mang lại. Với tên tiếng Anh là “A fantastic woman”, bộ phim đã làm khuynh đảo từ giải Berlin của Đức cho tới Goya của Tây Ban Nha và cuối cùng là hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 90 năm 2018.

Bộ phim là một câu chuyện buồn nhưng không bi lụy về Marina, người phụ nữ chuyển giới, sống ở thành phố Santiago – Chilê. Xã hội hiện đại đã cởi mở hơn rất nhiều, tuy nhiên, nơi đây, những người chuyển giới như Marina vẫn bị coi thường, bị đối xử thô bạo và đầy bất công. Là người có cuộc sống đơn giản, ban đêm là ca sĩ phòng trà, ban ngày làm phục vụ trong một quán ăn, Marina yêu Orlando, người đàn ông hơn cô khá nhiều tuổi. Mong muốn duy nhất của Marina là Yêu và được Yêu một cách bình thường.

Hạnh phúc với cô thật giản dị, ngày ngày đi làm, tối xuống thỏa mãn đam mê ca hát, rồi được Orlando đưa đón về căn hộ của ông. Thế nhưng, thời gian nồng nàn ngắn chẳng tày gang. Một đêm, khi cả hai trở về nhà từ bữa tiệc sinh nhật nhỏ của Marina, Orlando bị đột quỵ và qua đời trong bệnh viện chỉ vài phút sau khi được cô đưa đi cấp cứu. Bỗng chốc, Marina mất đi người yêu thương nhất… Nhưng, cơn ác mộng của cô dường như mới chỉ bắt đầu.  

Từ đây, bức tranh xã hội hiện đại không hề đẹp được bộc lộ, những điều tưởng như bình thường nhất, đơn giản nhất của một con người bắt đầu bị chà đạp và vấy bẩn. Những sự ngược đãi, kì thị, bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần mà gia đình Orlando và thậm chí là đủ mọi thành phần xã hội dành cho Marina chỉ vì cô là một người chuyển giới đã xảy ra. Người ta đặt ra câu hỏi Thế nào là một người bình thường? Những ai có quyền cho mình là Bình thường và gán vào người khác những thứ danh từ bất thường khác?

“Tôi là Marina”

Trong phim, có lẽ không dưới mười lần, Marina đã nói câu này. “Tôi là Marina”. Chỉ là một lời chào hỏi xã giao nhưng với cô lại như lời tuyên ngôn mạnh mẽ nhất. Đó là sự khẳng định bản thân, khẳng định con người của Marina với tư cách Một người đàn bà.

Sau cái chết của Orlando, tất cả mũi tên “sỉ nhục” không ngừng nhắm vào Marina. Đầu tiên là ông bác sỹ đã cấp cứu cho Orlando và cái nhìn kì dị đầy hoài nghi dành cho cô. Chính ông ta đã báo cảnh sát về sự việc vì có vẻ như ông ta không thể tin người đàn bà với vẻ ngoài hơi quái lạ kia. Rồi đến viên cảnh sát điều tra cũng gọi Marina là “Anh” khi xem giấy tờ tùy thân của cô và dò xét như thể cô là thủ phạm giết bạn trai.

Chưa hết, người ta thấy nặng nề nhất vẫn là con trai của Orlando và Sonia – vợ cũ của ông – với những lời lẽ phỉ báng xúc phạm vô cùng tồi tệ. Không chỉ đuổi Marina ra khỏi căn hộ mà cô cùng Orlando đang chung sống, người con trai đã nhìn thẳng mặt cô mà nói rằng bản thân anh ta không biết cô là cái giống gì. Những giận dữ, căm hờn ghen tuông cũng khiến Sonia cấm Marina tới đám tang của Orlando, thậm chí, còn ví cô với một loài quái vật trong truyền thuyết đuôi rắn, mình dê và đầu sư tử, là một giống loài dị bản, một kẻ quái thai. Họ đòi lại xe hơi, đòi lại nhà, họ không coi Marina là một phần trong cuộc đời của Orlando, hay, họ còn không coi cô là một Người bình thường.  

Sự xúc phạm tiếp tục được đẩy lên cao trào khi Sonia thuê thám tử tư điều tra về Marina và Orlando, để rồi người nữ thám tử tư này đã ép Marina phải chụp ảnh khỏa thân với lý do để phục vụ điều tra. Không một chút cảm xúc, một giây cảm thông nào xuất hiện trên gương mặt người nữ thám tử khi Marina ngượng nghịu cởi bỏ váy áo. Thay vào đó, người đàn bà được coi là “bình thường” kia, bằng con mắt vô cùng tò mò, đã nhìn người “không bình thường” như cô để rồi được một cái quyền gọi là Phán xét.

Sức phản kháng tất nhiên bật lên trong Marina, không phải vì cô không thể chịu được sự sỉ nhục mà là vì cô quá yêu Orlando. Bất chấp những lời cấm cản của Sonia và gia đình, Marina vẫn có mặt trong lễ tang Orlando. Cô bị con trai của ông và những người bạn ép phải lên ô tô với họ. Đám thanh niên đã dùng băng dính quấn vòng quanh mặt Marina rồi đẩy cô xuống đường.

Đây là lúc những nhà làm phim đã đưa ra một hình ảnh mang tính biểu trưng vô cùng ý nghĩa khi Marina lảo đảo bước đi trên đôi giầy cao gót, vừa khóc vừa nhìn gương mặt bị méo mó dị dạng dưới lớp băng dính dán chặt quanh đầu. Cô gỡ chúng ra. Những giọt nước mắt rơi. Cô, trong mắt họ, chỉ như thế thôi, dị dạng và không bình thường.

Không gục ngã

“Những điều không đánh gục được mình thì sẽ làm mình mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn”. Đó là điều Marina tự nhủ với bản thân. Màn nhảy múa trong quán bar sôi động, với những vũ điệu đẹp đẽ cùng những vũ công chuyển giới mặc đồ lấp lánh, gương mặt Marina được trang điểm đậm, đẹp cùng ánh mắt đầy hi vọng thể hiện khát vọng trong cô quá lớn. Cái khát vọng được làm một người đàn bà bình thường, được khẳng định bản thân và được sống Đúng với mình.

Cũng bởi niềm khao khát ấy, Marina đã đi ngược lại với những định kiến xã hội, quyết tâm từ một người đàn ông, tên là Daniel, trở thành một Marina dũng cảm. Phân đoạn cô ngồi trong chiếc ô tô đang rửa giống như cô đang cố gột sạch đi những bẩn thỉu mà người ta gán cho mình, ở đó, có cả Orlando cùng với cô, đang mỉm cười nơi ghế sau.

Có lúc, Marina tưởng như chỉ có một mình, trên phố. Gió bỗng nổi lên ầm ào, mỗi lúc lại mạnh dần như một cơn bão lớn đang đến. Tất cả đều có thể bị thổi bay. Marina đã giơ tay lên, cô gần như đi ngang, nhưng đôi bàn chân vẫn bước, ngược chiều gió thổi, mạnh mẽ và kiên định.

Hình ảnh mang tính ẩn dụ lớn thứ hai trong phim là khi Marina nằm trên ghế sô pha, khỏa thân và hoàn toàn thư giãn. Cô để chiếc gương tròn nhỏ ở ngay nơi nhạy cảm nhất, chính giữa hai chân mình và ngắm nhìn gương mặt mình phản chiếu trên đó. Có thể nói, đây là lời khẳng định của Marina, cũng là cái nhìn của đạo diễn Sebastian Leilo về câu chuyện mà ông đặt ra. Giới tính của Marina không quan trọng. Quan trọng là cuối cùng cô đã biết mình là ai, mình muốn gì và muốn trở thành gì. Sau mọi nghi hoặc ghét bỏ, sau cả những băn khoăn từ trong sâu thẳm Marina, ánh mắt luôn nhìn thẳng của cô cho thấy cô đã tìm thấy chính mình.  

Những điều làm nên bộ phim

Thành công của một tác phẩm điện ảnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong “Người đàn bà tuyệt vời”, có thể thấy, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ánh sáng, diễn xuất và âm nhạc.

Hầu hết các cảnh quan trọng trong phim đều được quay ngược sáng. Không chỉ tạo hiệu ứng đường viền đẹp đẽ, cách sử dụng ánh sáng này còn phủ lên nhân vật một sự huyền bí, ảo diệu, khó nắm bắt. Sự tương phản mạnh biến đổi giữa phong cách giả tài liệu cho đến cổ điển cùng các tông màu sáng tối lẫn lộn cũng khiến cho bộ phim chứa đầy những hình ảnh kích thích thị giác của người xem  

Thành công thứ hai phải kể đến là diễn xuất xuất thần của Daniela Vega trong vai Marina. Vai diễn này thật sự là đo ni đóng giầy cho cô bởi chính Vega cũng là một người phụ nữ chuyển giới. Đây là một trong những bộ phim hiếm hoi mà người phụ nữ chuyển giới thể hiện vai diễn của mình thay vì một nam diễn viên hóa trang và giả vờ chuyển giới thường thấy. Người ta thấy trong suốt hơn 100 phút phim, Vega đã điều tiết diễn xuất thật nhịp nhàng, khi trầm khi bổng theo cơn sóng tâm lí của Marina.

Không một phút bi lụy hay đau đớn phẫn uất quá đà, Marina của Vega là một người phụ nữ có nhịp thở thật khẽ, ánh mắt sắc sảo mở to, dáng đi vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển đầy sức thuyết phục, cuốn hút từ ngoại hình tới tâm hồn. Nhờ vào vai diễn quá ấn tượng này, Daniela Vega đã liên tục nhận các giải thưởng tại các liên hoan phim lớn như Havana, Palm Springs, đề cử giải Dorina và trở thành người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử được mời làm người dẫn chương trình tại lễ trao giải Oscar lần thứ 90.

Cuối cùng, điều được đánh giá cao trong “Người đàn bà tuyệt vời” chính là âm nhạc. Những thanh âm day dứt của Violin, da diết của Cello, lãng đãng của Harp hay đanh lảnh của piano vang lên thật ngắn, lặp đi lặp lại theo những bước chân của Marina … tạo nên xúc cảm kì lạ hòa quyện với tâm trạng của nhân vật. Bản “You make me feel like a natural woman” vang lên loáng thoáng những phút giây Marina hình dung ra sự đồng hành của Orlando cùng với cô kể cả khi ông đã mất. Và đặc biệt là khúc Aria cuối phim, khi Marina bước lên sân khấu lớn, hát bản “Sposa son Disprezzata”. Ít ai biết, ca khúc này được viết vào thế kỉ 18, thời kì Baroque và chỉ nam giới mới được phép hát.

Marina đứng đó, trong bộ suit, tóc búi cao, cất giọng cao vút thánh thót hát về thân phận người phụ nữ bị khinh miệt nhưng lại vẫn đem lòng yêu và tôn thờ người đàn ông của đời mình. Khúc ca đượm buồn mà lại mang trong nó rất nhiều nội lực, là sức mạnh của một khát khao hạnh phúc rất đỗi bình thường.

Related posts