Ngọc Mai
Thứ Hai tuần này (ngày 1/11), một tổ chức phi lợi nhuận đã tố cáo rằng, Iran đang sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để trốn tránh sự kiểm soát, tăng gấp đôi việc bán dầu thô cho Trung Quốc trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump vẫn đang có hiệu lực.
Tổ chức Đoàn kết chống lại Hạt nhân Iran (United Against Iran Nuclear – UANI) đã phát hành một báo cáo cập nhật vào thứ Hai tuần trước. Họ chỉ ra rằng, đã có sự gia tăng đáng kể trong lượng tàu chở dầu của Iran so với năm ngoái, khi chính quyền Trump gây áp lực tối đa lên quốc gia này.
Theo tổ chức này, vào tháng 11/2020, họ phát hiện khoảng 70 tàu chở dầu, và con số này đã tăng lên 149 chiếc chỉ sau 11 tháng.
Các tàu chở dầu của Iran trốn tránh sự kiểm soát bằng cách liên tục thay đổi hình thức bên ngoài của tàu, tên công ty và chủ sở hữu để có thể neo đậu hợp pháp tại bất kỳ cảng nào.
Tổ chức Đoàn kết chống lại Hạt nhân Iran đã công bố một danh sách đầy đủ tất cả các tên giả được đăng ký bởi hải quân của chính quyền Iran. Ví dụ, một tàu chở dầu của Iran được đăng ký là “Bright Sonia” dưới cờ Panama đã được báo cáo vào tháng 10/2020.
Ngoài ra, theo Washington Free Beacon, các tàu này của Iran cũng lách các lệnh trừng phạt bằng cách tắt các radar trên tàu, về cơ bản khiến các tàu này trở nên vô hình, đó là lý do tại sao chúng được gọi là “hải quân ma”.
Trong ba tháng qua, Trung Quốc nhập khẩu gần 800.000 thùng dầu thô của Iran mỗi ngày, gần gấp đôi lượng dầu nhập khẩu trái phép thời ông Trump còn làm tổng thống.
Syria, Venezuela, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Nga là những điểm đến khác của dầu Iran.
Trong tháng 8, Trung Quốc nhập khẩu gần 868.500 thùng dầu thô của Iran mỗi ngày; trong tháng 9, con số này là hơn 739.200 thùng mỗi ngày.
Từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, ông đã tuyên bố công khai ý định thiết lập lại quan hệ ngoại giao với chế độ Iran và tái tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran. Sự gia tăng đáng kể trong việc Iran bán trái phép dầu thô cho Trung Quốc và các nước khác đồng minh với chế độ Hồi giáo cũng bắt đầu vào tháng 1 năm nay.
Claire Jungman, tác giả của báo cáo Tổ chức Đoàn kết chống lại Hạt nhân Iran, tin rằng sự gia tăng thương mại bất hợp pháp giữa Trung Quốc và Iran có liên quan đến sự không hành động của chính phủ Mỹ.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giấu tên nói với Free Beacon cho biết, chính phủ Hoa Kỳ biết về các giao dịch giữa chế độ Trung Quốc và Iran. Mục tiêu là đàm phán với tất cả các thành viên của thỏa thuận hạt nhân Iran, bao gồm cả Trung Quốc.
Quan chức này cho biết, Trung Quốc “là một đối tác thương mại quan trọng của Iran, vì vậy tất nhiên các cuộc thảo luận của chúng tôi với Trung Quốc về cách tốt nhất để trở lại Kế hoạch hành động toàn diện chung bao gồm thảo luận về việc thực thi các lệnh trừng phạt”.
Tuy nhiên, trong các tuyên bố công khai, chính quyền Biden đã phủ nhận rằng họ sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho đến khi chế độ Hồi giáo cam kết từ bỏ các kế hoạch hạt nhân của mình.
Về thỏa thuận hạt nhân Iran
Năm 2015, cựu Tổng thống Dân chủ Barack Obama đã ký hiệp ước hạt nhân với Iran, trong đó Hoa Kỳ cấp 150 tỷ USD cho Iran để đổi lấy việc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân trong khi được dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế.
Hiệp ước này bị chỉ trích nặng nề vì chính quyền Hồi giáo thậm chí không cho phép các quan chức Mỹ kiểm tra các cơ sở hạt nhân của mình.
Ngoài ra, chính quyền Obama vào thời điểm đó cũng thừa nhận rằng, có khả năng Iran sẽ sử dụng một phần tiền do Mỹ cấp để xây dựng quân đội của mình và tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Năm 2018, cựu tổng thống Donald Trump từ chối gia hạn hiệp ước với cáo buộc rằng, Iran không chỉ không thực hiện đúng cam kết mà còn sử dụng tiền để có thêm uranium nhằm thúc đẩy tham vọng hạt nhân của mình.
Ông Trump cho biết, chính quyền Iran “vẫn là nhà nước bảo trợ khủng bố hàng đầu trên thế giới” và cáo buộc họ cung cấp viện trợ cho Al Qaeda, Taliban, Hezbollah và các mạng lưới khủng bố khác.
Cựu tổng thống đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Iran. Thêm vào đó, ông ký kết các thỏa thuận hòa bình giữa Israel và một số quốc gia đa số theo đạo Hồi.