Thêm 7.988 ca COVID-19, tăng 323 ca
Trong 7.988 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 8/11 có 7.954 ca tại 55 tỉnh thành, tăng 323 ca so với hôm qua, trong đó TP.HCM dẫn đầu số ca trong ngày; 1.073 người khỏi; 67 ca tử vong. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 22.598 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 976.672 ca nhiễm. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM 439.940 ca, Bình Dương 239.728, Đồng Nai 73.142, Long An 35.897, Tiền Giang 18.496 ca.
Hà Nội: Thêm 106 F0, hơn một nửa là ca cộng đồng
Dân Trí – Theo Sở Y tế Hà Nội, trong số 106 ca bệnh ghi nhận hôm nay có: 56 ca cộng đồng , 38 ca tại khu cách ly, 12 ca tại khu phong tỏa.
106 F0 phân bố tại 18/30 quận, huyện: Gia Lâm (29), Ba Đình (18), Hoàng Mai (16), Mê Linh (13), Long Biên (8), Thanh Xuân (4), Đống Đa (3), Cầu Giấy (3), Chương Mỹ (2), Nam Từ Liêm (2); Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Quốc Oai, Thanh Trì, Ứng Hòa (một quận huyện một ca). Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 5.104 ca.
3 nam sinh lớp 8 tử vong dưới nước
Chiều 8/11, trao đổi với Dân Trí, ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 3 học sinh tử vong.
Theo đó, 14h chiều ngày 7/11, một nhóm 4 học sinh lớp 8, Trường THCS Xuân Sơn gồm các em L.C.S., Tr.V.H.N. và L.Kh.N.T. (cùng ở thôn 6, xã Xuân Sinh) và N.A.D. (thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh) rủ nhau đến nhà bạn Lê Tuấn Anh, ở thôn 7, xã Xuân Sinh chơi.
Đến khoảng 15h30 thì nhóm 4 học sinh này đi bộ ra khu vực hồ nước giáp ranh giữa thôn 6 và thôn 15 chơi. Còn Tuấn A. do phải đi đón em gái nên không đi cùng.
Sau khi ra hồ nước thì S. cùng N. và D. xuống hồ nước để chơi, còn T. đứng trên bờ. Một lát sau, T. gọi các bạn nhưng không ai về, nên T. đi về trước. Khi đi được một đoạn đường thì T. đứng lại đợi nhưng không thấy các bạn đâu. Thấy có chuyện chẳng lành, T. về nhà Tuấn A. rồi cùng nhau đi tìm. Do không tìm thấy các bạn ở đâu nên hai em đến nhà S., D. và N. để xem các bạn về chưa.
Thế nhưng, lúc này cả 3 em vẫn chưa về nên người nhà đã chia nhau đi tìm. Khoảng 18h35′, khi người nhà của 3 nạn nhân ra khu vực hồ nước nói trên để tìm kiếm thì tá hỏa phát hiện cả 3 em đã bị đuối nước.
Bắt giám đốc Bệnh viện Thủ Đức
VnExpress – Ông Nguyễn Minh Quân, 48 tuổi, Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức bị cáo buộc thông đồng với doanh nghiệp để mua thiết bị vật tư y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ngày 7/11, ông Nguyễn Minh Quân, 48 tuổi, Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức và Nguyễn Văn Lợi (35 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu.
Động thái này được nhà chức trách đưa ra sau quá trình điều tra, xác định ông Quân đã thông đồng, cấu kết với Lợi để thực hiện trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP. Thủ Đức. Hành vi này được cho là “gây thiệt hại nghiêm trọng” tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, sai phạm cụ thể của ông Quân chưa được công bố. Ngoài hai bị can trên, Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án.
Đại biểu: “Chỉ một cơn dịch qua thôi là hệ thống điều trị của chúng ta tan tác hết!”
Tuoitre – Bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội thuộc đoàn TP.HCM hôm 8/11 cho rằng, cần nhìn nhận lại hệ thống điều trị của Việt Nam qua “phép thử” là đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa rồi.
Về hệ thống điều trị, đây cũng là một phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thực sự của chúng ta như thế nào. Chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết!
Coi như chúng ta chỉ tập trung vào việc phòng dịch COVID này, để cấp cứu cái này mà không đủ nữa, còn những cái căn bệnh khác…
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể về kinh tế – xã hội, bà Lan cho rằng không có sự rạch ròi giữa ngân sách và bảo hiểm, cùng với việc cơ chế đấu thầu không áp dụng cho các bộ “test kit COVID-19” dẫn đến việc loạn giá xét nghiệm.
“Chúng ta cho rằng, hễ COVID thì có nhà nước và ngân sách lo, nhưng cái phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng, cho nên các bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán chi phí điều trị.
Ngoài ra, dù hệ thống y tế công lập bị quá tải nhưng lực lượng y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời và chưa có cơ chế để họ tham gia vào việc phòng chống dịch, cũng theo bà Lan “tất cả những gì chúng ta phải trả giá trong thời gian vừa qua chính là cái hệ quả để lại khi mà hệ thống y tế của chúng ta chưa đủ mạnh, mà chưa đủ mạnh bên cạnh cái lỗi của mỗi người là lỗi chủ quan, còn có lỗi của chủ trương và chính sách”.
“Chúng ta có thực sự ưu tiên cho y tế hay giáo dục?” – Đại biểu Quốc hội làm tới khóa thứ 3 đặt câu hỏi.
Hệ thống y tế cơ sở cũng là một “bài học xương máu” được bà Phạm Khánh Phong Lan nhắc tới khi cho rằng, hệ thống này dàn trải và không được đầu tư đúng mức về kinh phí và cả về nhân lực.
“Cách đây mười mấy năm, từ các trung tâm y tế của các quận huyện chúng ta chia ra thành 3 phần là bệnh viện, trung tâm y tế và phòng y tế. Chúng ta có cái gì?
Chúng ta có một cái bệnh viện chưa đến mức là bệnh viện, chúng ta có trung tâm y tế dự phòng què quặt và chúng ta có phòng y tế chỉ làm được công tác hành chính, đó là tôi nhớ từ hồi 2006-2007.” – Phó Chủ tịch Hội đông y TP.HCM cho hay đến vừa qua tình trạng này vẫn còn khi bệnh viện và trung tâm y tế lại thuộc Sở Y tế dẫn đến khó khăn cho địa phương.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có hơn 950.000 ca nhiễm COVID-19, hơn 22.000 người qua đời, chỉ riêng TP.HCM thì số ca tử vong đã gần 17.000 người.
Đánh giá về công tác phòng chống dịch, nhìn nhận ở góc độ thực thi công vụ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, chỉ ra trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn thì một bộ phận cán bộ cơ sở còn còn chủ quan, bị động.
“Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn.”, bà Hoa dẫn chứng việc cán bộ đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực, việc cán bộ coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu…
Cũng có nơi còn quá cứng nhắc, thô bạo, lạm quyền trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận như việc một số cán bộ địa phương vào nhà dân, bắt ép phụ nữ làm xét nghiệm COVID-19.