Trung Quốc lấy mô hình tàu sân bay Mỹ làm mục tiêu tập trận tên lửa
Thùy Dương
Quân đội Trung Quốc đã xây dựng mô hình một tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ và nhiều tàu chiến Mỹ trên sa mạc Taklamakan ở vùng Tân Cương. Hình ảnh vệ tinh của Maxar, công bố hôm Chủ Nhật 08/11/2021, cho biết như trên. Theo Viện Hải Quân Mỹ, các mô hình này có thể đã được Trung Quốc dùng làm mục tiêu thực hành diễn tập phóng tên lửa.
Theo hãng tin Anh Reuters, những mô hình này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực chống tàu sân bay, đặc biệt là chống lại Hải quân Hoa Kỳ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington vẫn nghiêm trọng trong các hồ sơ Đài Loan và Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy mô hình có đường nét của 1 tàu sân bay Hoa Kỳ và ít nhất 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã được dựng trên sa mạc Taklamakan. Các hình ảnh cũng cho thấy một hệ thống đường ray rộng 6 mét, gắn trên đó là một mô hình có kích cỡ bằng một con tàu. Các chuyên gia cho rằng mô hình phức hợp này có thể được sử dụng để mô phỏng một con tàu đang chuyển động.
Viện Hải quân Hoa Kỳ trích dẫn công ty phân tích thông tin tình báo không gian địa lý All Source Analysis, theo đó mô hình phức hợp này đã được quân đội Trung Quốc sử dụng làm mục tiêu để thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Các chương trình tên lửa chống hạm của Trung Quốc do Lực Lượng Tên Lửa Quân Giải Phóng Nhân Dân (PLARF) giám sát. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hiện chưa hồi đáp yêu cầu bình luận về thông tin nói trên.
Theo báo cáo quân sự thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc, lần bắn đạn thật đầu tiên tại Biển Đông của Lực Lượng Tên Lửa Quân Giải Phóng Nhân Dân của Trung Quốc đã được tiến hành vào tháng 07/2020. 6 tên lửa đạn đạo chống hạm (DF-21) được phóng ra vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Đài Loan và 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định các cuộc thử nghiệm trên biển có thể đã cho thấy Trung Quốc « vẫn còn xa mới chế tạo ra được một tên lửa ASBM chính xác ». Ông không cho là các mô hình tàu Mỹ mà Trung Quốc dựng ở sa mạc là phục vụ thử nghiệm ở giai đoạn cuối, tức là Trung Quốc còn cần thêm các bước cải tiến, bởi một vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm được tiến hành trên sa mạc sẽ không phản ánh các điều kiện thực tế của môi trường biển, nhưng sẽ cho phép Trung Quốc hướng đến các cuộc thử nghiệm thành công hơn.
Thế nhưng, chuyên gia Collin Kohcũng lưu ý đối với Bắc Kinh, cách tốt nhất để tránh thu hút sự chú ý của quân đội và tình báo Mỹ là thử nghiệm trên đất liền. Đó là chưa kể các nước láng giềng của Trung Quốc, vốn lo ngại về tên lửa của Bắc Kinh, có thể sẽ phản đối các vụ thử nghiệm trên biển. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 07/2021 tuyên bố là Mỹ sẽ bảo vệ Philippines, nếu nước này bị Trung Quốc tấn công ở biển Đông và cảnh báo Bắc Kinh nên ngưng « hành vi khiêu khích ».
COP26: Biến đổi khí hậu có thể cướp đi 80% thu nhập tại các nước nghèo nhất
Thanh Hà
Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, Anh Quốc, bước vào tuần lễ thứ nhì. Mọi chú ý tập trung vào câu hỏi làm thế nào để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất thế giới đối mặt với thách thức Trái đất bị hâm nóng. Tổ chức phi chính phủ Christian Aid báo động khí hậu là thảm họa dẫn đến sự “sụp đổ kinh tế” đối với nhiều nước.
Báo cáo của hiệp hội phi chính phủ Christian Aid, quy tụ hơn 40 tổ chức Thiên Chúa Giáo tại Anh Quốc, được công bố hôm 08/11/2021, dự báo thu nhập đầu người tại những nước nghèo, chủ yếu là các đảo quốc có nguy cơ giảm đi “19,6 % từ nay đến năm 2050 và sẽ mất đi gần 64 % so với hiện tại vào cuối thế kỷ này, nếu như quốc tế dửng dưng trước nhu cầu cấp bách chống Trái Đất bị hâm nóng”. Ngược lại nếu như giữ được nhiệt độ của Trái đất tăng 1,5°C, thiệt hại nói trên theo thứ tự sẽ là 13 % và 33 %. Tổ chức phi chính phủ Christian Aid nghiên cứu 65 nước trong tổng số các quốc gia tham dự COP26 tại Glasgow lần này.
Tuy nhiên đáng lo ngại hơn cả, là nền kinh tế của “6 trong số 10 quốc gia bị tác động nhiều nhất” có nguy cơ “sụp đổ”. Biến đổi khí hậu có thể cướp đi đến 80 % thu nhập bình quân đầu người từ nay cho đến cuối thế kỷ tại những nước này. Châu Phi bị nặng nhất. Thí dụ, theo dự phóng của tổ chức Christian Aid, thu nhập bình quân đầu người ở Sudan, đến năm 2050, sẽ giảm đi từ 22 đến 34 % so với hiện tại tùy theo “yếu tố” thời tiết. Thiệt hại sẽ lên tới từ hơn 51 % đến 84 % đến cuối thế kỷ này.
Châu Mỹ Latinh cũng bị tác động không kém. Suriname và Guyana sẽ là những khu vực đang chịu áp lực rất lớn. Tại hội nghị Glasgow, tổ chức Christian Aid nhấn mạnh : trước những “thiệt hại khổng lồ về mặt kinh tế nói trên, nhu cầu hỗ trợ các nước nghèo càng khẩn cấp hơn bao giờ hết. Lãnh đạo các nước giàu không thể chần chừ”.
Khí hậu: Bắc Kinh thừa nhận “đường còn dài”, Úc báo trước vẫn khai thác than
Trung Quốc là nguồn thải khí carbone lớn nhất thế giới. Trước thềm hội nghị Glasgow, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ “trung hòa khí thải gây hiệu ứng lồng kính trước năm 2060”. Tuy nhiên hôm 07/11/2021, chính phủ Trung Quốc nhìn nhận trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, “đường còn dài”. Trong khi đó tại Canberra, chính phủ Úc khẳng định “tiếp tục bán than đá trong nhiều thập niên nữa”. Trả lời đài truyền hình ABC, bộ trưởng bộ Tài Nguyên Keith Pitt tuyên bố “than đá của Úc có chất lượng cao nhất trên thế giới”, do vậy Canberra sẽ không đóng cửa các mỏ than hay các nhà máy điện sử dụng than đá. Đây vẫn là nguồn năng lượng của thế giới và nhu cầu tiêu thụ, theo ông, sẽ tiếp tục tăng thêm cho đến tận năm 2030.
Trung Quốc và Úc từ chối tham gia thỏa thuận ngừng khai thác than đá vừa được khoảng 40 quốc gia cam kết nhân hội nghị chống biến đổi khí hậu ở Glasgow.
Tuần đầu tiên COP26: Nhiều cam kết mạnh mẽ vì khí hậu, giới môi trường kêu gọi thận trọng
Trọng Thành
COP26, Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Anh, vừa khép lại tuần làm việc đầu tiên (31/10 – 06/11/2021). Nước Anh, quốc gia chủ nhà COP26, tỏ ra vui mừng với nhiều cam kết quy mô vì khí hậu, cho phép mang lại hy vọng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà hoạt động môi trường, hiện còn quá sớm để đánh giá tác động thực sự của các cam kết mới.
Hãng tin Pháp AFP hôm 07/11/2021, dẫn lời một người phát ngôn của ban tổ chức COP26, sau tuần làm việc đầu tiên của Hội nghị khí hậu, theo đó trong tuần lễ vừa qua « đã có một sức bật thực sự của các hành động vì khí hậu ». Nước Anh chủ nhà quảng bá rầm rộ cho hình ảnh của quốc gia tiên phong trong cuộc chiến khí hậu, với các kế hoạch loại trừ than đá, xe hơi chạy xăng, bảo vệ rừng, đầu tư tài chính cho một thế giới không phát thải.
Tuy nhiên, đối với ông Mohamed Adow, phụ trách nhóm tư vấn về khí hậu của Power Shift Africa, ở Nairobi, rõ ràng có « hai hiện thực », một bên là « các tuyên bố với báo chí của chính phủ Anh, nhấn mạnh đến hàng loạt các sáng kiến, tạo ấn tượng là mọi việc đang đi theo hướng đúng, và chúng ta gần như đã giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu », và bên kia là thực tại trần trụi, « hoàn toàn nằm ngoài thế giới khép kín của các hoạt động truyền thông chính thức ».
Nhiều cam kết gây ấn tượng
Nhiều cam kết gây ấn tượng đã được đưa ra trong những ngày đầu tiên của hội nghị, như cam kết của hơn 100 nước giảm 30% khí thải mê-tan trước 2030, loại khí hâm nóng Trái đất mạnh gấp hàng chục lần so với khí cacbon. Thêm nhiều quốc gia đưa ra cam kết trung hòa về khí thải. Theo chính phủ Anh, các quốc gia quản lý 85% diện tích rừng nhiệt đới khẳng định sẽ chấm dứt nạn phá rừng trước năm 2030… Cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Anh, Mark Carney, thông báo một quỹ « trung hòa về khí thải » có thể huy động được sự đóng góp của hàng trăm đại gia, với tổng số tài sản tài chính lên đến 130.000 tỉ đô la.
Giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (AIE), Faith Birol, đã nhanh chóng bảo đảm là, theo các tính toán của AIE, tính tổng cộng các cam kết mới, nhiệt độ Trái đất có thể giữ ở mức không tăng quá 1,8°C. Trong nhiều cuộc họp báo, nhiều quan chức Anh ca ngợi các nỗ lực quốc tế, và con số 1,8°C đầy hy vọng.
« Mục tiêu 1,8°C » của AIE thiếu cơ sở
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về môi trường cũng ngay lập tức bác bỏ dự báo của giám đốc AIE. Hiệp hội Climate Analytics nhận định kịch bản mà AIE đề xuất « hoàn toàn không tương thích với mục tiêu về dài hạn của Hiệp định Khí hậu Paris 2015 ». Chuyên gia môi trường Simon Lewis, đại học College Luân Đôn, cảnh báo cần xem xét tính toán của AIE một cách « thận trọng ». Hoàn toàn thiếu các cam kết cụ thể cho phép biến các mục tiêu đầy tham vọng trở thành hiện thực, cụ thể trong lĩnh vực bảo vệ rừng, là nhận định của chuyên gia Damian Fleming của WWF (Quỹ Thiên Nhiên Thế Giới). Trong số 32 quốc gia sở hữu rừng lớn nhất hành tinh, mới chỉ có Ấn Độ là đưa ra được các cam kết cụ thể. Về mặt đầu tư tài chính, nhiều nhà quan sát cũng chỉ ra là, nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm, các quỹ tài chính chỉ cần tuyên bố đầu tư một phần tiền nhỏ cho các « dự án xanh » để có được danh hiệu là thân thiện với môi trường, vì khí hậu, trong lúc vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho các năng lượng hóa thạch.
Trên thực tế, Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế không phải là định chế có thẩm quyền trong lĩnh vực này. Hôm 04/11, cơ quan phụ trách Khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một tổng hợp sơ bộ về tác động của các cam kết mới. Theo tính toán này, tổng cam kết mới cho thấy khí thải – cho dù dự kiến sẽ được cắt giảm khá mạnh – vẫn sẽ tăng 13,7% vào năm 2030 (so với 2010), trong lúc phải giảm đến 45% mới cho phép giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C. Theo Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của các biện pháp mới đưa ra.
Tuần lễ thứ hai sẽ không dễ dàng
Kể từ ngày mai, 08/11, Hội nghị COP26 bước vào tuần làm việc thứ hai. Chủ tịch COP26, Alok Sharma, thừa nhận là “tuần lễ thứ hai sẽ không dễ dàng: đã có những tiến bộ, nhưng không đủ. Nếu như có một khoảng cách vào cuối hội nghị, giữa các cam kết với mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris, cộng đồng quốc tế sẽ phải quyết định làm cách nào để có thể lấp đầy khoảng cách này trong những năm tới”.
Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: Hội đồng Giám mục Pháp sẽ bồi thường các nạn nhân
Thanh Phương
Một tháng sau khi Ủy ban độc lập về lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp công bố một báo cáo gây sốc, hôm nay, 08/11/2021, tại thành phố thánh địa Lourdes, trong một cuộc bỏ phiếu kín, Hội đồng Giám mục Pháp đã thông qua các nghị quyết về việc thực hiện các khuyến cáo của ủy ban này, trong đó có việc bồi thường các nạn nhân.
Theo báo cáo của Ủy ban độc lập về lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, từ thập niên 1950, đã có 330.000 người là nạn nhân lạm dụng tình dục trong Giáo hội, khi họ còn là vị thành niên. Thủ phạm là các linh mục, tu sĩ hoặc những người có liên hệ với Giáo hội.
Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu kết thúc cuộc họp, chủ tịch Hội đồng Giám mục Eric de Moulins-Beaufort thông báo là các giám mục đã quyết định thành lập một cơ chế quốc gia đặc trách việc bồi thường các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Đứng đầu cơ chế này là bà Marie Derain de Vauvresson, nguyên là một nhà bảo vệ trẻ em.
Để có nguồn tài chính cho quỹ bồi thường các nạn nhân, các giám mục đã quyết định sẽ bán những tài sản của Hội đồng giám mục và của các giáo xứ, và nếu cần sẽ vay tiền.
Đức cha Eric de Moulins-Beaufort còn cho biết các giám mục đã xin giáo hoàng giúp họ bằng cách gởi một người đáng tin cậy đến để xem xét cách thức mà họ đối xử với những nạn nhân lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội, cũng như với những thủ phạm.
Thứ Sáu tuần trước, 120 giám mục họp ở Lourdes đã nhìn nhận « trách nhiệm về mặt định chế » của Giáo hội Pháp trong các vụ lạm dụng tình dục « mang tính hệ thống » do các linh mục, tu sĩ gây ra.
Theo lời đức cha de Moulins-Beaufort, việc nhìn nhận trách nhiệm này có nghĩa là Giáo hội phải có bổn phận thực thi công lý và bồi thường cho các nạn nhân.
Covid-19: Số ca nhiễm mới kỷ lục, Đức thắt chặt biện pháp hạn chế
Thùy Dương
Chính quyền Đức lo ngại về đà lây nhiễm virus corona trong nước. Chỉ số về số ca nhiễm mới ở Đức trong 1 tuần qua là hơn 200 ca trên 100.000 dân, theo công bố của Viện giám sát y tế Đức Robert Koch hôm nay 08/11/2021. Đây là chỉ số cao nhất tính từ khi đại dịch bùng lên ở Đức đầu năm 2020.
Riêng tại bang Saxe, ở phía đông, chỉ số ca nhiễm mới trên 100.000 dân đã lên tới 491,3, cao gấp 2,5 lần chỉ số trung bình của cả nước. Theo AFP, để hạn chế đà lây lan chóng mặt của virus corona trong vùng, những người chưa tiêm phòng sẽ phải chịu các biện pháp hạn chế mới kể từ thứ Hai 08/11.
Trêng quy mô toàn quốc, chỉ những ai đã chủng ngừa xong hoặc chứng minh được là đã nhiễm Covid-19 và đã lành bệnh, mới được ngồi ăn bên trong nhà hàng hoặc tham dự các sự kiện được tổ chức trong không gian khép kín. Những quy định hạn chế nói trên là những biện pháp hạn chế mạnh nhất được áp dụng tại Đức. Chỉ trẻ em và những người trưởng thành không thể tiêm chủng với lý do y tế mới được miễn trừ quy định nói trên.
Nhà chức trách Đức trong những ngày qua đã kêu gọi người dân tích cực chủng ngừa Covid-19, bởi cho đến nay tỉ lệ người tiêm chủng đủ liều ở Đức vẫn chưa đạt 70%. Hôm thứ Tư 03/11, lãnh đạo Viện giám sát y tế Đức Robert Koch cảnh báo những ai chưa tiêm ngừa, có nhiều nguy cơ là họ sẽ nhiễm virus corona trong những tháng tới.
Pháp: Học sinh tiểu học ở 39 tỉnh phải đeo khẩu trang trở lại
Tại Pháp, mặc dù tình hình chưa nghiêm trọng như ở nước láng giềng Đức, nhưng dịch bệnh cũng có chiều hướng tăng mạnh trở lại trong những ngày qua. Theo quyết định của chính phủ, kể từ hôm nay 08/11, học sinh bậc tiểu học tại 39 tỉnh phải đeo khẩu trang khi đi học. Quy định này được áp dụng ở các tỉnh trong vòng 5 ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới vượt quá 50 ca/trên 100.000 dân.