BELGRADE – Cách những lò luyện lớn của nhà máy thép thuộc sở hữu của Trung Quốc ở thành phố Smedrevo, miền trung Serbia vài trăm mét là ngôi làng Radinac đang bị bao phủ trong lớp bụi đỏ dày đặc. Tỷ lệ ung thư đã tăng gấp bốn lần chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên, và người dân muốn nhà máy này phải dọn sạch ô nhiễm hoặc đóng cửa.
Nói chuyện qua một chiếc máy giả giọng nói sau khi trải qua phẫu thuật cắt bỏ thanh quản, ông Zoran, 70 tuổi, một bệnh nhân ung thư vòm họng cho biết, người dân nơi đây phải phơi quần áo trong nhà và dùng giấm để lau bụi trên xe hơi của họ.
“Nước không thể rửa sạch bụi,” ông nói. “Chúng tôi không ra ngoài. Chúng tôi không dám.”
Theo dữ liệu từ cơ quan y tế công cộng Smederevo, mà một cơ quan giám sát có tên là Tvrdjava thu thập được thông qua một yêu cầu tự do thông tin và chia sẻ với Reuters, thành phố có khoảng 100,000 dân này đã ghi nhận 6,866 ca ung thư vào năm 2019, tăng từ mức 1,738 ca vào năm 2011.
Nhà máy trên cho biết họ đã đầu tư 347.3 triệu USD vào công nghệ và giảm thiểu ô nhiễm kể từ khi nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, Hesteel, mua nhà máy này từ nhà nước Serbia với giá 53 triệu USD năm năm về trước.
“Tất cả chúng tôi đều là công dân của Smederevo…. Liệu chúng tôi có làm việc bất chấp sự ô nhiễm, chống lại chính chúng tôi và con em chúng tôi không?” người quản lý phụ trách bảo vệ môi trường của nhà máy, bà Ljubica Drake, cho biết trong một tuyên bố với Reuters.
Bà Drake cho biết ba cơ sở sản xuất mới sẽ giảm thiểu đáng kể ô nhiễm sau khi hoàn thành vào năm 2022. Bà nói rằng việc kết luận tỷ lệ ung thư cao hơn do hoạt động của nhà máy là “không đúng”, đồng thời cho biết thêm rằng các căn bệnh này có thể là kết quả của việc NATO ném bom Serbia vào năm 1999 trong một cuộc chiến ở Kosovo.
Nhưng các nhà hoạt động nói rằng nhà máy này là một ví dụ về việc các công ty công nghiệp do Trung Quốc sở hữu phớt lờ các tiêu chuẩn ô nhiễm.
Ông Nikola Krstic, người đứng đầu Tvrdjava, một nhóm hoạt động vì môi trường có tên là Pháo Đài, cho biết một phân tích về bụi đỏ hồi tháng Chín cho thấy nồng độ kim loại nặng cao.
“Chất lượng không khí trong thị trấn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn Âu Châu trong 120 ngày mỗi năm,” ông nói với Reuters. “Bụi đỏ trơn nhờn, chúng dính vào phổi và gây khó thở.”
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ euro vào Serbia, một ứng cử viên sẽ gia nhập EU nhưng có mối bang giao không mấy êm đẹp kéo dài hơn hai thập niên với phương Tây sau khi các cuộc chiến xảy ra từ sự tan rã của Nam Tư, quốc gia theo đuổi mối liên hệ thân mật với Bắc Kinh.
Các nhà chức trách ở Belgrade cho biết họ đã sẵn sàng để thách thức các công ty do Trung Quốc sở hữu vì gây ô nhiễm môi trường.
Hồi tháng Tư, chính quyền Serbia đã ra lệnh cho Tập đoàn Khai thác Tử Kim (Zijin) của Trung Quốc tạm thời dừng một số hoạt động tại mỏ đồng duy nhất của nước này do không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Tập đoàn này cho biết họ sẽ nhanh chóng khắc phục tất cả các vấn đề và mỏ đã được phép hoạt động trở lại. “Không chỉ những người gây ô nhiễm phải bị phạt, … nếu họ không thể giảm thiểu ô nhiễm … họ phải ngừng hoạt động,” ông Zorana Mihajlovic, bộ trưởng khai thác và năng lượng của Serbia, nói với Reuters vào tuần trước.
An Nhiên biên dịch