Châu Âu cảnh báo về sự can thiệp của Trung Quốc
Các nhà lập pháp châu Âu cảnh báo Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng đến quy trình dân chủ ở EU, trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc có hành động can thiệp chính trị nội khối.
Tại phiên điều trần ở Brussels, Bỉ hôm 9/11, ủy ban đặc biệt xem xét sự can thiệp từ bên ngoài và thông tin sai lệch tại Nghị viện châu Âu đã thúc giục Liên minh châu Âu hành động nhiều hơn để chống lại mối đe dọa đến từ Bắc Kinh.
Khuyến nghị được đưa ra sau khi ủy ban cử phái đoàn đến Đài Bắc vào tuần trước để “nghiên cứu kinh nghiệm của Đài Loan trong việc giải quyết chiến dịch can thiệp và thao túng”.
Bản dự thảo báo cáo dài 33 trang của ủy ban có 40 phần đề cập đến Trung Quốc – nhiều gấp đôi phần của Nga, vốn từ lâu thống trị cuộc tranh luận về sự can thiệp của nước ngoài và thông tin sai lệch ở Brussels và thủ đô các nước châu Âu.
Tác giả chính của báo cáo, cựu Ngoại trưởng Latvia Sandra Kalniete, cho biết EU đã không theo kịp công nghệ tinh vi của đối thủ, sử dụng phép so sánh “xe đua với tàu tên lửa” trong nỗ lực ngăn chặn của khối.
Bà kêu gọi EU tạo ra chế độ trừng phạt cụ thể liên quan đến “những chiến dịch can thiệp và sai lệch thông tin từ nước ngoài do các tổ chức nhà nước dàn dựng”.
Báo cáo đặc biệt đề cập tới Viện Khổng Tử tại các trường đại học châu Âu. Các nhà lập pháp nói rằng những cơ sở này thực hiện “kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả chủ đề liên quan đến Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy”, cũng như cho phép “đánh cắp kiến thức khoa học” trên khắp 200 tổ chức tương tự ở châu Âu.
Viện Khổng Tử là trung tâm ngôn ngữ và văn hóa được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Các viện này bị phương Tây cáo buộc là công cụ của Bắc Kinh để can thiệp vào các nước.
Năm 2020, EU từng giảm bớt chỉ trích trong báo cáo tương tự vì lo ngại Bắc Kinh sẽ trả đũa bằng cách giữ lại nguồn cung cấp y tế.
Ban đầu, báo cáo ghi Trung Quốc đang thực hiện “chiến dịch sai lệch thông tin toàn cầu” bằng cách sử dụng “chiến thuật công khai và bí mật” để né tránh việc bị đổ lỗi cho sự bùng phát đại dịch Covid-19. Phần này sau đó đã bị xóa đi khi Bắc Kinh can thiệp và cảnh báo các nhà ngoại giao EU tại Trung Quốc sẽ lãnh “những hậu quả không xác định”.
COP26 : Sáu hãng xe hơi cam kết ngừng sản xuất xe xăng dầu từ đây đến 2040
Thanh Phương
Theo thông báo của nước chủ nhà Anh Quốc, hôm nay, 10/11/202, tại hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, 6 hãng xe hơi lớn sẽ cam kết dần dần ngưng sản xuất các loại xe chạy bằng nhiên liệu xăng dầu trên thế giới từ đây đến năm 2040, trong khuôn khổ các nỗ lực toàn cầu nhằm làm giảm lượng khí phát thải carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, các nguồn tin do Reuters trích dẫn cho biết là một số hãng xe hơi lớn, trong đó có hai hãng hàng đầu thế giới là Toyota và Volkswagen, cũng như một số hãng tại những thị trường xe hơi lớn nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đức sẽ không tham gia cam kết nói trên.
Sáu hãng tham gia ký kế hoạch dần dần ngưng sản xuất xe xăng dầu từ đây đến năm 2040 là Volvo, Ford, General Motors, Mercedes Benz, BYD và Jaguar Land Rover. Riêng hãng Volvo của Thụy Điển đã cam kết sẽ chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện từ đây đến năm 2030.
Trong thông cáo nói trên, Anh Quốc, nước đón tiếp hội nghị COP26, cũng cho biết là có thêm 4 nước, trong đó có New-Zealand và Ba Lan, tham gia vào danh sách các nước đã cam kết chấm dứt việc sản xuất xe xăng dầu từ đây đến năm 2040 hoặc trước đó.
Liên Hiệp Quốc: Cam kết mới về khí hậu không đáng kể
Cũng tại hội nghị COP26, hôm qua, giám đốc Chương trình Liên Hiệp Quốc về môi trường (PNUE) Inger Andersen lấy làm tiếc là những cam kết mới về khí hậu của các quốc gia chỉ nâng cao chút ít cơ may của nhân loại ngăn chận sự hâm nóng bầu khí quyển Trái đất. Bà kêu gọi các nước nên có những cam kết mạnh hơn từ đây đến khi kết thúc hội nghị.
Covid-19: Pháp thắt chặt biện pháp phòng dịch đối phó với đợt thứ 5
Thu Hằng
Hàng loạt biện pháp phòng dịch mới sẽ được áp dụng tại Pháp để đối phó với đợt dịch thứ 5 đang gia tăng. Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 09/11/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh đến việc tiêm vac-xin nhắc lại đối với người cao tuổi. Việc kiểm tra “chứng nhận y tế” cũng sẽ được thắt chặt trong thời gian tới.
Kể từ ngày 15/12, những người trên 65 tuổi phải tiêm mũi ba để giữ “chứng nhận y tế”. Chiến dịch tiêm nhắc lại cũng được bắt đầu ngay từ đầu tháng 12 đối với những người từ 50 đến 64 tuổi. Theo AFP, thông báo của tổng thống Pháp gần như có hiệu quả ngay lập tức. Chỉ trong 1 tiếng sau bài diễn văn, trang Doctolib, chuyên đặt hẹn khám bệnh, đã ghi nhận thêm 100.000 cuộc hẹn tiêm chủng mới, so với 80.000 của cả ngày hôm trước.
Theo tổng thống Macron, “tỉ lệ nhiễm mới tại Pháp tăng 40% trong vòng 1 tuần là dấu hiệu báo động”. Ngoài ra, hơn 80% bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nguy kịch đều trên 50 tuổi, trong khi hiện chỉ có chưa đầy một nửa số người thuộc diện ưu tiên (3,4 triệu trên tổng số 7,7 triệu) đã tiêm nhắc lại.
Trả lời đài Europe 1 sáng 10/11, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin cũng cho biết đã yêu cầu các tỉnh trưởng, cảnh sát, hiến binh tăng cường kiểm tra “chứng nhận y tế” sau một thời gian bị cho là bị lơ là với số cuộc kiểm tra giảm đi gần một nửa, “trong tháng 9, đã có 50.000 người và gần 8.000 cơ sở bị kiểm tra hàng tuần”.
Biện pháp thứ hai là bắt buộc đeo khẩu trang trong trường tiểu học được áp dụng trên toàn quốc (thay vì tại 61 tỉnh, kể cả ở hải ngoại, như trước đây) kể từ thứ Hai 15/12. Trước đó, vào cuối tháng 09, chính phủ thông báo học sinh tiểu học tại những tỉnh ít bị dịch ảnh hưởng không phải đeo khẩu trang.
Warsaw tố cáo thổng thống Putin điều khiển khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan- Belarus
Anh Vũ
Theo AFP, giữa lúc cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới với Belarus lên cao, thủ tướng Ba Lan ngày 09/11/2021 tố cáo đích danh tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo làn sóng di dân từ Belarus đổ sang Ba Lan gây mất ổn định Liên Hiệp Châu Âu.
Những tố cáo trên được lãnh đạo chính phủ Ba Lan đưa ra giữa lúc ở biên giới Balarus-Ba Lan, hàng nghìn người nhập cư đang bị mắc kẹt không có lối thoát giữa trời giá lạnh, nguy cơ xung đột tăng lên cùng với việc Vacxava điều động một lực lượng lớn quân đội đến biên giới.
Tại một cuộc họp khẩn cấp của Nghi Viện, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko ‘là người thực thi đợt tấn công mới đây, nhưng người điều hành ông ta ở tại Matxcơva và người điều hành đó chính là tổng thống Putin”.
Lãnh đạo chính phủ Ba Lan khẳng định: “Những di dân từ Trung Đông được đưa đến Belarrus bằng máy bay được sử dụng như là lá chắn sống nhằm làm mất ổn định tình hình Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu (EU). Bảo vệ biên giới Ba Lan tức là bảo vệ sườn đông của NATO và cửa EU”.
Chính quyền Đức, qua lời ngoại trưởng Heiko Maas, tố cáo tổng thống Loukachenko khai thác vấn đề di dân vì mục đích chính trị, đồng thời đề nghị Liên Hiệp Châu Âu có các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus.
Từ nhiều tháng nay, các nước châu Âu vẫn tố cáo ông Alexandre Loukachenko dựng lên cuộc khủng hoảng di dân để trả đũa các trừng phạt của EU đối với Belarus vì các đợt trấn áp đối lập từ sau khi ông Loukachenko tái đắc cử tổng thống năm 2020.
Belarus đã bác bỏ các cáo buộc đồng thời lên án Ba Lan cũng như của Liên Hiệp Châu Âu vi phạm nhân quyền khi không tiếp nhận người nhập cư tị nạn. Ông Lukachenko nhấn mạnh « Belarus sẽ không quỳ gối » trước EU.
Về phần Moscow, ngoại trưởng Serguei Lavrov quy kết là sóng nhập cư này là hậu quả của “các cuộc phiêu lưu” quân sự của phương Tây ở Trung Đông.
Hiện tại hàng nghìn di dân, trong đó có đông trẻ em và phụ nữ, tiếp tục bị kẹt giữa hai bên đường biên giới, trong tình trạng tuyệt vọng, kiệt sức, không đường tiến thoái. Các tổ chức phi chính phủ lo ngại sẽ xảy ra thảm cảnh nhân đạo trong những ngày giá rét mùa đông.
Trung Quốc phản ứng mạnh về chuyến thăm Đài Loan của các nghị sĩ Mỹ
Thanh Phương
Hôm 10/11/2021, Bắc Kinh tuyên bố chuyến viếng thăm Đài Loan của một phái đoàn nghị sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ là vi phạm chính sách Một nước Trung Quốc duy nhất và yêu cầu Mỹ phải ngưng “ngay lập tức” mọi hình thức giao tiếp chính thức với Đài Bắc.
Theo hãng tin Reuters, trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) cho rằng thông đồng với các thế lực đòi độc lập ở Đài Loan là “một trò chơi nguy hiểm”.
Bắc Kinh đã phản ứng như trên sau khi báo chí Đài Loan loan tin một phái đoàn nghị sĩ Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ, đã đến thăm Đài Bắc vào chiều tối hôm qua, trên một chiếc phi cơ quân sự.
Cũng theo Reuters, phản ứng lại chuyến đi của các nghị sĩ Mỹ, hôm qua, quân đội Trung Quốc thông báo đã tiến hành một cuộc tuần tra về hướng Đài Loan, để tập luyện “khả năng sẵn sàng chiến đấu”. Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc cho biết cuộc tuần tra nhằm đáp lại những lời lẽ và những hành động “cực kỳ sai trái” của “các nước có liên quan” về vấn đề Đài Loan và nhằm đáp lại các hoạt động của các thế lực đòi độc lập ở Đài Loan. Hôm qua, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng đã ra tuyên bố lên án chuyến viếng thăm Đài Loan của các nghị sĩ Mỹ trên một phi cơ quân sự.
Trong khi đó, tại Washington, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby hôm qua khẳng định việc sử dụng phi cơ quân sự để chở các phái đoàn nghị sĩ Mỹ đi thăm nước ngoài không phải là điều bất thường.
Khi được hỏi về chuyến đi của phái đoàn nghị sĩ Mỹ, thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Sương (Su Tseng Chang) hôm nay tuyên bố với các phóng viên rằng quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ “rất quan trọng” và ông tôn trọng “các chuyến thăm lẫn nhau giữa bạn bè”.
Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã tăng cao trong những tháng gần đây. Đài Bắc tố cáo là trong hơn một năm qua, các phi cơ của không quân Trung Quốc đã liên tục bay đến gần hòn đảo này. Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, hôm qua, 6 phi cơ quân sự của Trung Quốc, trong đó có 4 chiến đấu cơ J-16, lại xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Trong bối cảnh căng thẳng này, theo hãng tin Taiwan News, bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm qua thông báo đã điều một tàu ngầm đến tham gia tập trận gần đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là đảo Thái Bình) ở Biển Đông.
Mỹ triển khai ‘Vòm sắt’ ở đảo Guam để chặn tên lửa Trung Quốc
Phụng Minh
Quân đội Mỹ đang khai triển và thử nghiệm hệ thống phòng không “Vòm sắt” nhập khẩu từ Israel ở Guam để đánh chặn tên lửa hành trình của quân đội Trung Quốc có thể tấn công Guam trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo nhiều thông tin từ báo chí Mỹ, trong quá trình khai triển hệ thống “Vòm sắt” ở Guam, Mỹ cũng sẽ thử nghiệm tích hợp với các hệ thống phòng không và chống tên lửa khác đã được khai triển ở Guam. Quân đội Mỹ đã khai triển Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối THAAD ở Guam từ năm 2013.
Hệ thống “Vòm sắt” được khai triển ở Guam, khi căng thẳng ở eo biển Đài Loan tăng mạnh. Trong bốn ngày đầu tháng 10, quân đội Trung Quốc đã điều 149 phi vụ máy bay quân sự xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không Tây Nam của Đài Loan. Động thái này đã làm dấy lên sự lên án từ Hoa Kỳ và cũng gây ra một cuộc tranh luận về việc liệu Hoa Kỳ có nên giúp bảo vệ Đài Loan hay không. Trong cuộc trò chuyện với giới truyền thông, Tổng thống Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ Đài Loan; tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc sau đó đã đưa ra tuyên bố rằng, không có sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ.
“Vòm sắt” là một hệ thống phòng không được phát triển bởi Công ty Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael của Israel, được sử dụng chủ yếu để đánh chặn tên lửa trong phạm vi từ 5 đến 70 km. Hệ thống phòng không “Vòm sắt” bao gồm các thiết bị phóng, radar, điều khiển và phát hiện, có thể tự động phát hiện tên lửa đang bay tới, và phóng tên lửa để đánh chặn mục tiêu bay tới trên không. Trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine vào tháng 5 năm nay, Israel đã sử dụng hệ thống này để đánh chặn tên lửa Hamas xuất phát từ Gaza. Quân đội Israel cho biết tỷ lệ đánh chặn từ 85% đến 90%.
Kênh thông tin quốc phòng Mỹ “Stars and Stripes” từng dẫn lời Đại tá Nicholas Chopp, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Phòng không và Tên lửa số 94 của Quân đội Mỹ cho biết, “Vòm Sắt” khai triển trên đảo Guam “là một tập hợp hoàn chỉnh của hệ thống, bao gồm radar, trung tâm điều khiển và bệ phóng”. Ông Chopp cũng tiết lộ rằng, các binh sĩ từ một tiểu đoàn pháo phòng không đóng tại Fort Bliss, Texas, đã đến Guam để vận hành hệ thống phòng không “Vòm sắt”.
Theo sự ủy quyền của Quốc hội Hoa Kỳ, Quân đội Hoa Kỳ đã chi 373 triệu đô-la Mỹ vào năm ngoái để mua hai hệ thống “Vòm sắt”. Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên của một trong các hệ thống tại Bãi Tên lửa White Sands ở New Mexico vào tháng 8 năm nay. Kết quả là nó đã bắn trúng thành công 8 mục tiêu tên lửa hành trình mô phỏng.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời Tom Karako, giám đốc dự án chống tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết: “Nếu chúng ta không thể bảo vệ Guam, các căn cứ không quân của hòn đảo và các cơ sở vật chất, thì sẽ rất khó để thi triển sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương”.
Guam là một lãnh thổ của Hoa Kỳ và hiện có 190.000 cư dân và đồn trú trên đảo. Hòn đảo này có các căn cứ của Lực lượng Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Guam cách Trung Quốc 1.800 dặm, và là lãnh thổ Hoa Kỳ gần Trung Quốc nhất.
Khi quan hệ Mỹ- Trung tiếp tục xấu đi trong những năm gần đây, và căng thẳng ở eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng, Bắc Kinh ngày càng coi việc tấn công đảo Guam là một trong những mục tiêu quan trọng để chuẩn bị quân sự nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ, khi xung đột nổ ra ở Eo biển Đài Loan.
Quân đội Trung Quốc có nhiều vũ khí tiềm năng để tấn công Guam, bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh.
Các chuyên gia quân sự cho rằng hệ thống phòng không “Vòm sắt” do Israel sản xuất, có thể không chống được tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa siêu thanh, nhưng đối với tên lửa hành trình bay chậm hơn hoặc thấp hơn một chút tốc độ âm thanh, chẳng hạn như Longsword-20 gắn trên máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc. Và vòm sắt cũng có khả năng đánh chặn đáng kể đối với tên lửa hành trình tấn công lướt sóng trên biển.
Ông Karako nói với Wall Street Journal rằng, hệ thống “Vòm sắt” không thể đánh chặn tên lửa hành trình tốc độ cao, vì vậy “Vòm sắt” có lẽ chỉ là một biện pháp tạm thời.”
Tuy nhiên, nếu quân đội Hoa Kỳ không từ bỏ ngay cả một biện pháp tạm thời, nó phải được thử nghiệm. Điều này cũng cho thấy rằng, quân đội Hoa Kỳ coi trọng mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thảm họa di cư tại vùng biên giới Belarus-Ba Lan
Ngày 10/11 phát ngôn viên của Điện Kremlin là ông Dmitry Peskov nói trong một cuộc họp báo với truyền thông báo chí như sau: – “Rõ ràng một thảm họa nhân đạo đang xuất hiện trong tình trạng người Châu Âu miễn cưỡng thể hiện lời cam kết về những giá trị Châu Âu của họ.”
Chính phủ Nga cáo buộc Liên Minh Châu Âu trước cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan, đồng thời chỉ trích rằng: Liên Minh Châu Âu không duy trì các giá trị nhân đạo của riêng mình, cố gắng “bóp nghẹt” Belarus bằng kế hoạch đóng cửa một phần biên giới.
Ông Dmitry Peskov mô tả là thái độ và hành động của Liên Minh Châu Âu “hoàn toàn vô trách nhiệm, và không thể chấp nhận được.”
Trong khi đó vào ngày 9/11 Thủ Tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết: Cuộc khủng hoảng làn sóng di cư là “có chủ mưu của chính phủ Moscow.”
Nước Nga là đồng minh mạnh nhất của Belarus. Sự hỗ trợ của Nước Nga đã giúp Tổng Thống Alexander Lukashenko tồn tại, khi xảy ra các cuộc biểu tình phản đối sự cai trị của ông vào năm ngoái sau cuộc bầu cử gây tranh cãi.
Giai đoạn mới nhất của cuộc khủng hoảng di cư, khi chính phủ Ba Lan tường trình nỗ lực của làn sóng người di cư muốn vượt biên qua đêm, tạo cơ hội cho Moscow gia tăng gấp đôi sự ủng hộ chính phủ Belarus và chỉ trích Liên Minh Châu Âu.
Giám đốc điều hành Pfizer tuyên bố những người phát tán ‘thông tin sai lệch’ về vắc-xin là ‘tội phạm’
Thanh Hải
Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla không đánh giá cao những người lan truyền cái mà ông gọi là “thông tin sai lệch” về vắc-xin COVID-19 của công ty mình, ông kiên quyết về điều đó đến nỗi đã tuyên bố rằng, những người chia sẻ những thông tin nghi vấn về vắc-xin thực sự là tội phạm.
Theo ông Bourla, những người này là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng triệu người.
Vị giám đốc điều hành Pfizer đã đưa ra bình luận của mình hôm thứ Ba (ngày 9/10) khi nói chuyện với Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, theo CNBC đưa tin.
Trong cuộc trò chuyện với Giám đốc điều hành Hội đồng Đại Tây Dương Frederick Kempe, ông Bourla nói về một số lượng mà ông gọi là “rất nhỏ” những người chia sẻ thông tin sai lệch về vắc-xin, và cố tình đánh lừa những người do dự chưa tiêm vắc-xin.
“Có hai nhóm người, có những người được tiêm chủng; có những người hoài nghi về việc tiêm chủng. Cả hai đều sợ hãi. Những người đang tiêm vắc-xin, họ sợ bệnh tật, và họ tin rằng, bởi vì mọi người không được tiêm chủng, họ đang tăng nguy cơ mắc bệnh cho họ, họ đang tăng mức độ phơi nhiễm. Họ tức giận vì họ không được chủng ngừa”.
Ông Bourla tiếp tục: “Những người không tiêm vắc-xin, họ sợ vắc-xin. Và họ tức giận [với] những người đang thúc ép họ tiêm nó”.
“Nhưng có một bộ phận rất nhỏ các chuyên gia [những người] cố tình lưu hành thông tin sai lệch, do đó họ sẽ đánh lừa những người có mối quan tâm”, ông Bourla nói thêm. “Những người đó là tội phạm”.
Ông nói thêm: “Họ là tội phạm bởi vì họ thực sự đang giết hại hàng triệu sinh mạng”.
Ông Bourla nói với Hội đồng Đại Tây Dương, CNBC đưa tin: “Điều duy nhất đứng giữa lối sống mới và lối sống hiện tại là sự chần chừ trong việc tiêm chủng”.
Theo tổng hợp dữ liệu mới nhất của New York Times về tiêm chủng ở Mỹ, gần 80% người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19. Khoảng hai phần ba số người Mỹ đã nhận được ít nhất một liều tiêm, trong đó bao gồm trẻ em chưa đủ điều kiện cho các mũi tiêm ngừa, tờ Times cho biết.
Các tiểu bang được tiêm chủng nhiều nhất là Massachusetts và Vermont, nơi 81% cư dân đã được tiêm ít nhất một mũi. Xếp sau là Connecticut, Pennsylvania và Hawaii với 80%.
Tiểu bang ít tiêm chủng nhất là Tây Virginia. Dưới một nửa (49%) người ở Mountain Staters đã tiêm ít nhất một liều thuốc.