Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Cô Tô bị tố hiếp dâm nữ cán bộ
Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Cô Tô bị tố nghi hiếp dâm nữ cán bộ văn hóa khi đi liên hoan.
Theo Pháp luật và bạn đọc, sáng 12/11, sau khi thảo luận, phân tích, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thống nhất đình chỉ công tác đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Cô Tô liên vì vi phạm đạo đức lối sống.
Ngoài ra các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương điều tra xem xét để sớm có kết luận cụ thể và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn tin trên cho hay, trước đó, một công dân đã làm đơn gửi Công an và các cấp, tố một Tỉnh ủy viên, lãnh đạo huyện vì có hành vi hãm hiếp.
Theo đơn trình báo, người phụ nữ được tuyển vào làm cán bộ văn hóa tại một cơ quan của huyện, còn chồng làm Công an huyện.
Vào ngày 10/11, người phụ nữ được “triệu tập” đi liên hoan ăn uống, giao lưu tại một đơn vị đóng trên địa bàn và bị ép uống nhiều rượu. Sau đó bị đưa đến một khách sạn đã có phòng hát karaoke bố trí sẵn.
Tại đây, dù đã say và mệt do bị ép uống nhiều rượu nạn nhân cố gắng đòi về nhưng ông Sơn vẫn cố tình lôi vào phòng hãm hiếp. Ngay lập tức người phụ nữ chạy xuống đường mượn điện thoại cho chồng đến đón và trình báo cơ quan công an.
Theo báo Người Lao Động, ông Lê Hùng Sơn (SN 1982), trình độ Tiến sĩ kinh tế, Cử nhân ngoại ngữ, Thạc sĩ kinh tế công nghiệp, từng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh, Phó Bí thư rồi Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Ninh.
Ông Lê Hùng Sơn được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Huyện ủy, giới thiệu để HĐND huyện Cô Tô bầu làm chủ tịch huyện từ tháng 11/2020.
Gần 9,000 ca nhiễm mới, hơn 10,000 ca ra viện
Tối 12/11, Bộ Y tế thông báo về 8,982 ca mắc mới gồm 6 ca nhập cảnh và 8,976 ca ghi nhận tại 56 tỉnh/thành, trong đó có 4,180 ca cộng đồng.
Số ca nhiễm hôm nay ghi nhận chủ yếu tại Sài Gòn (1,388), Đồng Nai (813), An Giang (661), Bình Dương (654), Tiền Giang (634), Tây Ninh (517), Kiên Giang (403), Đồng Tháp (383), Sóc Trăng (298), Bình Thuận (287), Vĩnh Long (284), Cà Mau (258), Bạc Liêu (252), Cần Thơ (178), Bà Rịa – Vũng Tàu (177), Hà Nội (176), Khánh Hòa (170), Long An (110), Hậu Giang (101), Bình Phước (99), Trà Vinh (85), Bến Tre (84), Hà Giang (62), Đắk Nông (60), Bình Định (57), Thái Bình (54), Lâm Đồng (54), Bắc Ninh (49),…
So với ngày 11/11, số mắc tại Việt Nam ngày 12/11 tăng 831 ca, trong đó, Tiền Giang tăng 217 ca, Sài Gòn tăng 203 ca, Vĩnh Long tăng 125 ca, Đắk Lắk giảm 162 ca, Tây Ninh giảm 139 ca, Đồng Nai giảm 117 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,009,879 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,004,879 ca. Có 856,211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 12/11, Việt Nam có 10,263 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 81 ca tử vong tại 18 tỉnh/thành, trong đó, riêng Sài Gòn 42 ca, nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 22,930 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3,515 ca, với 3,084 ca thở oxy, 431 ca thở máy và ECMO.
Hà Nội thêm 165 ca nhiễm tại 17 quận/huyện
Tối 12/11, Hà Nội ghi nhận 165 ca nhiễm mới, gồm 27 ca cộng đồng, 138 ca tại khu cách ly và phong tỏa.
Các ca nhiễm mới ghi nhận tại 17 quận/huyện, trong đó nhiều nhất là Ba Đình với 39 ca, tiếp đến là Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hà Đông đều 19 ca, Mê Linh 13, Gia Lâm 12…
Hà Nội hiện có 13 cụm dịch diễn biến phức tạp, trong đó, chuỗi lây nhiễm tại phường Phú Đô đã ghi nhận 68 F0, được nhận định là có thể tiếp tục phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh thêm nhiều F0. Hiện cấp độ dịch của phường Phú Đô được nâng từ cấp 2 lên cấp 3 (nguy cơ cao), có thể lên mức 4 (nguy cơ rất cao).
Phường Phú Đô đã kích hoạt một trạm y tế lưu động với 5 nhân viên. Trong trường hợp dịch lan rộng, địa phương sẽ bổ sung thêm một trạm.
Sài Gòn lập 8 đội đặc nhiệm, kích hoạt lại mạng lưới ‘Thầy thuốc đồng hành’
Sáng nay ngày 12/11, HCDC ra mắt 8 đội đặc nhiệm nhằm hỗ trợ 22 quận/huyện và Tp Thủ Đức kiểm soát dịch.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC cho biết, mỗi đội có 3 thành viên, trong đó 6 đội chuyên trách kiểm soát dịch trong dân cư, cộng đồng; 2 đội đặc biệt kiểm soát dịch tại các khu chế xuất, KCN.
Cũng tại Sài Gòn, trong ngày 12/11, Sở Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ thành phố đã kích hoạt lại mạng lưới ‘Thầy thuốc đồng hành’.
Theo đó, khi cần tư vấn và hỗ trợ của ‘Thầy thuốc đồng hành’, F0 hoặc người thân gọi tổng đài 1022, bấm phím 4.
Đối tượng chính của mạng lưới là bệnh nhân COVID-19 cần hỗ trợ khẩn cấp, những trường hợp mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải; trường hợp có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà…
Bình Thuận ghi nhận 3 F0 cộng đồng đầu tiên trên đảo Phú Quý
Sáng 12/11, Bình Thuận ghi nhận 3 F0 cộng đồng đầu tiên trên huyện đảo Phú Quý, nguồn lây là những ngư dân từng đi ghe cá từ đảo Phú Quý đến cảng Cà Ná (Ninh Thuận) để mua bán hải sản và hàng hóa. Những người này hiện đã được cách ly theo quy định.
Như vậy, sau hơn 1 năm là ‘vùng xanh’ duy nhất tại Bình Thuận, chiều 12/11 đảo Phú Quý đã xuất hiện COVID-19.
Trưa cùng ngày, huyện đảo Phú Quý bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội, tạm dừng các lễ hội, nghi lễ tôn giáo, sự kiện tập trung đông người, hoạt động vui chơi, giải trí, kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Quán ăn chỉ bán mang về.
Từ 0h ngày mai (13/11), tuyến tàu thủy Phan Thiết – Phú Quý dừng hoạt động. Từ hôm nay, học sinh trên đảo cũng ngừng đến trường.
Sáng 12/11, Bình Thuận ghi nhận thêm 287 ca dương tính, chưa được Bộ Y tế công bố mã bệnh.
Hà Nội chi 170 tỷ xây dựng thêm ô chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn
Trước việc quá tải rác thải, Hà Nội quyết định nâng cấp công suất bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) với 2 hạng mục khẩn cấp.
Hạng mục thứ nhất là hồ sinh học khẩn cấp tại khu đất xen kẹt rộng 10,5 ha thuộc giai đoạn 2 bãi rác Nam Sơn. Hồ chứa sinh học rộng trên 7 ha, gồm hai hồ chứa nước rỉ rác và hạ tầng kỹ thuật đi kèm.
Hạng mục thứ hai là ô chôn lấp rác bằng công nghệ tường vây bê tông cốt thép rộng 3 ha và ô chứa nước rác khoảng 1,2 ha. Tổng chi phí 2 hạng mục là 170 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý II/2022, trong đó chi phí xây hồ sinh học gần 80 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tổng dung tích hồ chứa khoảng 450.000 m3.
Trước đó, liên tiếp cả hai bãi rác lớn nhất Hà Nội đều gặp sự cố. Trong đó, bãi Nam Sơn ngừng tiếp nhận rác hôm 2/11 với lý do mưa lớn, Bãi Xuân Sơn dừng tiếp nhận rác hồi giữa tháng 10 với lý do tương tự.
Dương Minh tổng hợp
Doanh nghiệp vận tải tăng giá cước theo xăng dầu
VnExpress – Giá xăng sau 5 lần tăng hiện đã lên sát 25.000 đồng một lít. Còn giá dầu cũng tăng 63-74% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá cho biết đã hết sức chịu đựng và buộc tăng giá cước vận tải mới có thể duy trì hoạt động.
Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh chia sẻ với phóng viên Vnexpress, công ty vừa gửi báo giá tăng 10% tới khách hàng. Ông Vinh bộc bạch “Giá dầu ở mức cao và không có chiều hướng giảm, chúng tôi đã cố cầm cự nhưng mới đây giá xăng tiếp tục tăng thêm đẩy giá các hàng hoá khác phục vụ cho vận tải tăng khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh để không lâm vào cảnh lỗ vốn”.
Nhiều doanh nghiệp vận tải về hàng hoá khác cũng buộc phải điều chỉnh giá cước. Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, hiện các doanh nghiệp trong hội điều chỉnh giá cước quanh mức 5-10%. Mức thương lượng cụ thể sẽ tuỳ thuộc giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Ông Hoàng, chủ doanh nghiệp vận tải có 30 đầu xe ở quận Tân Phú (TP HCM) cho rằng, “cực chẳng đã” công ty mới phải tăng giá cước vận chuyển thêm 10%. Lý giải nguyên nhân tăng giá cước, ông Hoàng cho rằng, năm nay doanh nghiệp bị bủa vây đủ loại chi phí. Trong đó, chi phí dầu chiếm 35%, phí duy trì xe tăng thêm 20%. Ngoài ra, lương trả cho người lao động buộc phải tăng vì dịch bệnh tài xế nghỉ hàng loạt.
Ông Quản nói, hiện nay các doanh nghiệp vận tải đứng trước quá nhiều thách thức như giá xăng dầu tăng, giá mặt hàng đầu vào như lốp xe, xăm xe, nhớt, mỡ tăng 20-30%, phải “cõng phí chồng phí”…
Ông Quản đề xuất “Đến nay, doanh nghiệp đã kiệt sức và không còn phương án nào để hạ nhiệt giá cước. Do đó, cách duy nhất để họ giảm bớt khó khăn là Nhà nước cần miễn hoặc giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải. Điển hình là phí bảo trì đường bộ và BOT”.
Ông cũng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thông qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng một lít xăng dầu. Khi giá xăng dầu được điều chỉnh đi xuống, giá các loại hàng hoá mới quay đầu giảm và cước vận chuyển cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý.
Hàng viện trợ ‘mắc kẹt’ ở cảng
VnExpress – Hàng hóa do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài viện trợ TP.HCM phòng, chống dịch trị giá hàng tỷ đồng không được thông quan do vướng mắc thủ tục.
Đầu tháng 8, một kiều bào sống ở Australia liên hệ Ủy ban MTTQ TP.HCM tặng 6 máy thở xâm nhập đã qua sử dụng. Máy còn mới 80%, đang trong thời hạn bảo hành, do Mỹ sản xuất với tổng trị giá gần 1,7 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho hay, lúc đó đợt dịch thứ tư ở thành phố vào hồi cao điểm. Hàng chục nghìn bệnh nhân đang điều trị, hàng nghìn ca bệnh nặng phải thở máy. Với kinh phí hiện có, người tặng có thể mua 3 máy mới nhưng vì quá sốt ruột nên chuyển sang tặng 6 máy đã sử dụng với hy vọng giúp nhiều người hơn.
Tuy nhiên, theo quy định các máy thở đã sử dụng là hàng hóa cấm nhập khẩu. Bộ Y tế chỉ cấp giấy phép nhập trang thiết bị y tế tương tự với mục đích nghiên cứu, đào tạo, không thực hành trên người. Thành phố đã có văn bản gửi Chính phủ xem xét nhưng Bộ Y tế tham mưu không đồng ý.
“Đến nay 6 máy thở này vẫn ‘đắp chiếu’ ở cảng. Người tặng rất buồn vì sự giúp đỡ của họ đã không đến được người dân lúc cần”, bà Châu nói.
Sự việc tương tự khi một tổ chức Hàn Quốc tặng thành phố 20 xe cứu thương sản xuất từ năm 2015. Song quy định hiện hành chỉ cho phép nhập xe sản xuất từ năm 2019 nên phía mặt trận phải từ chối tiếp nhận dù thời điểm tháng 7-8 các cơ sở y tế ở thành phố thiếu xe cứu thương.
Không chỉ gặp khó khăn về thiết bị y tế đã qua sử dụng, hàng hóa do các tổ chức, cá nhân viện trợ cho thành phố như thuốc men, thực phẩm chức năng cũng gặp trở ngại về thủ tục. Hiện, mặt trận TP HCM bị “kẹt” ở cảng Cát Lái 22.000 hộp sữa cho trẻ em do kiều bào sống ở Úc và 4.000 lọ vitamin D do kiều bào ở Mỹ gửi tặng.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, dịch còn dài, thời gian tới còn có nhiều tổ chức, cá nhân gửi hàng viện trợ cho người dân thành phố. Vừa qua, Mặt trận TP HCM có rất nhiều văn bản đề nghị chính quyền thành phố gửi Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ nhưng mọi việc vẫn không thông. “Không thể một lô sữa gửi về lại đi gửi công văn cho mấy nơi”, bà Châu nói.
Lãnh đạo Mặt trận TP.HCM đề nghị Chính phủ nên có văn bản hướng dẫn cụ thể với từng nhóm hàng và yêu cầu các cơ quan chuyên môn liên quan cùng tham gia giải quyết. Điều này nhằm tránh tình trạng khi mặt trận gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan né tránh với lý do “việc này không phải của tôi”.