Chi Anh
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện ở mức gần 10 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do duy trì mức cao. USD được gom nhằm mục đích buôn lậu vàng.
Giá vàng trong nước tiếp tục tăng, cao hơn gần 10 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới
Giá vàng trong nước hôm nay (13/11) kéo dài đà tăng mạnh sang phiên thứ 7. Từ đầu tuần đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 2 triệu đồng/lượng, mỗi phiên tăng tới nửa triệu đồng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào – bán ra ở mức 60,05 – 60,77 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 60,05 – 60,8 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 70.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước.
Doji niêm yết giá vàng ở mức 60 – 60,7 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên trước.
Trong khi đó, đầu ngày hôm nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mức 1.865 USD/ounce, tăng thêm 3 USD/ounce sau khi tăng tổng cộng 30 USD/ounce vào 2 phiên trước.
Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức rất cao, lên tới khoảng 9,5 triệu đồng/lượng. Người mua vàng ở Việt Nam đang phải trả mức giá đắt hơn gần 10 triệu đồng/lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu giá đảo chiều. Dự báo giá vàng thế giới còn biến động mạnh khi lạm phát tại Mỹ có thể kéo dài.
Ông Adrian Day, chủ tịch của Adrian Day, nhận định: “Thần lạm phát đã ra khỏi bình và sẽ hoành hành trong một thời gian. Khi các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến vàng, dù chỉ là phần nhỏ, thì động thái này cũng đã có thể tạo ra ảnh hưởng rất ấn tượng”.
Ông Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng về thị trường tại SIA Wealth Management, cho biết: “Triển vọng gia tăng lạm phát, tác nhân châm ngòi cho đợt tăng giá kim loại quý trong tuần này, có thể tiếp tục diễn ra vào tuần tới, với việc Canada và Anh báo cáo về tỷ lệ lạm phát”.
Chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới làm méo mó thị trường USD
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới đã làm nóng thị trường USD, khiến giá mua và bán USD trên thị trường tự do tăng mạnh. Đồng USD được gom nhằm phục vụ mục đích buôn lậu vàng.
Nhập lậu vàng không chỉ khiến một khoản thuế lớn bị thất thu, mà còn làm ‘chảy máu’ ngoại tệ.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.115 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD so với hôm qua. Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.515 đồng/USD (mua vào) – 22.745 đồng/USD (bán ra). Eximbank mua vào 22.540 – 22.550 đồng/USD và bán ra 22.730 đồng/USD.
Trong khi đó, giá USD tự do hôm nay giảm nhẹ 20 đồng nhưng vẫn giữ mức cao: 23.380 đồng/USD ở chiều mua vào và 23.430 đồng/USD ở chiều bán ra. Mức tỷ giá hiện tại thấp hơn mức tỷ giá vào ngày 01/11 là 23.520 đồng/USD mua vào và 23.620 đồng/USD bán ra. Điều này cho thấy đồng USD chợ đen luôn ở mức cao trong nhiều ngày qua.
Gom USD để buôn lậu vàng
Tình trạng buôn lậu vàng từ nước ngoài về Việt Nam đã tồn tại dai dẳng nhiều năm và đặc biệt trở nên sôi động khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận nguyên lý tất yếu của thị trường là có cầu thì tất có cung. Các doanh nghiệp Việt không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua vàng miếng SJC hoặc hàng trôi nổi trên thị trường để sản xuất vàng trang sức. Do giá vàng SJC cao làm giảm lợi nhuận nên hàng lậu vẫn luôn được săn đón.
Cả 3 nước lân cận với Việt Nam là Lào, Campuchia, và Trung Quốc đều mở cửa thị trường vàng. Ở Lào và Campuchia, việc mua bán vàng diễn ra rất thuận tiện. Mỗi năm, Campuchia nhập khẩu 40 – 50 tấn vàng, trong khi dân số chỉ khoảng 15 triệu người, tạo ra nguồn cung dồi dào với giá thành rẻ. Do vậy, vàng thường được vận chuyển sang Việt Nam để bán kiếm lời.
Theo các cơ quan chức năng, lợi nhuận buôn lậu vàng vượt xa lợi nhuận buôn ma túy. Mang 1 kg vàng vào nội địa Việt Nam có thể kiếm lời gấp gần 10 lần buôn ma túy, mà buôn vàng lại dễ hơn và khung hình phạt cũng thấp hơn nhiều.
Hoạt động buôn lậu vàng thường được tổ chức thành đường dây chặt chẽ. Từ biên giới, vàng thường được vận chuyển bằng đường bộ thông qua các phương tiện chuyên chở hàng hóa, nông sản… rồi lợi dụng việc đổi tài xế khi qua cửa khẩu để tổ chức mua bán trái phép.
Vàng còn được buôn lậu qua đường hàng không, đặc biệt qua tiếp viên và tổ lái. Đã có nhiều trường hợp vào thời điểm giá vàng trong nước có sự chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, chỉ một chuyến bay trong vài giờ đồng hồ, nếu tiếp viên và tổ lái mang theo vài kg vàng thì đã có thể thu lời cả trăm triệu đồng.
Việt Nam cần trả vàng về cho thị trường
Giá vàng trong nước còn méo mó kéo dài chừng nào vàng chưa được trả về cho thị trường. Không ít chuyên gia kinh tế đã kiến nghị Ngân hàng nhà nước cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để làm vàng trang sức, qua đó thu hẹp mức chênh lệch với giá thế giới. Khi mức chênh lệch giá bị thu hẹp, tình hình buôn lậu sẽ hạ nhiệt.
Thêm vào đó, việc cho phép nhập khẩu vàng còn mở ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mang về ngoại tệ cho đất nước. Việt Nam có lợi thế trình độ tay nghề thợ kim hoàn được đánh giá rất cao so với các nước khác. Tuy nhiên, lâu nay Việt Nam vẫn bỏ mặc thị trường vàng trang sức cho các nước như Indonesia, Malaysia, và Thái Lan,… khai thác.
Chi Anh