Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Covid-19: Số ca nhiễm lại tăng vọt ở châu Âu, nhiều nước tái lập các biện pháp hạn chế

Thanh Phương

Covid-19 : Cảnh sát chống bạo động đối mặt với những người biểu tình phản đối các biện pháp siết chặt phòng dịch, La Haye, Hà Lan, ngày 12/11/2021. AFP – JEROEN JUMELET

Tại châu Âu, số ca nhiễm Covid mới đang tăng vọt trở lại, khiến nhiều nước phải tái lập các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch bệnh.

Theo thống kê của hãng tin AFP, số ca nhiễm trung bình mỗi tuần tại châu Âu, tăng trở lại từ đầu tháng 10, nay đã lên đến mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19. Cụ thể, trong 7 ngày qua, tổng cộng đã có thêm 2.125.775 ca nhiễm được ghi nhận, tức là tăng 13% so với tuần trước đó. Năm nước có số ca nhiễm mới tăng nhiều nhất là Nga, Anh Quốc, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina.

Hôm qua, 12/11/2021, cơ quan châu Âu đặc trách về Dịch bệnh ECDC đánh giá rằng tình hình đang ngày càng xấu đi trong Liên Hiệp Châu Âu. Trong số 27 nước thành viên Liên Âu, cơ quan này xếp vào loại đáng quan ngại nhất các nước Ba Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungari, Slovenia, Bỉ và Hà Lan.

Riêng tại Hà Lan, dịch Covid-19 bùng phát  trở lại mạnh đến mức chính phủ của thủ tướng Mark Rutte phải ban hành trở lại các biện pháp hạn chế.

Từ La Haye, thông tín viên Antoine Mouteau tường trình:

“Ngay trong phần đầu của bài phát biểu, thủ tướng Mark Rutte đã nêu lên những số liệu đáng ngại của tuần này: 16.364 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ vào hôm thứ Năm, con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 tại nước này.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Hà Lan đã quyết định ban hành trở lại những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt: các nhà hàng, quán bar, siêu thị phải đóng cửa từ 8 giờ tối, còn đối với các cửa hiệu bán những hàng hóa không thiết yếu thì đóng cửa từ lúc 6 giờ chiều. Người dân lại được yêu cầu phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu là 1m50. Các cuộc tranh tài thể thao kể từ nay sẽ không có khán giả vào xem.

Thủ tướng Hà Lan còn kêu gọi người dân nên làm việc ở nhà và không được tiếp khách ở nhà quá 4 người. Vào tuần trước, ông đã loan báo việc bắt buộc đeo khẩu trang trở lại trong các siêu thị và những nơi công cộng khép kín khác. Việc áp dụng chứng nhận y tế thì đã có hiệu lực ở Hà Lan từ ngày 20/09.

Trong khi diễn ra cuộc họp báo của ông Mark Rutte ở trụ sở bộ Y Tế, hàng chục người đã biểu tình trước tòa nhà này để phản đối việc ban hành trở lại các biện pháp hạn chế. Đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát. Vào cuối tuần trước, nhiều ngàn người cũng đã xuống đường ở La Haye phản đối việc áp dụng chứng nhận y tế.”

APEC muốn giảm thuế nhập khẩu vac-xin ngừa Covid-19

Thu Hằng

Hội nghị thượng đỉnh APEC 2021 được tổ chức trực tuyến, lần thứ hai liên tiếp, do đại dịch Covid-19. Handout APEC NEW ZEALAND 2021/AFP

Trong cuộc họp thượng đỉnh APEC ngày 12/11/2021 do New Zealand chủ trì, 21 nước châu Á-Thái Bình Dương đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để ưu tiên tiếp cận vac-xin nhằm “đánh bại Covid-19”.

Trong tuyên bố chung, được hãng tin Nhật NHK trích dẫn, lãnh đạo các nước thành viên Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khẳng định : “Không ai được an toàn chừng nào cả thế giới chưa được an toàn”. Theo thủ tướng New Zeland, Jacinda Ardern, vac-xin là yếu tố trọng tâm trong việc khống chế đại dịch và phục hồi nền kinh tế khu vực, “đang bị suy thoái nghiêm trọng nhất trong 75 năm nay”.

Quyết tâm này được thể hiện qua việc giảm thuế nhập khẩu vac-xin ngừa Covid-19. Còn theo Yonhap, trong một cuộc họp trước thượng đỉnh, các bộ trưởng Tài Chính của APEC đã nhất trí tăng cường nỗ lực để sản xuất vac-xin và ủng hộ việc chia sẻ vac-xin trên quy mô toàn cầu.

Một biện pháp khác được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đề xuất với các nhà lãnh đạo APEC là lập những tiêu chuẩn chung về việc công nhận chứng nhận tiêm chủng ngừa Covid-19, để tạo điều kiện cho việc đi lại giữa các nước trong vùng.

Ngoài đại dịch Covid-19, lãnh đạo của các nước thành viên APEC còn đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, với trọng tâm là phục hồi kinh tế sau đại dịch phải “xanh” hơn. Một trong những biện pháp được 21 nước nhất trí là đình chỉ tăng các khoản tài trợ cho năng lượng hóa thạch.

Tuy nhiên, bà Lesley Hughes, thuộc tổ chức phi chính phủ Hội Đồng Khí Hậu Úc (Climate Council), được AFP trích dẫn, cho rằng thượng đỉnh APEC phải đề ra được một lộ trình cho thấy thay đổi thực sự, nếu muốn chứng tỏ “đáng tin được” về vấn đề này. Việc ngừng tài trợ cho năng lượng hóa thạch đã được APEC nêu lên lần đầu tiên cách đây 10 năm, nhưng cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được.

Khủng hoảng di dân: Thổ Nhĩ Kỳ, Irak giảm chuyến bay đến Belarus

Thu Hằng

Biên giới Belarus và Ba Lan, gần Kuznica. Ảnh chụp ngày 11/11/2021, do Biên Phòng Ba Lan cung cấp. via REUTERS – HANDOUT

Liên Hiệp Châu Âu có được một số “tiến bộ” liên quan đến khủng hoảng di dân ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus. Thổ Nhĩ Kỳ và Irak thông báo giảm chuyến bay đến Minsk. Tuy nhiên, Nga và Belarus tổ chức tập trận chung ngay khu vực biên giới căng thẳng và cảnh báo đáp trả “nghiêm khắc” mọi cuộc tấn công.

Theo AFP, ngày 12/11/2021, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, ông Margaritis Schinas, hoan nghênh việc “đã đạt được nhiều tiến bộ trên mọi mặt trận” nhằm giúp cải thiện tình hình di dân ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus. Thứ nhất, ngày 12/11, Thổ Nhĩ Kỳ, nước trung chuyển của dòng người nhập cư, thông báo rằng công dân Irak, Syria và Yemen sẽ không được lên máy bay đến Belarus từ các sân bay của nước này “cho đến khi có lệnh mới”. Tiếp theo, Irak cũng thông báo hạn chế các chuyến bay đến Minsk, đồng thời sẽ lập danh sách những công dân nước này bị kẹt ở biên giới Belarus-Ba Lan muốn “tự nguyện” hồi hương.

Phía Belarus cũng khẳng định đã trục xuất 2.000 di dân nhằm ngăn làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, cũng trong ngày 12/11, Belarus và Nga đã tập trận chung gần biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Trong cuộc tập trận này, có hai quân nhân bị thiệt mạng vì tai nạn. Đợt tập trận này, cũng như việc Warsaw và Minsk cùng tăng cường binh sĩ tại vùng biên giới, gây lo ngại căng thẳng leo thang, trong bối cảnh Bruxelles cho biết sẽ thông báo những biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Minsk vào tuần tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá tình hình di dân ở biên giới Belarus – Ba Lan là “rất đáng quan ngại”. Ông Joe Biden cho biết đã “bày tỏ mối bận tâm này với Nga và Belarus”. Matxcơva bị cáo buộc đứng sau “giật dây”, khuyến khích chính quyền Minsk sử dụng di dân làm “tốt thí” trả đũa các biện pháp trừng phạt của Bruxelles.

Năm 2020, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã trừng phạt chế độ Lukachenko vì đàn áp người biểu tình, trấn áp đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống bị cáo buộc gian lận. Để đáp trả Bruxelles, ngoài khủng hoảng di dân, Belarus còn dọa khóa van khí đốt từ Nga trung chuyển qua nước này.

Khí hậu: Hội nghị COP26 kéo dài thêm một ngày để cố đạt thỏa thuận

Thanh Phương

Bên lề các đàm phán chính thức tại COP26, xã hội dân sự tổ chức nhiều hoạt động gây áp lực. Trong ảnh : Hai đồng chủ tịch Hội nghị của Nhân dân phát biểu, bà Mary Church (tổ chức Amis de la Terre) (P) và Muhammad Adow (tổ chức PowerShift Africa) (T), Glasgow, 12/11/2021. © GBD/RFI

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, họp từ 31/10, trên nguyên tắc kết thúc hôm qua, đã phải kéo dài thêm ít nhất một ngày. Hôm nay, 13/11/2021, đại diện của khoảng 200 quốc gia ký kết hiệp định Paris về khí hậu sẽ cố đạt được một thỏa thuận nhằm kềm chế đà hâm nóng khí quyển Trái đất.

Tối qua, sau khi hội nghị COP26 trên nguyên tắc đã chấm dứt, nước Anh, trong cương vị chủ tịch hội nghị, đã đề nghị các đại biểu họp lại sáng nay để bàn về bản dự thảo thứ ba của thỏa thuận nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của hành tinh chúng ta ở mức 1,5°C, với hy vọng sẽ đạt được đồng thuận trong ngày hôm nay.

Bản dự thảo thứ hai được công bố sáng hôm qua đã bị nhiều chỉ trích, nhất là về vấn đề viện trợ cho các nước nghèo nhất để giúp các nước này cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, vừa đối phó với các thiên tai xảy ra ngày càng nhiều do tác động của biến đổi khí hậu.

Hãng tin AFP nhắc lại là vào năm 2009, “các nước phía Bắc” ( tức các nước phát triển ) đã hứa đến năm 2020 sẽ nâng mức viện trợ lên 100 tỷ đôla/năm. Nhưng họ đã không thực hiện lời hứa. Điều này khiến các nước đang phát triển rất bất bình, nhất là trong bối cảnh họ cũng đang phải đối phó với đại dịch Covid-19. Đại diện của các nước đang phát triển cho rằng bản dự thảo thứ hai của thỏa thuận không đáp ứng các yêu sách của họ.

Ngoài vấn đề viện trợ, các nước đang phát triển còn đề nghị một cơ chế để tính đến những thiệt hại do các thiên tai ( như bão tố, hạn hán, đợt nóng ) gây ra. Nhưng các nước giàu, trong đó có Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, vẫn chống lại đề nghị này.

“Các nước phía Nam” còn cáo buộc các nước phát triển là muốn ép buộc họ cắt giảm hơn nữa lượng khí phát thải, trong khi họ không có trách nhiệm chính về biến đổi khí hậu.

Mặc dù nhiều nước đã đưa ra những cam kết mới trước và trong khi diễn ra hội nghị COP26, theo báo động của Liên Hiệp Quốc, thế giới sẽ vẫn đi đến một mức tăng nhiệt độ vô cùng nguy hiểm là 2,7°C, trong khi chỉ cần tăng 1,1°C là đủ để làm gia tăng các thiên tai dữ dội.

Một vấn đề khác cũng rất gay go, đó là các năng lượng hóa thạch, được xem là tác nhân chính hâm nóng bầu khí quyển Trái đất. Bản dự thảo thỏa thuận có nêu lên vấn đề ngưng tài trợ cho các dự án nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch, nhưng vẫn không có ai hài lòng về nội dung điều khoản này.

Hôm qua, tại hội nghị COP26, bộ trưởng Chuyển tiếp Sinh thái của Pháp, bà Barbara Pompili, thông báo Pháp đã tham gia liên minh các nước cam kết từ đây đến cuối năm 2022 sẽ ngưng tài trợ cho các dự án ở nước ngoài sử dụng các năng lượng hóa thạch mà không dùng đến kỹ thuật “thu giữ carbon”.

Trung Quốc cảnh cáo Mỹ không nên ủng hộ Đài Loan độc lập

Thanh Phương

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi). AFP – JOHN MACDOUGALL

Trong một tuyên bố do bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra hôm 13/11/2021, ngoại trưởng Vương Nghị đã cảnh cáo Hoa Kỳ không nên ủng hộ Đài Loan độc lập.

Cụ thể, ông Vương Nghị, kiêm Ủy viên Quốc vụ, đã tuyên bố với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là Washington không nên gởi “những tín hiệu sai lạc” đến “các thế lực đòi độc lập cho Đài Loan”. Ông Vương Nghị còn nói với đồng nhiệm Mỹ: “ Nếu muốn duy trì hòa bình ở vùng eo biển Đài Loan, Hoa Kỳ phải rõ ràng và kiên quyết chống lại bất cứ hành vi nào của phe đòi độc lập cho Đài Loan.”

Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã gia tăng trong những tháng gần đây, với việc Đài Bắc tố cáo phi cơ quân sự Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Xin nhắc lại là hôm thứ Tư vừa qua, ông Blinken đã tuyên bố là Hoa Kỳ và các đồng minh phải có hành động, nếu Trung Quốc dùng vũ lực để làm thay đổi nguyên trạng của Đài Loan.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn nhật báo The Australian hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Peter Dutton tuyên bố nước Úc phải trợ giúp Hoa Kỳ, nếu Washington có hành động để bảo vệ Đài Loan.

Bắc Kinh đã ra lời cảnh cáo Mỹ về Đài Loan vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc vào sáng thứ Ba, 16/11, theo giờ châu Á.

Related posts