ÀI BẮC, Đài Loan – Một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp Trung Quốc không xuất hiện trước công chúng kể từ khi cô cáo buộc một cựu quan chức đứng đầu tấn công tình dục được cho là đã gửi một email khẳng định cô vẫn an toàn và cáo buộc đó là sai, một thông điệp chỉ làm tăng thêm lo ngại về sự an nguy của cô và nhu cầu thông tin về tình trạng sức khỏe và nơi ở của cô.
Cho đến nay, những cuộc gọi đó đều được đáp lại bằng sự im lặng.
Các quan chức Trung Quốc vẫn không lên tiếng công khai kể từ khi nhà vô địch đôi Grand Slam Bành Súy (Peng Shuai) khoảng hai tuần trước cáo buộc rằng cô đã bị ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) tấn công tình dục. Trường hợp #MeToo đầu tiên dính líu tới giới chính trị ở Trung Quốc chưa được báo chí trong nước đưa tin và cuộc thảo luận trực tuyến về chủ đề này đã bị kiểm duyệt mạnh mẽ.
Ông Steve Simon, chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA), đã đặt nghi vấn về tính xác thực của những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc nói là một email dành cho ông, trong đó cô Bành nói rằng cô an toàn và cáo buộc đó là không đúng sự thật. Bản tin này được CGTN đăng hôm thứ Năm, chi nhánh quốc tế của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.
Ông Simon viết, “Tôi khó mà có thể tin rằng cô Bành Súy thực sự đã viết email mà chúng tôi nhận được hoặc tin vào những gì đang được quy cho cô ấy.”
Tuyên bố đó, ông nói thêm, “chỉ làm tăng mối lo ngại của tôi về sự an nguy và nơi ở của cô.”
Ông Simon đã yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện, và WTA cho biết họ đã sẵn sàng để rút các giải đấu ra khỏi đất nước này nếu họ không nhận được phản hồi thích đáng. Các tay vợt hàng đầu trong đó có các nữ cầu thủ như Naomi Osaka và Novak Djokovic cũng đã lên tiếng, và hashtag WhereisPengShuai (BànhSúyỞĐâu) đang tạo xu hướng trên mạng.
Hôm thứ Năm, nữ phát ngôn viên của Liên đoàn Quần vợt Quốc tế Heather Bowler cho biết cơ quan quản lý đang liên lạc với Hiệp hội Quần vợt Trung Quốc, cũng như với WTA và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
“An toàn của vận động viên luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi hỗ trợ một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch về vấn đề này,” bà Bowler viết trong một email gửi cho The Associated Press. “Mặc dù chúng tôi chưa nói chuyện với vận động viên này, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với hiệp hội quần vợt quốc gia ở Trung Quốc (CTA) trong trường hợp họ có thể cung cấp thêm bất kỳ thông tin hay cập nhật nào.”
Được hỏi liên tục về vụ việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) một lần nữa cho biết hôm thứ Năm rằng ông không biết về việc này.
Tay vợt 35 tuổi Bành Súy là cựu tay vợt xếp hạng Nhất ở nội dung đôi nữ, người đã giành được danh hiệu tại Wimbledon năm 2013 và giải Pháp Mở rộng năm 2014.
Cô đã viết trong một bài đăng dài trên mạng xã hội hôm 02/11 rằng ông Trương, cựu phó thủ tướng từng là thành viên của ban lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng), đã ép cô quan hệ tình dục mặc dù bị từ chối nhiều lần cách đây ba năm.
Bài đăng này nhanh chóng bị xóa khỏi tài khoản đã xác minh là của cô trên Weibo, một nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu của Trung Quốc, nhưng các ảnh chụp màn hình của cáo buộc gây chấn động này đã nhanh chóng lan truyền trên mạng Internet của Trung Quốc. Cô Bành đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đó, làm dấy lên nghi vấn về nơi ở của cô và liệu cô có đang bị giam giữ hay không.
Ông Trương, 75 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng sau khi nghỉ hưu năm 2018, như thường lệ đối với các cựu quan chức cao cấp. Hiện không có thông tin về việc ông có bất kỳ mối liên hệ mật thiết nào với các nhà lãnh đạo hiện tại hay không.
Cáo buộc của cô Bành là cáo buộc thu hút sự chú ý của công luận đầu tiên về tội tấn công tình dục nhắm vào một chính trị gia quyền lực ở Trung Quốc. Các cáo buộc trong quá khứ đã liên quan đến những nhân vật nổi tiếng trong giới các tổ chức bất vụ lợi, giới học thuật, và phương tiện truyền thông, nhưng chưa bao giờ liên quan tới các quan chức đứng đầu của Trung CỘng hay các công ty quốc doanh.
CGTN đã đăng tuyên bố đó trên Twitter, một mạng xã hội bị chặn ở Trung Quốc cùng với nhiều nền tảng ngoại quốc khác như Google và Facebook. CGTN không đăng tuyên bố này trên mạng xã hội Trung Quốc, cũng như không có bất kỳ đề cập nào về email trên phía sau Vạn lý Tường Lửa, vốn ngăn cách Internet Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Một số người dùng Internet đã vượt qua các kiểm soát đó và đăng về tin tức này trong các nhóm truyền thông xã hội riêng tư. Freeweibo.com, nơi ghi lại các bài đăng bị kiểm duyệt từ Weibo, cho biết các tìm kiếm cho “Bành Súy” và “Trương Cao Lệ” đều nằm trong số 10 chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất hôm thứ Năm.
Các tìm kiếm về tên của cô Bành Súy trên công cụ tìm kiếm Sogou của Trung Quốc chỉ đưa ra các bài báo về sự nghiệp quần vợt của cô. Tài khoản Weibo của cô không còn cho phép bình luận, và không có kết quả nào hiển thị nếu người ta tìm kiếm tài khoản Weibo của cô.
Cô Bành viết rằng vợ của ông Trương đã canh giữ cửa trong cuộc tấn công bị cáo buộc trên, diễn ra sau một trận đấu quần vợt. Cô cũng nói rằng cô ấy biết việc lên tiếng sẽ rất khó khăn.
“Đúng vậy, ngoài bản thân, tôi không giữ bằng chứng nào, không ghi âm, không quay video, chỉ có sự nếm trải thực tế của cái tôi kỳ lạ của mình. Ngay cả khi tôi đang tự hủy hoại bản thân, như ném một quả trứng vào một tảng đá, hay một con bướm đêm bay vào ngọn lửa, tôi vẫn sẽ nói ra sự thật về chúng tôi,” bài đăng hiện đã bị xóa cho biết.
Cáo buộc của cô được đưa ra chỉ ba tháng trước khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông, vốn là mục tiêu của một chiến dịch tẩy chay từ nhiều tổ chức nhân quyền phần lớn là về việc Trung Cộng đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Các trận đấu này đang đối mặt với việc Hoa Kỳ và các quốc gia khác có thể sẽ tẩy chay ngoại giao. Các nhóm nhân quyền đã ví Thế vận hội 2022 của Bắc Kinh với Thế vận hội Berlin năm 1936 của Hitler. Chế độ Trung Quốc luôn một mực phủ nhận mọi hành vi vi phạm nhân quyền.
Cô Bành đã tham gia ba kỳ Thế vận hội. Hôm thứ Năm, IOC cho biết trong một tuyên bố rằng, “Chúng tôi đã xem các báo cáo mới nhất và được động viên bởi sự chắc chắn rằng cô ấy được an toàn.”
IOC có trụ sở tại Thụy Sĩ, có được 73% thu nhập từ việc bán bản quyền phát sóng và 18% khác từ các nhà tài trợ, đã không chỉ trích Trung Cộng, và thường nhắc đi nhắc lại rằng họ chỉ là một doanh nghiệp thể thao và không có quyền hành động đối với các chính sách của một nhà nước có chủ quyền.
WTA có khả năng gây áp lực tốt hơn vì họ ít phụ thuộc vào thu nhập từ Trung Quốc hơn IOC hoặc NBA. Liên đoàn bóng rổ đã mất ước tính 400 triệu USD tiền quyền phát sóng khi Trung Quốc cấm các trận đấu của họ trong mùa giải 2019–2020 sau khi tổng giám đốc đương thời của đội Houston Rockets là ông Daryl Morey đăng trên Twitter ủng hộ những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Vòng chung kết WTA được tổ chức tại Mexico trong tháng này vì đại dịch, với sự kiện được dự kiến sẽ trở lại vào năm 2022 tại Thâm Quyến, Trung Quốc.
WTA tổ chức một số giải đấu ở Trung Quốc và Vòng chung kết WTA được lên kế hoạch ở đó đến năm 2030. Năm 2019, có tám giải đấu WTA ở đó như một phần của sự kiện quần vợt Trung Quốc sau giải Mỹ mở rộng và chỉ vài tháng trước khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020.
Tuyên bố của ông Simon cho biết cô Bành đã thể hiện sự dũng cảm đáng kinh ngạc, nhưng ông vẫn lo lắng về sự an nguy của cô.
“WTA và phần còn lại của thế giới cần bằng chứng độc lập và có thể xác minh được rằng cô ấy vẫn an toàn,” ông viết. “Tôi đã nhiều lần cố gắng liên lạc với cô ấy bằng nhiều cách thức, nhưng đều vô ích.”
An Nhiên biên dịch