Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ vì mời Đài Loan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ

Frank Fang

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) vẫy tay chào chiếc chiến cơ F-16 V nâng cấp do Hoa Kỳ sản xuất khi Bộ trưởng Quốc phòng Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo-cheng) nhìn trong một buổi lễ tại Lực lượng Không quân Gia Nghĩa ở miền nam Đài Loan hôm 18/11/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images) Trung Quốc

ĐÀI BẮC, Đài Loan — Chế độ cộng sản ở Trung Quốc đang tức giận vì Đài Loan sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh về dân chủ do Hoa Kỳ chủ trì cùng với 109 chính phủ khác vào tháng 12/2021, sau khi chính phủ Tổng thống Biden công bố danh sách khách mời hôm 23/11.

Theo danh sách tham dự của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Trung Quốc không được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh này. Miến Điện (hay còn gọi là Myanmar), Nga, và Việt Nam cũng không nằm trong số những nước được mời.

Ngoài Đài Loan, các quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Malaysia, Mông Cổ, Hàn Quốc, và Philippines nằm trong số các chính phủ ở Á Châu được mời tham gia “Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ”, được tổ chức trực tuyến vào ngày 09-10/12.

Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, hội nghị thượng đỉnh này nhằm “thúc đẩy các cam kết và sáng kiến trên ba chủ đề chính: bảo vệ chống lại chủ nghĩa độc tài, chống tham nhũng, và thúc đẩy tôn trọng nhân quyền.”

Đáp lại lời mời đó, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), trong một bài viết đăng trên Twitter hôm 24/11, đã cảm ơn Hoa Thịnh Đốn vì “tổ chức hội nghị toàn cầu này nhằm gắn kết các quốc gia lại với nhau để bảo vệ các giá trị chung của chúng ta.”

Bộ ngoại giao Đài Loan đã thông báo rằng hai quan chức chính phủ — Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), trên thực chất là đại sứ của Đài Loan tại Hoa Kỳ, và ông Audrey Đường (Audrey Tang), bộ trưởng kỹ thuật số của hòn đảo này — sẽ tham gia vào hội nghị thượng đỉnh trên.

Hoa Thịnh Đốn và Đài Bắc không có quan hệ ngoại giao chính thức. Hai bên chấm dứt quan hệ chính thức của họ vào năm 1979 sau khi Hoa Thịnh Đốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh

Hôm thứ Tư (24/11), ông Trương Đôn Hàm (Xavier Chang), phát ngôn viên của Văn phòng Tổng thống Đài Loan, nói với các phóng viên địa phương rằng bà Tiêu và ông Đường sẽ chia sẻ với các chính phủ khác về cách Đài Loan tăng cường quản trị thông qua các sáng kiến dân chủ kỹ thuật số và công nghệ.

Thông qua hội nghị thượng đỉnh, ông Trương nói rằng hai quan chức Đài Loan sẽ chia sẻ “câu chuyện thành công về dân chủ” của hòn đảo này.

Trong khi đó, vào ngày 24/11, hai quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã công khai chỉ trích Hoa Thịnh Đốn về quyết định mời Đài Loan.

Ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijun), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cáo buộc Hoa Kỳ dựng lên một nền tảng cho “những người ly khai đòi độc lập” của Đài Loan trong một cuộc họp báo thường nhật. Ông cảnh báo rằng bất kỳ ai “đùa với lửa” cùng với những “người ly khai” này thì đều sẽ “tự làm bỏng chính mình.”

Trung Cộng coi Đài Loan như là một phần lãnh thổ của họ phải được thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Do đó, Bắc Kinh trấn áp những công dân Đài Loan ủng hộ tình trạng của hòn đảo này như một quốc gia độc lập trên thực tế, và gọi họ là “những người ly khai”.

Vài giờ trước nhận xét của ông Triệu, bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, cáo buộc Hoa Thịnh Đốn đã “phạm sai lầm” khi đưa Đài Loan vào hội nghị thượng đỉnh đó. Bà Chu nói rằng Bắc Kinh “phản đối bất kỳ hình thức tương tác chính thức nào giữa Hoa Kỳ và hòn đảo này.”

Một số chuyên gia Trung Quốc đã lên Twitter để bày tỏ sự tán thành của họ đối với việc chính phủ Tổng thống Biden không loại Đài Loan ra khỏi hội nghị thượng đỉnh này.

“Đây là một [cáo buộc] thiếu suy nghĩ. Đài Loan là một nền dân chủ sôi động, thành công. Câu hỏi luôn đặt ra không phải là liệu Đài Loan có tham gia Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ hay không, mà là với tư cách nào,” theo bài viết của bà Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình Á Châu tại Quỹ Marshall của Hoa Kỳ.

Ông Benedict Rogers, giám đốc điều hành của nhóm vận động Hong Kong Watch có trụ sở tại Anh Quốc, đã viết rằng, “Sẽ là một sai lầm lớn nếu không mời #Taiwan, một trong những nền dân chủ sôi động nhất của Á Châu, tham dự hội nghị thượng đỉnh về dân chủ này.”

Anh Trần Kiến Phủ (Chen Chien-fu), người đứng đầu Viện Nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Đạm Giang (Tamkang) của Đài Loan, nói với The Epoch Times qua mạng xã hội rằng sự lựa chọn của Đài Loan về những người đại diện tham dự hội nghị thượng đỉnh này — là bà Tiêu và anh Đường, thay vì bà Thái hoặc phó chủ tịch của hòn đảo này — là một nước đi chiến lược nhằm tránh “khiêu khích Trung Quốc”.

Trong một bài xã luận được xuất bản hồi tháng Tám, Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) hiếu chiến do nhà nước điều hành của Trung Quốc đã cảnh báo rằng nếu Hoa Thịnh Đốn cho phép bà Thái tham gia hội nghị thượng đỉnh về dân chủ này, thì Bắc Kinh sẽ thực hiện “các cuộc phản công quyết định” và sẽ có “những cơn bão chưa từng có” trên Eo biển Đài Loan.

Tổng biên tập của Thời Báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), đã lặp lại cảnh báo như vậy trên Twitter, vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao công bố danh sách khách mời cho hội nghị thượng đỉnh dân chủ này.

Hồi tháng Mười, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đã cảnh báo rằng chính quyền Trung Cộng sẽ có khả năng tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào hòn đảo tự trị này vào năm 2025.

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts