Daniel Y. Teng
Đại sứ tiếp theo của chính quyền Trung Quốc tại Úc sẽ là ông Tiếu Thiên (Xiao Qian), hiện là đặc phái viên của Bắc Kinh tại Indonesia.
Theo The Australian, việc đề cử ông Tiếu đã được chính phủ Thủ tướng Morrison đồng ý và được đưa ra sau khi “chiến lang” Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) rời nhiệm sở. Nhiệm kỳ của ông Thành đã chứng kiến ông áp dụng phong cách hùng biện đối đầu hơn với Úc.
Ông Tiếu cũng đã bày tỏ sẵn lòng tấn công những người chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng).
Hồi tháng Chín, ông viết trên tờ Jakarta Post rằng việc gần đây Hoa Thịnh Đốn kêu gọi điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19 là một “trò hề chính trị”.
“Cái gọi là cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc của chính phủ Hoa Kỳ bằng cộng đồng tình báo của họ rõ ràng là chính trị hóa vấn đề truy tìm nguồn gốc,” ông viết trong bài bình luận của mình. “Một hành động như vậy làm xáo trộn và phá hoại hợp tác quốc tế về truy tìm nguồn gốc và cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch.”
Ông Tần Tấn (Chin Jin), chủ tịch Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ, đã cảnh báo vào năm 2007 rằng bất kể ai là đại sứ, dưới chế độ Trung Cộng cai trị này, quan điểm cá nhân của họ sẽ bị gạt sang một bên [để ưu tiên] lợi ích của chế độ cộng sản.
“Vị đại sứ tiếp nối này sẽ tiếp tục chính sách thuyết phục và dụ dỗ nhất quán đặc biệt nhắm đến phá hoại liên minh Hoa Kỳ-Úc, và củng cố mối bang giao Úc-Trung,” ông viết trong một bài bình luận.
Ông nói, “Năng lực mua khổng lồ của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô của Úc và các thị trường tiêu thụ nội địa cực lớn của nước này sẽ được sử dụng như những công cụ hữu hiệu để dẫn dắt Úc xích lại gần Trung Quốc hơn trong việc giải quyết các mối bang giao cũng như các xung đột lợi ích quốc tế hoặc khu vực trong tương lai.”
“Trong quá trình này, tình trạng hoàn toàn không có dân chủ của Trung Quốc ,và hồ sơ kinh khủng của họ về nhân quyền bị bỏ qua hoàn toàn. Thương mại và tiền bạc được cho là quan trọng hơn.”
Cựu đại sứ Thành Cạnh Nghiệp đã phục vụ tại Úc từ năm 2016 đến tháng 10/2021.
Ông là gương mặt đại diện cho “chính sách ngoại giao chiến lang” của Bắc Kinh ở Úc và bắt đầu gây xôn xao hồi tháng 04/2020 sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne công khai kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.
Phản ứng của ông Thành là đưa ra những lời đe dọa úp mở và cảnh báo chính phủ liên bang rằng việc thúc đẩy một cuộc điều tra có thể khiến thương mại song phương Úc-Trung bị ảnh hưởng.
Theo sau là một chiến dịch cưỡng ép kinh tế mà đã chứng kiến các nhà chức trách Trung Quốc đưa ra một loạt các biện pháp nhằm gián đoạn hoạt động xuất cảng các mặt hàng chủ lực của Úc, bao gồm lúa mạch, than, bông, cỏ khô, gỗ, thịt, tôm hùm đá, và rượu vang.
Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg ước tính hôm 06/09 rằng các biện pháp này đã góp phần đưa kim ngạch xuất cảng xuống mốc 5.4 tỷ AUD (4 tỷ USD) trong năm nay, tính đến tháng 06/2021.
Tuy nhiên, cùng lúc đó các nhà xuất cảng đã chuyển sang các thị trường thay thế, điều này đã khiến xuất cảng thương mại sang các nước khác trên thế giới tăng 4.4 tỷ USD.
Ông Thành cũng đả kích các thành viên Quốc hội liên bang — bao gồm cả việc sử dụng một lời bôi nhọ so sánh một quan chức Đức Quốc Xã với Thượng nghị sĩ Eric Abetz — người đã chỉ trích Bắc Kinh trong cuộc điều tra công khai theo Dự luật Quan hệ Ngoại giao. Đạo luật đó đã dẫn đến việc hủy bỏ thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) giữa chính quyền Trung Cộng và tiểu bang Victoria.
Dưới sự lãnh đạo của ông Thành, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cũng đã “bị rò rỉ” một tài liệu nêu lên 14 điều bất mãn đối với Úc. Danh sách những lời phàn nàn dài dằng dặc này được cho là đã góp phần làm căng thẳng mối liên hệ song phương — chúng bao gồm lệnh cấm Huawei khỏi mạng 5G của Úc, luật về can thiệp của ngoại quốc, báo chí đưa tin về Trung Quốc, và quan điểm tiêu cực của Úc đối với BRI.
Minh Ngọc biên dịch