Tin thế giới sáng thứ Tư

Quốc Hội Pháp ra nghị quyết ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế

Ảnh minh họa: Một phiên họp Quốc hội Pháp, ngày 11/12/2014. © AP Photo/Francois Mori, File


Trong một động thái trái ngược hẳn với quan điểm của Bắc Kinh, Quốc Hội Pháp ngày 29/11/2021, đã thông qua một nghị quyết về việc Đài Loan tham gia vào hoạt động của một số tổ chức quốc tế, chủ yếu là Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.

Theo hãng tin Pháp AFP, văn bản “ủng hộ việc kết hợp Đài Loan với công việc của các tổ chức quốc tế và các diễn đàn hợp tác đa phương” đã được thông qua với 39 phiếu thuận. Trang tin chính thức của Đài Loan Taiwan Info nói rõ thêm là có hai phiếu chống và 3 người vắng mặt.  

AFP ghi nhận là nghị quyết vừa được Quốc Hội Pháp thông qua tương tự như một nghị quyết khác, đã được Thượng Viện Pháp thông qua ngày 06/05, một động thái đã gây ra căng thẳng với Trung Quốc.

Nội dung nghị quyết được hậu thuẫn của rất nhiều chính đảng nhưng không có giá trị ràng buộc, ủng hộ “việc tiếp tục các bước ngoại giao do Pháp thực hiện” nhằm giúp Đài Loan tham gia vào công việc của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WHO.

Nghị quyết nêu bật “thành công” của “mô hình Đài Loan” về quản lý đại dịch Covid-19, và lấy làm tiếc rằng mô hình này không thể được chia sẻ vì lợi ích của tất cả các định chế quốc tế mà Đài Loan không được tham gia. Cho đến nay, Trung Quốc là nước khăng khăng ngăn chặn không cho Đài Loan gia nhập hay tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế.  

Theo AFP, nghị quyết của Quốc Hội Pháp cũng chứa đựng một điểm công kích khác nhắm vào Bắc Kinh khi nhấn mạnh rằng: “Đài Loan đã phát triển một hệ thống chính trị đa nguyên sinh động và một đời sống dân chủ sôi động, phát huy nhân quyền và một nền văn hóa dân chủ dựa trên các giá trị mà cư dân của họ gắn bó”.

Văn kiện còn ghi nhận rằng Đài Loan, nằm giữa một khu vực đang chịu nhiều căng thẳng địa chiến lược gay gắt, “luôn thể hiện thái độ hòa bình, xây dựng và hợp tác trên quy mô toàn cầu”.

Nghị quyết cũng kêu gọi “mở rộng” các nỗ lực để Đài Loan tham gia vào các cơ quan hợp tác quốc tế khác như Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO/OACI, Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế Interpol hoặc Công Ước Khung Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu UNCAC/CNUCC.


Trọng Nghĩa

NATO họp bàn đối phó Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraina

Thùy Dương

Ảnh minh họa: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (P) trong cuộc họp báo tại Litva, cùng với thủ tướng Ingrida Simonyte (T), chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, tổng thống Litva Gitanas Nauseda ngày 28/11/2021. © AP Photo/Mindaugas Kulbis


Ngoại trưởng các nước thành viên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO hôm 30/11/2021 họp tại Riga, Latvia để thảo luận về cách thức đáp trả việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraina. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh mối lo ngại về khả năng Matxcơva xâm lược Ukraina gia tăng mạnh trong những ngày qua.

Trong chuyến thăm các lực lượng của Liên minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương tại Latvia, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với AFP : « Ý đồ của Nga là chưa rõ ràng » nhưng đây là lần thứ hai trong năm 2021 Nga có « sự tập trung bất thường lực lượng » ở biên giới với Ukraina, « các xe bọc thép hạng nặng, máy bay không người lái, hệ thống tác chiến điện tử và hàng chục ngàn binh sĩ sẵn sàng chiến đấu ».

Không chắc chắn về ý đồ của tổng thống Nga Putin, nhưng theo dự kiến, các ngoại trưởng khối NATO thảo luận về các kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược. NATO muốn tăng cường hỗ trợ cho quân đội Ukraina và tăng cường khả năng triển khai lực lượng của NATO dọc theo sườn đông. Tuy nhiên, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương nhấn mạnh Ukraina không được bảo vệ bởi hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO.

Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu muốn cho điện Kremlin thấy Nga sẽ phải trả giá đắt nếu dùng vũ lực tấn công Ukraina, đồng thời tránh khiêu khích chính quyền Putin. Về phía Nga, chính quyền kiên quyết bác bỏ thông tin Matxcơva đang lên kế hoạch tấn công nước láng giềng Ukraina. Điện Kremlin cáo buộc NATO gây ra căng thẳng.

Trong khi đó, Ukraina hôm nay thông báo sẽ tổ chức 10 cuộc tập trận quốc tế lớn trong năm 2022 và sẽ tham gia 16 cuộc tập trận bên ngoài lãnh thổ. Còn hôm qua, trong một cuộc họp báo trực tuyến, ngoại trưởng Ukraina kêu gọi các nước đồng minh hành động nhanh chóng để can ngăn Nga tấn công Ukraina.

Hạt nhân Iran : Đàm phán có dấu hiệu khả quan

Phan Minh

Quang cảnh cuộc đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna, thủ đô nước Áo ngày 29/11/2021. © EU Delegation in Vienna/Handout via REUTERS


Sau 5 tháng gián đoạn, các nhà đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran đã gặp lại nhau hôm 29/11/2021 tại Vienna, Áo trong một bầu không khí khá “tích cực”, cho dù vẫn còn nhiều trở ngại để có thể khôi phục thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015.

Nhà ngoại giao châu Âu Enrique Mora, điều phối viên các cuộc đàm phán cho biết, mặc dù còn rất nhiều khó khăn trước mắt nhưng ông cảm thấy vô cùng khả quan sau vòng đàm phán đầu tiên vào hôm qua.

Từ Vienna, đặc phái viên Nicolas Falez tường trình :

« Đã đến lúc các nhóm chuyên gia bắt tay vào việc, từ thứ Ba này, họ sẽ tiếp tục thảo luận về hai chủ đề chính của cuộc khủng hoảng này.

Trước tiên là các lệnh trừng phạt mà chính quyền Mỹ thời Donald Trump tái áp dụng, đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran Các quan chức Teheran nhấn mạnh rằng các trừng phạt này phải được dỡ bỏ.

Chủ đề thứ hai, không thể tách rời chủ đề một, là Iran phải trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, bảo đảm chỉ tiến hành một chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên Iran hiện sản xuất uranium được làm giàu ở mức nguy hiểm, có thể được sử dụng vào mục đích quân sự, đồng thời Teheran cũng hạn chế việc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên tử Quốc Tế kiểm soát các cơ sở hạt nhân của mình.

Các cuộc thảo luận đã bắt đầu lại vào thứ Hai tuần này tại Vienna sau 5 tháng gián đoạn, nhằm đạt được những bước tiến mới trong hai chủ đề nói trên trong “bối cảnh cấp bách” như lời thừa nhận của nhà ngoại giao châu Âu Enrique Mora, điều phối viên các cuộc đàm phán này. »

Trung Quốc triển khai công nghệ mới để giám sát nhà báo, trấn áp truyền thông

Thùy Dương

Hệ thống camera giám sát ngay trước cổng Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp hồi tháng 6/2020. © AP Photo/Ng Han Guan

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết chi tiết :

« Đây là một tài liệu chứng minh điều mà nhiều người lâu nay nghi ngờ : việc sử dụng các công nghệ để giám sát những mục tiêu mà chính quyền Trung Quốc đã xác định từ trước, và ở đây chính là các nhà báo và du học sinh quốc tế.

200 trang tài liệu hồ sơ gọi thầu của chính quyền tỉnh Hà Nam, mà Reuters xem được, chứa rất nhiều thông tin. Hệ thống này cho phép tập hợp được các tệp thông tin cá nhân, nhờ sử dụng 3.000 camera nhận dạng khuôn mặt được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và vùng.

Các camera này có khả năng nhận dạng cả các cá nhân đeo khẩu trang hoặc đeo kính, sẽ có không dưới 2.000 nhân viên xử lý các hình ảnh thu thập được. Việc mua một vé tàu lửa hay nhận phòng khách sạn sẽ kích hoạt cảnh báo để các lực lượng an ninh khác nhau sẵn sàng hành động.

Điều mỉa mai là cuộc gọi thầu này được thực hiện vào ngày 29/07 vừa qua, sau khi chính quyền địa phương mất dấu của các phóng viên và mất khả năng kiểm soát hoạt động tường thuật tin tức của họ. Trận lũ lụt ở Hà Nam đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông, trong khi lũ lụt khiến điện bị cắt suốt nhiều ngày, mạng wifi bị hỏng, khiến các camera giám sát như bị “đui mù” ».

Công ty Zara Pháp không được mở rộng mặt bằng vì dính líu đến lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ

Phan Minh

Ảnh minh họa: Một nhóm người biểu tình trước cửa hàng của Zara ở Paris, Pháp, ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, ngày 19/03/2021. AFP – LOIC VENANCE


Dự án mở rộng mặt bằng của một cửa hàng bán quần áo Zara ở Bordeaux, miền nam nước Pháp đã bị từ chối vì tập đoàn này bị nghi ngờ có dính líu đến lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc.

Theo AFP, hôm 29/11/2021, tiểu ban quy hoạch khai thác thương mại cấp tỉnh, ở Bordeau, cho biết đã từ chối cấp giấy phép mở rộng mặt bằng cho một cửa hàng Zara. Quyết định này được đưa ra ngày 09/11, sau cuộc bỏ phiếu trong tiểu ban, với 3 phiếu chống, 1 phiếu tán thành và 6 phiếu trắng.

Lý do chính là Inditex, công ty mẹ của thương hiệu quần áo này đang bị điều tra về việc cưỡng bức lao động những người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.

Ba người phủ quyết là phó thị trưởng Bordeaux, một dân biểu cấp thành phố và một dân biểu cấp vùng, cho biết, viện Công Tố chống khủng bố đã cho mở điều tra vào cuối tháng Sáu, sau khi có đơn kiện hồi tháng Tư của hiệp hội chống tham nhũng Sherpa, Viện Duy Ngô Nhĩ châu Âu, một người Duy Ngô Nhĩ đã từng bị giam cầm tại tỉnh Tân Cương.

Alain Garnier, một thành viên của tiểu ban xét duyệt khẳng định đây là một quyết định có tính chất chính trị, và tiểu ban muốn đưa ra một tín hiệu mạnh bằng cách từ chối việc mở rộng các cửa hàng không đủ năng lực giám sát các nhà thầu phụ của họ.

Để phản đối chính quyền Bắc Kinh trấn áp cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ, trong thời gian qua, nhiều tập đoàn phương Tây đã từ chối kinh doanh, mua các sản phẩm có dính líu đến lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Related posts