KUALA LUMPUR, Malaysia — Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Myanmar để gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo quân sự của nước này khôi phục con đường dân chủ bị gián đoạn bởi cuộc đảo chính hồi tháng Hai.
Ông Blinken cho biết tình hình ở Myanmar trong 10 tháng kể từ khi cuộc đảo chính đã “trở nên tồi tệ hơn” với các vụ bắt bớ hàng loạt và bạo lực chống lại người biểu tình. Và ông cho biết chính phủ Hoa Kỳ cũng đang xem xét “rất tích cực” việc chỉ định cuộc đàn áp đang diễn ra nhằm vào cộng đồng người Hồi Giáo Rohingya của Myanmar là một “tội ác diệt chủng”.
Ông Blinken nói, “Tôi nghĩ sẽ rất quan trọng trong những tuần tới và tháng tới để xem xét các phương án và biện pháp bổ sung mà chúng ta có thể thực hiện riêng hoặc cùng nhau để gây áp lực buộc chế độ này đưa đất nước trở lại một quỹ đạo dân chủ.”
Ông Blinken đã đưa ra những bình luận trên vào hôm thứ Tư (15/12) tại Malaysia, nơi ông đang dừng chân trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á. Người đồng cấp Malaysia của ông cho biết Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cũng phải hành động, nói rằng nhóm khu vực này phải thực hiện một số “cân nhắc sâu sắc” về chính sách của họ đối với thành viên Myanmar.
Ông Blinken nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah: “Tựu chung lại là chúng ta phải xem xét các bước bổ sung, các biện pháp có thể được thực hiện để xoay chuyển mọi thứ theo hướng tốt hơn và đó là điều mà chúng tôi đang xem xét.”
Ông Blinken đã được hỏi cụ thể về các biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với lĩnh vực dầu khí do nhà nước điều hành của Myanmar nhưng không đề cập đến tính khả thi trong phản hồi của mình. Tuy nhiên, ông đã đề cập đến khả năng có một phán quyết về tội diệt chủng.
Ông Blinken cho hay, “Chúng tôi cũng tiếp tục chủ động xem xét các quyết định về những hành động được thực hiện ở Myanmar và liệu các hành vi đó có cấu thành tội diệt chủng hay không và đó là điều mà chúng tôi đang xem xét rất tích cực ngay bây giờ.”
Ông nhắc lại yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar trả tự do cho tất cả những người đã bị “giam giữ bất công”, bao gồm cả nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi, cho phép tiếp cận nhân đạo không bị cản trở đến các khu vực cần hỗ trợ, chấm dứt bạo lực chống lại những người biểu tình và đưa Myanmar trở lại “con đường dân chủ của mình”.
Trả lời cùng câu hỏi đó, ông Abdullah cho biết Malaysia tin rằng ASEAN phải có lập trường cứng rắn hơn khi nói đến Myanmar. Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á này từ lâu đã tuân theo chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên và thường khước từ thực hiện các hành động chống lại [các thành viên của mình].
“Tôi hiểu rằng chúng ta tôn vinh các nguyên tắc không can thiệp, nhưng … ASEAN cũng nên xem xét nguyên tắc không thờ ơ vì những gì xảy ra ở Myanmar đã vượt ra khỏi Myanmar,” ông nói và lưu ý rằng Malaysia hiện đang tiếp nhận gần 200,000 người tị nạn Rohingya.
Ông nói “Chúng ta phải thực hiện một số cân nhắc sâu sắc,” và bày tỏ hy vọng rằng một cuộc họp ngoại trưởng ASEAN vào tháng Một sẽ có thể làm rõ quan điểm của hiệp hội đối với Myanmar đồng thời đưa ra các yêu cầu và cột mốc rõ ràng để quân đội nước này đáp ứng cùng với thời gian cụ thể để hoàn thiện các việc đó.”
Do Matthew Lee của The Associated Press thực hiện
Hồng Ân biên dịch