Thanh Trúc
Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand hôm thứ Hai (20/12) đã bày tỏ quan ngại về sự xói mòn nền dân chủ ở Hồng Kông.
Năm nước cho biết trong một tuyên bố chung: “Ngoại trưởng Úc, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh, và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm kết quả của cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp ở Hồng Kông [vừa diễn ra], đồng thời bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi về sự xói mòn các yếu tố dân chủ của hệ thống bầu cử của Đặc khu hành chính”.
Nhóm G7 cũng ra tuyên bố nói rằng những thay đổi đối với hệ thống bầu cử của Hồng Kông đã làm suy yếu mức độ tự trị cao được Đảng Cộng sản Trung Quốc hứa hẹn đối với Hồng Kông theo nguyên tắc “Một quốc gia, hai hệ thống” khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997
Hôm Chủ nhật (19/12), hơn 1,3 triệu cử tri Hong Kong đi bầu Hội đồng Lập pháp, tương đương 30,2%, thấp nhất từ khi đặc khu được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Đây là lần đầu tiên người Hong Kong đi bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Lập pháp kể từ khi Bắc Kinh cải cách hệ thống bầu cử của đặc khu, với quy định chỉ những “người yêu nước” mới đủ tiêu chuẩn lãnh đạo thành phố.
Các ứng cử viên ủng hộ Bắc Kinh đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp này. Những ứng viên theo đường lối ôn hòa hoặc không ủng hộ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh thua với cách biệt lớn.
Benson Wong, một cựu giáo sư chính phủ tại Đại học Baptist Hồng Kông hiện đang sống ở Vương quốc Anh, gọi kết quả cuộc bầu cử hôm thứ Hai là một trở ngại cho thành phố. Ông bình luận: “Chúng đại diện cho ba mức thấp. Tính đại diện thấp, năng lực chính trị thấp và tính hợp pháp thấp trong chính trị.”
Timothy Lee, người đã bị tòa án cách chức khỏi ghế hội đồng quận vào đầu năm nay và sau đó rời thành phố, nói: “Tôi nghĩ điều này cho thấy Hồng Kông không có niềm tin vào hệ thống bầu cử. Những người được bầu sẽ không phải là sự thật đại biểu nhân dân”.