Jenny Li
Sau khi hai nhà phát triển địa ốc của Trung Quốc – Evergrande và Kaisa – vỡ nợ thanh toán trái phiếu của họ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lặp lại nỗ lực kiềm chế thị trường địa ốc mắc nợ chồng chất của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng ĐCSTQ có ý định biến các doanh nghiệp tư nhân thành các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước để tăng cường sự kiểm soát của nhà nước.
Ngành địa ốc là một trong những chủ đề quan tâm thảo luận tại Hội nghị Trung ương về Công tác Kinh tế hàng năm của Trung Quốc hôm 10/12, một cuộc họp quan trọng nơi người đứng đầu chính phủ vạch ra nghị trình kinh tế cho năm 2022.
Tại cuộc họp này, phó Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Ning Jizhe đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách lĩnh vực địa ốc mắc nợ chồng chất của Trung Quốc, coi đây là một trụ cột kinh tế quan trọng của Trung Quốc.
Kể từ đầu năm 2021, các đại gia địa ốc của Trung Quốc bao gồm Evergrande, Fantasia và Kaisa đã rơi vào khủng hoảng nợ, và “Chính sách ba lằn ranh đỏ” của Trung Quốc đã khiến vấn đề này trở nên tồi tệ hơn. Ba lằn ranh đỏ là một loạt các ngưỡng giới hạn nợ, hạn chế nghiêm trọng khả năng vay vốn của một số chủ đầu tư địa ốc.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Nhà ở đã đưa ra Chính sách Ba lằn ranh đỏ vào tháng 08/2020, nhằm mục đích cải thiện sức khỏe tài chính của lĩnh vực địa ốc bằng cách giảm đòn bẩy của các nhà phát triển, cải thiện tỷ lệ nợ, và tăng tính thanh khoản. Tuy nhiên, một số nhà phát triển địa ốc lớn như Evergrande đã không đáp ứng được quy định mới.
Nhà kinh tế Trung Quốc Huang Jun nói với The Epoch Times rằng lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của Evergrande là do các ngân hàng quốc doanh ngừng cho vay khi biết rằng Evergrande đã phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao và không thể hoàn trả.
Ông Huang Jun là nhà kinh tế trưởng của Liên minh Vốn Doanh nghiệp Trung Quốc (CECU) và là thành viên của ủy ban nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Á Châu (ASEA). Ông hiện đang định cư tại Hoa Kỳ.
Ông Huang giải thích: “Bắc Kinh có thể đóng một vai trò trong sự sụp đổ của Evergrande. Kể từ khi cải cách nhà ở năm 1998, các doanh nghiệp địa ốc tư nhân của Trung Quốc đã phát triển lớn mạnh. Nhưng ĐCSTQ muốn giành lại quyền kiểm soát bằng cách biến các doanh nghiệp tư nhân thành sở hữu nhà nước.”
Ông Huang đề cập đến triết lý kinh tế lâu đời của ĐCSTQ, “doanh nghiệp nhà nước tiến lên, khu vực tư nhân thoái lui”, một nguyên tắc đàn áp nền kinh tế thị trường tự do và tăng cường kiểm soát của nhà nước. Kể từ đầu những năm 2000, ĐCSTQ đã thúc đẩy sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước với cái giá mà khu vực tư nhân phải trả.
Hôm 06/12, theo Financial Times, Tập đoàn Evergrande đã thành lập một ủy ban quản lý rủi ro gồm bảy thành viên bao gồm bốn quan chức của cơ quan nhà nước. Động thái này tương đương với việc chính phủ can thiệp vào việc tái cấu trúc nợ của Evergrande.
Chen Long tại Plenum, một công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, “[Ủy ban] sẽ tiếp quản Evergrande và tìm các bên thứ ba, đặc biệt là các nhà phát triển thuộc sở hữu nhà nước, để tiếp quản các dự án phát triển của nó. Sau đó thì, Evergrande biến mất. Các cổ đông ban đầu, bao gồm [người sáng lập và chủ tịch] Xu Jiayin, sẽ bị xóa sổ.”
Ông Chen nói thêm: “Đây là cách Bắc Kinh quản lý các công ty mắc nợ cao trong vòng ba đến bốn năm qua. Đã có nhiều lần họ có thể cứu Evergrande. Họ vẫn có thể cứu Evergrande ngày hôm nay. Nhưng không có động cơ chính trị cho bất kỳ ai làm điều đó.”
Ông Huang chỉ ra rằng ĐCSTQ sẽ không bao giờ từ bỏ ngành địa ốc miễn là chính phủ trung ương và địa phương có thể thu được lợi nhuận. Giá nhà đất và sinh kế của người dân tăng vọt chưa bao giờ là mối quan tâm hàng đầu của ĐCSTQ.
Ông Huang nói thêm, “Khi chính phủ [Trung Quốc] từ từ nắm toàn quyền kiểm soát Evergrande, họ sẽ bắt đầu nhắc lại tầm quan trọng của ngành địa ốc và gọi ngành này là trụ cột kinh tế lớn.”
“Thị trường địa ốc là thành phần cốt lõi của sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào các dự án địa ốc và cơ sở hạ tầng chiếm từ 25 đến 30% GDP của quốc gia. Trung Quốc luôn hy vọng thị trường địa ốc sẽ tiếp tục tăng và thu hoạch của cải của những người dân thường. ”
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ của các đại công ty địa ốc Trung Quốc đã làm suy giảm niềm tin trên toàn cầu vào thị trường Trung Quốc và làm chùn bước các nhà đầu tư ngoại quốc.
Hôm 09/12, Fitch Ratings đã tuyên bố China Evergrande Group và Kaisa Group Holdings là “vỡ nợ có hạn chế” sau khi bỏ lỡ các khoản thanh toán trái phiếu bằng USD.
Khi cuộc khủng hoảng tiền mặt lan rộng, các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc khác cũng bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng. Số các công ty địa ốc không trả nợ được cho các nhà đầu tư đang tăng nhanh trong lĩnh vực địa ốc Trung Quốc, do các công ty địa ốc phải đối mặt với áp lực về doanh số bán nhà giảm, chính phủ hạn chế việc đi vay, và thị trường trái phiếu bán tháo khiến thị trường gần như không có giao dịch mới.
Bà Jenny Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2010. Bà đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền, và quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc. Bà đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và ở ngoại quốc.
Bình Hòa biên dịch