Tản Mạn Đầu Năm 2022: “Người Xa Lạ”… Giữa Chúng Ta

Vương Trùng Dương

Tác phẩm đầu tay L’Étranger (Người Xa Lạ) của nhà văn Albert Camus (1913-1960) ra đời năm 1942, trở thành “hiện tượng” trong văn chương Pháp với Chủ Nghĩa Hiện Sinh (Existentialisme). Trong văn học, hai nhà văn Simone de Beauvoir (1908-1986) và J.P. Sartre (1905-1980) gặp nhau từ năm 1929 và yêu nhau, sáng lập tờ báo “Thời Mới” (Les Temps Modernes) để truyền bá chủ nghĩa hiện sinh ra ngoài phong trào văn học. Kết thúc cuộc tình Simone de Beauvoir viết cuốn Adieux: Một Lời Chia Tay Với Sartre (1981).

Tiểu thuyết đầu tiên của J.P Sartre tên La Nausée (Buồn Nôn) về triết thuyết hiện sinh. Dưới hình thức nhật ký, tác giả cảm nhận sâu sắc nội tâm của con người trong cuộc sống với thế giới bên ngoài với bao nỗi băn khoăn, ray rứt, và cả sự tàn nhẫn khó chấp nhận xảy ra trong bối cảnh ám ảnh bản thân!

Cùng cổ xúy cho Chủ Nghĩa Hiện Sinh, tình bạn giữa Albert Camus và Jean-Paul Sartre vào giữa thập niên 30, rạn nứt vào năm 1952… Và từ đó, ông viết những tác phẩm nói lên “phi lý” của con người trong cuộc sống.

Bước vào năm 2022, tác phẩm Người Xa Lạ tròn 80 năm, nhân dịp nầy mạn đàm về tựa đề tác phẩm trong quá khứ và hình ảnh đó trong chúng ta hiện tại.

Với các tác phẩm của Albert Camus được Giải Nobel Văn Chương năm 1957. Trong bài diễn văn ngắn gọn của ông, có đoạn: “Dĩ nhiên là mỗi thế hệ đều tưởng mình có nghĩa vụ xây dựng lại thế giới. Có điều là thế hệ của tôi lại biết rằng nó sẽ không xây dựng lại được thế giới ấy. Nhưng nhiệm vụ thế hệ tôi lại to tát hơn, đó là ngăn chặn một thế giới đang bị tàn phá… Thời kỳ trí tuệ tự hạ mình đến mức chỉ để phục vụ cho thù hận và áp bức, cái thế hệ này của tôi, từ những phủ định của chính mình, đã phải dựng xây lại ngay trong bản thân mình và xung quanh mình một chút giá trị gì còn lại đủ để tạo thành niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết…

… Không chắc gì họ có thể hoàn thành được nhiệm vụ mênh mông to tát đó, nhưng chắc chắn là, khắp nơi trên thế giới, thế hệ này đã chấp nhận cuộc thách thức kép – chân lý và tự do, và nếu có phải chết nó cũng biết chết mà không hề oán hận cuộc thách thức ấy. Chính thế hệ này đáng được chào đón và khích lệ ở khắp nơi nó đang hiện diện, và nhất là ở nơi nào nó đang xả thân. Bất kể thế nào, tôi tin rằng quý vị cũng hết sức đồng tình với tôi rằng tôi muốn tặng lại họ niềm vinh dự quý vị đã trao cho tôi”. (Phạm Toàn dịch).

Cha người Pháp, mẹ người Tây Ban Nha, Albert Camus sinh ngày 7 tháng 11 năm 1913 ở Mondovi, xứ Algérie Bắc Phi. Năm 1914, Đệ Nhất Thế Chiến nổ, cha ông chết ở Quân Y Viện St Brieuc, ông không biết mặt cha. Sau khi chồng chết, vì nghèo bà Sintes mang các con về vùng ngoại ô Belcourt ở chung với mẹ và người chú bị tê liệt.

Năm 1930 ông đậu Tú Tài và để có tiền ăn học, ông làm đủ nghề… thư ký cho sở khí tượng, tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi rồi công ty gởi hàng hoá. Lên đại học, ông theo môn triết và đỗ Cử Nhân năm 1935, Cao Học 1936 ở Algérie. Camus viết báo, hoạt động đòi công bằng, bác ái cho dân bản xứ Algérie chống chính quyền thuộc địa. Báo bị đóng cửa không tìm ra việc nên phải rời về Paris. Camus ra nhập đảng Cộng Sản năm 1934 khi ở Algérie và đến năm 1937 khi ở Pháp, ông bỏ đảng.

Những tác phẩm của Albert Camus vào thập niên 60 được dịch ra tiếng Việt và không xa lạ gì với độc giả ở miền Nam VN. Bùi Giáng dịch nhiều tác phẩm của Albert Camus như: Le Malentendu (Ngộ Nhận), Caligula (Bạo Chúa Caligula), L’Été (Mùa Hè, nhan đề Mùa Hè Sa Mạc, Le Mythe de Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe), nhan đề Biển Đông Xe Cát, L’Homme Révolté (Con Người Phản Kháng)…

La Chute (Sa Đọa), Djémila (Gió Về), L’Envers et L’Endroit (Bề Trái & Bề Mặt), Noces (Giao Cảm), Trần Thiện Đạo dịch. La Femme Adultère  (Người Đàn Bà Ngoại Tình), Nguyễn Văn Trung dịch, L’Exil et le Royaume (Lưu Đầy & Quê Nhà), Trần Phong Giao và Vũ Đình Lưu dịch… Tác phẩm La Peste (Dịch Hạch), Hoàng Văn Đức dịch, 1966; Võ Văn Dung dịch, 1971.

Có thể nói, sau hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Kẻ Xa Lạ (1942) và Dịch Hạch (1947), thì tiểu luận Thần Thoại Sisyphus (Le Mythe de Sisyphe, 1942) là tác phẩm quan trọng bậc nhất của Albert Camus.

Thần thoại về Sisyphus, tiểu luận triết học của Albert Camus với lập luận của điều phi lý từ thời cổ đại xa xưa vẫn tồn đọng trong thời kỳ của Albert Camus. Tựa đề tiểu luận, vốn là tên trong chương sau cùng, được gợi dẫn từ câu chuyện của chàng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp. Theo đó, bắt đầu từ lập luận phi lý rằng đời sống của mỗi cá nhân, ngay cả những cá nhân tự xác định cho mình một lý tưởng, mục đích cao đẹp, thường bị vây bủa trong những hành động đôi khi rất hoài công và vô vọng.

Tháng 11 năm 2019, bài viết cho Giai Phẩm Xuân Bính Tý (2020), tôi viết bài “Ông Năm Chuột & Số Phận Phan Khôi” trong đó có đề cập đến số phận tác giả Ông Năm Chuột bị hẩm hiu trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, “Phan Khôi và vợ con bị đuổi ra khỏi nhà, phải tìm nơi tá túc ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền, rồi căn nhà nhỏ tồi tàn 73 phố Thuốc Bắc…”. Họa sĩ Trần Duy, chứng nhân thời cuộc nên ghi lại hình ảnh nầy:

“Một buổi chiều tôi đến 51 Trần Hưng Đạo thì gặp cảnh: Một quan chức có quyền lực quát đuổi vợ chồng ông ra khỏi số nhà 51 Trần Hưng Đạo.

Người này quát lớn: Tống cổ thằng già khốn nạn này ra khỏi đây!

Vợ ông, bà Huệ ôm chăn màn, sách vở; ông Phan Khôi lảo đảo theo sau. Ra cổng gặp tôi, ông chào và nói: Thôi, anh về đi… Buồn không cần thiết!

Đến buồn mà cũng không cần thiết, kể cả khi hắt bát nước đi vẫn biết là không hớt lại được!

Hôm sau tôi gặp lại vị quan chức hôm qua, nguyên là bạn học cùng tôi thời tiểu học ở Quy Nhơn, Bình Định, tôi hỏi: Ăn ở đối xử với nhau như vậy có quá lắm không? Nhất là tầm tuổi ông Phan cũng ngang hàng cha chú chúng mình?

Ông bạn tôi cười nói: Cậu có biết chuyện lên đồng không? Người lên đồng nói những điều không do họ chịu trách nhiệm, họ nói những điều đến từ thế giới khác…”

Trong khi đó, Albert Camus với tác phẩm từ căn bệnh quái ác do loài chuột gây ra đã đưa ông lên đài danh vọng cũng vào thời điểm vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm.

Tác phẩm L’Étranger được dịch nhiều nhất, (Kẻ Xa Lạ) Dương Kiền & Bùi Ngọc Dung dịch – Người Xa Lạ, Tuấn Minh dịch – Kẻ Xa Lạ, Lê Thanh Hoàng Dân & Mai Vi Phúc dịch – Người Xa Lạ, Võ Lang dịch…

Bùi Giáng là dịch giả đã dịch nhiều tác phẩm của Albert Camus, có lẽ ông cảm nhận được nội dung ẩn ý trong tác phẩm giữa con người và cuộc sống.

Ngày 2 tháng 4 năm 2020 tôi viết bài “Từ tác phẩm Dịch Hạch đến dịch Covid-19”. Ngày 8 tháng 5 năm 2020, tôi viết bài “Trong Cơn Đại Dịch Covid-19, đọc lại tác phẩm Dịch Hạch & Trăm Năm Cô Đơn”… để nhìn lại thời dĩ vãng với giai đoạn hiện tại.

Trở lại với tác phẩm Người Xa Lạ, Võ Lang dịch, Thời Mới, 1965. Kẻ Xa Lạ, Dương Kiền và Bùi Ngọc Dung dịch, Ngày Nay, 1965. Kẻ Xa Lạ, Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc dịch, nhà xuất bản Trẻ, 1973. Người Xa Lạ, Tuấn Minh dịch. Được giải thưởng dịch thuật năm 1970 của Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa.

Với các bản dịch Việt ngữ, Người Xa Lạ – Kẻ Xa Lạ rất quen thuộc với độc giả miền Nam VN thời đó chủ nghĩa và quan niệm (triết lý) hiện sinh đang “trăm hoa đua nở” từ trời Âu… Và, trong thời điểm chiến tranh xảy ra trong nước với thân phận người trai trong cuộc chiến trở thành chứng nhân phi lý xảy ra trong cuộc sống và đất nước!

Meursault, nhân vật chính trong “Người Xa Lạ” là một kẻ dửng dưng, thậm chí dửng dưng trước tin mẹ của mình qua đời; đi tắm biển rồi tình cờ phạm tội giết người; khi tòa hỏi lý do phạm tội thì đổ tại mặt trời… Ngay cả khi đối diện với án tử hình, chàng cũng chỉ mong có thật nhiều người tới xem buổi hành hình và chửi rủa, để không cảm thấy lẻ loi, để mọi điều trọn vẹn.

Tác phẩm chỉ 12 chương, câu cuối cùng “… Tôi chỉ còn ao ước đến ngày hành quyết tôi sẽ có rất nhiều khán giả và họ sẽ tiếp đón tôi với những tiếng hò hét căm hờn”.

Hình ảnh Meursault coi như con người bất thường vì thái độ dửng dưng ngay cả cái chết của người mẹ rồi hành động tội ác và cả khi nhận bản án tử hình. Phải chăng “Người Xa Lạ” là người bị tự kỷ ám thị với tha nhân và xã hội.

Theo bài viết của nhà văn Thụy Khuê: “Meursault biểu trưng cho “cái không biết” của con người, về người khác, về chính mình. Cái “xa lạ” giữa mình với người khác, cái xa lạ giữa mình và chính mình. Và đó là nỗi đơn côi cùng cực của con người đối với chính mình: Sự xa lạ đối với chính mình…

Người Xa Lạ một trong những cuốn tiểu thuyết chủ yếu của Pháp trong thế kỷ XX. Tính chất bí mật, văn phong lạ, cách đặt vấn đề thân phận con người lồng trong hai nét chính phi lý và bất khả tri, mở cửa cho nhiều ngòi bút khác đến sau. Người Xa Lạ như một bi kịch kín của con người muốn khám phá bản thân mình trong một mê cung, không lối thoát, và cho đến phút chót, người ấy vẫn “xa lạ” với chính mình…”

Trong thời gian qua, tôi bắt gặp hình ảnh “Người Xa Lạ” xảy ra trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và cả hải ngoại trước nội tình chính trị với kỳ bầu cử Tổng Thống năm 2020. Qua ba thập niên sống trên xứ sở nầy, tôi đã chứng kiến những cuộc bầu cử Tổng Thống (4 năm một kỳ), với hai chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, cử tri người Mỹ gốc Việt tùy ý và vui vẻ bày tỏ quan điểm của mình để chọn ứng cử viên Tổng Thống của Cộng Hòa hay Dân Chủ. Trong tình bạn bè cũng có những lần tranh cãi nhau tuy bất đồng nhưng không bất hòa để dẫn đến tình trạng “gà nhà bôi mặt đá nhau” rồi trở thành “Người Xa Lạ”. Nhà thơ Ngọc Hoài Phương với thi phẩm Cõi Tạm đã nhiều lần chia sẻ với tôi rằng thế hệ chúng ta tuy người Mỹ gốc Việt nhưng vẫn coi nơi nầy như mảnh đất tạm dung, có lẽ ở các thế hệ sau.

Thưở còn học trung học, khoái chuyện xảy ra dưới thời Tự Đức với nhà thơ Chu Thần Cao Bá Quát (1809-1854), lúc đó văn thần Phan Văn Nhã được lệnh vua chấp bút bài văn Ngọc Diệp liệt kê và ca ngợi các bậc tài hoa nổi danh trong triều. Thảo xong, Phan Văn Nhã cho tổ chức buổi tiệc khoản đãi quần thần để khoe áng văn bất hủ. Bài văn đến tay quan Thượng Thư Võ Phạm Khải, quan thượng thư vừa liếc xem qua đã phán “Văn mà thế này thì đến chó cũng làm được!” Tác giả tức khí, hai bên lời qua tiếng lại, cãi nhau ỏm tỏi, chẳng ai chịu ai! Hết võ mồm thì đến dụng võ chân tay! Sự việc đến tai vua Tự Đức. Vua Tự Đức cho mời quan Hành Tẩu Bộ Lễ (nhà thơ Cao Chu Thần) trình bày cho nhà vua nắm rõ mọi chuyện.

Bản báo cáo (giai thoại văn học), ngắn gọn như sau:

“Tiền, Quát bất tri

Hậu, Quát bất tri

Trung gian Quát chí

Đản kiến:

Thượng bàn hô cẩu

Hạ bàn hô cẩu!

Thượng hạ giai cẩu!

Lưỡng tương đấu ẩu

Thần gián bất đắc

Thần kiến thế nguy

Thần hoảng thần tẩu!”

(Trước, Quát không biết. Sau, Quát chẳng hay. Nửa chừng Quát đến. Thấy như thế này:

Bàn trên chửi chó! Bàn dưới mắng chó! Trên dưới đều chó. Hai bên choảng nhau. Thần can chẳng được. Thần thấy thế nguy. Thần sợ, thần chuồn!)

Hai thế kỷ sau, sống trên xứ người lại chứng kiến cảnh tượng “lưỡng tương đấu ẩu” xảy ra trong kỳ bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2020, với nguời Việt lưu vong của chúng ta tình trạng không thể ngờ chuyện phe nầy, cánh nọ… trong cộng đồng, bạn bè, người thân trong gia đình và cả những người bên tận trời Âu để rồi trở thành “Người Xa Lạ” và còn ấm ức, hận thù…

Có lẽ, nỗi đau của anh cũng là nỗi đau của người nhiều trong hoàn cảnh nầy! Phi lý quá, chuyện ngoài ngõ không bỏ ngoài tai mà mang vào nhà để rồi coi như “người dưng nước lã”! Người xưa đã nói “thái quá bất cập” nay phe nầy, phe kia bất đồng chính kiến thì phang nay chữ “cuồng”… Nhà báo Lê Dư (1884- 1967), gốc Quảng Nam, em rể nhà văn Phan Khôi, cộng tác với các báo: Nam Phong tạp chí, Hữu Thanh, Đông Tây… lấy bút hiệu là Sở Cuồng để tả xung hữu đột.

Tháng 8/2020 tôi viết: Phiếm Luận – Ngẫm Chuyện: Cuồng

Trích bài viết:

Ngày xưa, vào đời nhà Trần, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) là bậc quân sự lỗi lạc, học giả uyên bác, có tước hiệu Hưng Ninh Vương.

 Ngài cùng với Đức Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương) đem hơn hai vạn quân giao chiến, với tướng Nguyên Mông, đuổi Thoát Hoan chui ống đồng, chạy dài. Khi ngài xong việc rửa thù báo hận, xa chốn bụi trần, trở thành thiền sư Phật Giáo Đại Thừa.

 Trong bài thơ Phóng Cuồng Ngâm của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhắc đến chữ “cuồng”:

“… Cuồng ngô cuồng hề Phổ Hóa cuồng

Đốt đốt phù vân hề phú quý

Hu hu quá khích hề niên quang

Hồ vi hề quan đồ hiểm trở…”

“… Cuồng cái ta cuồng chừ, Phổ Hóa cuồng!

Ối ối! Giàu sang chừ, lưng trời mây nổi,

Chà chà! Năm tháng chừ, bóng ngựa lướt ngang!

Nói sao chừ, chông gai bể hoạn…”

(Bản dịch của Đỗ Văn Hỷ)

(Chú thích: Thiền sư Phổ Hóa vào thế kỷ thứ 9 ở Trung Hoa, lập ra nhánh thiền là Phổ Hóa tông.)

Trong bài Phóng Cuồng Ngâm, bậc thiên sư nói về chữ “cuồng” mà  xưa nay, thường hiểu là ngông, là điên. Đó là hiểu theo nghĩa đen. Còn nghĩa khác là cuồng nhiệt, ý khí mạnh mẽ. Ông Lý Việt Dũng (nghiên cứu và dịch sách Phật Giáo) giải thích trong ý thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ:

“Phóng cuồng ở đây không có nghĩa là điên cuồng hay cuồng nhiệt gì cả, mà chẳng qua Tuệ Trung Thượng Sĩ không muốn coi khúc ngâm của mình là một bài ca chứng đạo hay một bài kệ truyền pháp mẫu mực, trang nghiêm, chỉ xem đó là một khúc hát ngông nghênh, phóng khoáng có tính chất tiêu dao của một thiền sư đạt đạo thắm đượm tự nhiên khí chất của một nho sĩ lãng tử và một đạo sĩ thoát tục.

Nói chung là của một con người phiêu nhiên không bị ràng buộc. Cho nên ta phải hiểu chữ ‘phóng cuồng’ đây chỉ là một cách nói tự khiêm mà cũng để nói lên tính chất thung dung tự tại với người đạt đạo, đạt quan, ở Đạo và ở Thiền, vốn bình thường giản dị chớ không có gì phi thường, ẩn mật, bí tàng như nhiều người lầm tưởng”…

Chữ “cuồng” mang ý nghĩa thái quá khi nghĩ hay hành động (xấu) nhưng không đơn thuần như vậy đôi khi nó đi kèm với chữ kế tiếp để diễn đạt cảm nghĩ, thái độ hăng say, nhiệt tình (tốt). Những dòng trong thơ, nhạc không ngại ngần bày tỏ như:

“Lòng cuồng điên vì nhớ, Ôi Đâu người đâu ân tình cũ” (Hoài Cảm của Cung Tiến)…

Trong thi phẩm Tinh Huyết của nhà thơ Bích Khê cuồng yêu với hình ảnh:

“Ai bảo là tôi chửa chết rồi!

Máu cuồng vẫn chảy điệu mê tơi,

Máu cuồng run khắp trong thân thể,

Ai bảo là tôi chửa chết rồi!”

(Cơn Mê)

… Truyện chưởng của Kim Dung đã lôi cuốn đọc giả “ghiền” không thuần túy là chuyện xuất chiêu, tung chưởng… đấm đá túi bụi mà luận bàn về trà, rượu, kiếm… nhất là những cuộc tình ngang trái, những mối tình si, cuồng vì yêu, tình cuồng… Trong hai phái hắc/bạch không đội trời chung thế mà họ dám yêu nhau, cuồng quá đi thôi với mối tình thật lãng mạn.

Trong quyển Cô Gái Đồ Long (Ỷ Thiên Đồ Long), Quận chúa Triệu Mẫn (Triệu Minh) người Mông Cổ từ bỏ địa vị cao sang, bỏ cha và anh ruột để ra đi cùng Trương Vô Kỵ. Mối tình ngang trái nhất là Dương Tiêu và Kỷ Hiểu Phù. Dương Tiêu là Quang Minh Tả Sứ của Minh Giáo, Kỷ Hiểu Phù là đệ tử cưng nhất của Diệt Tuyệt Sư Thái phái Nga My. Kỷ Hiểu Phù được chưởng môn cử đi tìm tung tích thanh Đồ Long đao, nàng đã gặp Dương Tiêu rồi bị Dương Tiêu bắt cóc, thế rồi từ nạn nhân trở thành tình nhân. Mối tình vụng trộm nầy sinh ra bé gái đặt tên là Dương Bất Hối. Cuối cùng để bảo vệ tình yêu của mình, Kỷ Hhiểu Phù chấp nhận chết thê thảm về tay chính sư phụ mình là chưởng môn Diệt Diệt Tuyệt Sư Thái vì bà coi Dương Tiêu là đại ác nhân.

Kỷ Hiểu Phù được chưởng môn cử đi tìm tung tích thanh Đồ Long đao, nàng đã gặp Dương Tiêu. Ban đầu, Hiểu Phù rất chán ghét Dương Tiêu nhưng về sau, khi có thời gian tiếp xúc, Kỷ Hiểu Phù đã đem lòng yêu thương người mà sư phụ nàng cho là đại ác nhân.

Trong quyển Tiếu Ngạo Giang Hồ, Nhậm Doanh Doanh, con gái của giáo chủ tà giáo Nhật Nguyệt thần giáo vì yêu Lệnh Hồ Xung của phái Hoa Sơn, tự nguyện lên núi Thiếu Thất, cam chịu để phái Thiếu Lâm cầm tù mình mong đổi lấy lời hứa của Phương Chứng đại sư nhận chữa thương cho người tình.

Bà Diệt Tuyệt Sư Thái lúc nào cũng xưng danh chính phái nhưng vì mưu đồ muốn có hai thanh bảo đao Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao chứa bí kiếp để thống lĩnh quần hùng, làm bá chủ võ lâm. Chưởng môn phái Hoa Sơn là Nhạc Bất Quân tự cho mình là chính nhân quân tử nhưng là con người gian trá, xảo quyệt, ngay cả con gái duy nhất của ông là Nhạc Linh San cũng ép gả cho Lâm Bình Chi để dò xem con rể của ông có bí kíp gia truyền Tịch Tà kiếm phổ lừng danh thiên hạ. Khi có bí kíp trong tay còn dùng thủ đoạn dựng chuyện đổ oan cho đệ tử Lệnh Hồ Xung.

Đơn cử hai nhân vật có máu mặt trong chốn võ lâm với “tâm xà, khẩu Phật” mà ngày nay nhan nhản trên chính trường xứ Cờ Huê… qua thời gian mới rõ trắng/đen.

Trong quyển Lộc Đỉnh Ký, Hồ Dật Chi say mê hầu thiếp của Ngô Tam Quế là Trần Viên Viên, cam chịu kẻ làm vườn, tưới rau trong mấy chục năm để được lén nhìn người tình trong mộng.

Kiến Ninh công chúa, em gái vua Khang Hy, yêu cuồng tên thái giám giả mạo Vi Tiểu Bảo, xuất thân từ chốn lầu xanh, chỉ viết được chữ nhất (gạch ngang), cô ta bị chứng “masochism” muốn được Vi Tiểu Bảo trói cột, đánh đập cho vỡ da tóe máu mới được thấy lạc thú việc trao thân.

Trong quyển Thân Điêu Hiệp Lữ, cô cô và Quá nhi (Tiểu Long Nữ thường gọi đệ tử Dương Quá) này sinh cuộc tình “Vòng Tay Học Trò” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Lợi dụng lúc Tiểu Long Nữ bị Âu Dương Phong điểm huyệt không cử động được, Doãn Chí Bình chợt thấy, hãm hiếp Tiểu Long Nữ rồi trốn đi, nhưng nàng lúc đó nửa tỉnh nửa mê, bị vải áo che mắt cứ nghĩ là Dương Quá. Tiểu Long Nữ tức giận Quá nhi “chơi rồi chạy” nên bỏ đi. Khi xa cô cô, Dương Quá không biết nguyên do, lặn lội khắp chốn giang hồ để mong gặp người tình nhưng kéo dài đến 16 năm. Khi Dương Qua trở thành cao thủ võ lâm, sau khi làm xong đại sự, trở về Tuyệt Tình Cốc chờ Tiểu Long Nữ. Đến kỳ hạn 16 năm, không thấy bóng dáng cô cô, chàng liền nhảy xuống Đoạn Trường Nhai tự vẫn. Tình cờ thay ở dưới đáy Tuyệt Tình Cốc có một sơn động mà Tiểu Long Nữ đã ẩn sống ở đó 16 năm. Dương Qúa gặp lại Tiểu Long Nữ, hai người leo lên và trở về thành Tương Dương. Chàng và nàng cùng đồng đạo võ lâm chống giặc, xả thân vì nước.

Trong bài viết Tình Yêu Trong Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp Kim Dung của tôi vào cuối năm  đã đề cập nhiều nên không trích lại vì dài dòng.

Còn rất nhiều kẻ tình si, cuồng điên vì yêu “cuồng điên vì nhớ”… đến nỗi khi sống không được bên nhau, thì khi chết chỉ mong được bên cạnh mộ…

Dương Quá chỉ mất 16 năm, còn nhà thơ Vũ Hoàng Chương với thời gian gấp đôi trong thi phẩm Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm. Trong bài thơ Chờ Đợi Hoài Công đã than thở:

“Ta đợi em từ ba mươi năm

Uổng hoa phong nhuỵ hoài trăng rằm

… Hiu hắt tình trai một kiếp suông

Mênh mông nêm gối rét căn buồng

Lệ sa bạch lạp ngàn đêm trắng

Thơ vút sầu say rượu nhập cuồng”

Bái phục “ông thần” si tình có một không hai trong thi ca Việt Nam.

“Tình ta ta tiếc – cuồng – ta khóc

Tố của Hoàng nay Tố của ai?”.

(Mười Hai Tháng Sáu)

Ngoài Vũ Hoàng Chương, bái phục nhà giáo Trần Bích Lan, nhà thơ Nguyên Sa si tình đến nỗi cam chịu nóng đốt cháy da vì làm hoa hướng dương dưới đường xích đạo. Khi gặp ông trong Ban Biên Tập SVSQ với nhau của nguyệt san Bộ Binh ở quân trường Thủ Đức vào đầu năm 1967, chẳng thấy gì nhà giáo, nhà thơ nầy là kẻ tình si. Mới biết “cuồng” vì yêu cho thêm phần lãng mạn…

Ngẫm lại chuyện thế gian với chữ “cuồng”, tùy nghi cảm nhận…”

Giới trẻ ngày nay thích các nhân vật trong phim, thể thao, âm nhạc… lập “fans” nầy “fans” nọ… “cuồng” theo sở thích, có gì là xấu?

Trong các nước độc tài, đảng trị… áp bức người dân phải khuất phục “cuồng nhiệt” tôn thờ lãnh tụ nhưng trong lòng họ lại “cuồng nộ” phẫn uất! Vậy chữ “cuồng” kèm theo chữ kế tiếp, có gì là xấu (?).

Thành ngữ có câu “Thái quá bất cập” vì vậy không những ở chữ “cuồng” mà với các khía cạnh khác cũng chẳng hay ho gì.

*

Tấm Gương Của Bậc Tiền Nhân

* Đức Trần Hưng Đạo (1228 – 1300) gác thù riêng, dốc lòng vì nước

Trần Hưng Đạo (Trần Quốc Tuấn) con của An Sinh vương Trần Liễu. Trần Liễu là anh trai của Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông, vốn có mối thù bị cướp vợ với Trần Thái Tông nên yêu cầu con trai phải giành được thiên hạ, vì việc nước trước sự xâm lăng của Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã không làm theo lời cha, gác thù riêng, dốc lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Năm 1282 Hốt Tất Liệt sai Toa Đô cầm quân theo đường biển xuống đánh Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông họp các vương hầu và tướng lãnh ở Bình Than, Chí Linh để tìm kế chống quân Nguyên. Năm 1283 vua Trần Nhân Tông bổ nhiệm Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công, Tiết Chế thống lĩnh chư quân. Năm 1284 Hốt Tất Liệt sai một cánh quân khác do thái tử là Trấn Nam Vương Thoát Hoan tiến xuống bằng đường bộ, nhắm trực chỉ Đại Việt. Được tin nầy nhà vua ra lệnh Trần Quốc Tuấn tổ chức đội quân chuẩn bị chống xâm lăng.

Vua Trần Nhân Tông phong tước cho Trần Quốc Tuấn để an ủi cha vợ và nhã ý làm giảm thù nhà để cùng nhau lo việc nước. Trần Hưng Đạo quên đi mối thù mà cha mình là Trần Liễu đã gởi gắm mà hết lòng chiến đấu với thù ngoại xâm.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại rằng khi quân Nguyên sang xâm chiếm Đại Việt, Trần Hưng Đạo lúc đó đã nắm hết uy quyền trong tay, đem di mệnh của phụ thân hỏi hai người gia nô thân tín và trung thành là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hai ông đều thẳng thắn trả lời rằng: “Nếu thi hành kế ấy, dù có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại Vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm người nô bộc…”. Trần Hưng  Đạo nghe những lời nầy cảm động rơi nước mắt.

Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã mang lại niềm tin cho tướng sĩ với những chiến công lẫy lừng trong lịch sử đất nước.

Ngài là tấm gương sáng muôn đời, Thánh Tổ của Hải Quân QLVNCH.

Hiện nay, ở Little Saigon, trên đường Bolsa có tượng Đức Thánh Trần vào Chủ Nhật, 30 tháng Tư năm 2017, đoạn đường trên đường Bolsa từ góc đường Magnolia đến góc đường Brookhurst đặt tên Đại Lộ Trần Hưng Đạo.

* Cụ Phan Bội Châu & Phan Chu Trinh

Năm 1804 vua Gia Long đặt quốc hiệu là Việt Nam, đến năm 1932 vua Minh Mạng đặt quốc hiệu là Đại Nam tồn tại đến 1945 nhưng thời gian sau quốc hiệu này không còn thông dụng. Từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hai tiếng Việt Nam được sử dụng trở lại bởi các nhà sử học và chí sĩ yêu nước trong các tác phẩm và các tổ chức chính trị… Cụ Phan Bội Châu viết Việt Nam Vong Quốc Sử (1905).

Về danh xưng Bắc kỳ (13 tỉnh), Trung kỳ 12 tỉnh), Nam kỳ (6 tỉnh nên gọi là Lục tỉnh) ấn định ranh giới 3 miền do vua Minh Mạng đặt ra năm 1834.

Hòa Ước Quý Mùi năm 1883 còn gọi là Hòa Ước Harmand ký kết ngày 25.8.1883 giữa triều đình Huế và chính phủ Pháp thừa nhận Pháp thống trị toàn bộ Việt Nam

Hòa Ước Giáp Thân 1884 còn gọi là Hòa Ước Patenôtre, ký kết giữa triểu đình Huế với Pháp ngày 6.6.1884 tại kinh đô Huế. Hòa Ước nầy ấn định Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp; Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ của Pháp… trên danh nghĩa triều đình nhà Nguyễn vẫn được quyền kiểm soát nhưng ít thực quyền.

Cụ Phan Bội Châu (1867-1940) & Phan Châu Trinh (1872-1926) – hai trong số sĩ phu yêu nước nổi tiếng nhất Việt Nam, đại diện cho thế hệ trí thức sinh nửa sau thế kỷ 19, rất khác xa về tư tưởng và đường lối nhưng có chung tình bạn đẹp.

Năm 1904 Phan Chu Trinh cùng Nguyễn Hàm và khoảng 20 đồng chí khác thành lập Duy Tân hội ở Quảng Nam để đánh đuổi Pháp, chọn Kỳ Ngoại hầu Cường Để – một người thuộc dòng dõi nhà Nguyễn – làm hội chủ.

(Tên gọi Bắc kỳ, Trung Kỳ và Nam kỳ của nước Đại Nam triều Nguyễn, do vua Minh Mạng đặt ra năm 1832).

Cụ Phan Bội Châu chủ trương: “1: Liên kết với đảng cũ Cần Vương còn lưu lại và các trai tráng ở chốn sơn lâm, xướng khởi nghĩa quân; 2: Ứng phù một minh chủ kén chọn ở trong hoàng thân lập ra, âm kết với những người hữu học ở đương triều làm người nội viện; 3: Xuất dương cầu ngoại viện…”

Đầu năm 1095, cụ Phan Bội Châu khi sang Nhật, về nước giữa năm 1905, thành lập Hội Nông công thương học, rồi đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sang Nhật.

Tháng 5. 1921, Việt Nam Quang Phục hội được thành lập do Cường Để làm Hội Trưởng, Phan Bội Châu là người đề xương và làm Tổng Lý. Mục đích cầu viện Nhật hỗ trợ cho công cuộc phục hưng, đánh đưởi thực dân Pháp.

Cụ Phan Chu Trinh với tư tưởng canh tân đất nước, cụ cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mới nên mưu cầu độc lập chứ không nên cầu viện ngoại bang dùng bạo lực để giành độc lập cho đất nước: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Phong trào Đông Du có mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập cho nước nhà.

Trái hẳn với cụ Phan Bội Châu, châm ngôn của cụa Phan Châu Trinh là “Vọng ngoại tắc ngu, bạo động tắc tử” (Không nên cậy vào nước ngoài, cậy vào nước ngoài là ngu; không nên bạo động, bạo động là chết) và “ỷ Pháp cầu tiến bộ” mà trên thực tế có nghĩa là phải tạm thời chấp nhận chính quyền thuộc địa nhằm mở mang dân trí và cải cách chế độ cai trị của người Pháp, rồi từng bước phục hồi nền độc lập quốc gia.

Hai cụ cùng dấn thân công cuộc đấu tranh cho chủ quyền đất nước nhưng hai chủ trương khác nhau, tuy bất đồng chính kiến nhưng không bất hòa.

Sau nầy khi nhận xét về cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh cho rằng “Tôi tự biết những lý do mà chủ nghĩa của ông ấy đưa ra thì rất yếu, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của dân nước Nam thì rất mạnh. Chủ nghĩa của tôi, lý do đưa ra thì rất mạnh, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của người nước Nam trong tình thế hiện tại thì rất yếu. Chủ nghĩa của ông ấy rất hợp với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ mạnh mà lợi dụng và vì ở hải ngoại nên ngôn luận tự do, dễ có người theo, do đó chủ nghĩa ông ấy sẽ tất thắng. Chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ yếu mà cứu và vì ở trong nước nên bị các thế lực chèn ép và nghi kỵ tập trung vào, các hoạt động và ngôn luận đều không được tự do nên người theo cũng khó, do đó chủ nghĩa của tôi tất bại”.

Năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Trung Hoa và giải về nước. Thực dân Pháp đem ông ra toà án xét xử và khép vào tội tử hình. Trước áp lực đấu tranh của dân chúng, toà án thực dân buộc phải tuyên bố tha bổng, nhưng sau đó chính quyền thuộc địa đã đưa ông về quản thúc ở kinh đô Huế. Cụ Phan Bội Châu đã qua đời tại đây năm 1940.

Cụ Phan Châu Trinh vào Sài Gòn tháng 6.1925, cụ diễn thuyết hai lần trước khi qua đời ngày 24.3.1926. Cụ nhận định quan điểm giữa cụ và cụ Phan Bội Châu tuy có khác nhưng phát xuất từ tấm lòng thiết tha với tiền đồ dân tộc nên rất quý trọng nhau.

Tiếc thương cụ Phan Chu Trinh, cụ Phan Bội Châu trong Văn Tế Phan Chu Trinh, thương tiếc:

“Lấy ai đây nối gót nghìn thu,

Vậy ta phải kêu người chín suối.

… Anh em ta:

Đất rẽ đôi đường;

Tình chung một khối.

Gánh tồn vong ai cũng nặng nề;

Nghĩa chung thuỷ lòng càng bối rối”.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, tên đường và nhất là tên trường mang tên cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh để tưởng nhớ hai bậc tiền nhân.

*

Trở lại với chuyện trên chính trường xứ Cờ Huê trong năm 2021 cho đến nay. Theo dòng lịch sử của đất nước nầy không phải đây là lần đầu mà xảy ra n hiều lần trong quá khứ. Nhưng nay, không hiểu vì sao không quan tâm đến nỗi buồn vong quốc mà “gà nhà bôi mặt đá nhau”!

Trong những thân hữu, bạn văn “cùng hội cùng thuyền” trong hai năm qua, có dịp trao đổi với nhau vào thời điểm dịch Cocid-19 bị “bế quan tỏa cảng”… Trong đó, lần trao đổi với người bạn văn, anh cho biết ngày xưa khi còn Đại Đội Trưởng của Đại Đội trinh sát, bao lần vào sinh ra tử, tình chiến hữu thiêng liêng và cao đẹp biết bao. Trải qua thời gian lao tù, vượt biên, anh trở thành chiến hữu cầm bút với tinh thần của người lính trinh sát. Trong loạt bài của anh gần hai năm qua với kinh nghiệm bản thân anh muốn chia sẻ cho giới trẻ ý thức và quan điểm của người Việt lưu vong trên xứ người. Trong năm 2020, anh tâm sự với tôi, thật phi lý và vô lý, trong gia đình, con cái đứng một phe đối lập với bố, may mà có người vợ hiền đồng cảm với anh để mong hàn gắn “vết thương” trong gia đình… Với bạn bè, tuy thiểu số… không biết chia sẻ thế nào để đồng cảm nên đành chấp nhận “Người Xa Lạ”! Tôi được may mắn hơn anh, không có tình trạng đó trong gia đình.

Với tôi, chỉ có vài người bạn thân từ thời ở quân trường cùng ca bài trong hành khúc Lục Quân Việt Nam của Văn Giảng “Một, hai, ba, bốn… Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn… Đường trường xa ta quyết đi cho đến cùng… Ta anh hùng đời đời Lục Quân Việt Nam…”. Cùng vui đùa ví von “Đường trường xa, con chó nó tha con mèo”… nay trở thành xung khắc nhưng chỉ Spam qua email… cũng may không có lời qua tiếng lại.

Như đã đề cập qua bài viết trước đây, với công việc làm báo, không lệ thuộc giờ giấc nên mỗi sáng đều qua quán cà phê đấu láo với bằng hữu suốt 3 thập niên, thế mà trong suốt 16 tháng (3/2020 đến tháng 7/2021) dù đã chích ngừa 2 mũi Moderna vào tháng 2/2021 nhưng mỗi sáng vẫn cà phê back yard. Không muốn ngồi với nhau mà nghe lời nầy ý nọ trái khoáy, máu Quảng Nam mà không cãi thì mất gốc… nên xa lánh! Thôi đành làm “người xa lạ”.

Nhân dịp đầu năm 2022, tác phẩm L’Étranger (Người Xa Lạ) của nhà văn Albert Camus tròn 80 năm, mượn tựa đề tác phẩm nầy để tản mạn đôi chút về “Người Xa Lạ… Giữa chúng ta”, mong rằng vào thời điểm nào đó sẽ không còn hình ảnh nầy. Gọi là tản mạn nên viết bâng quơ, xin đừng nghĩ đây là sự nhận định mà tổn thọ người viết.

Nội tình chính trị xứ Cờ Huê là game chơi sấp/ngửa liên tục, mà đã là game chơi từng xảy ra trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến “người bạn đồng minh” nhảy vào và tháo chạy qua hai tác phẩm của TS Nguyễn Tiến Hưng, nạn nhân giữa bạn và thù.

Trước đây TT Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ thì rất khó”, làm bạn với mấy ông bà chính trị gia của Mỹ làm gì, ngoài tầm tay của chúng ta. Đó là canh bạc mà tay mơ nhảy vào để rồi làm “bác thằng bần”.

Thiện tai!

Little Saigon, Jan 2022

Vương Trùng Dương

Related posts