Cao Dương
Diễn biến khó lường của đại dịch dẫn đến thị trường lao động được dự báo sẽ chưa trở lại mức trước đại dịch nhanh chóng được. Hàng chục triệu người đã rơi vào tình trạng nghèo cùng cực. Các khu vực như Đông Nam Á, Mỹ Latinh, và Caribe có một triển vọng không sáng sủa.
Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thị trường lao động toàn cầu sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến để trở lại mức trước đại dịch, trong bối cảnh đợt phục hồi của thế giới bị ngắt quãng bởi các biện pháp đối phó với Omicron.
“Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã giảm dự báo phục hồi thị trường lao động cho năm 2022, dự báo rằng thâm hụt số giờ làm việc trên toàn cầu sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian, so với quý 4 năm 2019”, theo thông cáo báo chí về Báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới — Xu hướng 2022” (pdf) được đăng hôm qua.
Theo cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc này, mặc dù số giờ làm việc trên toàn cầu cao hơn năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn gần 2% so với mức trước đại dịch.
Lý do chính được đưa ra cho việc giảm dự báo cho năm 2022 là, những bất ổn xung quanh “diễn biến tương lai của đại dịch”, cũng như tác động hiện tại của các biến thể Omicron và Delta đối với điều kiện làm việc trên toàn cầu.
“Tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước thời COVID-19, cho đến ít nhất là năm 2023. Mức thất nghiệp năm 2022 được ước tính là 207 triệu, so với 186 triệu vào năm 2019”.
Tỉ lệ thất nghiệp có thể cao hơn những con số được đưa ra trong báo cáo, do hàng loạt người rời bỏ lực lượng lao động. Cơ quan này cho biết, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động trong năm nay thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019 thời trước đại dịch.
Cuộc khủng hoảng do đại dịch đang có những tác động vô cùng đa dạng đến các nhóm người lao động khác nhau tại các quốc gia, bất kể quốc gia ấy có phát triển hay không. Sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, với “cơ cấu kinh tế, tài chính, và xã hội của hầu hết mọi quốc gia” suy yếu, trong khi hậu quả của những thiệt hại dự kiến sẽ kéo dài trong một số năm.
Các khu vực như châu Âu và Bắc Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng với thị trường lao động phát triển mạnh mẽ, nhưng các khu vực như Đông Nam Á, Mỹ Latinh, và Caribe lại cho thấy một viễn cảnh đáng thất vọng.
“Không thể có sự phục hồi thực sự từ đại dịch này, nếu không có sự phục hồi của thị trường lao động trên diện rộng. Và để bền vững, sự phục hồi này phải dựa trên các nguyên tắc làm việc tốt — bao gồm sức khỏe và an toàn, công bằng, bảo trợ xã hội, và đối thoại xã hội”, Guy Ryder, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết trong thông cáo báo chí.
Ông Ryder nói thêm rằng, con đường phục hồi vẫn còn “mong manh”, vì những người lao động trước đây từng làm việc trong một số lĩnh vực nhất định như du lịch và lữ hành đã buộc phải thay đổi ngành nghề.
Báo cáo cho biết: “Tình trạng mất việc làm, và giảm giờ làm, đã dẫn đến giảm thu nhập”. Đại dịch đã làm gia tăng căng thẳng tài chính đối với các hộ gia đình dễ bị tác động tiêu cực về kinh tế, ở các nền kinh tế đang phát triển.
Dựa trên dữ liệu từ báo cáo, năm 2020, thêm 30 triệu người trưởng thành đã bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, tức là sống với ít hơn 1,90 USD mỗi ngày. Và số người đang làm việc mà nghèo cùng cực — những người vẫn ở dưới mức nghèo đói mặc dù đi làm — tăng thêm 8 triệu.
Chi phí hàng hóa đã tăng lên, cho thấy thu nhập khả dụng giảm. Và ở các nền kinh tế mới nổi, nhiều hộ gia đình đã cạn kiệt tiền tiết kiệm, trong khi những nơi này không có mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả.
Có trụ sở tại Geneva, với 187 quốc gia thành viên, Tổ chức Lao động Quốc tế tìm cách thúc đẩy công bằng kinh tế và xã hội thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Cao Dương
Theo The Epoch Times