Bryan Jung
Theo kết quả từ một cuộc khảo sát được The Wall Street Journal (WSJ) thực hiện với 69 nhà dự báo kinh doanh, học thuật, và tài chính, triển vọng của nền kinh tế Hoa Kỳ trong quý đầu năm 2022 có vẻ ảm đạm. Theo đó, nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm do tình trạng lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và lao động, và biến thể Omicron.
Theo các chuyên gia được WSJ phỏng vấn, dự báo về tốc độ tăng trưởng hàng năm trong quý đầu tiên đã giảm từ 4.2% xuống còn 3% so với dự báo trước đó hồi tháng 10/2021.
Thị trường đã phục hồi trở lại vào cuối tuần trước sau khi chạm mức thấp nhất trong ba tháng.
Các nhà kinh tế lo ngại rằng sự lây lan của biến thể Omicron của virus corona sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và khiến tình trạng thiếu hụt lao động và chuỗi cung ứng thêm phần bế tắc vì các nhân viên nghỉ ốm.
Các báo cáo lợi tức dự kiến sẽ là động lực chính của thị trường Hoa Kỳ trong tuần này, do các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào trước khi quyết định về lãi suất vào tuần tới.
Tình trạng thiếu hụt lao động hiện tại dự kiến sẽ dẫn đến việc tăng lương trong vài tháng tới, do các nhà tuyển dụng đề nghị mức lương và các phúc lợi cao hơn, cũng như các yếu tố hấp dẫn khác để giữ chân và tuyển nhân viên.
Các nhà kinh tế đang kỳ vọng thu nhập trung bình mỗi giờ sẽ tăng 4.9% so với một năm trước đó vào tháng Sáu tới, vì thu nhập mỗi giờ đã tăng 4.7% trong tháng 12/2021.
Lạm phát tiền lương dự kiến sẽ ổn định ở mức tăng hàng năm là 4.5% trong thu nhập trung bình mỗi giờ vào cuối năm 2022.
Dự kiến, người lao động sẽ được tăng lương hàng năm khoảng 4% trong phần lớn thời gian của hai năm tới.
Khi thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, các nhà phân tích lo ngại về việc Fed sẽ không tăng lãi suất đủ nhanh để bắt kịp với tình trạng giá cả tăng lên nhanh chóng. Giá cả đã tăng mạnh kể từ mùa xuân năm ngoái.
Một báo cáo của Bộ Lao động hồi tuần trước cho thấy mức giá tiêu dùng tháng 12/2021 tăng 7% so với mức giá tiêu dùng vào cùng tháng này năm trước, tăng từ mức 6.8% của tháng 11/2021. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá tăng vượt mức 6%.
Cục Dự trữ Liên bang đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để kiềm chế lạm phát, với giá cả chạm mức tăng cao nhất trong gần bốn thập niên.
Năm 2020, ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và mua trái phiếu để giảm lãi suất dài hạn vào giai đoạn đầu của đại dịch.
Virus corona và các đợt phong tỏa toàn cầu sau đó đã gây biến động thị trường tài chính, thất nghiệp, và suy thoái kéo dài cả năm.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ bắt đầu tích cực tăng lãi suất ngắn hạn vào mùa xuân này sau cuộc họp chính sách vào ngày 15 và 16/03, đồng thời tiếp tục tăng lãi suất trong suốt cả năm, gây nguy cơ suy thoái.
Sau khi có ý kiến khác nhau từ hội đồng các thống đốc của Fed, hơn một nửa số nhà phân tích kỳ vọng ít nhất ba lần tăng lãi suất trong năm nay, trong khi gần một phần ba kỳ vọng nhiều hơn ba lần.
Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát hàng năm, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng, sẽ ở mức vừa phải vào tháng Sáu tới, nhưng vẫn tăng đáng kể so với năm ngoái.
Lạm phát dự kiến sẽ hạ nhiệt hơn nữa xuống chỉ còn trên 3% vào cuối năm, tăng so với dự báo của quý trước là 2.6%.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn là một nhân tố gây ra lạm phát, vì các “nút cổ chai” (tắc nghẽn) trong chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tiếp diễn ở Trung Quốc do các đợt phong tỏa gây ra bởi các biến thể của virus Trung Cộng, dẫn đến tình trạng gián đoạn tại các cảng và nhà máy.
Hơn một nửa số nhà kinh tế được WSJ khảo sát dự đoán sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ kéo dài ít nhất cho đến nửa cuối năm nay, với một phần ba kỳ vọng tình trạng này sẽ tiếp tục cho đến năm 2023 hoặc lâu hơn.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có xu hướng tăng vào ngày 17/01, trong khi thị trường Hoa Kỳ đóng cửa cho kỳ nghỉ Martin Luther King Jr., khiến các nhà đầu tư phải chăm chú vào dữ liệu kinh tế Trung Quốc.
Các báo cáo lợi tức quý 4 được chờ đợi cho năm 2021 sẽ đến hạn vào ngày 18/01.
An Nhiên biên dịch