Bắc Kinh đang thúc đẩy chiến dịch thông tin sai lệch mới chống Đài Loan
Phong Lan
ANI cho hay, Bắc Kinh đang tiến hành chiến dịch thông tin sai lệch mới chống lại Đài Loan, bằng cách xâm nhập vào mạng xã hội và các diễn đàn để khiến người dân Đài Loan không còn tin vào chính phủ.
Tờ Taipei Times dẫn lời Cục Điều tra Đài Loan đưa tin, hơn 400 tài khoản giả từ phía Trung Quốc đang cho lan truyền những luận điều tuyên truyền nhắm vào người Đài Loan trên mạng xã hội.
Cục An ninh Thông tin và Truyền thông Đài Loan đã điều tra được 2.773 tài khoản giả tương tự vào tháng Tư năm ngoái.
Một quan chức tham gia cuộc điều tra cho biết, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng 20 tài khoản trên trang CK101.com, một diễn đàn phổ biến của người Đài Loan.
Vị quan chức đề nghị giấu tên nói rằng, các tài khoản này chuyên đăng tin giả và thông tin sai lệch nhằm phá hoại các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của các cơ quan y tế thuộc chính phủ Đài Loan, gây nhầm lẫn và lan truyền các thông điệp chính trị nhằm chia rẽ và xung đột giữa các nhóm người Đài Loan.
Taipei Times trích dẫn báo cáo của Cục An ninh Thông tin cho hay, các tài khoản giả từ Trung Quốc cũng đã thay đổi nội dung trên People’s Technology Temple, hệ thống thông báo trực tuyến phổ biến nhất của Đài Loan.
Nga phản hồi các cáo buộc lật đổ ‘rất nguy hiểm’ của Anh Quốc
Jack Phillips
Hôm Chủ Nhật (23/01), Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ các cáo buộc từ Anh Quốc rằng Moscow muốn cài cắm một lãnh đạo thân Nga [vào chính phủ] ở Kyiv trong khi nước này xem xét liệu có nên xâm lược quốc gia Đông Âu đang bị bao vây này hay không.
“Chúng tôi có thông tin cho thấy Chính phủ Nga đang tìm cách cài một lãnh đạo thân Nga [vào chính phủ] ở Kyiv khi họ đang cân nhắc liệu có nên xâm chiếm Ukraine hay không,” tuyên bố của Anh Quốc, được công bố hôm thứ Bảy (22/01), mở đầu bằng câu nói này.
Anh Quốc gợi ý thêm rằng Điện Kremlin hiện đang “duy trì mối liên hệ với” các cựu quan chức bao gồm ông Serhiy Arbuzov, cựu phó thủ tướng Ukraine từ năm 2012 đến năm 2014; ông Andriy Kluyev, phó thủ tướng thứ nhất từ 2010 đến 2012; cựu Phó thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Vladimir Sivkovich; và ông Mykola Azarov, thủ tướng Ukraine từ năm 2010 đến năm 2014.
Hơn nữa, tuyên bố của Anh Quốc còn cáo buộc rằng cựu Thành viên Quốc hội Ukraine Yevhen Murayev đang được ban lãnh đạo của Nga “coi là một ứng cử viên tiềm năng” để lãnh đạo chính phủ Ukraine.
Anh Quốc đã không cung cấp bằng chứng cho tuyên bố của mình. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Liz Truss khẳng định rằng Moscow phải tháo ngòi căng thẳng và “chấm dứt các chiến dịch gây hấn và thông tin sai lệch, đồng thời theo đuổi một con đường ngoại giao.”
Nhưng vào cuối tuần qua (17-23/01), các quan chức Nga cho biết Bộ Ngoại giao của Anh Quốc nên ngừng công bố những “thông tin phi lý” và “sai lệch”.
“Chúng tôi đặc biệt kêu gọi London ngừng các hành động khiêu khích bằng luận điệu thiếu khôn ngoan, vốn rất nguy hiểm trong tình hình căng thẳng sục sôi như hiện nay, và đóng góp vào các nỗ lực ngoại giao thực chất nhằm đạt được các bảo đảm đáng tin cậy cho an ninh Âu Châu,” tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Anh Quốc cho biết.
Đại sứ quán này còn cho rằng chiến lược của Anh Quốc là cáo buộc “Nga âm mưu xâm lược ‘không thể tránh khỏi’ vào Ukraine và cố gắng đóng vai trò của một nhà lãnh đạo ý thức hệ, tự bảo vệ mình khỏi những kẻ ‘chuyên quyền’ toan tính ‘giải phóng thế giới’”.
Trong khi đó, ông Murayev đã phản bác tuyên bố của Anh Quốc bằng cách phủ nhận cáo buộc này.
“Các vị đã làm nên buổi tối của tôi. Bộ Ngoại giao Anh có vẻ bối rối,” ông Murayev nói với các hãng thông tấn, cho biết ông đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Nga kể từ năm 2018. Trong một tuyên bố với Strana.news, ông cũng nhận xét, “Cách các cơ quan mật vụ Anh Quốc và Bộ Ngoại giao đồng ý với Nga về [các lệnh trừng phạt] được cho là muốn để tôi trở thành người đứng đầu một chính phủ chiếm đóng – đó là một câu hỏi dành cho Mr. Bean,” đề cập đến nhân vật hài kịch nổi tiếng của Anh do diễn viên hài Rowan Atkinson thủ vai.
“Sáng nay, tôi đã đọc trên tất cả các ấn phẩm tin tức về thuyết âm mưu này: hoàn toàn không được chứng minh, hoàn toàn vô căn cứ,” ông Murayev nói với Reuters hôm Chủ Nhật (23/01), đồng thời cho biết thêm rằng ông đang cân nhắc hành động pháp lý.
Trong một tin nhắn gửi tới Reuters, ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn Ukraine của văn phòng tổng thống, cho biết các cáo buộc này cần được xem xét một cách nghiêm túc, trong khi thừa nhận rằng người Ukraine nghi ngờ về việc liệu ông Murayev có phải là “một nhân vật quá lố bịch” để trở thành lựa chọn của Điện Kremlin vào vị trí lãnh đạo Ukraine hay không. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng trước đây Nga đã nâng đỡ những nhân vật cấp thấp vào các vị trí lãnh đạo ở bán đảo bị thôn tính Crimea và ở khu vực bị phe ly khai nắm giữ Donbass.
Do đó, “người ta nên xem xét thông tin này một cách nghiêm túc nhất có thể,” ông nói.
Hôm thứ Bảy (22/01), phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Emily Horne dường như đã tán thành đánh giá của Anh Quốc rằng Điện Kremlin đang âm mưu cài một chính quyền bù nhìn thân thiện với Moscow [vào chính phủ Ukraine].
Bà Horne nói: “Loại âm mưu này rất đáng lo ngại. Người dân Ukraine có chủ quyền tự quyết định tương lai của mình, và chúng tôi sát cánh với các đối tác được bầu cử dân chủ ở Ukraine.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.
An Nhiên biên dịch
Bắc Kinh xét nghiệm hàng loạt, ban hành thêm các biện pháp ngừa COVID-19
Dorothy Li
Hôm 23/01, Bắc Kinh đã ban hành các biện pháp ngừa COVID-19 mới khi nước này đang phải đối mặt với một cuộc chiến “khốc liệt và phức tạp” để ngăn chặn chủng virus này chưa đầy hai tuần trước khi khai mạc Thế vận hội Olympic Mùa Đông.Sau khi xác định một số trường hợp dương tính ở huyện Phong Đài, các quan chức đã tổ chức xét nghiệm acid nucleic cho 2 triệu cư dân của huyện này, bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày Chủ Nhật (23/01), cơ quan y tế huyện cho biết. Các quan chức cho biết thêm, cuộc xét nghiệm này sẽ được hoàn thành trong vòng một ngày.
“Công tác phòng chống dịch rất khốc liệt và phức tạp,” ông Hứa Hòa Kiến (Xu Hejian), phát ngôn viên của chính quyền Bắc Kinh, cho biết tại cuộc họp báo hôm Chủ Nhật. Ông Hứa nói thêm rằng các quan chức phải thực hiện “các biện pháp kiên quyết, dứt khoát, và nghiêm ngặt nhất” để ngăn chặn đợt bùng phát này.
Các nhà chức trách này cho biết những người sống trong các khu vực được coi là “có nguy cơ” đều không được phép rời khỏi thành phố này.
Một số trường mẫu giáo ở huyện Phong Đài nói với các bậc cha mẹ rằng trẻ em chưa được chích ngừa thì không được phép đi học, viện dẫn từ các quy định mới của chính phủ, theo Reuters.
Kể từ tháng 10/2021, Trung Quốc đã bắt đầu chích ngừa cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Các nhà chức trách này cho biết việc chích ngừa này là tự nguyện.
“Đây không phải là trên cơ sở tự nguyện. Mà đây là sự ép buộc,” một người mẹ họ Vương, có con học tại một trường mẫu giáo tư nhân ở Phong Đài, nói với Reuters.
Thành phố thủ đô này đã bị phong tỏa phần lớn khỏi khu vực bên ngoài trong suốt thời gian chuẩn bị Thế vận hội này. Để ngăn chặn bất kỳ đợt bùng phát nào tràn vào Bắc Kinh, các nhà chức trách đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế những người đã từng đến các khu vực có ca bệnh đã được xác nhận hoặc từ các cảng quốc tế vào thành phố này. Các [biện pháp] giới hạn cũng đã được đặt ra đối với các chuyến tàu và phi cơ từ các khu vực có nguy cơ vào thành phố này.
Bên ngoài Bắc Kinh ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, hàng triệu người đã bị giam giữ trong nhà của họ và chờ đợi một đợt xét nghiệm mới theo chính sách “zero-Covid” của chế độ này.
Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn hà khắc, Bắc Kinh vẫn tiếp tục ghi nhận các ca lây nhiễm, đang nổi lên như một điểm nóng virus mới nhất của đất nước này.
Hôm Chủ Nhật (23/01), các quan chức y tế đã ghi nhận 13 ca nhiễm, trong đó có 4 người chưa xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Con số chính thức này là rất nhỏ so với những đợt tăng mạnh ở những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, do chế độ Trung Quốc nổi tiếng với việc hạ thấp quá mức số lượng các ca nhiễm virus của họ, nên có khả năng con số đó không phản ánh đúng con số thực tế.
Cũng hôm Chủ Nhật, các nhà tổ chức Olympic Bắc Kinh cũng ghi nhận 72 ca nhiễm trong số các nhân viên có liên quan đến Thế vận hội đã nhập cảnh vào Trung Quốc hồi đầu tháng này.
Thế vận hội Mùa Đông sẽ diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 02/02 đến ngày 20/02, với các biện pháp kiểm soát dịch COVID hà khắc nhất trên thế giới đang được áp dụng. Chỉ những khán giả được chọn mới được phép xem trực tiếp các sự kiện này. Các vận động viên, quan chức, và ký giả được yêu cầu phải ở trong một “hệ thống khép kín” để giúp họ không tiếp xúc với công chúng.
Các quan chức cũng cảnh báo người dân nước này tránh xa các phương tiện đặc biệt dành cho Thế vận hội nếu có sự cố giao thông xảy ra.
Thế vận hội Mùa Đông này đã thu hút sự giám sát về các vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản này ở vùng Tân Cương, Tây Tạng, và những nơi khác.
Hoa Kỳ, Anh Quốc, và một số quốc gia dân chủ khác đã thông báo rằng họ sẽ không cử phái đoàn chính phủ [đến nước này] nhằm phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc.
Hôm 19/01, Bắc Kinh đã báo trước rằng các vận động viên không được đưa ra ý kiến trong mùa Thế vận hội này, cảnh báo về “một số hình phạt nhất định” nếu nói hoặc làm bất cứ điều gì vi phạm quy tắc và quy định của quốc gia này. Chính quyền Trung Quốc đang nghiêm ngặt hạn chế tự do ngôn luận trong nước, với những người chỉ trích Bắc Kinh trên mạng hoặc các nơi khác sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt theo hệ thống pháp luật.
Đầu tuần này, đài truyền hình NBC của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không cử các nhà bình luận của mình đến Trung Quốc, viện dẫn những lo ngại tương tự khi đài này rút hầu hết các phát thanh viên của họ khỏi Thế vận hội Tokyo.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Thanh Tâm biên dịch
Giáo sư người Mỹ gốc Hoa nhận tội khai man về các bằng sáng chế tại Trung Quốc
Mimi Nguyen Ly
Hôm 21/01, một cựu giáo sư tại Đại học Arkansas đã nhận tội khai man với FBI về các bằng sáng chế cho phát minh của ông ở Trung Quốc.
Ông Simon Saw-Teong Ang (Hồng Tư Trung), 64 tuổi, ở Fayetteville, có 24 bằng sáng chế được nộp tại Trung Quốc dưới tên của ông hoặc tên khai sinh Trung Quốc của ông, liệt kê ông là một trong những người đồng sáng chế, theo tài liệu của tòa án (pdf).
Bất chấp yêu cầu của trường đại học là phải tiết lộ tất cả các phát minh và bằng sáng chế, cựu giáo sư sinh ra ở Malaysia này, vốn là một công dân Mỹ, đã không tiết lộ chúng ra. Khi bị FBI hỏi liệu tên của ông có được liệt kê là người phát minh ra nhiều bằng sáng chế ở Trung Quốc hay không, thì ông lại phủ nhận mình là người phát minh.
“Đúng vậy, tôi không phải là nhà phát minh. Tôi thậm chí còn không biết đó là gì,” ông nói với đặc vụ FBI Jonathan Willett.
Theo chính sách của Đại học Arkansas, trường sẽ sở hữu tất cả các phát minh được tạo ra bởi những người tuân theo chính sách này.
Ngoài ra, ông Ang cũng không tiết lộ với trường đại học này – trong các biểu mẫu tiết lộ xung đột lợi ích – rằng ông đã nhận được nhiều giải thưởng tài năng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bộ Tư pháp (DOJ) lưu ý.
Ông Ang đã nhận tội với một tội danh duy nhất trong một bản cáo trạng thay thế, cáo buộc ông đã đưa ra một lời khai sai lầm và bịa đặt nghiêm trọng trước một đặc vụ FBI, bộ thông báo.
Bản án của ông dự kiến sẽ có trong khoảng bốn tháng. Ông phải đối mặt với mức án tối đa là năm năm tù. Tuy nhiên, thỏa thuận nhận tội này cũng nêu rõ rằng nếu tòa án tìm cách tuyên phạt ông Ang dưới một năm và một ngày tù liên bang, thì ông sẽ có quyền rút khỏi thỏa thuận nhận tội này.
Ngoài ra, ông Ang đã từng bị bắt vào tháng 05/2020 với cáo buộc gian lận điện tử có liên quan đến mối liên hệ của ông với chế độ Trung Quốc. Cựu giáo sư Ang, người đã gia nhập Đại học Arkansas năm 1998, là giám đốc Trung tâm Điện tử Mật độ Cao của trường đại học này vào thời điểm bị bắt. Ông đã bị đình chỉ không lương ngay sau khi bị bắt và bị sa thải chưa đầy hai tháng sau đó.
DOJ cho biết vào thời điểm ông bị bắt giữ rằng ông Ang đã che giấu về việc ông ta đã “nhận tiền và các lợi ích từ Trung Quốc và có liên kết chặt chẽ với nhiều công ty khác nhau có trụ sở tại Trung Quốc trong thời gian ông ta nhận tài trợ từ nhiều cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ,” bao gồm cả NASA.
Tháng 07/2021, ông đã bị đại bồi thẩm đoàn liên bang truy tố và không nhận tội. Ông phải đối mặt với tổng cộng 55 tội danh gian lận điện tử và hai tội danh gian lận hộ chiếu. Một phiên tòa xét xử bồi thẩm đoàn về những cáo buộc này dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 07/02/2022.
Trường hợp của ông Ang được liệt kê theo “Sáng kiến Trung Quốc,” được DOJ bắt đầu thực hiện dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump hồi tháng 11/2018. Sáng kiến này nhằm truy tố các trường hợp gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại chống lại Hoa Kỳ do ĐCSTQ hậu thuẫn.
Bộ cho biết, “Khoảng 80% tổng số vụ truy tố gián điệp kinh tế do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đưa ra đều cáo buộc hành vi có lợi cho nhà nước Trung Quốc, và có ít nhất một số mối liên hệ với Trung Quốc trong khoảng 60% tổng số vụ đánh cắp bí mật thương mại.”
Cô Mimi Nguyen Ly là một biên tập viên phụ trách phân công công việc và là phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có chuyên môn về thị lực. Quý vị có thể liên lạc với cô tại mimi.nl@epochtimes.com.
Thanh Tâm biên dịch
Chính phủ TT Biden thề sẽ phản ứng ‘nghiêm khắc’ nếu quân đội Nga tiến vào Ukraine
Jack Phillips
Hôm 23/01, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ bắt đầu một phản ứng “nhanh chóng” và “nghiêm khắc” nếu quân đội của Nga tiến vào Ukraine.
“Như tôi đã nói, chỉ cần một lực lượng bổ sung của Nga tiến vào Ukraine theo cách gây hấn thôi, thì điều đó sẽ kích hoạt một phản ứng nhanh chóng, nghiêm khắc và thống nhất từ phía chúng tôi và từ Âu Châu,” ông Blinken nói trước câu hỏi về các lệnh trừng phạt trong một cuộc phỏng vấn của CNN hôm 23/01. Ông không cho biết thêm chi tiết về phản ứng này sẽ như thế nào.
Bình luận của ông được đưa ra khi hàng chục ngàn quân Nga đã tập trung gần biên giới của Nga với Ukraine trong những ngày gần đây trong bối cảnh lo ngại rằng Moscow đang có kế hoạch xâm lược nước láng giềng của mình. Năm 2014, Nga đã sử dụng lực lượng quân đội của mình để sáp nhập Bán đảo Crimea, một hành động đã dẫn đến các biện pháp trừng phạt từ Tổng thống Barack Obama đương thời.
Moscow từ lâu đã nói rằng họ không có kế hoạch xâm lược Ukraine.
Mặc dù Hoa Kỳ cho biết họ đã đàm phán ngoại giao với Nga nhằm xoa dịu căng thẳng, nhưng không có đột phá nào xảy ra. Ông Blinken nói rằng Hoa Kỳ mặc dù ưu tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao, nhưng các biện pháp khác cũng đang được thảo luận.
“Tại thời điểm này… đó là sự lựa chọn của ông Vladimir Putin và ở đó, con đường là rõ ràng: ngoại giao, đối thoại, xem liệu chúng ta có thể xây dựng an ninh tập thể theo cách có lợi cho mọi quốc gia hay không – đây rõ ràng là con đường thích hợp hơn, nhưng chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng,” ông Blinken nói với CNN hôm 23/01.
Nhận xét của ông được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống (TT) Joe Biden công khai bình luận về khả năng dung thứ cho một “cuộc xâm lược nhỏ” của Nga ở Ukraine. Ông Biden sau đó đã cố gắng làm rõ nhận xét của mình bằng cách nói rằng Moscow sẽ “phải trả giá đắt” nếu Ukraine bị xâm lược.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với Fox News hôm 23/01 rằng ông Blinken đã đưa ra “tuyên bố mạnh mẽ hơn nhiều” so với những bình luận của ông Biden. Tuy nhiên, ông cho rằng chính phủ TT Biden nên tiến thêm một bước nữa.
“Nếu có chỗ cho sự nghi ngờ, nếu có khoảng trống, thì ông Vladimir Putin sẽ khai thác khoảng trống đó,” ông Pompeo nói.
Nga cũng sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc của Anh Quốc nếu nước này thiết lập chế độ bù nhìn ở Ukraine, Phó Thủ tướng Anh Quốc Dominic Raab cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sky News hôm 23/01, viện dẫn một báo cáo của Bộ Ngoại giao Anh Quốc về các kế hoạch của Nga mà hiện có ít bằng chứng ủng hộ.
Ông Raab nói: “Sẽ có những hậu quả rất nghiêm khắc nếu Nga thực hiện hành động này để không những cố gắng xâm lược mà còn cài một chế độ bù nhìn.” Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ bình luận của ông Raab là “thông tin sai lệch”, cáo buộc Anh Quốc và NATO đang “leo thang căng thẳng”.
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.
An Nhiên biên dịch
Trung Quốc: Tỉnh Hà Nam chính thức cảnh báo cách ly, tạm giam những người về quê ăn Tết
Gu Xiaohua
Một đoạn video gần đây của một quan chức ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã gây ra làn sóng phẫn nộ từ cư dân mạng Trung Quốc. Một luật sư Trung Quốc đã lên án những vị quan chức Đảng không có khái niệm về pháp quyền và mất hết nhân tính này.
Hôm 20/01, Thị trưởng quận Đổng Hồng (Dong Hong) đã công bố chính sách phòng chống dịch của mình trên mạng đối với những người đang có kế hoạch về quê đón Tết Nguyên Đán. Ông nói rằng việc trở về quê này là một “ý định xấu” và sẽ bị “cách ly rồi tiếp đến là giam giữ.”
Ông tuyên bố, “Phàm là người cố gắng về từ một khu vực có nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao, không cần nói là người đó có chứng nhận chích ngừa hay không, không cần nói là người đó có kết quả xét nghiệm acid nucleic âm tính trong vòng 48 giờ [qua] hay không, hễ mà về quê thì trước tiên người đó sẽ bị cách ly và kế đến là giam giữ.”
Một luật sư Trung Quốc họ Chu (hóa danh) ở Hà Nam, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng dù sao thì năm nào cũng thế cứ đến dịp Tết đến xuân về là ai nấy đều háo hức mong chờ được đoàn viên, đây là một truyền thống từ thời cổ đại ở Trung Quốc. Vậy nên, dù có đang phải đương đầu với đại dịch, thì giọng điệu của vị quan này cũng có thể nhẹ nhàng hơn mà không cần phải dữ dằn như vậy.
Các báo cáo liên quan về nhận xét của vị quan chức này đã nhanh chóng trở nên phổ biến trên công cụ tìm kiếm Weibo của Trung Quốc.
Một cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ: “Nỗi nhớ nhà ngày xưa là một tấm vé tàu, tôi ở đầu này, quê nhà ở đầu kia; nỗi nhớ nhà ngày nay là trước tiên đi cách ly, sau đó là giam giữ.”
Một cư dân mạng khác đã đăng: “Làm việc gì cũng khó, muốn đi khám bệnh cũng khó, muốn đi học cũng khó, … giờ đến cả về quê ăn Tết cũng khó. Khoảng cách xa nhất trên thế giới này chính là có nhà mà không thể về… ”
Một luật sư từ Hà Nam (lấy bút danh là Trần vì lo ngại an toàn) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng video này đã lan truyền trong cộng đồng người Hoa cả trong và ngoài Trung Quốc vì “nó chỉ đơn giản là thái quá và phản nhân tính.”
Ông nói, “Chính quyền vô pháp này không có đường biên,” được minh chứng bởi chính sách một con vào những năm 90 mà đã được công bố rộng rãi với khẩu hiệu “Thà rằng máu chảy thành sông, cũng không thể sinh nhiều hơn một”.
Đối với các quan chức này mà nói, “mệnh lệnh của lãnh đạo vượt trên hết thảy mọi luật lệ; họ không hề tôn trọng luật pháp hay ý thức pháp luật gì cả,” ông Trần nói.
Ông đã lấy một biểu ngữ chống đại dịch trực tuyến làm ví dụ, có nội dung: “Ra ngoài đánh gãy chân, cãi lại bẻ gãy răng.”
Ông nói rằng, “Tư duy và logic đằng sau ngôn từ này về căn bản mà nói không hề có luật pháp và nhân tính, hay có một chút nào thể hiện là văn minh, đây chính là chủ nghĩa toàn trị trắng trợn.”
Ông nói rằng từ trung ương đến tỉnh, thành phố và quận, huyện, các quy tắc chống dịch này ngày càng nghiêm ngặt hơn và các quan chức này đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế. Bây giờ, giới chức địa phương này đã sử dụng quyền lực của mình vượt ra ngoài ranh giới [luật pháp], bởi vì “giam giữ là một hình phạt chỉ dành cho tội phạm,” nhưng về quê ăn Tết là một truyền thống, và không ai có quyền bắt giữ những người không vi phạm pháp luật.
Vào tối ngày 20/01, ông Đổng Hồng đã phản bác lại những lời chỉ trích trên mạng bằng cách nói với một kênh truyền thông của Trung Quốc rằng đoạn video này đã không chiếu hết toàn bộ câu chuyện. Ông tuyên bố những nhận xét với nội dung chẳng hạn như “những người từ chối hợp tác, về quê với ý định xấu,” đều đã bị xóa khỏi video này.
Chẳng mấy chốc, lời giải thích của ông đã tạo ra một làn sóng người đặt câu hỏi: Thế nào là “về quê với ý định xấu?”
Những hạn chế được thắt chặt hơn bao giờ hết
Đối với những hạn chế ngày càng tăng dưới danh nghĩa chống lại đại dịch của chính quyền, một bài đăng trực tuyến về một tài liệu nội bộ của cơ quan phòng chống dịch tỉnh Hà Nam để lộ những tình tiết của vụ việc này.
Một cư dân mạng Trung Quốc đã tiết lộ một tài liệu về chính sách quản lý sức khỏe của những người trở về nhà trong dịp Tết Nguyên Đán. Tài liệu này cho biết rằng cơ quan này yêu cầu những người nào trở về nhà với thẻ hành trình có “dấu hoa thị” thì “phải bị cách ly tự trả phí trong vòng 14 ngày, bất kể là họ đến từ các khu vực có nguy cơ thấp, có giấy xét nghiệm acid nucleic [âm tính], hay mã QR màu xanh lá cây.”
Thẻ hành trình này là một ứng dụng di động hiển thị lịch trình di chuyển của một cá nhân được theo dõi bởi hệ thống dữ liệu lớn của viễn thông Trung Quốc.
Trước đây, các hãng thông tấn Trung Quốc đã cho biết một dấu hoa thị của địa điểm đã ghé thăm nằm ở góc trên bên phải của màn hình điện thoại di động thể hiện rằng thành phố này hiện đang có các khu vực có nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao, và không có nghĩa là người dùng này đã thực sự đến thăm các khu vực đó.
Mã QR – màu xanh lá cây, màu vàng hoặc màu đỏ – thể hiện tình trạng sức khoẻ của người dùng. Mã màu xanh lá cây cho phép người dùng quyền di chuyển mà không bị hạn chế; mã màu vàng đề nghị người dùng này ở nhà trong bảy ngày; màu đỏ có nghĩa là cách ly hai tuần.
Mã QR này được cho là sẽ gửi dữ liệu cá nhân cho cảnh sát, và cũng bị nghi ngờ là một công cụ khác để kiểm soát xã hội một cách tự động.
Văn bản này cũng quy định những người về quê từ các khu vực có nguy cơ trung bình và cao phải tuân theo một chương trình “7 ngày cách ly tập trung + 7 ngày cách ly và theo dõi tại nhà + 7 ngày theo dõi sức khỏe tại nhà”, và làm xét nghiệm acid nucleic tổng cộng 7 lần trong khoảng thời gian 21 ngày.
Các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt hơn bao giờ hết trong năm thứ ba của đại dịch này, đang gây ảnh hưởng đến việc di chuyển trong dịp Tết Nguyên Đán 2022, diễn ra từ ngày 17/01 đến ngày 25/02 theo lịch, và đây chỉ là một thách thức 40 ngày nữa đối với hàng triệu người Trung Quốc đi làm ăn xa.
Cô Lạc Á là một cộng tác viên tự do cho The Epoch Times.
Lạc Á và Cố Hiểu Hoa thực hiện
Thanh Tâm biên dịch
Mỹ đang phát huy SEAL để công phá lá chắn của Trung Quốc khi có chiến tranh
Đặng Trần
Theo Epoch Times tiếng Trung, Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch sử dụng lực lượng đặc nhiệm SEAL hỗ trợ nhiều hơn cho các nhóm tàu sân bay công phá lá chắn phòng thủ của Trung Quốc và các đối thủ khác trong trường hợp có chiến tranh.
Trong trận Midway năm 1942, máy bay dựa trên hàng không mẫu hạm của Mỹ đã đánh chìm 4 hàng không mẫu hạm Nhật Bản. Epoch Times cho rằng, để Hải quân Hoa Kỳ duy trì lợi thế của mình, các công nghệ và khái niệm mới cần được phát triển và tích hợp để có thể ứng phó với những bước phát triển quân sự của Trung Quốc và Nga.
Một trong những thách thức mà tàu sân bay của Mỹ hoặc đồng minh phải đối mặt là lá chăn “chống tiếp cận /từ chối khu vực (A2/AD)” của Trung Quốc. A2/AD bao gồm một mạng lưới vũ khí bao gồm tên lửa hành trình chống hạm và phòng không, được thiết lập để ngăn các tàu sân bay Hoa Kỳ tiến gần tới các vị trí có thể gây nguy hiểm cho quân đội Trung Quốc.
SEAL của Hải quân Hoa Kỳ là một lực lượng tinh nhuệ, hoạt động đặc biệt bí mật và có thể được huy động trong các cuộc chiến tranh cục bộ và các trường hợp khẩn cấp. Vào ngày 1 tháng 5 năm 2011, SEAL đã tiêu diệt Osama bin Laden, thủ lĩnh của al Qaeda.
Business Insider cho biết, Hải quân Hoa Kỳ đang huấn luyện SEAL để có thể phối hợp với lực lượng không quân của hải Hải quân Hoa Kỳ.
Năm ngoái, SEAL đã xuất hiện cùng Nhóm tấn công của tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trong một cuộc tập trận. SEAL đóng vai trò làm tai mắt của tàu sân bay, lực lượng này tham gia chỉ đạo các cuộc không kích và yểm trợ trên không, đồng thời cho phép hạm đội tàu sân bay tiến hành các cuộc tấn công mục tiêu ngoài phạm vi tầm nhìn và ngoài phạm vi của các cảm biến.
Một cựu sĩ quan SEAL nói với Business Insider rằng lính SEAL “có mười tám kỹ năng và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ”, một trong số đó là trinh sát chiến lược, tiến gần nhất đối phương.
SEAL được xem là đối tác lý tưởng cho một nhóm tấn công của tàu sân bay vì lực lượng này có thể sử dụng một loạt các tàu đặc biệt, bao gồm tàu tàng hình và tàu ngầm nhỏ, để bí mật xâm nhập hoặc tiếp cận mục tiêu, mở đường cho các tàu và máy bay lớn của Hải quân Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tấn công.
Những người lính của SEAL có tính cơ động cao, có thể hoạt động trong không gian chật hẹp và khiến đối phương rất khó phát hiện. Họ có thể sử dụng sự hiện diện và kỹ năng của riêng mình để cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các lực lượng hải quân của Mỹ và đồng minh.
Ngoài ra, SEAL có thể thực hiện các cuộc khảo sát sơ bộ nhằm thu thập thông tin, điều khiển các trạm quan sát và các loại hoạt động giám sát khác, bao gồm việc khảo sát bãi biển và thủy văn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổ bộ hoặc để theo dõi các lực lượng của đối phương.
Nghị sĩ Mỹ giới thiệu luật trừng phạt Bắc Kinh khi Đài Loan bị Trung Quốc xâm lược
Kha Đạt
Vào ngày 21/1, Dan Sullivan, một thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Hoa Kỳ, đã giới thiệu dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nghiêm khắc và toàn diện đối với Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh ra lệnh tấn công Đài Loan.
Theo VOA, tên đầy đủ của dự luật do Dan Sullivan đề xuất là “Các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu vào những thực thể đe dọa các nền dân chủ láng giềng – STAND with Taiwan Act of 2022”.
Dự luật sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính làm tê liệt toàn diện Trung Quốc trong trường hợp Quân đội Trung Quốc hoặc lực lượng ủy nhiệm của họ bắt đầu một cuộc xâm lược quân sự Đài Loan.
Bộ các biện pháp trừng phạt bao gồm việc nhắm mục tiêu vào các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các tổ chức tài chính và lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc, cũng như cấm các tổ chức tài chính của Mỹ — bao gồm các công ty đầu tư, công ty cổ phần tư nhân, công ty đầu tư mạo hiểm hoặc quỹ phòng hộ — đầu tư nào vào bất kỳ tổ chức nào của Trung Quốc có lợi cho hoặc có liên kết với ĐCSTQ. Dự luật cũng sẽ cấm nhập khẩu một số hàng hóa được khai thác, sản xuất toàn bộ hoặc một phần ở Trung Quốc.
Ngoài ra, dự luật cũng đề cập đến việc Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để khuyến khích họ thực hiện các hành động trừng phạt kinh tế, thương mại và tài chính đối với ĐCSTQ.
Sullivan cho biết một dự luật tương tự cũng sẽ được Nghị sĩ Mike Gallagher giới thiệu tại Hạ viện.
Sullivan nói rằng, dự luật do ông đề xuất được thiết kế để Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình thấy cái giá phải trả là như thế nào nếu ĐCSTQ xua quân xâm lược Đài Loan.
Vào ngày Sullivan đề xuất dự luật, Tổng thống Mỹ Biden đã có một cuộc họp video với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Tuyên bố được Nhà Trắng đưa ra ngày 21/1 cho thấy, trong cuộc hội đàm, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đạt được đồng thuận về việc đối đầu với tham vọng của ĐCSTQ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida đã nêu lên tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và sự cần thiết phải giải quyết vấn đề eo biển bằng biện pháp hòa bình. Nguyên thủ Mỹ-Nhật cũng phản đối nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, bên cạnh việc bày tỏ sự lo ngại đối với các hành động của ĐCSTQ ở Tân Cương và Hồng Kông.
Trong cuộc họp, Thủ tướng Fumio Kishida đã mời Tổng thống Biden đến thăm Nhật Bản để tham dự Đối thoại Bộ tứ về An ninh (Quad) giữa Hoa Kỳ , Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối mùa xuân. Ông Biden đã nhận lời.
Theo Sound of Hope