Từ thời điểm đếm ngược 100 ngày đến Olympic Mùa đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc, VISA (một công ty thẻ tín dụng) đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá Olympic, như quảng bá thông tin tài trợ trên Twitter và quảng cáo các thiết bị thanh toán có thể đeo được.
Nhưng vào đêm trước Olympic Bắc Kinh 2022, ‘gã khổng lồ’ thẻ tín dụng và nhà tài trợ lâu năm cho Olympic này đã không tweet về việc tài trợ, cũng như không có bất kỳ thông cáo báo chí nào.
Các nhà tài trợ cho Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022 đã gặp rắc rối trong năm nay với con số hàng tỷ USD. Các nhà lập pháp và nhà hoạt động nhân quyền ở phương Tây, gồm cả Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc này. Với những tiếng nói tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh trên toàn cầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tìm cách trừng phạt các công ty rơi vào tình thế khó xử, thông qua việc chỉ trích công khai, quy định giám sát và khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay họ.
Nhà tài trợ Procter & Gamble khởi động chiến dịch quảng cáo Olympic 100 ngày trước Thế vận hội 2018 tại Hàn Quốc. Coca-Cola cũng phát hành quảng cáo truyền hình cho các vận động viên Olympic mà hãng này hỗ trợ, như mua một bảng quảng cáo ở Quảng trường Thời đại của New York dành cho vận động viên trượt băng nghệ thuật Nathan Chen. Tuy nhiên, đến nay, 2 công ty lớn này vẫn chưa phát động một chiến dịch quảng cáo lớn nào về Olympic Bắc Kinh trên đất Mỹ.
Một phát ngôn viên của Coca-Cola nói với “The Wall Street Journal” rằng trong năm nay công ty chỉ khởi động chiến dịch quảng cáo Olympic ở Trung Quốc và từ chối cho biết lý do tại sao lại làm như vậy.
Nhưng không phải tất cả các nhà tài trợ đều đang nghe ngóng. Nhà sản xuất đồng hồ Omega SA của Thụy Sĩ đã tung ra một chiếc đồng hồ mới kỷ niệm Olympic Bắc Kinh. Omega SA cho biết họ cam kết hỗ trợ Phong trào Olympic mà không “bị cuốn vào một số vấn đề chính trị.”
Đối với 13 trong số các nhà tài trợ Olympic hàng đầu, gồm VISA, Procter & Gamble và Coca-Cola, hoạt động quảng bá trước Thế vận hội tương đối yên tĩnh đã thu hút sự chú ý của mọi người.
Các số liệu mới nhất từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho thấy IOC đã nhận được hơn 1 tỷ USD tiền tài trợ từ các nhà tài trợ hàng đầu này cho Olympic Mùa đông Sochi (Nga) 2014 và Olympic Mùa hè Rio (Brazil) 2016. Theo đó, các nhà tài trợ có thể sử dụng logo chính thức của Olympic để quảng cáo.
IOC cho biết họ công nhận và đề cao các quyền con người, nhưng không giữ bất kỳ vị trí nào đối với cơ cấu chính trị, môi trường xã hội hoặc các tiêu chuẩn nhân quyền của nước sở tại.
Tuy nhiên, một số công ty đã lên tiếng về các vấn đề nhân quyền bên ngoài Trung Quốc. Ví dụ, Coca-Cola đã nêu ra các vấn đề về nhân quyền ở Qatar trước khi tài trợ cho World Cup 2022. Các tổ chức nhân quyền nói rằng Chính phủ Qatar đang buộc công nhân nhập cư xây dựng sân vận động World Cup trong những điều kiện vô nhân đạo và chết chóc.
Tháng 7/2021, tại một phiên điều trần quốc hội, Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã hỏi tại sao Coca-Cola công khai phản đối luật bỏ phiếu gây tranh cãi của bang Georgia, nhưng lại giữ im lặng về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc trước Olympic Bắc Kinh.
Ông Paul Lalli, Giám đốc Nhân quyền Toàn cầu của Coca-Cola, trả lời: “Chúng tôi không đưa ra quyết định về nơi tổ chức Thế vận hội, chúng tôi ủng hộ và quan tâm đến các vận động viên tham gia Thế vận hội.”
Tại phiên điều trần, nhà tài trợ duy nhất công nhận hành động diệt chủng của Bắc Kinh ở Tân Cương là Tập đoàn Intel. Intel cũng là nhà tài trợ duy nhất bày tỏ nguyện vọng yêu cầu Ủy ban Olympic Quốc tế hoãn Thế vận hội, cho Bắc Kinh có thời gian giải quyết các vấn đề nhân quyền.
Cuộc tẩy chay chưa từng có đối với Olympic Bắc Kinh 2022
Đến nay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 vẫn vấp phải sự tẩy chay chưa từng có. Hồ sơ của ĐCSTQ về nhân quyền, đặc biệt là việc ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, và đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, đã khiến các nhà hoạt động trên khắp thế giới kêu gọi các quốc gia và nhà tài trợ tẩy chay Olympic Bắc Kinh.
Tháng 11 năm ngoái, Bành Soái, vận động viên từng 3 lần tham dự Olympic, đã biến mất sau khi công khai cáo buộc cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ đã tấn công tình dục cô, càng thúc đẩy thêm lời kêu gọi tẩy chay toàn cầu.
Ngày 23/1, Liên đoàn Quốc tế các tổ chức xã hội ở Đông Turkestan đã tới Ủy ban Olympic Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức họp báo, yêu cầu cơ quan này tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và kêu gọi các vận động viên có “lập trường hiệu quả và đáng kính” chống lại nạn diệt chủng ở Tân Cương.
Liên minh này chỉ ra, trong một tuyên bố rằng Bắc Kinh vẫn đang duy trì các “Trại tra tấn của Đức Quốc xã thế kỷ 21” ở Tân Cương, buộc người Duy Ngô Nhĩ phải từ bỏ tôn giáo và văn hóa vốn có, nhằm cắt đứt bản sắc dân tộc của họ, đồng thời ép phụ nữ triệt sản và thực hiện chính sách thanh lọc sắc tộc.
ĐCSTQ đã phá hủy và làm hư hại gần 16.000 nhà thờ Hồi giáo, một số bị biến thành vũ trường. Họ còn đốt kinh sách và sách tôn giáo, đồng thời giam cầm hàng nghìn nghệ sĩ, học giả, nhà văn và người nổi tiếng. Chính sách phát xít trên đi ngược lại tinh thần Olympic.
Đến nay, các quốc gia như Mỹ, Úc, Anh và Canada đã tuyên bố “tẩy chay ngoại giao” chưa từng có đối với Thế vận hội. Nhiều quốc gia cũng tuyên bố sẽ không cử quan chức chính phủ tới bất kỳ buổi lễ hay sự kiện nào.
Ngày 18/1, Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Michael Gallagher tuyên bố khởi động “Đạo luật đấu tranh cho quyền tự do của Bành Soái”, nhằm áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chủ chốt của IOC theo “Đạo luật trách nhiệm giải trình nhân quyền Magnitsky toàn cầu”.
Ông Gallagher cáo buộc IOC đã thông đồng với chính quyền Bắc Kinh vào năm ngoái, nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng do sự mất tích của Bành Soái và tháo gỡ những trở ngại, giúp việc tổ chức Olympic Mùa đông Bắc Kinh diễn ra suôn sẻ.
Ngày 21/1 mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án bản án đối với 11 học viên Pháp Luân Công, cao nhất lên đến 8 năm tù, chỉ vì họ thực hành niềm tin tôn giáo của mình. Phán quyết của tòa hôm ngày 14/1 được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 khai mạc. Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott nói với Epoch Times: “Cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các nhóm thiểu số tôn giáo là vô tình.”
“Cuộc tấn công mới nhất này nhằm vào những người tập Pháp Luân Công, những người đã cung cấp thông tin về đại dịch, là bằng chứng mới nhất về sự tàn bạo của họ (ĐCSTQ), và do đó càng có lý do để cắt đứt liên lạc và ngừng ủng hộ chính quyền tà ác này.”
Cách đây vài ngày, Đài truyền hình NBC của Mỹ cũng cho biết do dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát và các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh, họ sẽ không cử người dẫn chương trình và các đội phát thanh viên đến Bắc Kinh để đưa tin về Thế vận hội.
Bình Minh (t/h)