Mỗi dịp Xuân về, người trong nước hay hát bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của nhạc sĩ Văn Cao, như thể nó là một bản nhạc Xuân tươi vui lắm vậy. Nhưng thật ra đây là một ca khúc bi ai, với một số phận long đong không thua gì tác giả.
Bấy giờ Văn Cao vẫn còn đang bị tù treo bởi vụ Nhân-Văn Giai-Phẩm. Tuy không phải đi tù cải tạo như những người khác trong nhóm (dù gì tên tuổi ông cũng đã dính liền với bài quốc ca), nhưng Văn Cao cũng không được tự do. Quanh nhà lúc nào cũng có công an dòm chừng, canh gác. Bạn bè muốn tới thăm cũng ngại, sợ bị “vỗ vai” bất tử.
Ðã lâu ông không còn viết ca khúc, nhất là nhạc mang hơi hướm chính trị, từ khi bị phê phán nặng nề. Ông chỉ soạn nhạc không lời cho phim kịch, hay vẽ bích chương hoặc minh hoạ sách báo để kiếm sống. Gần hai mươi năm không sáng tác, bỗng dưng sau khi chiến tranh chấm dứt có người đến đặt hàng, Văn Cao nhận lời ngay. Theo lời kể của Nguyễn Nghiêm Bằng, con trai thứ:
“Ðó là một đêm vào giữa Tháng Mười Hai 1975. Chúng tôi đang sống với cha mẹ trong ngôi nhà số 108 Yết Kiêu. Mùa Ðông, Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy mà trong đêm ấy, tôi nghe có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng trong ra gần chiếc đàn piano – đối diện với chiếc đi-văng tôi đang ngủ. Một giai điệu khe khẽ vang lên, nó được đàn bởi một bàn tay phải. Cũng phải nói thêm là cha tôi đã đàn trên chiếc đàn vốn được Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho thuê lại với giá bảy đồng rưỡi một tháng (lương tôi hồi đó là 63 đồng, còn tiền thuê nhà là 15 đồng); từ ngày kỷ niệm 30 năm Tiến quân ca (1974), chiếc đàn mới được tặng hẳn cho cha tôi thì cha lại rất ít có dịp dùng đến.
Tuy bị cấm ở Việt Nam, nhưng không hiểu nhờ đâu mà bài nhạc lại lưu lạc sang Liên-Xô. Tại đây, nó được dịch sang tiếng Nga và được phổ biến rộng rãi. Thậm chí, theo lời kể của Văn Thao, con trai trưởng, người ta còn trả cho ông bản quyền trị giá 100 rúp. Ông đã phải viết thư nhờ đại sứ quán ở Hà Nội chuyển sang Nga, nói đưa số tiền ấy cho cô con gái đang đi học bên đó. Ông viết: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.”
Thế thì “Mùa Xuân Ðầu Tiên” của Văn Cao có cái gì làm cho tuyên giáo phải ghét như vậy? Về mặt tiết tấu, nó được soạn theo điệu valse để luân vũ, thay vì nhịp march quân hành; thoạt nghe rất thướt tha, mượt mà. Nhưng giai điệu của nó lại được đặt trong cung Sol thứ, với nhiều âm quãng bất bình thường ở đoạn giữa làm cho dòng nhạc như bị nghẹn lại, một cảm giác nghẹn ngào có chủ ý. Ðã vậy, ca từ thì nửa mừng nửa tủi, nửa lạc quan nửa bi quan. Rõ ràng ẩn khuất đằng sau ca khúc là tâm hồn u uất của tác giả. Có lẽ vì vậy mà nó bị lọt đài chăng? Ta thử đọc đoạn mở đầu:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn
Một hình ảnh yên bình thoáng nghe tưởng rất thường tình, nhưng phảng phất đâu đây một nỗi cô đơn khó tả — như tiếng gà gáy một buổi trưa nắng, bên con sông mờ khói xa xa. Và rồi xong chiến tranh, những người mẹ đón con về trong nước mắt:
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh…
Quả thật là những hình ảnh không mấy “hào hùng” hay “hồ hởi phấn khởi” như đảng muốn. Thế rồi nhạc điệu bỗng đột ngột chuyển sang cung thứ buồn bã lạ thường:
Ôi, giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Miệng thì hát “xuân vui”, nhưng trong bụng đầy ai oán. Rõ ràng có một sự mâu thuẫn không nhỏ nơi nội tâm tác giả. Nhưng có lẽ những câu sau đây mới thực sự làm cho ban kiểm duyệt buộc phải cắt:
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người
Mãi đến cuối thập niên 1980, khi Việt Nam bắt đầu he hé “mở cửa”, nhạc Văn Cao mới được phép hát trở lại. Nhưng vẫn chỉ là các bản tình ca cổ điển như “Thiên Thai”, “Trương Chi” v.v. Chứ “Mùa Xuân Ðầu Tiên” thì còn khuya. Phải đến năm 1995, sau khi Văn Cao mất bài này mới được chính thức thu thanh và phát hành. Phiên bản ấy được một nữ ca sĩ văn công trẻ tên Thanh Thuý trình bày, với lối hoà âm phối khí xập-xà xập-xình, vui vẻ trẻ trung, chẳng “ăn rơ” tí nào với thông điệp thâm trầm, u uẩn của Văn Cao. Nhưng từ đó về sau nó lại được nhiều ca sĩ và nhạc sĩ khác bắt chước; hầu hết đều diễn tả “Mùa Xuân Ðầu Tiên” như một bản valse tươi vui, dễ cho thiên hạ … hát karaoke! Trong khi đó, nhà văn Trần Mạnh Hảo lại đặt câu hỏi:Xem thêm: Nước sự sống
“Ngày 30 tháng tư 1975, ngày kết thúc 30 năm chiến tranh, theo mấy người con và mấy người bạn thân của nhạc sĩ kể lại, Văn Cao im lặng không nói gì, không reo mừng hò hét vỗ tay vỗ chân rầm rập trong hàng nghìn ca khúc khẩu hiệu điếc tai như phần lớn đồng nghiệp đã hét. Có lẽ, ông nghĩ rằng, nhờ chiến thắng này mà có thể thân phận ‘tù tại ngoại’ của ông cũng sẽ được giải phóng, thoát án giam lỏng Nhân Văn chăng? Thành ra, ‘Mùa Xuân Ðầu Tiên’ chính là lời reo vui của đắng cay, niềm rưng rưng kiếp nạn giải thoát, nỗi hoan ca ngục tù gặp nắng gió mênh mông?”
Văn Cao không còn sống để trả lời những thắc mắc của chúng ta. Nhưng hy vọng rồi đây “Mùa Xuân Ðầu Tiên” sẽ được ai đó soạn lại và hát lại — đúng theo tinh thần, ý nghĩa và bối cảnh lịch sử của nó.