Trung Quốc: ‘Mã sức khỏe’ dùng trong đại dịch giờ đây được dùng để giám sát công chúng

Kathleen Li

Một nhân viên bảo vệ kiểm tra mã sức khỏe trên điện thoại thông minh của người dân tại một khu mua sắm du lịch ở Bắc Kinh, vào ngày 03/08/2021. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AP Photo)

Hàng Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng hệ thống “mã sức khỏe”. Ban đầu, các mã sức khỏe này dùng để nhận biết vùng xanh, vùng vàng, và vùng đỏ; nhưng kể từ cuối tháng Một, màu cam đã được thêm vào để biểu thị rằng người dùng có mã màu đó đang cư trú trong vùng phòng chống dịch. Ngoài ra, việc sử dụng mã sức khỏe này đang được kiểm soát nghiêm ngặt hơn bao giờ hết và đã trở thành một công cụ để giám sát người dân cũng như trấn áp hoặc hạn chế việc đi lại của những người bất đồng chính kiến.

Hệ thống mã sức khỏe của Hàng Châu dựa trên Đám mây Chính phủ (Government Cloud) của Chiết Giang, một công cụ mã sức khỏe do Alibaba Group Holding Ltd. phát triển trong vòng ba ngày. Hôm 17/02, Chiết Giang đã trở thành tỉnh đầu tiên ở Trung Quốc có “mã sức khỏe bao phủ toàn diện”.

Hôm 11/02, khi hệ thống mã sức khỏe này chính thức được khai triển tại Hàng Châu, số lượng đăng ký ứng dụng trong ngày đầu tiên đã vượt quá 1.3 triệu, vì chỉ những người có mã màu xanh lá cây mới có thể ra vào thành phố. Những người có mã màu khác phải tự cách ly hoặc đáp ứng các quy định nhất định về xét nghiệm PCR và đợi đến khi nào mã của họ được chuyển thành màu xanh lá cây.

Mã sức khỏe được vận hành thông qua cổng Alipay trên điện thoại di động của người dân, vì vậy, chiếc điện thoại này sẽ thao túng việc một người có thể đi lại hay không.

Theo Quỹ Dữ liệu Mana, phát ngôn viên của tập đoàn Ant Group (một công ty con của Alibaba), vốn là công ty giúp phát triển công nghệ này trong những ngày đầu cho biết, “Chúng tôi không nắm trong tay bất kỳ dữ liệu nào liên quan đến mã sức khỏe.” Phát ngôn viên này nói thêm rằng các tiêu chuẩn và thông tin đều do chính phủ Trung Quốc quản lý.

Sự giám sát của Chính phủ

Bình luận về diễn biến này, ông Lý Nguyên Hóa (Li Yuanhua), nguyên là phó giáo sư tại trường Cao đẳng Khoa học Giáo dục thuộc trường Đại học Sư phạm Thủ đô, nói với The Epoch Times, “Chính sách về mã sức khỏe này khó có thể thực thi ở Âu Châu và Hoa Kỳ, vì những quốc gia này đều có những quy định pháp lý nghiêm ngặt đối với dữ liệu cá nhân nhạy cảm riêng tư, còn điều tối trọng yếu đối với ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] độc tài toàn trị này lại là giám sát mỗi một người.”

Trước đây, khi hoạt động di cư của người dân bị hạn chế ở Trung Quốc, nhà cầm quyền này đã sử dụng “đội thám báo chân nhỏ”, ý nói tới những người phụ nữ cao tuổi hay ngồi ở lối ra vào của các ngôi làng và cộng đồng dân cư để giám sát mọi người (những người phụ nữ sinh ra vào thời Cách mạng Văn hóa này phải làm theo lệnh của ông Mao Trạch Đông, bó chân cho nhỏ lại thì mới đẹp, nên được gọi là chân nhỏ — dịch giả). Ai không phải là người địa phương thì sẽ bị phát hiện ngay. Bây giờ, môi trường đã đổi khác và các biện pháp giám sát cũng vậy, ông Lý nói.

“ĐCSTQ sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ, rồi còn lợi dụng chiêu bài cung cấp dịch vụ cho người dân để tiến hành hoạt động giám sát độc tài toàn trị. Trong đại dịch này, đặc biệt là thông qua mã sức khỏe này, thông tin của mỗi người đã bị thu thập và nằm gọn trong tay của ĐCSTQ. Nếu những thông tin này không được sử dụng như những gì họ quảng bá, mà thay vào đó được sử dụng theo hướng bất hảo, thì bộ máy công an của ĐCSTQ có thể sử dụng thông tin đó để giám sát bất kể người nào.”

Theo bài đăng trên Twitter của một luật sư nhân quyền người Trung Quốc Tạ Dương (Xie Yang), hành động lạm dụng như vậy đã đang xảy ra.

Vào sáng ngày 06/11/2021, ông Tạ dự định bay đến Thượng Hải để thăm mẹ của ký giả công dân Trương Triển (Zhang Zhan) bị giam giữ. Nhưng khi đến phi trường, mã sức khỏe của ông Tạ chuyển thành màu đỏ, và rồi ông phải trở về nhà. Thế mà, ngày hôm sau, mã sức khỏe của ông lại thành màu xanh lá cây.

Ông Tạ đăng ảnh chụp mã sức khỏe trước và sau của mình trên Twitter: “Mã sức khỏe xanh lại rồi! Điều này có nghĩa là gì?!” Ông nói thêm rằng các mã sức khỏe đó đáng ra không nên bị sử dụng như “một công cụ để hạn chế việc đi lại của những người bất đồng chính kiến.”

Ngay từ những ngày đầu đại dịch, ở Trung Quốc cũng có những ý kiến phản đối công khai về việc ĐCSTQ sử dụng cái gọi là mã sức khỏe để thu thập thông tin và dữ liệu cá nhân.

Hồi tháng 05/2020, ông Lý Ngạn Hồng (Robin Li), giám đốc điều hành của Baidu, đã đề nghị thiết lập một cơ chế lối thoát cho các thông tin cá nhân được thu thập trong đại dịch để bảo vệ những thông tin đó. Nhưng đã không có tin tức tiếp theo nào về đề nghị này.

Cũng vào tháng 05/2020, nhân vật nổi tiếng trên mạng “Hồ Độ” (Hudu), người có 5.3 tỷ lượt xem, đã đăng một bài viết trên Sohu, biện luận rằng trong đại dịch này, “mọi người buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của họ, bao gồm tên, địa chỉ, tên của vợ/chồng, số điện thoại, những nơi thường xuyên lui tới, và hành trình di chuyển — tất cả đều là vì lợi ích cộng đồng, đóng góp rất lớn trong việc kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.” Tuy nhiên, việc bình thường hóa mã sức khỏe bị nghi ngờ là vi phạm quyền riêng tư của công dân.

Một loạt các vấn đề phái sinh từ “mã sức khỏe” cũng đang mọc lên như nấm ở Trung Quốc, chẳng hạn như “mã doanh nghiệp”, “mã tài năng”, “mã chuỗi lạnh”, “mã hòa hợp trong gia đình”, “mã không giam giữ”, và các loại mã khác.

Cái gọi là “mã không giam giữ” là ý nói về hệ thống giám sát kỹ thuật số đối với những tội phạm không bị giam giữ, bao gồm cả những người được tại ngoại trong thời gian chờ xét xử, những người bị giám sát tại khu dân cư, và những người được tạm tha để điều trị y tế. Vậy nên, một chiếc điện thoại di động phổ thông có thể hoạt động tương tự như chiếc lắc tay, lắc chân điện tử — được sử dụng để giám sát mọi người.

Cô Kathleen Li đã viết bài The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và kỹ thuật kết cấu tại Úc.

Hồng Ân biên dịch

Related posts