Sự kiện một nhà thơ, một trí thức Việt Nam trên đường đi sinh hoạt văn nghệ với đồng nghiệp trong nước, lại bị công an Việt Nam ngang nhiên chận đánh giữa thanh thiên bạch nhật đang tiếp tục là đề tài bàn tán mọi nơi. Đã có nhiều bài viết, bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà thơ Thái Hạo trên nhiều diễn đàn, trang mạng.
Xin được nhắc lại, ông Thái Hạo đi nhận giải thơ của năm, do Văn Việt trao – một tổ chức văn học nghệ thuật độc lập không liên quan đến nhà nước – đã bị công an sách nhiễu từ nhà đến đường phố, và cuối cùng cho tay sai thường phục đánh đập ông để răn đe chuyện sinh hoạt ngoài hệ thống.
Trò chuyện với giáo sư Hoàng Dũng, thành viên của Hội đồng chấm giải Văn Việt, đồng thời là thành viên ban tổ chức, ông lên tiếng với tư cách cá nhân, nhưng cũng là góc nhìn của một trong những người thành lập giải thưởng văn chương, đã bước qua năm thứ bảy đầy cam go. Giáo sư Hoàng Dũng nói:
Năm nay Văn Việt có ba giải thưởng cho Văn (Trần Quốc Toàn), thơ (Thái Hạo) và giải phê bình nghệ thuật mà hiện nay phải tạm giấu tên để tránh những khó khăn cho người nhận giải lúc này. Cần phải nói là ở Việt Nam, chấp nhận cho đăng bài trên Văn Việt đã là một sự dũng cảm. Bởi họ bị “làm phiền” rất nhiều. Tôi biết rất nhiều người muốn gửi trực tiếp giới thiệu tác phẩm của mình trên Văn Việt, nhưng họ không dám vì cũng phải sống nữa. Trong trường hợp tác giả được giải nhưng [ngại] không nhận, Văn Việt sẽ công bố vào một thời điểm thích hợp. Đó cũng là một cách Văn Việt muốn thông báo cho tất cả những người quan tâm biết rằng hoạt động của chúng tôi đang bị ngăn chặn, làm khó. Sự việc Thái Hạo bị chặn đường đánh đập chẳng qua là nằm trong các biện pháp nghiệp vụ đó của “cơ quan chức năng” mà thôi.
Áp lực của một người nhận giải từ Văn Việt như thế nào thưa ông? Chẳng hạn với các tác giả năm nay?
Thái Hạo đã gọi điện báo cho ban tổ chức biết từ một vài ngày trước, rằng an ninh sẽ đến nhà để làm việc về chuyện anh được Văn Việt trao giải. Cho đến khi trên đường đi ra nhận giải, anh bị ngăn lại giữa đường đánh đập rồi sau đó được người nhà đến đưa về, thì anh mới thông báo cho Văn Việt biết anh không thể vào Sài Gòn nhận giải được.
Nhưng Thái Hạo chỉ là một trong những câu chuyện rất dài mà Văn Việt đã phải đối phó, về chuyện bị sách nhiễu trong hoạt động của mình lâu nay. Chỉ trong năm nay thôi, một số thành viên của Văn Việt nhận được lời mời đến tham dự buổi phát giải, đã bị công an đến nhà chặn cửa không cho đi. Thậm chí có người còn được đến hai công an viên đứng trước cửa nhà, rất cần mẫn canh gác, không cho đi ra khỏi cửa.
Sáng ngày 3 Tháng Ba 2022, chúng tôi cà phê với nhau tại một quán ở quận 3, thì bàn sát cạnh là của nhân viên an ninh hờm sẵn. Khi tôi cầm hai tờ giấy A4, một ghi tên Trần Quốc Toàn và một ghi tên Thái Hạo, giơ lên để chụp ảnh, như một cử chỉ để nhớ hai tác giả lẽ ra đã có mặt hội ngộ với anh em, thì một nhân viên an ninh xông tới giật, xé toang hai tờ giấy và đem luôn tất cả các mảnh giấy vụn đi mất!
Ông Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc mong ước là một ngày không xa, người Việt sẽ có giải Nobel Văn chương. Tôi tin rằng điều đó sẽ đến rất nhanh. Với những cách hành xử đàn áp như vậy mà nhà văn Việt Nam không có được những tác phẩm lớn thì mới lạ.
Những cách sách nhiễu lộ liễu như vậy, có phải diễn ra sau khi họ đề nghị Văn Việt phải dừng hoạt động?
Chưa bao giờ xảy ra chuyện họ chính thức nói như vậy với Văn Việt. Thế nhưng họ lại hành động bằng cách đe dọa, ngăn cản, không cho đi, rồi gần nhất là vụ đánh đập một cách tàn bạo đối với Thái Hạo. Cá nhân tôi không nghĩ đó là chủ trương của Bộ Công an, mà là của những thành phần cấp dưới lúc nào cũng chứng minh mình là những người nhân viên mẫn cán. Ở Việt Nam, công an đánh người ít khi nào bị ra tòa, nên họ thoải mái đánh thôi.
Nhưng ngoài chuyện sách nhiễu người đến nhận giải thì những người nhận giải vắng mặt có bị gì hay không?
Rất nhiều. Những người đang làm công việc với nhà nước thì sẽ bị chính cơ quan quấy rầy, hăm dọa. Còn không thì gia đình hay người thân của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí tác động họ từ chối giải thưởng. Tác giả thì thường phải nín nhịn, chìu theo gia đình.
Đây là năm thứ bảy của giải thưởng Văn Việt độc lập, và mỗi năm đều bị đàn áp, liệu Văn Việt có giữ được việc này lâu dài hay không?
Chúng tôi vẫn đi con đường của mình. Những sự đàn áp như vậy vẫn “kiên cường” diễn ra năm này đến năm khác. Đã nhiều năm nay mà họ vẫn giữ trong đầu của mình quan điểm thù địch như vậy thì tôi không hiểu nổi. Có thể đây là một cách nhằm… thúc đẩy cho giải Nobel Văn chương mà ông chủ tịch nước mơ ước, được đến thật nhanh chăng? Vì đàn áp càng nhiều thì tác phẩm lớn càng dễ ra đời thôi.
Những chuyện đàn áp kỳ lạ như vậy vẫn diễn ra lâu nay, nhưng có bao giờ Văn Việt lên tiếng yêu cầu những người có trách nhiệm trên cao phải xét lại hành động và thái độ của họ?
Tôi không tin là “những người có trách nhiệm trên cao” không biết. Và nếu những chuyện như vậy xảy ra hàng ngày mà không biết thì họ ngồi ở vị trí lãnh đạo để làm gì? Họ nên từ chức đi. Vì những hành động đàn áp người dân và giới trí thức như vậy nó hiệu quả vô cùng trong việc bôi nhọ nhà nước, mạnh hơn cả bất cứ thế lực thù địch nào mà chính quyền vẫn lo sợ. Ngăn chặn nhà thơ Thái Hạo giữa đường và đánh đập thì không có gì bôi nhọ chế độ một cách hiệu quả hơn.
Tuấn Khanh ghi