Nicole Hao
Sau khi các sinh viên Trung Quốc thoát khỏi Ukraine, họ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc về nước. Mặc dù Bắc Kinh đã bố trí các phi cơ đến đón họ, nhưng họ cho biết giá vé quá cao và ngày khởi hành của mỗi người thì chưa rõ.
Ngoài việc phải trả tiền vé phi cơ, nhà cầm quyền nước này còn mong chờ những du học sinh này trả cả phí cách ly sau khi họ về đến Trung Quốc, vốn có thể dao động từ 4,000 nhân dân tệ (635 USD) đến hơn 10,000 nhân dân tệ (1,590 USD) và kéo dài trong 14 hoặc 21 ngày, tùy theo thành phố họ đến và khách sạn họ ở.
Đối với những du học sinh có khả năng trả được khoản phí cao này, thì họ cũng không thể tự chọn chuyến bay. Họ phải chờ đợi và làm theo sự sắp xếp của đại sứ quán Trung Quốc. “Đại sứ quán sắp xếp theo từng khu vực … Chúng tôi không biết khi nào mới đến lượt mình,” du học sinh Trung Quốc Tần Hiểu Cường (Qin Xiaoqiang, hóa danh) nói với Epoch Times Hoa ngữ hôm 05/03.
Nếu không có thị thực hợp lệ, thì những du học sinh di tản này chỉ được phép ở lại nước sở tại trong vòng 15 ngày, và sẽ trở thành người nhập cư bất hợp pháp nếu họ không lên được chuyến bay mà chính quyền Trung Quốc sắp xếp.
“Vấn đề chúng tôi phải giải quyết bây giờ là tìm một nơi nào đó lưu trú một cách hợp pháp,” anh Tần nói. “Chúng tôi đang tìm cách xin thị thực của một quốc gia lân cận.”
Hôm 04/03, anh Tần đã đi từ Kyiv, Ukraine đến Bucharest, Romania. Anh nói rằng anh không đòi hỏi được di tản miễn phí, nhưng mong muốn một mức giá hợp lý.
“[Gia đình tôi] đã chi hơn 200,000 nhân dân tệ (32,000 USD) để cho tôi đến Ukraine học tập. Bây giờ, việc học hành của tôi vẫn còn dở dang,” anh Tần nói. “Tôi không có tiền, và tôi muốn hoàn thành việc học của mình.”
Chuyến di tản đắt đỏ
Hôm 04/03, một nhóm sinh viên Trung Quốc ở Bucharest đã di tản khỏi Ukraine công bố một bức thư thỉnh cầu công khai gửi đến Đại sứ quán Trung Quốc, trong đó họ yêu cầu đại sứ quán sắp xếp một chuyến bay miễn phí để đưa họ về nước, hoặc tìm một nơi nào đó ở Romania để họ có thể ở lại cho đến khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine kết thúc.
“Vào chiều ngày 03/03, chúng tôi đã nhận được thông báo rằng chúng tôi cần phải trả tiền cho chuyến bay di tản để trở về Trung Quốc và chi phí cách ly tại các khách sạn ở Trung Quốc. Giá vé máy bay là 17,999 nhân dân tệ (2,850 USD),” sinh viên này viết. “Thời gian cách ly và chi phí không rõ ràng.”
Những du học sinh này cho biết họ đang dựa vào sự hỗ trợ của gia đình cho các khoản học phí và chi phí học tập, và họ không có đủ tiền để trả tiền vé phi cơ.
Vào tối ngày 04/03, đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã phúc đáp rằng các chuyến bay này đều do các hãng hàng không thương mại Trung Quốc sắp xếp, và nhà cầm quyền sẽ không đài thọ chi phí này.
Hôm 05/03, The Epoch Times đã gọi điện đến đại sứ quán này, và nhân viên tại đây đã trả lời điện thoại xác nhận về tuyên bố hôm 04/03 và khẳng định rằng: “Các chuyến bay này đều không phải là chuyến bay được thuê bao nguyên chuyến … nên mức giá ở Romania là hợp lý.”
Các nhân viên này nói rằng đại sứ quán của họ không có giải pháp nào đối với yêu cầu của các sinh viên và họ nên tự tìm cách về nước.
Do chính sách hạn chế COVID-19 của chính quyền Trung Quốc, nên có rất ít chuyến bay quốc tế được phép đến Trung Quốc mỗi ngày, và không có chuyến bay thẳng từ Bucharest đến các thành phố của Trung Quốc hoạt động định kỳ. Hôm 06/03, giá vé khi quá cảnh ở các thành phố khác là khoảng 1,400 USD.
Người Hoa ở Ukraine
Hôm 06/03, những người Trung Quốc mắc kẹt ở Ukraine đã đăng video lên mạng xã hội để thông báo tình hình của họ và cho mọi người biết rằng họ đã an toàn.
Lập trình viên phần mềm Vương Cát Hiền (Wang Jixian) đến từ Bắc Kinh đã nói về cuộc sống của mình ở Odesa, một thành phố của Ukraine, nơi người dân vẫn có cuộc sống tương đối yên bình. “Tôi vẫn còn sống,” anh Vương thông báo hôm 06/03.
“Chúng tôi đều là con người, và chúng tôi muốn được sống. Chúng tôi không muốn bất kỳ cuộc chiến nào cả,” anh Vương thường xuyên lặp lại trong video của mình. Anh đã chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin mỗi ngày và nói rằng các binh lính Nga đã phải nổ súng vào người dân Ukraine vì mệnh lệnh của ông Putin mặc dù những người lính đó không muốn làm như vậy.
Anh Vương đã đăng các video khoảng hai lần một ngày. Hôm 01/03, anh nói rằng anh đã gọi điện thoại đến đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine để nhờ sự giúp đỡ, nhưng họ đã bảo anh tự vượt qua vùng chiến sự để gặp nhóm của đại sứ quán này trong khu vực an toàn. “Nếu tôi có thể vượt qua được vùng chiến sự, thì tôi sẽ không cần sự giúp đỡ của các vị,” anh nói. Sau đó anh đã quyết định ở nhà và chờ đợi chiến tranh kết thúc.
Hôm 06/03, một sinh viên Trung Quốc họ Triệu (Zhao) đã thông báo trên các nền tảng mạng xã hội rằng cuối cùng anh đã đến được Odesa ở phía tây nam Ukraine một cách an toàn.
Anh Triệu học ở Kharkiv, một thành phố gần với Nga, và đang trên đường từ biên giới Nga-Ukraine đến Kyiv. Anh Triệu cho biết: “Kharkiv gần như đã bị nổ tung bởi quân đội Nga.”
Gần đây, anh Triệu đã đăng video vài lần một ngày. Anh nói rằng anh đã sống sót nhờ nhận được thức ăn, nơi ở, và sự động viên từ người dân Ukraine địa phương ở Kharkiv.
Hôm 27/02, anh nói rằng: “Tôi muốn nói điều gì đó không phù hợp về mặt chính trị. Hơn 500 sinh viên đã sống trong tòa nhà ký túc xá này. Các tiểu bang khác đã di tản sinh viên của họ trước ngày 24/02. Sinh viên từ các nước Phi Châu đã tự tìm đường chạy khỏi nước này vào ngày 24/02 và 25/02.” Anh Triệu cho biết anh đang đợi đại sứ quán Trung Quốc đưa anh ra khỏi đây.
Thế nhưng, anh Triệu đã không nhận được liên lạc từ đại sứ quán Trung Quốc.
Hôm 03/03, anh quyết định chạy trốn trên những chuyến tàu miễn phí mà chính phủ Ukraine thiết lập để di tản người dân. Từ ngày 03/03 đến ngày 06/03, anh Triệu đã liên tục đăng video ghi lại cách các binh lính và dân thường Ukraine chăm sóc anh trên đường anh di tản.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu công dân Trung Quốc vẫn còn ở Ukraine hôm 06/03 và bao nhiêu người trong số họ muốn rời khỏi Ukraine.
Vào cuối ngày 06/03, các hãng hàng không của Trung Quốc đã hoàn thành bốn chuyến bay để đón người Trung Quốc ở Romania. Nhưng nhà cầm quyền nước này đã không công bố có bao nhiêu người trên các chiếc phi cơ đó.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Thanh Tâm biên dịch