Tom Ozimek
Hôm thứ Ba (08/03), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hiệp ước quốc phòng xuyên Đại Tây Dương phải bảo đảm rằng cuộc xung đột ở Ukraine không lan sang các nước láng giềng, một kết quả mà ông cảnh báo sẽ nguy hiểm và có tính hủy diệt hơn so với các hành động thù địch cục bộ hiện đang hoành hành tại đất nước này.
Hôm 08/03, trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Latvia Egils Levits, tại Riga, Latvia, người đứng đầu NATO cho rằng, “Chúng ta cần phải chấm dứt cuộc xung đột này, chứ không phải làm cho nó lan rộng ra.”
Ông Stoltenberg cho biết, chìa khóa để đạt được mục tiêu này là củng cố sườn phía đông của NATO với các lực lượng bổ sung như là một biện pháp răn đe đối với Nga.
“Do đó, chúng tôi đang tăng cường sự hiện diện của mình, cũng như ở Latvia … và phần phía đông của liên minh của chúng tôi, để bảo đảm rằng Nga hiểu việc chúng tôi có mặt ở đây là để bảo vệ và phòng thủ cho tất cả các đồng minh, cho từng tấc đất của đồng minh,” ông nói, đồng thời đề cập đến cam kết theo Điều 5 của Hiệp ước NATO, trong đó một cuộc tấn công chống lại một quốc gia thành viên được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả.
Các quan chức Nga đã cảnh báo rằng sự tham gia trực tiếp của bất kỳ quốc gia NATO nào vào cuộc xung đột ở Ukraine đều sẽ bị coi là một hành động chiến tranh, kéo theo các đồng minh khác vào cuộc. Các nước đồng minh NATO đã rất nỗ lực để bảo đảm là họ gửi một thông điệp rõ ràng tới Moscow rằng họ sẽ không gửi quân đến Ukraine.
“Chúng tôi không có bất cứ sự thù địch nào đối với người dân Nga, và chúng tôi không có mong muốn công kích một quốc gia vĩ đại cũng như một cường quốc thế giới,” Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong một bài bình luận gần đây.
Ông nhấn mạnh rằng, “Đây không phải là một cuộc xung đột của NATO, và nó sẽ không trở thành như vậy. Chưa có đồng minh nào gửi quân đến Ukraine tham chiến.”
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông tin rằng một số nhà lãnh đạo phương Tây đang nhắm đến một cuộc chiến tranh chống lại Nga. Ông cũng cho biết hôm thứ Ba rằng mục tiêu của các hành động quân sự của Nga là “ngăn chặn bất kỳ cuộc chiến nào có thể xảy ra trên lãnh thổ Ukraine hoặc có thể bắt đầu từ đó,” cho thấy rằng nếu cuộc chiến này không diễn ra theo cách của Điện Kremlin, thì nó có thể sẽ tràn sang các nước NATO.
Ông Stoltenberg cũng cho biết cuộc xung đột này đã khiến khoảng 2 triệu người ở Ukraine phải rời bỏ nhà cửa của họ, đồng thời mô tả tình hình nhân đạo trong khu vực này là “cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở Âu Châu kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.”
Ít nhất 47 thường dân, trong đó có 29 trẻ em, đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu cách đây 13 ngày, theo số liệu mới nhất của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Theo cơ quan này, đã có thêm 861 người bị thương trong các cuộc giao tranh, nâng tổng số thương vong dân sự lên 1,335 người, đồng thời cho biết thêm rằng con số thực tế có thể “cao hơn đáng kể” nhưng “tình trạng giao tranh dữ dội” ở các vùng của Ukraine khiến việc thống kê chính xác trở nên khó khăn.
Liên Hiệp Quốc đã lưu ý rằng hầu hết các thương vong dân sự đều do các loại vũ khí nổ có phạm vi tác động rộng, “bao gồm pháo kích từ pháo hạng nặng và hệ thống hỏa tiễn đa nòng, cũng như các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và không kích.”
Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ và Anh đã nói rằng, mặc dù cuộc xâm lược của Nga đã bị đình trệ ở các vùng của Ukraine, thế nhưng các lực lượng quân đội Nga đã tăng cường sử dụng hỏa lực tầm xa nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự, như các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo, dẫn đến nhiều thương vong dân sự hơn.
Ông Stoltenberg đã đề cập đến điều này trong nhận xét của mình, nói rằng có “những báo cáo rất đáng tin cậy” về việc thường dân bị bắn trong khi họ đang cố gắng di tản khỏi các khu vực xung đột.
Ông nói rằng: “Hành vi nhắm mục tiêu vào dân thường là một tội ác chiến tranh và điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được,” đồng thời kêu gọi việc thiết lập các hành lang nhân đạo được “tuân thủ đầy đủ.”
Nga đã phủ nhận việc nhắm vào thường dân hoặc cơ sở hạ tầng dân sự. Hôm thứ Hai (07/03), phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói trong một cuộc họp báo rằng [ông] không thể cho biết liệu các lực lượng Nga có đang cố tình nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự hay liệu các cuộc tấn công như vậy là “ngẫu nhiên hay cố ý.” Tuy nhiên, ông nói thêm rằng kết quả cuối cùng về sự đau khổ của con người là đều như nhau.
“Điểm mấu chốt là, có nhiều dân thường hơn đang bị sát hại và bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng dân sự hơn đang bị hư hại hoặc phá hủy,” ông Kirby nói. “Và ông Putin vẫn có một sự lựa chọn ở đây, đó là không leo thang, không tăng cường tấn công bằng những hỏa tiễn tầm xa này và trong khả năng của mình, đồng thời tìm ra một con đường ngoại giao tiến tới và chấm dứt cuộc xâm lược này.”
Những lời nhận xét của ông Stoltenberg được đưa ra cùng ngày khi người dân Ukraine lên những chuyến xe buýt để di tản khỏi thành phố Sumy đang bị bao vây ở miền đông. Đây là cuộc di tản đầu tiên khỏi một thành phố Ukraine thông qua một hành lang nhân đạo đã được thỏa thuận với Nga. Những nỗ lực trước đó để di tản qua các hành lang đã thất bại, với việc phía Ukraine và Nga đổ lỗi cho nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn.
Ông Stoltenberg nói rằng: “Sự đau khổ mà chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine hiện nay thật khủng khiếp — nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.”
Ông cũng cho biết thêm, “Chúng ta phải có trách nhiệm bảo đảm cuộc xung đột này không leo thang và lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Điều đó sẽ còn nguy hiểm hơn, hủy diệt và thậm chí gây tử vong nhiều hơn. Tình hình này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.”
Theo đó, người đứng đầu NATO cho biết, cần phải củng cố sườn phía đông của liên minh “để bảo đảm rằng không có chỗ cho những tính toán sai lầm ở Moscow.”
“Chúng tôi có 130 phi cơ phản lực trong tình trạng báo động cao, hơn 200 chiến hạm từ vùng cao ở phía bắc đến Địa Trung Hải, và hàng ngàn binh sĩ bổ sung trong khu vực này,” ông Stoltenberg nói và cho biết thêm rằng các đồng minh bao gồm Canada và Hoa Kỳ đã gửi quân đội để hỗ trợ nỗ lực này.
Latvia, cùng với các nước láng giềng Estonia và Litva, thường được gọi là các quốc gia Baltic, từng là một phần của Liên bang Xô viết và đã gia nhập NATO vào năm 2004.
Đặc biệt, Estonia và Latvia có cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga đáng kể, và có những lo ngại rằng Nga có thể tận dụng điều này trong các chiến dịch gây sức ép của mình, giống như ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác, chẳng hạn như Georgia, và bây giờ là Ukraine.
Nga coi sự hiện diện của NATO ở ngưỡng cửa của mình là một mối đe dọa an ninh lớn. Một trong những điều kiện quan trọng để Điện Kremlin chấm dứt các hành động thù địch ở Ukraine là nước này cam kết không bao giờ gia nhập NATO và đưa điều khoản về tính trung lập vào trong hiến pháp của mình.
“Nga coi sự độc lập của các quốc gia Baltic và vai trò tích cực của họ trong NATO và EU là những mối đe dọa đối với an ninh, chủ quyền, và quyền tự quyết của Nga,” ông Mark Galeotti, thành viên cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Praha và trước đây là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu An ninh Âu Châu, viết trong một bài phân tích.
Ông Galeotti cho biết thêm: “Không thể phủ nhận việc các quốc gia Baltic đang phải chịu áp lực liên tục từ Nga, từ những lời tố cáo chính thức cho đến những thông tin sai lệch không chính thức và từ những cuộc phô diễn sức mạnh quân sự công khai cho đến các hoạt động tình báo bí mật.”
Chuyến thăm của ông Stoltenberg tới Latvia diễn ra sau chuyến thăm vào hôm 07/03 tới nước láng giềng Lithuania của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người cho biết NATO cũng đang cân nhắc đặt các căn cứ thường trực bổ sung ở các quốc gia Baltic, nơi đang bị xáo trộn bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và lo ngại rằng họ có thể trở thành nước tiếp theo bị xâm lược.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Thanh Tâm biên dịch