Huyền Anh
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Versailles, Pháp, hôm 10/3, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cam kết củng cố sức mạnh quân sự, làm sâu sắc thêm quan hệ đối với với Kyiv, nhưng đã đưa ra lằn ranh đỏ về việc cho phép Kyiv nhanh chóng tiếp cận khối.
Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã tìm cách gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kêu gọi nhanh chóng gia nhập Liên minh Châu Âu kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2.
“Tôi hiểu rất rõ rằng, khi quý vị chiến đấu dũng cảm như Ukraine, quý vị còn muốn nhiều hơn thế. Nhưng chúng tôi không phải là một bên trong cuộc xung đột này”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông muốn “gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Ukraine và người dân quốc gia này về tình đoàn kết trong thời điểm hiện nay”, nhưng “vẫn phải nâng cao cảnh giác”. Ông Macron không tin rằng có thể “mở một thủ tục gia nhập với đất nước đang xảy ra chiến sự”.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng nhận định không có triển vọng để Ukraine trở thành thành viên của EU trong thời gian ngắn.
“Tất cả các nước thành viên Tây Âu mà tôi nói chuyện đều cho rằng không nên cố đẩy nhanh thủ tục hoặc quá trình gia nhập vội vã. Điều quan trọng là Ukraine đã đề nghị trở thành thành viên của EU. Không có thủ tục nhanh chóng để được kết nạp vào khối”, ông nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong khi đó cho biết, EU chưa sẵn sàng mở rộng quy mô. Quá trình ban hành quyết định cần sự đồng thuận của toàn bộ thành viên.
Ukraine hiện chưa phản hồi về thông tin. Các quốc gia thành viên EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa ra đánh giá về đơn đăng ký thành viên của Ukraine. Quá trình này có thể mất tới 18 tháng.
Chính phủ các nước Tây Âu dường như phản đối kết nạp vội vã Ukraine vào EU vì lo ngại trước nạn tham nhũng lan rộng, thiếu ổn định trong các thể chế cũng như tình trạng kinh tế yếu kém.
Tổng thống Zelensky cùng các lãnh đạo Ukraine ký đơn xin gia nhập EU hôm 28/2, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại quốc gia này. Ông Zelensky thúc giục EU cho phép Ukraine gia nhập ngay lập tức theo cái ông mô tả là “thủ tục đặc biệt mới”, song không nêu chi tiết.
Các đồng minh của Ukraine ở Đông Âu đã rất thất vọng.
“Tôi ước Ukraine sẽ có được vị thế ứng cử viên ngay bây giờ… điều đó không thể xảy ra ngày hôm nay, nhưng chúng tôi sẽ quay lại vấn đề này”, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói.
Các nước EU phải nhất trí đồng ý cho phép thành viên mới và việc gia nhập thường mất nhiều năm đàm phán phức tạp, cũng như yêu cầu các ứng cử viên phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt từ ổn định kinh tế đến loại bỏ tham nhũng và tôn trọng nhân quyền.
Nhà ngoại giao hàng đầu của khối, ông Josep Borrell, cho biết EU có thể cung cấp thêm 500 triệu euro (550 triệu USD) cho Ukraine để mua vũ khí. Khối cũng hứa sẽ giúp tái thiết đất nước 44 triệu dân một khi chiến tranh kết thúc.
Các biện pháp trừng phạt
EU cũng đe dọa sẽ áp đặt các đòn trừng phạt mạnh hơn nữa đối với Moscow.
“Không có gì phải bàn cãi nữa, chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì chúng tôi cho là cần thiết để ngăn chặn Nga”, ông Macron nói sau cuộc hội đàm tại cung điện Versailles gần Paris.
Ông Scholz xác nhận: “Chúng tôi nhất trí tiếp tục thúc đẩy các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng tức thì đến cơ hội phát triển kinh tế của Nga”.
Giống như việc mở rộng EU, các biện pháp trừng phạt đòi hỏi sự nhất trí của tất cả các nước thành viên. 27 thành viên vẫn chưa tìm thấy điểm chung về việc phải tiến xa hơn nữa trong việc cắt đứt quan hệ kinh doanh với Nga.
Bước tiếp theo, phương Tây đang hạn chế quyền của Nga tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về các giải pháp giảm bớt sự tiếp xúc kinh tế của họ với Moscow. Họ quyết định cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga vào năm 2027, chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và tăng sản lượng lương thực của chính họ.
(1 USD = 0,9137 euro)
Huyền Anh