Ngày 14/3, Ukraine đã yêu cầu một lệnh khẩn cấp từ tòa án tối cao của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn những hành động thù địch trên lãnh thổ của mình, cho rằng Nga đã áp dụng luật diệt chủng một cách sai lầm để biện minh cho cuộc xâm lược. Phía Nga đã tẩy chay phiên điều trần.
Phiên điều trần được tổ chức tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) mà không có đại diện pháp lý từ phía Nga.
Đặc phái viên Ukraine Anton Korynevych phát biểu: “Thực tế là những chiếc ghế trống của Nga đã nói lên tất cả. Họ không ở đây trong phiên tòa này: họ đang ở trên chiến trường tiến hành một cuộc xâm lược chống lại đất nước chúng tôi.”
Tòa án cho biết họ lấy làm tiếc vì Nga không tham dự. Sau khi Ukraine trình bày lập luận của mình vào ngày 14/3, tòa án tuyên bố họ sẽ bắt đầu thảo luận và đưa ra phán quyết “càng sớm càng tốt”.
Sau phiên điều trần, ông Korynevych nhấn mạnh rằng sự vắng mặt của Nga sẽ không ảnh hưởng đến quá trình tố tụng và Moscow sẽ phải tuân theo bất kỳ lệnh nào của tòa án.
Ông nói với các phóng viên: “Họ cần lắng nghe và họ phải nghe theo tòa án, theo luật pháp quốc tế.
Không có bằng chứng về nạn diệt chủng
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định “hành động quân sự đặc biệt” của Nga là cần thiết “để bảo vệ những người bị ức hiếp và diệt chủng” – ông Putin đang đề cập đến những người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine.
Theo chính phủ Kyiv, kể từ năm 2014, các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiến đấu với các lực lượng Ukraine ở hai khu vực ly khai phía đông đất nước dẫn đến khoảng 15.000 người thiệt mạng.
Một hiệp hội hàng đầu gồm các học giả về nạn diệt chủng đã ủng hộ quan điểm của Ukraine và các cường quốc phương Tây rằng Nga đã sử dụng sai thuật ngữ diệt chủng để mô tả việc những người nói tiếng Nga bị đối xử ở miền đông Ukraine.
“Hoàn toàn không tồn tại bằng chứng cho thấy có nạn diệt chủng đang diễn ra ở Ukraine”, bà Melanie O’Brien, chủ tịch Hiệp hội các học giả về diệt chủng quốc tế trả lời tờ Reuters.
Cuộc xâm lược mới của Nga vào Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2. Moscow đã nhiều lần phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong vụ tấn công. Tuy nhiên số lượng dân thường tử vong chính thức, theo Liên Hợp Quốc, là 405 người, trong đó có 27 trẻ em. Các quan chức nói rằng con số thực tế có thể cao hơn.
Phiên tòa tập trung vào việc giải thích một hiệp ước năm 1948 có nội dung nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng, được ký kết bởi cả hai quốc gia. Hiệp ước chỉ định ICJ là nơi giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia ký kết.
Đội ngũ pháp lý của Kyiv hôm 14/3 nhấn mạnh rằng Moscow đang vi phạm và lạm dụng hiệp ước bằng cách sử dụng nó như một lời biện minh cho chiến tranh.
Bà Oksana Zolotaryova, thuộc Bộ Ngoại giao Ukraine, trình bày với tòa án rằng thế giới đã chứng kiến cảnh Nga giết dân thường bằng các cuộc tấn công bừa bãi.
“Chúng ta vẫn chưa biết số lượng chính xác có bao nhiêu người Ukraine mà Nga đã sát hại trong 11 ngày qua. Chúng ta chỉ có thể đoán còn bao nhiêu người nữa sẽ bị sát hại trong 11 ngày tới nếu hành động gây hấn vô nghĩa này không dừng lại”, bà Zolotaryova phát biểu, yêu cầu tòa án đưa ra các biện pháp tạm thời.
ICJ là tòa án cao nhất có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Mặc dù các phiên tòa thường kéo dài trong nhiều năm, tuy nhiên thủ tục để xem xét yêu cầu về “các biện pháp tạm thời” lại được tiến hành nhanh chóng nhằm ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Vy An (Theo Reuters)