Nhiều công ty có ảnh hưởng lớn đã tạm dừng hoạt động ở Nga. Quyết định của những doanh nghiệp này hẳn là được thúc đẩy bởi các sự kiện ở Ukraine. Nhưng liệu họ có nhanh chóng tự loại mình ra khỏi thị trường Trung Quốc? Suy cho cùng, Trung Quốc là nơi đang diễn ra nạn diệt chủng, nơi vô số người vô tội bị giết hại.
Tuần đầu tiên của tháng 3 đã chứng kiến những cái tên nổi tiếng như Netflix, PayPal, Mastercard và Visa, 4 công ty đa quốc gia của Mỹ, rời khỏi thị trường Nga. Liệu các công ty này sẽ trở lại? Sự thật là chỉ có thời gian mới trả lời được.
Đại diện của Netflix nói với TechCrunch rằng họ từ chối tuân thủ “luật mới của Nga yêu cầu các công ty phát trực tuyến phải phát 20 kênh tin tuyên truyền của Nga”. Vì yêu cầu vô lý này, Netflix đã quyết định tạm dừng “tất cả dự án trong tương lai mà hãng đã lên kế hoạch sản xuất ở Nga”.
Tương tự như vậy, Adobe, công ty phần mềm máy tính đa quốc gia của Mỹ có trụ sở chính tại San Jose, California, cũng công bố kế hoạch rút khỏi thị trường Nga. Theo một tuyên bố do công ty đưa ra, quyết định của công ty được thúc đẩy bởi lo ngại rằng các sản phẩm và dịch vụ của Adobe sẽ được sử dụng để hỗ trợ một “cuộc chiến tranh bất hợp pháp”.
Các công ty rời khỏi Nga là một tin tốt. Càng nhiều công ty làm như vậy thì càng tốt. Tuy nhiên, như bạn sẽ thấy, khi nói đến việc thực sự kiếm tiền, thị trường Nga không hấp dẫn như nhiều người tưởng tượng.
Liệu các công ty tương tự có nhanh chóng tự loại mình ra khỏi thị trường Trung Quốc? Suy cho cùng, Trung Quốc là một đất nước đang diễn ra nạn diệt chủng, nơi phụ nữ và trẻ em vô tội bị giết hại. Nhưng đừng mong đợi các công ty lớn của Mỹ sẽ tự loại mình khỏi thị trường này.
Trung Quốc mới là nơi tạo ra tiền
Bởi vì Trung Quốc là nơi tạo ra tiền. Rất nhiều tiền!
Vào ngày 05/03, như đã được đưa tin lần đầu bởi Reuters, PayPal thông báo kế hoạch đóng cửa các dịch vụ ở Nga ngay lập tức. Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov thậm chí đã chia sẻ một dòng tweet nói về bức thư mà ông nhận được từ Dan Schulman, Giám đốc điều hành của PayPal.
Tuy nhiên, như tờ Politico đã lưu ý gần đây, đối với những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như PayPal, thị trường Nga “chỉ chiếm một phần rất nhỏ” trong tổng doanh thu hàng năm của họ. Đối với PayPal, giống như một số công ty công nghệ lớn khác, Trung Quốc mới là nơi thực sự tạo ra tiền. Vào năm 2020, PayPal Holding Inc đã trở thành nhà điều hành nước ngoài đầu tiên có quyền kiểm soát hoàn toàn một nền tảng thanh toán ở Trung Quốc. Năm ngoái, PayPal, công ty fintech lớn nhất hiện nay, đã nỗ lực phối hợp để mở rộng hoạt động kỹ thuật số của mình ở Trung Quốc.
Theo iResearch, một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu, Trung Quốc là một thị trường đặc biệt hấp dẫn. Trong khoảng thời gian 5 năm, từ năm 2016 đến 2021, quy mô thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 3.000 tỷ nhân dân tệ lên 6.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 471 tỷ USD lên 942 tỷ USD). PayPal đang để mắt đến một phần khá lớn chiếc bánh đầy lợi nhuận này.
Sau đó là Mastercard, một hãng thanh toán khổng lồ khác. Cùng ngày PayPal công bố kế hoạch rút khỏi thị trường Nga, Mastercard thông báo rằng họ sẽ tạm ngừng các dịch vụ thuộc mạng lưới của mình tại quốc gia xuyên lục địa này. Thẻ do các ngân hàng Nga phát hành không còn được hỗ trợ trên mạng lưới Mastercard. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, tình hình lại rất khác.
Trên thực tế, MasterCard Worldwide và Ngân hàng Trung Quốc gần đây đã ra mắt MasterCard MoneySend, được quảng cáo là sẽ “tận dụng mạng lưới thanh toán toàn cầu của MasterCards và các sản phẩm thẻ để cung cấp cho người tiêu dùng Trung Quốc một phương thức thuận tiện, nhanh chóng, an toàn và đáng tin cậy để chuyển tiền xuyên biên giới giữa cá nhân và cá nhân”.
Ở Nga, như bài báo của tờ Politico đã chỉ rõ, khi nói đến việc kiếm tiền thực sự, các công ty công nghệ của Mỹ (bao gồm cả các doanh nghiệp fintech) “có tương đối ít lợi ích có thể bị mất”. Chẳng hạn các công ty như “Apple, Google, Meta và Netflix tổng hợp lại” sẽ “mất từ 1% đến 2% doanh thu hàng tỷ USD của họ” nếu họ di dời tất cả dịch vụ khỏi Nga. Một số công ty game của Mỹ cũng đã rút khỏi thị trường Nga.
Tuy nhiên, một lần nữa, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, mới là nơi thực sự tạo ra tiền. Một trong những công ty rời khỏi thị trường Nga là Epic Games – nhà phát triển và phát hành trò chơi điện tử và phần mềm của Mỹ có trụ sở tại Cary, Bắc Carolina. Epic Games có quan hệ chặt chẽ với Tencent – tập đoàn có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc. Riot Games, một công ty game khác của Mỹ gần đây đã tạm dừng hoạt động tại Nga, cũng có liên kết chặt chẽ với Tencent. Activision Blizzard, một công ty trò chơi điện tử có trụ sở tại Santa Monica, California, gần đây đã rút khỏi Nga. Tuy nhiên, đồng thời, công ty này lại đầu tư mạnh vào thị trường Trung Quốc.
Các công ty của Mỹ có sẵn sàng rời khỏi Trung Quốc?
Tại nước Mỹ, các công ty Trung Quốc ủng hộ cho Nga hiện phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Nhưng còn các công ty Mỹ ủng hộ cho Trung Quốc, mối đe dọa lớn nhất của Mỹ thì sao? Khi Trung Quốc tiếp tục bao vây Đài Loan và khi các tin tặc do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn tiếp tục tấn công các cơ quan chính phủ Mỹ, chúng ta cần phải đặt ra những câu hỏi quan trọng.
Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất là: các công ty đa quốc gia của Mỹ sẵn sàng rút khỏi Nga, nhưng các công ty này có sẵn sàng làm điều tương tự với Trung Quốc hay không? Đối với các công ty này, cắt đứt hoạt động với Nga là một việc dễ dàng; trong khi đó, cắt đứt với Trung Quốc lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.
Bảo Nguyên
Theo The Epoch Times