Cuộc chiến của Nga với Ukraine đang tạo ra lo ngại về khả năng nguồn cung lúa mì toàn cầu sụt giảm, trong đó các quốc gia ở Trung Đông đặc biệt đứng trước nguy cơ mất mát nhiều nhất do phụ thuộc vào hai quốc gia cho nguồn lương thực chủ yếu này.
Nga và Ukraine cộng lại chiếm 29% tổng lượng xuất cảng lúa mì toàn cầu, trong đó Trung Đông là một khách hàng lớn. Nếu Nga chiếm được cảng Odessa của Ukraine, về căn bản điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung lúa mì của Kyiv cho Trung Đông và Bắc Phi. Còn Ai Cập, nước nhập cảng lần lượt khoảng 50% và 30% từ Nga và Ukraine vào năm ngoái, vẫn là nhà nhập cảng ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Tổng cục Cung ứng Hàng hóa (GASC) của Ai Cập mua lúa mì để cung cấp bánh mì vốn được trợ cấp mạnh cho hơn 60 triệu trong tổng số hơn 105 triệu dân của đất nước. Kể từ cuộc xâm lược của Nga, GASC đã buộc phải hủy bỏ hai cuộc đấu thầu do giá quá cao và ít lời chào hàng. Có hai chuyến hàng hiện đang bị mắc kẹt tại các cảng ở Ukraine.
Theo ông Ibrahim Ashmawy, Thứ trưởng Bộ cung ứng và Nội thương, nếu tính đến dự trữ lúa mì của Ai Cập cũng như nguồn cung cấp địa phương sẽ sớm được bổ sung vào kho dự trữ, nước này có đủ ngũ cốc dùng trong 9 tháng.
Nhưng đối với hàng nhập cảng trong tương lai trong thời gian còn lại của năm, ông nói thêm, “chúng tôi sẽ cân nhắc EU vì vị trí gần nhưng chúng tôi sẽ không loại trừ các nhà xuất cảng khác như Hoa Kỳ, Kazakhstan, Romania.”
Chính phủ Ai Cập dự kiến sẽ bổ sung thêm 950 triệu USD vào ngân sách hiện tại để bù đắp cho giá lúa mì cao hơn. Hơn nữa, nguồn cung từ các nguồn dự trữ chiến lược cũng có thể cạn kiệt.
Ông Ezzat Aziz thuộc Phòng Thương mại Cairo nói với Reuters, giá lúa mì địa phương đã tăng 23% trong khi giá bột mì đã tăng 44% hôm 07/03.
Lebanon là một nước nhập cảng lúa mì lớn khác và có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Nước này chỉ có dự trữ lúa mì trong một tháng khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine. Lebanon nhập cảng 60% lúa mì của mình từ Ukraine.
Ông Joe Glauber, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn, nói với The Washington Post: “Họ nhập cảng nhiều lúa mì từ Ukraine hoặc Nga, nhưng họ cũng nhập rất nhiều bột mì. Bột xay ở đâu? Nó được sản xuất ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Và họ lấy lúa mì ở đâu? Họ lấy nó từ Biển Đen.”
“Có rất nhiều hiệu ứng liên hoàn mà tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không phát hiện ra ngay lập tức.”
Tại Tunisia, chính phủ đã cấm các quan chức thảo luận về việc nhập cảng lúa mì. Dự trữ bánh mì đã giảm và các cửa hàng đang chia nhỏ bột mì. Ở Syria, chính phủ đã bắt đầu phân chia lúa mì.
Mặc dù Libya, Algeria và các quốc gia sản xuất dầu khác cũng chịu giá lúa mì cao hơn, nhưng một số chi phí bổ sung có thể được bù đắp bằng tỷ lệ cao hơn thu được từ việc bán hydrocarbon.
Trung Quốc có thể tìm cách tận dụng tình hình vì nước này được cho là có thặng dư lúa mì lớn, chiếm khoảng 50% dự trữ toàn cầu.
Ví dụ, chính phủ Ai Cập thường ủng hộ Bắc Kinh trong các vấn đề như cuộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ai Cập không chỉ bắt giữ và trục xuất người Duy Ngô Nhĩ vào năm 2017 mà còn ủng hộ chính sách của Trung Quốc về Tân Cương vào năm 2019 trong một bức thư gửi Liên Hiệp Quốc.
Bằng cách cung cấp một phần nhỏ dự trữ của mình cho các quốc gia đang gặp khó khăn như Ai Cập, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ trong khu vực.
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Vân Du biên dịch