Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói chuyện với báo chí vào ngày thứ hai của một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Âu Châu (EU) tại Trụ sở EU, ở Brussels hôm 25/03/2022. (Ảnh: Ludovic Marin/AFP qua Getty Images) Tây Dương

Thủ tướng Đức làm rõ bình luận của Tổng thống Biden về thay đổi chế độ ở Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng cả NATO và Tổng thống Joe Biden đều không nhắm đến việc thay đổi chế độ ở Nga.

Tổng thống Biden đã nói về Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài diễn văn hôm thứ Bảy (26/03) rằng “người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền.” Tòa Bạch Ốc và các quan chức Mỹ khác đã gấp rút làm rõ rằng ông Biden không thực sự kêu gọi lật đổ ông Putin.

Khi được hỏi trong một lần xuất hiện hôm Chủ Nhật (27/03) trên kênh truyền hình ARD rằng liệu việc lật đổ ông Putin có thực sự là mục đích thực sự hay không, ông Scholz đã trả lời: “Đây không phải là mục tiêu của NATO và cũng không phải là mục tiêu của tổng thống Mỹ.”

Ông Scholz nói thêm: “Cả hai chúng tôi đều hoàn toàn đồng ý rằng việc thay đổi chế độ không phải là mục tiêu và đích đến của chính sách mà chúng tôi cùng theo đuổi.”

Khi được hỏi liệu ông Biden có phạm sai lầm nguy hiểm với bình luận của mình hay không, ông Scholz trả lời: “Không.” Ông nói rằng “ông ấy đã nói những gì mà ông ấy nói” và Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã làm rõ rằng ông ấy không nói về việc thay đổi chế độ.


Anh tự tách mình khỏi lời kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga của Tổng thống Biden

Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi đến đài BBC ở London, hôm 27/03/2022. (PA)

Chính phủ Anh đã tự tách khỏi điều dường như là một lời kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Trong một bài diễn văn ở Warsaw, Ba Lan hôm 26/03, ông Biden đã đề nghị rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nên bị bãi nhiệm.

Ông nói, “Chúa ơi, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền.”

Khi được hỏi hôm 27/03 rằng liệu chính phủ Anh có đồng ý với ông Biden về khả năng thay đổi chế độ ở Nga, Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi nói rằng điều đó là “tùy thuộc vào người dân Nga.”


Anh tuyên bố các biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ nếu Nga rút quân khỏi Ukraine

Thủ tướng Anh Boris Johnson (ở giữa), Ngoại trưởng Anh Liz Truss (bên trái), và đại diện quân sự của Anh tại NATO Ben Bathurst (bên phải) rời Trụ sở NATO sau hội nghị thượng đỉnh tại Brussels hôm 24/03/2022. (Ảnh: Henry Nicholls/Pool/AFP qua Getty Images)

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể được dỡ bỏ nếu Nga rút các lực lượng xâm lược khỏi Ukraine và hứa sẽ không thực hiện bất kỳ “hành động gây hấn nào nữa”, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Sunday Telegraph, bà Truss cho biết các lệnh trừng phạt chỉ có thể được dỡ bỏ với “một lệnh ngừng bắn và rút lui hoàn toàn” và “cam kết rằng sẽ không có hành động gây hấn nào nữa.”

Bà nói: “Các biện pháp trừng phạt tái lập” sẽ nhanh chóng được tái áp đặt nếu Nga thực hiện “hành vi gây hấn hơn nữa” trong tương lai.


Tổng thống Zelensky: Ukraine sẵn sàng thảo luận về việc thông qua tình trạng trung lập trong thỏa thuận hòa bình với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chuyện với các ký giả Nga qua một cuộc gọi video ở Kyiv, Ukraine hôm 27/03/2022. (Ảnh: Cơ quan Báo chí của Tổng thống Ukraine qua Reuters/Ảnh chụp màn hình qua The Epoch Times)

Hôm Chủ Nhật (27/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một tuyên bố được phát sóng trên truyền hình rằng, Ukraine đã sẵn sàng thảo luận về việc áp dụng tình trạng trung lập như một phần của thỏa thuận hòa bình với Nga nhưng một hiệp ước như vậy sẽ phải được các bên thứ ba bảo đảm và đưa ra trưng cầu dân ý.

Ông Zelensky đã nói chuyện với các ký giả Nga trong một cuộc gọi video dài 90 phút, một cuộc phỏng vấn mà chính phủ Moscow đã cảnh báo trước với các phương tiện truyền thông Nga là không nên đưa tin. Ông Zelensky nói bằng tiếng Nga xuyên suốt cuộc phỏng vấn này, như ông đã làm trong các bài diễn văn trước đây khi nhắm đến khán giả Nga.

Ông Zelensky nói rằng cuộc xâm lược của Nga đã gây ra sự phá hủy các thành phố nói tiếng Nga ở Ukraine, và nói rằng thiệt hại còn tồi tệ hơn các cuộc chiến của Nga ở Chechnya.

“Các bảo đảm an ninh và tính trung lập, tình trạng phi hạt nhân hóa của quốc gia chúng tôi. Chúng tôi đã sẵn sàng để thực hiện. Đây là điểm nguyên tắc đầu tiên của Liên bang Nga. Và theo như tôi nhớ, họ đã bắt đầu chiến tranh vì điều này… Vấn đề bảo đảm an ninh cho Ukraine đang được thảo luận. Nó đang được thảo luận một cách kỹ lưỡng,” ông Zelensky nói.


Không phát hiện rò rỉ chất phóng xạ ở các nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Zaporizhzhia

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cho biết không có vụ rò rỉ chất phóng xạ nào được phát hiện kể từ khi xe tăng Nga bắn vào các nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl và Zaporizhzhia, nhưng những cơn ác mộng về thảm họa hạt nhân khiến ông thức trắng đêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với một trong những phóng viên của Corriere della Sera ở Kyiv, ông German Galushchenko được dẫn lời nói rằng các nhà máy hạt nhân của đất nước ông “là một nỗi lo thường trực.”

Ông Galushchenko, người cũng là một quan chức của công ty quốc doanh quản lý bốn nhà máy điện hạt nhân của quốc gia cho biết: “Tôi đã mất ngủ suốt một đêm vì cơn ác mộng về thảm họa hạt nhân.”

Đề cập đến các cơ sở Chernobyl và Zaporizhzhia, ông Galushchenko nói rằng “may mắn là cả hai cơ sở vẫn nằm trong tay các kỹ thuật viên của chúng tôi, nhưng các thiết vận xa của Nga đã bắn vào các cơ sở này.” Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chủ Nhật (27/03), ông gọi những hành động đó là “tội ác” và “hoàn toàn vô trách nhiệm.”


Tổng thống Zelensky đã ký luật hạn chế đưa tin về việc di chuyển binh lính và thiết bị quân sự

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một đạo luật hạn chế việc đưa tin về việc chuyển quân và thiết bị quân sự trừ khi thông tin đó đã được bộ tổng tham mưu quân sự công bố hoặc chấp thuận.

Hãng thông tấn nhà nước Ukrinform đưa tin hôm Chủ Nhật (27/03) rằng luật này kêu gọi thực hiện các án tù có thể kéo dài từ ba đến tám năm nếu vi phạm.

Ukrinform cho hay, luật cấm “phổ biến thông tin trái phép về phương hướng, sự di chuyển của hoạt động hỗ trợ quân sự quốc tế cho Ukraine, việc hành quân, điều động hoặc khai triển của Lực lượng Vũ trang Ukraine hoặc các lực lượng quân sự khác của Ukraine, được thực hiện trong tình trạng thiết quân luật hoặc tình trạng khẩn cấp.”


Tổng thống Erdogan kêu gọi ngừng bắn trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngừng bắn ở Ukraine trong cuộc điện đàm hôm Chủ Nhật (27/03) với Tổng thống Nga Vladimir Putin, văn phòng của ông Erdogan cho biết trong một tuyên bố.

Theo tuyên bố trên, ông Erdogan cũng kêu gọi cải thiện tình hình nhân đạo trong khu vực.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý cuộc gặp tiếp theo giữa các quan chức Nga và Ukraine sẽ được tổ chức tại Istanbul, mà không đưa ra khung thời gian cụ thể.

Trong khi đó, một thành viên của phái đoàn Ukraine đang đàm phán với Nga cho biết hôm Chủ Nhật rằng hai bên đã quyết định gặp mặt trực tiếp bắt đầu vào thứ Hai (28/03). Tuy nhiên, trưởng phái đoàn đàm phán của Nga cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp sẽ bắt đầu vào thứ Ba (29/03). Hai bên đều không cho biết nơi các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức.


Ukraine tiếp tục đàm phán trực tiếp với Nga 

Một thành viên của phái đoàn Ukraine đang đàm phán với Nga về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài một tháng cho biết hai bên đã quyết định gặp mặt trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vào thứ Hai (28/03).

Ông Davyd Arakhamia, lãnh đạo tại nghị viện thuộc Đảng Đầy Tớ Của Người Dân của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết trên Facebook rằng các cuộc đàm phán trực tiếp đã được thống nhất trong một cuộc tham vấn qua video. Ông không cho biết thêm chi tiết.

Tuy nhiên, trưởng phái đoàn đàm phán của Nga cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp sẽ bắt đầu vào thứ Ba, thay vì thứ Hai.


Nga cảnh báo truyền thông không đưa tin về cuộc phỏng vấn với Tổng thống Ukraine

Hôm Chủ Nhật  (27/03), cơ quan giám sát truyền thông của Nga đã thông báo với truyền thông Nga rằng họ phải hạn chế đưa tin về cuộc phỏng vấn được thực hiện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cho biết họ đã bắt đầu một cuộc điều tra vào các hãng thông tấn đã phỏng vấn nhà lãnh đạo Ukraine này.

Trong một tuyên bố ngắn gọn do cơ quan giám sát này phát hành trên mạng xã hội và đăng trên trang web của mình, họ cho biết một loạt các hãng thông tấn của Nga đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Tổng thống Zelensky.

Họ nói, “Roskomnadzor cảnh báo giới truyền thông Nga về sự cần thiết của việc hạn chế công bố cuộc phỏng vấn này.” Họ không đưa ra lý do cho lời cảnh báo của mình.


Nga hạn chế quyền truy cập vào trang web của tờ báo Bild của Đức

Hôm Chủ Nhật (27/03), Nga cho biết họ đã hạn chế quyền truy cập vào trang web của tờ báo Bild của Đức theo yêu cầu của các công tố viên.

Cơ quan giám sát truyền thông của Nga cho biết trên trang web của mình rằng họ đã chặn quyền truy cập vào trang web này của những người bên trong Nga sau một yêu cầu hôm 26/03 từ các công tố viên.

Hiện không rõ ngay tại sao các công tố viên yêu cầu hạn chế này. Không thể liên lạc với văn phòng tổng công tố để yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc bình thường.

“Việc các nhà kiểm duyệt Nga chặn Bild.de khẳng định chúng tôi tham gia hoạt động báo chí vì dân chủ, tự do và nhân quyền,” Tổng biên tập Johannes Boie của tờ Bild cho biết trên trang web của họ.

“Và việc này khuyến khích chúng tôi tạo cho công dân Nga nhiều cơ hội hơn nữa để thông báo cho họ những tin tức và sự thật ngoài tuyên truyền của chính phủ Nga.”

Một tuần sau cuộc xâm lược ngày 24/02, Nga đã thông qua một đạo luật áp dụng án tù lên đến 15 năm cho hành động cố ý lan truyền tin “giả” về quân đội.


Tổng thống Macron tránh bình luận về nhận xét của ông Biden về ông Putin

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tránh bình luận về nhận xét của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rằng ông Vladimir Putin “không thể tiếp tục nắm quyền”. Ông đang thúc giục các nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng.

Ông Macron, người đã nói chuyện nhiều lần với Tổng thống Nga trong các nỗ lực xây dựng hòa bình không thành công cho đến nay, dự kiến ​​sẽ nói chuyện với ông Putin một lần nữa vào Chủ Nhật hoặc thứ Hai (28/03).

“Chúng ta nên thực tế và… làm mọi thứ để tình hình không vượt quá tầm kiểm soát,” ông Macron nói hôm Chủ Nhật trên kênh truyền hình France-3, khi được hỏi về nhận xét của ông Biden.

Ông Macron nói, “Tôi sẽ không sử dụng những ngôn từ đó, bởi vì tôi tiếp tục nói chuyện với Tổng thống Putin, bởi vì những gì chúng tôi muốn cùng làm là chúng tôi muốn ngăn chặn cuộc chiến mà Nga đã tiến hành ở Ukraine, mà không gây chiến và không leo thang.”

Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh quan trọng khi cho biết, “Chúng tôi chia sẻ nhiều giá trị chung, nhưng người sống bên cạnh Nga là người Âu Châu.”

Ông Macron cho biết ông sẽ nói chuyện với ông Putin về một hành lang nhân đạo được đề nghị cho thành phố bị bao vây Mariupol, vốn cũng đã được thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.


Tổng thống Zelensky: Phương Tây cần thêm ‘lòng can đảm’ trong việc giúp Ukraine chống lại Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc NATO và phương Tây thiếu can đảm để cung cấp nhiều hỗ trợ hơn trong bối cảnh xung đột với Nga, đồng thời đưa ra một lời thỉnh cầu khác đối với chiến đấu cơ và nhiều thiết bị quân sự hơn.

“Hôm nay, tôi đã nói chuyện với những người lính đang bảo vệ Mariupol. Tôi thường xuyên liên lạc với họ. Quyết tâm, tinh thần anh dũng, và sự kiên định của họ thật đáng kinh ngạc,” ông Zelensky nói trong một bài diễn văn qua video hôm Chủ Nhật (27/03), đề cập đến thành phố Biển Đen bị bao vây. “Giá mà những người đã suy nghĩ trong 31 ngày về cách bàn giao hàng chục phản lực cơ và xe tăng có 1% lòng can đảm của những người lính này.”


Ukraine nói Nga muốn chia cắt đất nước Ukraine

Nga muốn chia cắt Ukraine thành hai phần, như đã xảy ra với Bắc và Nam Hàn, giám đốc tình báo quân sự Ukraine cho biết hôm Chủ Nhật (27/03).

Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây cung cấp cho Ukraine xe tăng, phi cơ và hỏa tiễn để giúp đẩy lùi quân đội Nga, mà chính phủ Kyiv cho rằng họ đang ngày càng nhắm vào các kho nhiên liệu và thực phẩm.

Hôm Chủ Nhật (27/03), một lãnh đạo địa phương của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng cho biết khu vực này có thể sớm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, giống như đã xảy ra ở Crimea sau khi Nga chiếm bán đảo Ukraine vào năm 2014.

Người dân Crimea đã bỏ phiếu áp đảo để ly khai với Ukraine và gia nhập Nga — một cuộc bỏ phiếu mà phần lớn thế giới từ chối công nhận.

Ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine, cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến sự chia cắt của Bắc Hàn sau Đệ nhị Thế chiến: “Thực tế, đó là một nỗ lực nhằm tạo ra Nam và Bắc Hàn ở Ukraine.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine cũng bác bỏ bàn luận về bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào ở miền đông Ukraine.

Ông Oleg Nikolenko nói với Reuters: “Tất cả các cuộc trưng cầu dân ý giả tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đều vô hiệu và sẽ không có giá trị pháp lý.”


Ngoại trưởng Blinken làm rõ Hoa Kỳ không cố gắng lật đổ Tổng thống Putin

(Từ trái qua phải) Đại sứ Hoa Kỳ tại Colombia Philip Goldberg, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Ngoại trưởng Antony Blinken, Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc 10/03/2022. (Doug Mills/Pool/Getty Images)

Trong một chuyến thăm tới Jerusalem hôm Chủ Nhật (27/03), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Tòa Bạch Ốc không có chiến lược thay đổi chế độ ở Nga.

Quan chức cao cấp này đã nhanh chóng nhấn mạnh rằng Tổng thống Joe Biden không kêu gọi việc thay đổi chính phủ ngay lập tức ở Moscow khi ông nói trong bài diễn văn của mình: “Chúa ơi, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền.”

Phát ngôn viên của Tổng thống Putin Dmitry Peskov đã bác bỏ nhận xét này, nói rằng “việc quyết định ai sẽ tiếp tục nắm quyền ở Nga không phụ thuộc vào tổng thống Mỹ và không phụ thuộc vào người Mỹ.”

Ông Blinken nói với truyền thông ở Jerusalem: “Đối với vấn đề đó, chúng tôi không có chiến lược thay đổi chế độ ở Nga hay bất kỳ nơi nào khác.”

Ông cho biết thêm, “điều đó phụ thuộc vào người dân của nước được đề cập đến. Việc đó là tùy thuộc vào người dân Nga.”

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây


Nga xác nhận bắn trúng kho nhiên liệu ở Lviv

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov đã xác nhận trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật (27/03) rằng hỏa tiễn hành trình được phóng từ trên không của Nga đã bắn trúng một kho nhiên liệu và một nhà máy quốc phòng ở Lviv, gần biên giới với Ba Lan, vào thứ Bảy.

Ông Konashenkov cho biết thêm rằng một cuộc tấn công khác bao gồm hỏa tiễn phóng từ biển đã phá hủy một kho đạn chứa hỏa tiễn phòng không ở Plesetsk, ngay phía tây thủ đô Kyiv của Ukraine.

Theo ông Konashenkov, trong chiến dịch hôm thứ Bảy, 67 cơ sở quân sự của Ukraine đã bị quân đội Nga nhắm tới.


Tổng thống Putin chúc mừng Lực lượng Vệ binh Quốc gia nhân kỷ niệm 6 năm thành lập

Hôm Chủ Nhật (27/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga nhân kỷ niệm sáu năm kể từ khi thành lập.

Ông Putin đặc biệt đề cập đến các quân nhân của các đơn vị Vệ binh Quốc gia tham gia vào “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbas và Ukraine.”

“Tôi nhận thức rõ cách quý vị hành động trong tình huống này: rất can đảm và chuyên nghiệp, khéo léo và không sợ hãi, quý vị giải quyết những nhiệm vụ phức tạp nhất đặt ra trước mắt quý vị một cách thành thạo và chính xác trong khi thể hiện chủ nghĩa anh hùng cá nhân,” ông Putin nói trong video của mình.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia được ông Putin thành lập vào năm 2016 như một lực lượng quân sự nội bộ báo cáo trực tiếp với tổng thống.

Với số lượng hơn 300,000 thành viên, quân chủng này tham gia cùng với các lực lượng an ninh khác trong việc chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, bảo vệ các cơ sở của nhà nước, kiểm soát việc luân chuyển vũ khí và kiểm soát bạo loạn.


Một người đàn ông bị bắt giữ tại địa điểm xảy ra các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tại Lviv

Thống đốc vùng Lviv cho biết một người đàn ông đã bị bắt giữ vì tình nghi hoạt động gián điệp tại địa điểm xảy ra một trong hai vụ tấn công bằng hỏa tiễn làm rung chuyển thành phố hôm thứ Bảy (26/03).

Ông Maksym Kozytskyy cho biết cảnh sát phát hiện người đàn ông này đã ghi hình một hỏa tiễn bay về phía mục tiêu và trúng mục tiêu. Cảnh sát cũng tìm thấy trên điện thoại của anh ta những bức ảnh chụp các trạm kiểm soát trong khu vực, mà ông Kozytskyy nói rằng đã được gửi đến hai số điện thoại Nga.

Hỏa tiễn đã bắn trúng một cơ sở chứa dầu và một cơ sở công nghiệp không xác định, khiến ít nhất năm người bị thương. Một đám khói dày đặc và ngọn lửa cao ngất có thể được nhìn thấy ở vùng ngoại ô của Lviv vài giờ sau các cuộc tấn công này.

Related posts