Giới nhà giàu Trung Quốc thường không an tâm khi để tài sản trong nước nên hay chuyển qua Hồng Kông hoặc các nước Âu Mỹ. Tuy nhiên, gần đây tình hình này đã có những thay đổi đáng kể.
Sự kìm kẹp ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Hồng Kông và hành động quản lý hà khắc đối với những “gã khổng lồ” công nghệ trong nước cũng đã làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc của các tỷ phú Trung Quốc về vấn đề an toàn tài sản nếu họ giữ trong nước. Theo hãng truyền thông Mỹ CNBC, xu hướng người giàu Trung Quốc chuyển tài sản ra nước ngoài đang tăng nhanh và Singapore, nước có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới giàu có của Trung Quốc, đang nổi lên trong hoạt động chuyển giao của cải này.
Môi trường tài chính của Singapore có lợi thế về ngôn ngữ và thuế
CNBC chỉ ra, kể từ năm 2019 khi Hồng Kông bùng nổ các cuộc biểu tình quy mô lớn, giới giàu có tại đó đã bắt đầu chuyển tiền ra nước ngoài để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Singapore nghiễm nhiên trở thành lựa chọn hàng đầu của những người này do 2 lợi thế là ngôn ngữ và thuế. Hầu hết mọi người ở Singapore đều có thể nói tiếng Trung Quốc, điều này không chỉ thuận tiện về ngôn ngữ cho những người Trung Quốc giàu có mà còn làm tăng mức thân thuộc của Singapore. Ngoài ra, Singapore không có thuế tài sản, điều này có thể giúp họ tiết kiệm rất nhiều chi phí và trở thành một lợi thế lớn trong việc thu hút vốn.
Để thu hút những người giàu có đầu tư, Singapore cũng đã triển khai Chương trình Nhà đầu tư Toàn cầu cung cấp nhiều ưu đãi cho những người giàu có đầu tư vào Singapore, chẳng hạn như những người trưởng thành đầu tư hơn 2,5 triệu USD có thể xin giấy phép định cư lâu dài. Theo giới chủ doanh nghiệp gia đình ở Singapore chuyên về dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản cho các công ty được CNBC phỏng vấn, kể từ năm ngoái, lượng dịch vụ họ có được đã tăng đáng kể.
Iris Xu – một chủ doanh nghiệp gia đình có tên Jenga – nói với CNBC rằng số lượng yêu cầu từ người Trung Quốc Đại Lục đã tăng gấp đôi trong 12 tháng qua. Nội dung tư vấn của họ là tất cả về cách thành lập một công ty ở Singapore và cách chuyển tài sản của họ ở Trung Quốc sang Singapore. Công ty của Iris Xu được thành lập cách đây 5 năm để cung cấp cho khách hàng các dịch vụ kế toán và đầu tư. Ở Singapore, bắt đầu kinh doanh tại nhà thường cần vốn ít nhất 5 triệu USD, chỉ những người thực sự giàu có mới có thể vượt qua ngưỡng kinh tế này. Theo Iris Xu, khoảng 50 khách hàng của cô đã thành lập doanh nghiệp tại gia ở Singapore và mỗi người trong số họ đã đầu tư ít nhất 10 triệu USD.
Người giàu Trung Quốc bất an khi để tài sản trong nước
Theo số liệu do Forbes cung cấp, với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong vài thập kỷ trở lại đây, khiến Trung Quốc đã xuất hiện hàng trăm tỷ phú với tài sản tính bằng hàng tỷ USD. Năm ngoái, nhiều người trong số họ đã bắt đầu chuyển tài sản ra nước ngoài.
Dữ liệu cho thấy, số lượng tỷ phú như vậy ở Trung Quốc lên tới 626 người, chỉ đứng sau Mỹ 724 người. Iris Xu nói rằng các khách hàng Trung Quốc của cô đều thấy “Trung Quốc vẫn còn rất nhiều cơ hội để kiếm tiền, nhưng liệu có an toàn để giữ của cải ở trong nước hay không là suy nghĩ của nhiều người”.
Giám đốc Ryan Lim của công ty luật Bayfront tại Singapore cho biết, phần lớn doanh nghiệp là từ các khách hàng Trung Quốc Đại Lục. Công ty của ông cũng có một số khách hàng ở Ấn Độ, Indonesia và các nước châu Âu. Ryan Lim cho biết nhà cầm quyền Trung Quốc kiểm soát nguồn tư bản nghiêm ngặt, giới hạn để đổi ngoại tệ ra nước ngoài chỉ cho phép mức 50.000 USD nhằm hạn chế các tỷ phú chuyển tiền ra nước ngoài. Những người này đã phải đăng ký các công ty trong nước với ít vốn hơn, và nhiều người trong số họ có các dự án kinh doanh tạo ra doanh thu bên ngoài Trung Quốc.
Ông Lin nói rằng nhiều người giàu Trung Quốc thường chuyển tài sản của họ từ Đại Lục sang Hồng Kông trước, sau đó tiền của họ chuyển sang Singapore. CNBC dẫn lời ông Lin: “Xu hướng này bắt đầu từ cuộc bạo loạn ở Hồng Kông vào năm 2019, khiến nhiều người Trung Quốc phải suy nghĩ lại về vấn đề bảo đảm tài sản”. Ông nhắc lại phát biểu vào năm ngoái của ông Tập Cận Bình đã kêu gọi hạn chế “thu nhập quá mức” nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo để xã hội Trung Quốc đạt được “thịnh vượng chung”.
Kể từ đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã thúc đẩy kế hoạch thanh trừng kéo dài nhiều tháng nhắm vào những ‘gã khổng lồ’ công nghệ, ngành giáo dục đào tạo và các nhà phát triển bất động sản… đã lớn lên trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Năm ngoái, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khẩu hiệu “thịnh vượng chung”, nhà cầm quyền đã mở một cuộc bao vây toàn diện vào ngành giáo dục và đào tạo, giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp khổng lồ với hàng chục triệu việc làm này. Thông tin của CNBC cho biết, vụ việc đã đẩy nhanh tốc độ người giàu Trung Quốc chuyển của cải ra nước ngoài.
Thiên Long, Vision Times