Thanh Đoàn
Trong một bản tin gửi tới khách hàng, Ngân hàng của Deutsche Bank cảnh báo một cuộc suy thoái lớn đang xảy ra, thậm chí đó là một cuộc suy thoái tồi tệ hơn dự kiến. Định chế tài chính toàn cầu này cũng đưa ra đề xuất thúc giục Cục dự trữ Liên bang Mỹ hành động nhanh chóng, mạnh mẽ hơn để ngăn chặn thiệt hại. Như vậy, đảo chiều lãi suất của Fed có thể nóng hơn và quyết liệt hơn.
Ngân hàng có trụ sở chính tại Frankfurt đã đưa ra cảnh báo rõ ràng trong một báo cáo có tiêu đề “Tại sao cuộc suy thoái sắp tới sẽ tồi tệ hơn dự kiến”. Trong đó, Deutsche Bank lưu ý rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải hành động nhanh chóng và mạnh mẽ hơn để ngăn chặn thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế.
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank viết: “Chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái lớn, đồng thời lưu ý rằng” có những lý do chính đáng để kỳ vọng rằng mặt trái của lạm phát sẽ tiếp tục gây bất ngờ và sự ngoan cố của lạm phát vẫn cao hơn các mục tiêu chính sách”.
Báo cáo của ngân hàng này nhấn mạnh: “Chúng tôi coi đó là điều rất có thể xảy ra, rất có thể Fed sẽ phải phanh gấp hơn nữa [tăng lãi suất mạnh hơn, nhanh hơn], và một cuộc suy thoái sâu hơn sẽ là yếu tố cần thiết để buộc lạm phát vào khuôn khổ”.
Các nhà kinh tế dự báo một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
“Nói tóm lại, tai họa lạm phát đã quay trở lại và vẫn sẽ tồn tại ở đây. Mặc dù chúng ta có thể đã thấy lạm phát hiện tại đã cao, nhưng sẽ còn lâu nữa nó mới giảm trở lại mức có thể chấp nhận được, mức mục tiêu 2% của Fed”, báo cáo của Deutsche Bank tiếp tục. Áp lực lạm phát buộc các ngân hàng trung ương, trong đó có Fed, phải hành động quyết liệt hơn, tăng lãi suất cao hơn cho tới khi ổn định được lạm phát. Nếu như vậy, lãi suất sẽ gây hại cho tăng trưởng theo cách tồi tệ nhất, tình trạng đình đốn, trì trệ của nền kinh tế sẽ vì thế mà kéo dài, rất khó có lối thoát.
Deutsche Bank ước tính Fed phải tăng lãi suất quỹ liên bang lên 5 đến 6% để kiểm soát lạm phát. Hiện tại, lãi suất huy động vốn liên bang mới ở mức 0,25 đến 0,5%.
“Về mặt xã hội, thắt chặt tiền tệ là một chính sách ảnh hưởng đến tất cả chúng ta; rất khó để thực hiện việc thắt chặt tiền tệ từ từ với hy vọng rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể hạ cánh an toàn, êm ái. Điều này sẽ không xảy ra”.
Deutsche Bank cho biết họ tin rằng cách duy nhất để giảm thiểu thiệt hại gây ra cho nền kinh tế và xã hội là nhanh chóng làm lạm phát tê liệt ngay cả khi quốc gia phải đối mặt với cuộc suy thoái ‘không thể tránh khỏi’. Các nhà kinh tế thúc giục Fed phải hiểu điều này. Dường như họ muốn nhấn mạnh rằng cái giá phải trả cho lạm phát cao và kéo dài còn tồi tệ hơn nhiều so với suy thoái kinh tế. Bản thân nước Mỹ không có nhiều lựa chọn.
Theo ngân hàng, một số yếu tố đang góp phần làm lạm phát tăng vọt, bao gồm chi phí tăng, nhu cầu tiêu dùng hồi phục, thị trường lao động thắt chặt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra cũng ‘đổ thêm dầu vào lửa’.
Triển vọng ảm đạm của Deutsche Bank được đưa ra sau khi nhà kinh tế học Nouriel Roubini cảnh báo rằng các nền kinh tế phát triển và thị trường mới nổi đang đối mặt với “cơn bão lạm phát [kèm tăng trưởng] đình trệ ngày càng gia tăng”, theo đó lạm phát gia tăng đồng thời với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Tương tự như Deutsche Bank, Roubini, giáo sư kinh tế và kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, đã chỉ ra một số sự kiện dẫn đến sự suy thoái hiện tại của nền kinh tế, bao gồm cả chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nguồn cung lao động thắt chặt, và “hoạt động quân sự đặc biệt” của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.
Ông viết: “Có nhiều lý do để lo lắng rằng điều kiện lạm phát đình trệ ngày nay sẽ tiếp tục là đặc điểm của nền kinh tế toàn cầu, tạo ra lạm phát cao hơn, tăng trưởng thấp hơn và có thể là suy thoái ở nhiều nền kinh tế”.
Tuy nhiên, trong khi Deutsche Bank đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái lớn, các nhà kinh tế lưu ý rằng họ thấy nền kinh tế khởi sắc trở lại vào giữa năm 2024 khi Fed thay đổi chính sách.
Thanh Đoàn