Tin VN sáng thứ Sáu: Boeing muốn mở cơ sở tại Việt Nam; Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy nã

Huệ Liên

Ảnh tổng hợp.

Sét đánh bốn người tử vong

VnExpress – Di chuyển và làm việc dưới trời mưa giông, ba người ở Thái Bình và một người ở Hưng Yên bị sét đánh tử vong, chiều 12/5.

Ba nạn nhân ở Thái Bình là chị Nguyễn Thị Quy (36 tuổi), con trai Nguyễn Công Đức (16 tuổi, trú huyện Đông Hưng), ông Nguyễn Bá Trọng (50 tuổi, trú huyện Vũ Thư). Cả ba được cấp cứu lúc hơn 16h trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, ông Nguyễn Tiến Định, Trạm trưởng Y tế xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy, cho biết.

Thời điểm trên, Thái Bình xuất hiện mưa giông kèm sấm sét kéo dài gần 60 phút. Vợ chồng chị Quy đi hai xe máy (chị Quy chở con trai, chồng đi một mình phía sau) và ông Trọng đang di chuyển trên đường tỉnh 456, đoạn giáp ranh giữa ba xã Thụy Thanh, Thụy Hồng và Thụy Duyên thì bị sét đánh.

Sau khi khám nghiệm, thi thể các nạn nhân đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Tại xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, sét đánh trúng trang trại lợn của ông Hoàng Văn Nhã làm chết toàn bộ 229 con lợn chuẩn bị xuất chuồng, trong đó 151 con nặng trung bình 140 kg/con, 78 con nặng 120 kg/con.

Cũng trong chiều 12/5, nhiều huyện của tỉnh Hưng Yên xuất hiện mưa giông. Tại cánh đồng xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, một phụ nữ 54 tuổi đang phun thuốc trừ sâu đã bị luồng sét đánh tử vong.

Miền Bắc và Trung thường xuất hiện mưa giông, sấm sét vào giai đoạn chuyển mùa từ lạnh sang nóng (tháng 4-5) và từ nóng sang lạnh (tháng 9-10). “Khi trời sắp giông, mọi người tốt nhất nên về nhà, chỗ an toàn là tòa nhà hay công sở có lắp thiết bị chống sét”, tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Vật lý địa cầu, nói.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy nã

Thanh Niên – Cơ quan CSĐT – Bộ Công an (C03) đã ra quyết định truy nã bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (ảnh – 53 tuổi, quê Bắc Ninh, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ quốc tế – AIC).

Quyết định truy nã này được đưa ra sau gần 2 tuần ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng tại thời điểm tống đạt, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn không có mặt tại nơi làm việc cũng như nơi cư trú.

Trước đó, ngày 29.4, C03 đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 8 bị can khác, do liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

AIC Group có trụ sở chính tại 69 Tuệ Tĩnh, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội và nhiều văn phòng, chi nhánh. Doanh nghiệp này được Nguyễn Thị Thanh Nhàn lập từ năm 2005, hoạt động xuất khẩu lao động, sau đó mở rộng và kinh doanh thiết bị y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ… chuyên cung cấp thiết bị tại nhiều địa phương cũng như các bộ, ngành.

Theo C03, trong dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng giữa chủ đầu tư dự án và Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bước đầu xác định thiệt hại nhà nước 152 tỷ đồng.

TP.HCM: Báo động số ca sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5 lần

NLĐ – Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 7.129 ca mắc sốt xuất huyết, 6 người tử vong.

Thông tin này được ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), chia sẻ tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 12/5.

Theo ông Tâm, tính từ đầu năm đến 12 giờ ngày 12-5, trong 7.129 ca sốt xuất huyết có 158 ca nặng (tăng gấp 5 lần) và 6 ca tử vong (tăng gấp 2 lần) so với cùng kỳ năm 2021.

“Sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng không có thuốc đặc trị nên việc phòng chống rất quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là diệt muỗi, lăng quăng… HCDC cũng đang giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện để phòng ngừa” – ông Tâm nhấn mạnh.

Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing muốn mở cơ sở tại Việt Nam

Voatiengviet – Trong cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại thủ đô Washington hôm 11/5, đại diện tập đoàn sản xuất máy bay Boeing cho biết họ muốn mở cơ sở tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch mở rộng các cơ sở tại Việt Nam của Tập đoàn Boeing, truyền thông Việt Nam loan tin. Ngoài ra, ông Chính đề nghị Boeing mở cơ sở bảo hành, bảo trì có chính sách giúp các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn.

Ông Marc Allen, Phó chủ tịch Cấp cao, Chiến lược và Phát triển doanh nghiệp kiêm Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn Boeing, cho hay Boeing hiện đang quan tâm tới việc hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững. Ông mong muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu các cơ hội hợp tác về công nghệ, kết nối với các hãng hàng không…

Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch mở rộng các cơ sở tại Việt Nam của Tập đoàn Boeing. Ngoài ra, ông Chính đề nghị Boeing mở cơ sở bảo hành, bảo trì có chính sách giúp các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn.

Hiện Boeing là đối tác cung cấp máy bay và dịch vụ hàng không liên quan cho Vietnam Airlines và VietJet Air. 

Theo trang Thanh Niên, tập đoàn Boeing dự kiến sẽ mở rộng trong các lĩnh vực như đào tạo hàng không, xây dựng trung tâm kỹ thuật, mở rộng kết nối với các đối tác trong nước, tham gia vào các chương trình trách nhiệm xã hội (CRS).

Tập đoàn Boeing, hiện hỗ trợ, phục vụ khách hàng ở 150 quốc gia, là nhà sản xuất hàng đầu máy bay phản lực thương mại, hệ thống phòng thủ, hàng không vũ trụ và an ninh, đồng thời là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ.

Mưa lớn, nhiều tỉnh miền Bắc bị lũ

VnExpress – Cơ quan khí tượng ghi nhận lượng mưa từ 19h ngày 11/5 đến 7h ngày 12/5 ở Cam Đường (Lào Cai) là 73mm, Thượng Quan (Bắc Kạn) 94mm, Kim Loan (Cao Bằng) gần 130mm, Quảng Yên (Quảng Ninh) gần 80mm.

Lưu vực sông Thương, Lục Nam, Trung ở Lạng Sơn, Bắc Giang đã xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 2-7m. Mực nước sông Cầu thuộc hệ thống sông Thái Bình đã lên xấp xỉ báo động 2 (cao nhất là báo động 3).

Tại TP. Lào Cai (Lào Cai), mưa lớn cục bộ đã khiến một số tuyến đường ở vùng trũng thuộc các xã như Bắc Cường, Nam Cường, Bình Minh, Bắc Lệnh bị ngập. Phương tiện không thể đi qua, nhiều xe bị mắc kẹt giữa điểm ngập hơn 50cm.

Tại Bắc Kạn, sáng nay một bé trai 5 tuổi tại xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, bị lũ cuốn trôi và hai người khác bị thương. Bắc Kạn cũng ghi nhận 5 nhà bị đổ sập, hơn 50ha lúa, hoa màu bị ngập, hai đập tạm bị cuốn trôi.

Bắc Giang, tỉnh giáp với Lạng Sơn, cũng ghi nhận thiệt hại do mưa lũ trong hai ngày qua với hơn 100 ha hoa màu bị ngập, nhiều tuyến đường bị chia cắt do hơn 1.100m3 đất đá sạt lở.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, chiều và đêm nay, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục mưa 40-60mm, có nơi trên 80mm. Riêng Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên mưa 60-100mm, có nơi trên 150mm.

Từ đêm 14/5, rãnh áp thấp sẽ bị khối không khí lạnh đẩy qua Bắc Bộ khiến vùng mưa có xu hướng mở rộng hơn xuống miền Trung. Hai ngày 15-16/5 các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ sẽ có mưa giông.

Do mưa kéo dài nên các sông suối Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ ở thượng lưu 2-5m, hạ lưu 2-3m. Đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy, sông Lô và sông Hoàng Long có khả năng lên báo động 1, thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ thuộc Bắc Bộ lên mức báo động 2-3.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên.

Đợt mưa ở các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc xảy ra từ tối 9/5, tâm mưa đầu tiên ở Lạng Sơn khiến một người chết, gần 200 nhà bị ngập, sau đó lan rộng. Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh trong vùng ảnh hưởng chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.

Nông dân điêu đứng vì giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua

VnExpress – Giá phân bón tăng lần thứ tư liên tiếp, cao nhất trong 50 năm qua, khiến hàng triệu nông dân ở miền Tây lâm vào cảnh chật vật, càng làm càng lỗ.

Hai hôm trước, ông Lê Văn Đức, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thu hoạch 2 ha lúa Hè Thu, năng suất 7 tấn một ha, thu về hơn 80 triệu đồng, lời 35 triệu đồng. Trước khi tới đại lý phân bón trả tiền, ông hứa sẽ có món quà tặng cháu nội, song đành thất hứa khi nghe giá phân bón tăng cao. Thời gian qua, phân bón liên tục “lập đỉnh” khiến lợi nhuận làm lúa ngày càng giảm. Chi tiêu của cả gia đình ông Đức 7 người phải tằn tiện mới đủ sống.

Hiện, phân DAP tăng thêm 100 nghìn một bao (50 kg) lên gần 1,4 triệu đồng, đạm và kali tăng 40-50 nghìn, giá hơn 950 nghìn đồng, mức giá cao nhất trong 50 năm qua. Theo ông Đức, so với hai năm trước mỗi loại phân tăng gấp ba lần, trong khi giá lúa lại từ 6.500 đồng giảm còn 5.900 đồng mỗi kg.

Không chỉ phân, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng 20-30% so với mùa trước. Một số dịch vụ nông nghiệp tăng theo, chi phí làm đất tăng 200 nghìn đồng lên 1,7 triệu đồng một ha, tương tự công thu hoạch tăng thêm 300 nghìn, giá 2,5 triệu đồng mỗi ha. Tổng chi phí chi phí đầu tư tăng hơn 40% cách đây hai năm, vào khoảng 23 triệu đồng mỗi ha, chưa tính công lao động của chủ ruộng.

Sắp tới ông Đức sẽ chia đất cho ba người con nhưng tin chắc các con không làm ruộng vì thu nhập khó đủ sống. 

Chỉ đạo khẩn vụ thông thầu, nâng giá mua vật tư chống dịch lên 900%

Zing – Ngày 11/5, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản gửi các cơ quan liên quan, yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, xét kiến nghị của Chánh Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại kết luận thanh tra, UBND tỉnh chỉ đạo giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh căn cứ kiến nghị ở Mục I phần D của kết luận thanh tra để tổ chức thực hiện.

Cụ thể, Sở Y tế phải làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn để chấn chỉnh các sai phạm tại kết luận; phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các cơ sở y tế thực hiện việc điều phối sử dụng các trang thiết bị y tế đảm bảo hiệu quả.

Sở Y tế cũng có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành các danh mục hàng hóa mua sắm tập trung liên quan phòng, chống dịch bệnh.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật khẩn trương có giải pháp đối với hàng hóa đã mượn nhưng nay chưa trả cho nhà cung cấp; lập phương án xử lý lượng hàng hóa vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, trang phục hiện nay còn tồn đọng cho phù hợp, đặc biệt là lượng hàng hóa tài trợ, viện trợ đạt hiệu quả cao.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cần báo cáo UBND tỉnh, Sở Y tế về việc xử lý số tiền thu từ xét nghiệm nhanh kháng nguyên và test RT-PCR; thực hiện đối chiếu số lượng hàng hóa đã cấp phát, bàn giao giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các đơn vị.

Về xử lý trách nhiệm, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao giám đốc các Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Tài chính căn cứ kiến nghị của Chánh thanh tra tỉnh tại kết luận để thực hiện.

Trong kết luận của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ra văn bản phê bình Giám đốc Sở Y tế đối với các thiếu sót trong kết luận; xem xét trách nhiệm của các Tổ thẩm định của Sở Y tế; trách nhiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và trách nhiệm các cơ sở y tế đối với các thiếu sót trong kết luận.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấn chỉnh trong công tác thẩm định dự toán và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong kết luận có nêu.

Trước đó, hôm 10/5, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công bố kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Giai đoạn thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2021.

Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết luận có hiện tượng thông thầu khi mua vật tư phòng chống dịch, một số gói thầu bị nâng giá 200-900%.

Related posts