Lam Giang
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/5 tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ Đài Loan. Nhưng chỉ ít phút sau, Nhà Trắng khẳng định Mỹ không thay đổi lập trường về Đài Loan.
Nhận xét của Tổng thống Biden, được đưa ra trong chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Khi được một phóng viên hỏi liệu Mỹ có can thiệp quân sự để bảo vệ hòn đảo trước Trung Quốc hay không, ông Biden nói “có”, theo Reuters.
“Đó là cam kết của chúng tôi”, ông Biden nói trong cuộc họp báo chung với nhà lãnh đạo Nhật Bản. “Chúng tôi đồng ý với chính sách Một Trung Quốc, chúng tôi đã ký kết chính sách ấy nhưng việc hòn đảo có thể bị chiếm bằng vũ lực thực sự không thích hợp”.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời chờ được thống nhất. Bắc Kinh cũng chưa bao giờ loại trừ khả năng thống nhất hòn đảo bằng vũ lực.
Tuy nhiên, chỉ ít phút sau phát biểu, quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh không có thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.
“Như tổng thống đã nói, chính sách của chúng tôi không thay đổi”, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, theo Reuters.
“Ông ấy đã tái khẳng định Chính sách Một Trung Quốc của chúng tôi, cũng như cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan”, phát ngôn viên này nói. “Ông ấy cũng tái khẳng định việc chúng tôi cam kết sẽ cung cấp các biện pháp quân sự để Đài Loan tự vệ, như theo Luật Quan hệ Đài Loan”.
Đây không phải lần đầu tiên phát ngôn của Tổng thống Biden khiến Nhà Trắng phải tái khẳng định rằng lập trường của Mỹ không thay đổi về vấn đề Đài Loan. Tháng 10/2021, khi được phóng viên đài CNN hỏi, liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan khi bị Trung Quốc tấn công hay không, ông Biden nói “Có, chúng tôi có cam kết như thế”.
Phát biểu này được đưa ra khi ông Biden đưa ra những bình luận cứng rắn về vị thế ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực. Ông nói thêm rằng, ông hy vọng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải trả giá cho cuộc xâm lược Ukraine, một phần để cho Trung Quốc thấy họ sẽ phải đối mặt với điều gì nếu xâm lược Đài Loan.
Phát biểu hôm 23/5 của Tổng thống Biden có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận và làm lu mờ trọng tâm của chuyến thăm Nhật Bản của ông. Đây cũng là dịp các nhà lãnh đạo ra mắt Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương. Với khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ mong muốn cùng các đối tác tham gia vào đối thoại thương mại thế kỷ 21, hướng tới những thành quả kinh tế ý nghĩa mới.
Chuyến thăm của ông Biden cũng bao gồm các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, trong nhóm Bộ Tứ kim cương “Quad”.
Một Nhật Bản hùng mạnh
Thủ tướng Nhật Bản Kishida nhấn mạnh, Tokyo sẵn sàng triển khai một thế trận quốc phòng vững chắc hơn, điều mà Hoa Kỳ đã hoan nghênh từ lâu.
Ông Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ xem xét các lựa chọn khác nhau để tăng cường khả năng quốc phòng của mình, bao gồm khả năng trả đũa, báo hiệu một sự thay đổi tiềm năng trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản, theo Reuters.
Điều đó sẽ bao gồm “sự gia tăng đáng kể” trong ngân sách quốc phòng của nước này, ông Kishida cho hay.
“Một Nhật Bản hùng mạnh, và một liên minh Mỹ-Nhật hùng cường, là một lực lượng có lợi cho khu vực”, ông Biden phát biểu tại cuộc họp báo sau các cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Nhà khách Bang Akasaka vào ngày 23/5/2022 ở Tokyo, Nhật Bản.
Ông Kishida cho biết, ông Biden ủng hộ Nhật Bản về việc nước này trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải tổ hội đồng. Trung Quốc và Nga hiện đang là thành viên thường trực của tổ chức này.
Ở châu Á, nỗi lo về ‘một Trung Quốc’ ngày càng gia tăng, đặc biệt là về mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Nga. Đồng thời, nước này đang nhắm tới việc tiếp quản Đài Loan — một thực thể trên thực tế là độc lập mà chế độ ở Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của mình — để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương.
Lam Giang
Theo Reuters