Huyền Anh
Hôm thứ Hai (23/5), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tiết lộ, Đan Mạch sẽ cung cấp một số lượng chưa xác định tên lửa chống hạm Harpoon và các bệ phóng cho Ukraine. ‘Sát thủ diệt hạm’ Harpoon được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể khả năng tấn công của quân đội Ukraine và giúp nước này giành lại quyền kiểm soát Biển Đen.
Reuters đưa tin, hôm 23/5, Bộ trường Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo về việc Đan Mạch đã cam kết sẽ viện trợ các tên lửa chống hạm Harpoon và bệ phóng cho Ukraine.
Đây là được xem là một phần trong các nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm chuyển giao các loại vũ khí có tầm bắn xa hơn trong bối cảnh các cảng ở Biển Đen của nước này đang bị Nga phong tỏa chặt chẽ từ nhiều ngày qua.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp trực tuyến hôm 23/5 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, Bộ trưởng Austin và Chủ tịch liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, giải thích, về mặt chính thức, các tên lửa này nhằm giúp “bảo vệ bờ biển Ukraine”.
Theo bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Hội đồng – gồm 47 quốc gia sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Kyiv – đã có một cuộc họp “mang tính xây dựng cao” và đã có cảm nhận rõ ràng hơn về các nhu cầu của Ukraine sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Alexey Reznikov và các quan chức khác của Kyiv.
Ngoài các tên lửa do Đan Mạch cung cấp, Cộng hòa Séc đã cam kết cung cấp các máy bay trực thăng tấn công, xe tăng, và hệ thống phóng đa rocket (MLRS). Theo Bộ trưởng Austin, Kyiv đã yêu cầu cung cấp pháo tầm xa, xe tăng, và xe bọc thép, cũng như các máy bay không người lái.
Tên lửa Harpoon A/U/RGM-84 do Boeing sản xuất là tên lửa chống hạm tiêu chuẩn của Hải quân Hoa Kỳ, với tầm bắn ước tính khoảng 300 km. Nó được dẫn hướng bằng radar và lướt trên bề mặt cho đến khi chạm đến mục tiêu, tại thời điểm đó nó có thể thực hiện cơ động “bật lên” và tấn công từ trên cao. Tên lửa Harpoon thường được phóng từ tàu nổi hoặc máy bay tấn công, nhưng các bệ phóng có thể được tháo ra khỏi tàu để sử dụng trên bờ, đây có vẻ là điều Đan Mạch dự định làm.
Theo đó, Harpoons có thể được sử dụng để đẩy hải quân Nga ra khỏi các cảng Biển Đen của Ukraine, cho phép tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Tuần trước, Reuters đưa tin, Lầu Năm Góc đang cân nhắc gửi cho Ukraine tên lửa Harpoon hoặc Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM) trực tiếp hoặc thông qua một “đồng minh châu Âu”. Hãng tin này đã trích dẫn thông tin trên từ “ba quan chức Hoa Kỳ và hai nguồn tin quốc hội”, tất cả đều ẩn danh. Các nguồn tin đều bày tỏ hy vọng rằng một khi quốc gia đầu tiên cam kết gửi tên lửa Harpoon cho Ukraine, các quốc gia khác sẽ làm theo.
Theo Reuters, tên lửa NSM được coi là “ít khó khăn hơn về mặt hậu cần” bởi vì các nước NATO có thể gửi cho Ukraine các bệ phóng và chỉ mất 14 ngày để huấn luyện những người vận hành cách sử dụng chúng, nhưng tên lửa này có tầm bắn khoảng 250km, ngắn hơn tầm bắn của tên lửa Harpoon.
Tuy nhiên, việc cung cấp tên lửa chống hạm chỏ Ukraine đã gây ra một số tranh cãi khi Cố vấn Anton Gerashchenko của Bộ Nội vụ Ukraine đăng trên Twitter rằng, Hoa Kỳ đang “chuẩn bị kế hoạch tiêu diệt Hạm đội Biển Đen”, ám chỉ lực lượng hải quân của Nga hiện đang ở ngoài khơi Ukraine. Khi được hỏi về việc này, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby đã nói với các phóng viên, tôi có thể “nói với các bạn một cách dứt khoát rằng điều đó không đúng”. Tuy nhiên, ông không bác bỏ việc Mỹ đang cân nhắc gửi tên lửa Harpoon cho Kyiv.
Hôm thứ Hai (23/5), Bộ trưởng Austin xác nhận rằng phát ngôn viên Kirby sẽ rời Lầu Năm Góc và chuyển đến làm việc tại hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng. Cùng lúc đó, dòng tweet của cố vấn Gerashchenko đã được xóa.
Hoa Kỳ vừa mới cam kết thêm gói viện trợ quân sự mới trị giá 40 tỷ USD cho Kyiv, bao gồm các lô hàng vũ khí, bất chấp một số đồng minh châu Âu lo ngại rằng điều này có thể khiến NATO rơi vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga. Moscow đã nhiều lần cảnh báo NATO rằng bất kỳ chuyến hàng vũ khí và vật tư nào đi vào Ukraine sẽ được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp. Ngà đã và đang thực hiện các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa hành trình vào các cơ sở cung cấp của Ukraine.
Tháng trước, Lầu Năm Góc tuyên bố đã cung cấp thông tin tình báo để giúp Ukraine tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào tàu tuần dương Moskva của Nga, soái hạm của Hạm đội Biển Đen. Theo Kyiv và Washington, quân đội Ukraine đã bắn hai tên lửa Neptune trúng con tàu này, khiến con tàu cuối cùng bị chìm. Tuy nhiên, Hải quân Nga đã bác bỏ thông tin này và cho rằng soái hạm Moskva, trong khi được kéo về cảng từ vùng biển bị bão, đã bị chìm sau một vụ nổ kho đạn trên tàu gây ra vụ hỏa hoạn.
Huyền Anh