Huyền Anh
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, chiến thắng trong cuộc bầu cử của tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese báo hiệu một sự “tái thiết” đối với quan hệ giữa hai quốc gia.
Thủ tướng Anthony Albanese và người đồng cấp Jacinda Ardern đã gặp nhau vào tối thứ Năm (9/6) trong một bữa tối thân mật trước khi tổ chức các cuộc gặp song phương vào thứ Sáu.
“Tôi coi đây là cơ hội để tái thiết vì rõ ràng có một số điểm mâu thuẫn”, bà Ardern nói, đề cập đến mối quan hệ của nước này với chính phủ tiền nhiệm.
Chính sách hủy bỏ thị thực của Úc theo Bộ Luật Di Trú Úc 1958, điều khoản 501 đã chứng kiến vô số người bị trục xuất đến New Zealand sau khi không đạt Bài kiểm tra tính cách (Character Test), vì có liên quan đến lịch sử phạm tội. Theo Bộ Luật Di Trú Úc 1958, điều khoản 501 cho phép Bộ Nội Vụ từ chối hoặc hủy Visa của người tạm trú hoặc thường trú nhân Úc nếu họ đã từng bị phạm tội hình sự. Bất kể loại Visa nào cũng sẽ yêu cầu quý vị khai báo lịch sự phạm tội hình sự của mình.
Bà Ardern cho biết chính phủ của bà không yêu cầu Úc xoá sổ chính sách trục xuất, nhưng cần xem xét lại việc trục xuất những người không có liên hệ với New Zealand và Kiwi, những người đã ở Úc quá lâu đến mức họ “về cơ bản là người Úc”
“Chúng tôi đang yêu cầu Úc đưa ra sự cân nhắc đó”, bà nói. “Vì vậy, bất cứ tuyên bố nào cho rằng yêu cầu này sẽ khiến cho nước Úc kém an toàn hơn, thì hoàn toàn không chính xác và không công bằng”.
Thủ tướng New Zealand cáo buộc các phương tiện truyền thông Úc và chính phủ tiền nhiệm thường hiểu sai yêu cầu của New Zealand về việc trục xuất “Tôi tưởng là vì lý do chính trị trong nước”.
Ông Albanese cho biết, ông đã thảo luận vấn đề này với bà Ardern khi ông còn là thủ lĩnh phe đối lập và những lo ngại của bà đã được thể hiện rất rõ ràng trong cuộc họp hôm thứ Sáu (10/6). Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm bất kỳ thông tin thay đổi cụ thể nào về vấn đề này.
“Chúng tôi sẽ xử lý chúng một cách có trật tự. Tôi đã nói rằng phần 501 sẽ được duy trì”, ông Albanese nói. “Nhưng cũng có những lo ngại đã được đưa ra cần được xem xét, với cương vị là những người bạn”.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về ảnh hưởng ngày càng leo thang của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương sau khi ngoại trưởng Trung Quốc ký một loạt thỏa thuận an ninh và kinh tế với một số quốc đảo.
“Chúng ta đang bế tắc tại khu vực Thái Bình Dương. Và tôi mong muốn được làm việc với Thủ tướng Ardern, làm việc với các nước láng giềng dân chủ của chúng ta”, ông Albanese nói.
Thủ tướng Úc cho biết kế hoạch của chính phủ nước này gồm hơn nửa tỷ đô la viện trợ nước ngoài và phát triển hơn nữa quan hệ đối tác về khí hậu và cơ sở hạ tầng.
Bà Ardern nói: “Khu vực Thái Bình Dương đã coi biến đổi khí hậu là thách thức số một. Ngay bây giờ, chúng ta đã thấy những tác động đáng kể của xói mòn bờ biển, hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sự dịch chuyển ở sân sau của chúng tôi”.
Một nghiên cứu của Đại học Auckland cho thấy một số hòn đảo trũng ở Thái Bình Dương có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, đã tăng kích thước kể từ năm 1943.
Ông Murray Ford, nhà địa mạo ven biển tại Đại học Auckland, cho biết: “Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, việc mở rộng các hòn đảo thông qua việc tạo ra trầm tích trong điều kiện mực nước biển dâng là hoàn toàn khả thi.
“Các rạn san hô bao quanh các đảo này là buồng chứa nhiên liệu để hòn đảo phát triển. Nó kiến tạo trầm tích bị trôi dạt vào bờ biển của hòn đảo. Các rạn san hô khỏe mạnh là yếu tố cần thiết để quá trình này tiếp diễn trong tương lai”.
Bà Ardern là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được ông Albanese tiếp đón trên đất Úc kể từ khi đắc cử.
Bà Ardern cho biết: “Thật vinh hạnh khi trở thành người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên có mặt tại Úc và gặp gỡ ông trong vai trò mới. Tôi nghĩ rằng đó là dấu hiệu tích cực cho thấy mối quan hệ hữu nghị của New Zealand và Úc”.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times