Theo các bản tin, Nga hôm Chủ Nhật (26/06) đã vỡ nợ ngoại quốc lần đầu tiên kể từ năm 1918 sau khi thời gian ân hạn đối với khoản thanh toán 100 triệu USD của nước này hết hạn.
Thời hạn thanh toán lãi suất 100 triệu USD do Điện Kremlin đáp ứng ban đầu đã được ấn định là hôm 27/05 nhưng thời gian ân hạn 30 ngày đã được kích hoạt sau khi các nhà đầu tư không nhận được khoản thanh toán lãi định kỳ đến hạn cho cả trái phiếu bằng đồng USD và đồng euro.
Nga nói rằng họ đã gửi tiền đến Euroclear Bank SA, một ngân hàng sau đó sẽ phân phối tiền thanh toán cho các nhà đầu tư.
Nhưng theo Bloomberg, các khoản thanh toán được cho là đã bị mắc kẹt ở đó trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đối với Moscow gia tăng, có nghĩa là các chủ nợ không nhận được.
Euroclear nói với BBC rằng họ tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt.
Lần cuối cùng Nga vỡ nợ ngoại quốc là vào năm 1918 khi tân lãnh đạo cộng sản Vladimir Lenin từ chối thanh toán các khoản nợ chưa thanh toán của Đế quốc Nga trong Cách mạng Bolshevik.
Chính phủ của Tổng thống Boris Yeltsin cũng vỡ nợ 40 tỷ USD trong khoản nợ địa phương vào năm 1998, khi đất nước trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nhưng viện trợ quốc tế đã giúp đất nước phục hồi.
Ông Hassan Malik, nhà phân tích cao cấp về chính phủ tại Loomis Sayles, nói với Bloomberg: “Đó là một điều rất, rất hiếm khi một chính phủ có đủ khả năng lại bị một chính phủ bên ngoài buộc vào tình trạng vỡ nợ. Đây sẽ là một trong những vụ vỡ nợ lớn trong lịch sử.”
Vụ vỡ nợ dường như là điều không thể tránh khỏi sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ hồi tháng trước quyết định không gia hạn một lỗ hổng được cho là sẽ hết hạn hôm 25/05, ngăn Nga trả khoản nợ hàng tỷ USD cho các nhà đầu tư quốc tế thông qua các ngân hàng Mỹ.
Đáp lại quyết định đó, Nga cho biết họ sẽ trả các khoản nợ USD bằng đồng rúp và cung cấp “cơ hội để sau đó chuyển đổi thành tiền tệ gốc.”
Sau khi đóng lỗ hổng trừng phạt, đầu tháng này Liên minh Âu Châu đã trừng phạt Cơ quan Lưu ký Thanh toán Quốc gia Nga (NSD), tuyên bố NSD “đóng một vai trò thiết yếu trong hoạt động của hệ thống tài chính của Nga” và “do đó đã trực tiếp và gián tiếp tạo điều kiện cho Chính phủ Nga trong các hoạt động, chính sách, và nguồn lực của mình.”
Việc trừng phạt NSD trên thực tế đã ngăn chặn việc chuyển tiền của Nga ra khỏi đất nước.
Về phần mình, Nga tuyên bố rằng họ có tiền để trả nợ và việc thiếu vắng thanh toán không được coi là “vỡ nợ” vì Điện Kremlin đã thực hiện thanh toán nhưng các nhà đầu tư đơn giản là không thể nhận được, theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov của nước này, người hôm thứ Năm đã gọi tình huống này là một “trò hề”.
Theo Bộ trưởng Tài chính, các nhà đầu tư không thể nhận được khoản thanh toán vì hai lý do.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, ông Siluanov cho biết: “Đầu tiên là cơ sở hạ tầng ngoại quốc — các ngân hàng đại lý, hệ thống thanh toán và bù trừ, tổ chức lưu ký — bị cấm thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Nga. Thứ hai là các nhà đầu tư ngoại quốc bị nghiêm cấm nhận thanh toán từ chúng tôi.”
“Mọi người trong cuộc đều hiểu rằng đây hoàn toàn không phải là một vụ vỡ nợ,” RIA Novosti dẫn lời ông cho biết. “Toàn bộ tình huống này trông giống như một trò hề.”
Tháng trước (05/2022), ông Siluanov một lần nữa nhấn mạnh những bình luận của mình về việc Nga sẵn sàng trả nợ, nói rằng tình huống này đã được “một quốc gia không thân thiện tạo ra một cách giả tạo” và việc vỡ nợ sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người Nga.
Nga nợ khoảng 40 tỷ USD trái phiếu ngoại quốc. Trước cuộc chiến Ukraine, nước này có dự trữ ngoại tệ và vàng khoảng 640 tỷ USD.
Tuy nhiên, phần lớn trong số này được lưu giữ ở ngoại quốc và kể từ đó đã bị đóng băng để đối phó với cuộc xâm lược của nước này đối với quốc gia láng giềng Ukraine hôm 24/02.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch