Ông Boris Johnson muốn trở thành thần tượng của mình, Thủ tướng Anh Winston Churchill, một anh hùng đã dẫn dắt nước Anh vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Nhưng ông lại bị choáng ngợp trước cuộc khủng hoảng do chính mình tạo ra – một vài cáo buộc đạo đức đã biến thành một cơn lũ lụt nhấn chìm chính phủ đảng Bảo thủ của ông ấy, và nhấn chìm chính bản thân ông, dồn ông vào chân tường và buộc phải từ chức thủ tướng.
Hôm thứ Năm (7/7), ông Boris Johnson đã đồng ý từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ và thủ tướng, nhưng cho biết sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng cho đến khi Đảng Bảo thủ của ông bầu ra một nhà lãnh đạo mới thay thế ông.
Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng không nên cho phép ông Johnson tiếp tục giữ chức thủ tướng và ông ấy nên bị cách chức càng sớm càng tốt. Phe Bảo thủ có thể nghiêng về Phó Thủ tướng Dominic Raab. Ông Raab sẽ đảm nhận chức vụ thủ tướng tạm thời cho đến khi một thủ tướng mới được bầu chính thức.
Ông Johnson, hiện 58 tuổi, đã bị cảnh sát phạt tiền và bị chỉ trích bởi một báo cáo điều tra vì tổ chức tiệc trong văn phòng của ông, vi phạm quy tắc phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) khi nước Anh bị phong tỏa trong thời đại dịch.
Ông Johnson cũng bổ nhiệm một nhân vật từng bị cáo buộc có hành vi tình dục sai trái vào một vị trí quan trọng trong Đảng Bảo thủ, cộng thêm 2 lần thất bại thảm hại của Đảng Bảo thủ trong các cuộc bầu cử đặc biệt. Hàng loạt những bê bối này khiến ông bị phản đối và khó có thể tiếp tục nắm quyền. Đảng Bảo thủ đã coi ông Johnson là một nhân vật “độc hại” đối với đảng và cần phải bị loại bỏ càng sớm càng tốt.
Sự nghiệp của ông Johnson giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc, với những thời khắc nổi bật bất thường, như đăng cai Thế vận hội London và dẫn dắt Brexit (việc Vương quốc Anh ly khai khỏi Liên hiệp châu Âu và thay đổi mối quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu về an ninh, thương mại và di dân), đến những bước ngoặt đơn độc, như ông từng từ chức ngoại trưởng và hiện bị buộc phải từ chức thủ tướng.
Dưới đây là một loạt các sự kiện và mốc thời gian quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông Johnson, theo Hãng tin AP:
Năm 2001-2008: Là thành viên Hạ viện, đại diện cho khu vực bầu cử của Henley.
Năm 2008-2016: Đảm nhận chức thị trưởng London và tổ chức thành công Thế vận hội London 2012.
Năm 2016: Trở thành đồng lãnh đạo chiến dịch Brexit chống lại ông David Cameron, thủ tướng đương nhiệm, kiêm lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Ông Cameron từ chức vào ngày 23/6/2016, sau cuộc trưng cầu dân ý quốc gia thông qua Brexit của Vương quốc Anh.
Năm 2016-2018: Làm ngoại trưởng dưới chính phủ của Thủ tướng Theresa May, người kế nhiệm ông Cameron. Ông Johnson từ chức vào tháng 7/2018 để phản đối chiến lược Brexit “mềm” của bà May, chiến lược này vẫn khiến Anh có liên hệ chặt chẽ với EU sau Brexit.
Ngày 7/6/2019: Bà Theresa May đã từ chức sau khi không thuyết phục được quốc hội ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đã đàm phán với EU. Những người theo chủ nghĩa cứng rắn Brexit trong Đảng Bảo thủ, do ông Johnson lãnh đạo, đã thắng thế.
Ngày 23/7/2019: Ông Johnson được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ và trở thành thủ tướng vào ngày hôm sau, kế thừa một chính phủ thiểu số dựa vào phiếu bầu của Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland mới có thể thông qua luật. Ông Johnson khẳng định Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 dù có đạt được thỏa thuận hay không.
Ngày 28/8/2019: Thủ tướng Johnson thông báo ông sẽ đóng cửa quốc hội cho đến giữa tháng Mười, nhằm giảm thời gian đối thủ có thể thực hiện các hành động gây trở ngại.
Ngày 3/9/2019: 21 nghị sĩ phản bội của Đảng Bảo thủ đã yêu cầu chính phủ của ông Johnson tìm cách gia hạn các cuộc đàm phán Brexit khi không thể đàm phán một thỏa thuận với EU. Yêu cầu này đã được Quốc hội thông qua, nhưng phe nổi dậy đã bị trục xuất khỏi Đảng Bảo thủ.
Ngày 5/9/2019: Ông Johnson tuyên bố thà “chết trong rãnh nước”, còn hơn phải yêu cầu EU tiếp tục gia hạn.
Ngày 24/9/2019: Tòa án tối cao của Anh đã ra phán quyết rằng việc Chính phủ của ông Johnson đình chỉ Quốc hội là bất hợp pháp.
Ngày 19/10/2019: Ông Johnson yêu cầu EU trì hoãn Brexit một lần nữa. Thời hạn mới được ấn định vào ngày 31/1/2020.
Ngày 6/11/2019: Ông Johnson giải tán Quốc hội khi tìm kiếm sự ủy thác cho chiến lược Brexit của mình, và tiến hành một cuộc tổng tuyển cử sớm vào giữa tháng 12.
Ngày 12/12/2019: Đảng Bảo thủ giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử, với đa số hơn 80 ghế, ông Johnson được Quốc hội ủng hộ thúc đẩy đạo luật Brexit.
Chiến thắng này khiến ông trở thành nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ thành công nhất trong cuộc tổng tuyển cử, chỉ sau bà Margaret Thatcher.
Ngày 23/1/2020: Quốc hội Anh phê duyệt cho thỏa thuận Brexit của chính phủ Johnson trở thành luật. Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua thỏa thuận sau đó 6 ngày, Brexit đúng tiến độ.
Ngày 23/3/2020: Ông Johnson đặt Vương quốc Anh vào đợt phong tỏa đầu tiên trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Ngày 5/4/2020: Ông Johnson nhập viện vì nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán và được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt trong thời gian ngắn. Ông được xuất viện vào ngày 12/4, và cảm ơn các y tá đã túc trực bên cạnh ông suốt đêm, nhằm đảm bảo ông vẫn có thể thở.
Từ 3 – 4/11/2021: Chính phủ của ông Johnson ra lệnh cho các nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ sự thay đổi về các quy tắc đạo đức, nhằm trì hoãn việc đình chỉ chức vụ của ông Owen Paterson, người ủng hộ ông Johnson bị lên án vì vi phạm các quy tắc vận động hành lang. Lệnh này đã được thông qua.
Một ngày sau, đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhà lập pháp ở tất cả các bên, ông Johnson đã đảo ngược hướng đi, cho phép các nhà lập pháp bỏ phiếu về việc đình chỉ chức vụ của ông Paterson. Ông Patterson đã từ chức.
Ngày 30/11/2021: Các quan chức chính quyền Johnson bị cáo buộc vi phạm quy tắc phong tỏa vì đã tổ chức các bữa tiệc trong Văn phòng Chính phủ từ tháng 11 – 12/2020.
Vụ bê bối đã trở nên lớn hơn với hơn 10 báo cáo phản đối. Ông Johnson phủ nhận các cáo buộc này, nhưng các nhà lãnh đạo đảng đối lập đã chỉ trích chính phủ của ông vi phạm pháp luật, khi người dân trên khắp đất nước đang hy sinh bản thân, bị phong tỏa tại nhà trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Ngày 8/12/2021: Ông Johnson cho phép điều tra vụ bê bối, được gọi là “Partygate”. Khả năng lãnh đạo của ông đã bị thách thức, nhưng ông đã vượt quan thành công.
Ngày 3/2/2022: Phụ tá lâu năm của ông Johnson, bà Munira Mirza, rời Văn phòng Thủ tướng tại phố Downing, theo sau là 3 phụ tá cấp cao khác.
Ngày 23/3: Chính phủ của ông Johnson công bố kế hoạch chi tiêu giữa năm, nhưng bị chỉ trích vì làm quá ít để giúp những người đang gặp khó khăn trước chi phí sinh hoạt tăng cao. Bộ trưởng Tài chính, ông Rishi Sunak, đã từ chối trì hoãn kế hoạch tăng thuế thu nhập hoặc trưng thu thuế các công ty dầu khí hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao.
Ngày 9/4: Ông Johnson có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv, thăm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và hứa hẹn một gói hỗ trợ kinh tế – quân sự mới cho cuộc kháng chiến của Ukraine chống lại Nga. Động thái này giúp củng cố ông Johnson và những người ủng hộ ông, những người cho rằng Chính phủ Anh không nên chỉ tập trung vào các cuộc tranh cãi chính trị trong nước.
Ngày 12/4: Ông Johnson bị phạt 50 bảng Anh (63USD) do tham gia một bữa tiệc trong thời gian phong tỏa vì COVID-19. Các đảng đối lập đã cáo buộc ông Johnson trở thành thủ tướng Anh đầu tiên trong lịch sử vi phạm pháp luật khi còn đang tại chức. Ông Johnson đã xin lỗi nhưng khẳng định không biết mình đã vi phạm các quy tắc.
Kết quả của cuộc khảo sát “Partygate” được công bố vào ngày 22/5, nêu chi tiết 16 bữa tiệc được tổ chức tại nhà và văn phòng của ông Johnson, cũng như các văn phòng chính phủ khác, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 – 4/2021.
Báo cáo cũng mô tả chi tiết việc một số nhân viên của ông Johnson uống rượu quá mức (nghiện rượu) vào thời điểm hàng triệu người đang bị phong tỏa và không thể gặp gỡ bạn bè, người thân.
Ngày 26/5: Chính phủ Johnson đảo ngược quyết định đánh thuế các công ty dầu khí và công bố kế hoạch đánh thuế mạnh 25%.
Ngày 6/6: Ông Johnson thắng sít sao trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, với số phiếu ủng hộ ông của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ là 211 phiếu ủng hộ so với 148 phiếu phản đối. Nhưng quy mô của sự phản đối, khoảng 41% số phiếu phản đối, đã làm lung lay quyền lãnh đạo của ông Johnson.
Ngày 15/6: Ông Christopher Geidt từ chức cố vấn đạo đức của ông Johnson, cáo buộc chính phủ của ông phớt lờ các quy tắc ứng xử.
Ngày 24/6: Đảng Bảo thủ của ông Johnson mất 2 thành trì trước đây vào tay phe đối lập trong một cuộc bầu cử đặc biệt.
Ngày 29/6: Ủy ban đặc quyền giữa các đảng phái của Quốc hội kêu gọi bằng chứng điều tra xem liệu ông Johnson có lừa dối Quốc hội về việc tổ chức tiệc tùng trong thời gian phong tỏa hay không.
Ngày 30/6: Ông Chris Pincher đã từ chức Phó Chánh Văn phòng Đảng Bảo thủ sau khi bị cáo buộc hành hung 2 vị khách tại một câu lạc bộ dành cho các thành viên tư nhân ở London. Các cáo buộc trước đó về hành vi tình dục sai trái của ông Pincher cũng xuất hiện.
Các câu hỏi về việc liệu ông Johnson có biết đến những cáo buộc này khi ông Pincher được mời làm việc cấp cao hay không đã liên tiếp xuất hiện.
Ngày 5/7: Ông Johnson xin lỗi vì cách xử lý vụ bê bối của ông Pincher và nói ông quên mất việc được thông báo về các cáo buộc trên. Hai bộ trưởng cấp cao trong nội các của ông Johnson, gồm ông Rishi Sunak – Bộ trưởng Tài chính và ông Sajid Javid – Bộ trưởng Y tế đã từ chức, rời bỏ Chính phủ của ông Johnson.
Ngày 6/7: Nhiều bộ trưởng trong Chính phủ của ông Johnson từ chức, tổng cộng hơn 50 người.
Ngày 7/7: Ông Johnson đồng ý từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ và thủ tướng Vương quốc Anh.
Trình Văn / Vision Times