Y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt: Thêm 528 người tại Thanh Hóa, Đà Nẵng
Cùng một ngày 12/7, giới chức tỉnh Thanh Hóa và TP Đà Nẵng đồng loạt công bố con số hàng trăm nhân viên y tế đã nghỉ việc tại cuộc họp cấp HĐND. Lý do y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt trong khối công được đưa ra từ thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đến áp lực lớn, thu nhập thấp.
Thanh Hóa: Số bác sĩ nghỉ việc chiếm tới 47% tổng số
Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, diễn ra ngày 12/7, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho hay từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 206 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 96 bác sĩ (chiếm khoảng 47%).
Theo ông Hùng, nguyên nhân dẫn đến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc là do các y, bác sỹ tại những cơ sở khám, chữa bệnh, điều trị COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bị áp lực công việc nặng nề và luôn cảm thấy mệt mỏi. Tại những cơ sở ít hoặc không điều trị bệnh nhân COVID-19, số lượng người đến khám chữa bệnh giảm nhiều, ảnh hưởng đến nguồn thu của các đơn vị dẫn đến thu nhập của nhân viên y tế bị giảm mạnh.
Ngoài ra, nhân viên y tế, bác sĩ còn phải đối mặt với mối nguy hiểm từ người bệnh và người thân của bệnh nhân, trong khi cơ chế bảo vệ nhân viên y tế còn nhiều bất cập, chưa được động viên đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả cấp quản lý.
Ngoài tình trạng thiếu hụt nhân lực, ngành y của tỉnh còn đối diện với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Theo ông Hùng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị thanh tra, kiểm tra trong khi do yêu cầu công việc, tình huống nên nhiều khi phải đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung cấp hàng hóa cho một số đơn vị công, do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp.
“Mua sắm trong lĩnh vực y tế, có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong tình trạng khẩn cấp để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và nhu cầu chống dịch COVID-19. Trong khi, việc thực hiện nghị định 60/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị chưa có thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu mua sắm của các đơn vị sự nghiệp cũng bị chậm…”– ông Hùng nói.
Nói về giải pháp hạn chế tình trạng nhân viên nghỉ việc, ông Hùng cho hay đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa ngoài hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị theo Quy định 16 của Thủ tướng, cần có chính sách hỗ trợ thêm theo đầu giường bệnh, đồng thời đề nghị BHXH Việt Nam thanh toán chi phí vượt định mức kinh tế kỹ thuật năm 2017, 2018 cho các cơ sở khám, chữa bệnh với số tiền khoảng 230 tỷ đồng.
Đà Nẵng: Cứ mỗi tháng 18 nhân viên y tế nghỉ việc
Cùng ngày, tại kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Đà Nẵng khóa X, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Đà Nẵng cho hay trong 1 năm rưỡi qua, 322 nhân viên y tế trong TP đã nghỉ việc, tức bình quân mỗi tháng 18 người nghỉ.
Cụ thể năm 2021, TP có 195 nhân viên y tế xin nghỉ việc, sáu tháng đầu năm 2022 có thêm 127 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Ông Vân cho rằng con số này “thuộc dạng cao”.
Ngoài nhân lực mỏng, việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn đang là một trong những khó khăn của ngành y tế TP Đà Nẵng.
Ông Vân đề nghị UBND TP tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ cho ngành y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng nhằm hạn chế tình trạng y, bác sĩ, người lao động ngành y tế nghỉ việc, chuyển công tác; nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay.
Ông Vân cũng kiến nghị TP đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình y tế trọng điểm như Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình; Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc; nâng cấp BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động y tế tư nhân, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho ngành y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng.
Những con số nhân viên y tế nghỉ việc liên tiếp được giới chức các tỉnh thành công bố trong thời gian gần đây. Đầu tháng 7, lần đầu tiên, Bộ Y tế công bố con số tổng nhân viên y tế nghỉ việc, gián tiếp thừa nhận cuộc khủng hoảng nhân lực của ngành y tế khối công.
Tại hội nghị trực tuyến ngày 4/7, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc trong vòng 1 năm rưỡi qua, theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022).
Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Bình quân mỗi tháng khoảng 522 nhân viên y tế khối công nghỉ việc.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…
Lý giải về tình trạng này, ông Tuyên nói rằng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.
Tại hệ thống y tế công, áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay làm tăng thêm khối lượng công việc cộng với công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng.
Ngoài ra, theo ông Tuyên, nhân viên y tế làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua…
7 nguyên nhân khiến “giọt nước tràn ly”
Báo Sức khỏe & Đời sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế ngày 8/7 dẫn ý kiến của TS Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng có 7 lý do làm “giọt nước tràn ly” khiến hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc.
Thứ nhất, thu nhập thấp. Một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Tới khi ra nghề, bác sĩ đã đến 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình, mức lương khoảng 5-7 triệu đồng đảm bảo để an tâm công tác.
Để so sánh, ông Quang cho hay người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công, cũng có số thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng.
Thứ hai, áp lực công việc nặng nề, chưa bảo đảm an toàn nghề nghiệp. Làm ở khu vực y tế công, áp lực công việc lớn, trực bệnh viện liên tục, phải đối diện với sự xúc phạm, thậm chí đe dọa đến sức khỏe và tính mạng từ phía người bệnh và người thân, nhân viên y tế luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
Thứ ba, thiếu quá nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế. Để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị cần thiết phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, có như vậy bác sĩ mới có khả năng cống hiến, đem kinh nghiệm của mình phục vụ người bệnh. Nhưng hiện nay ở các bệnh viện công còn thiếu quá nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế trong khi ở bệnh viện tư, họ sẵn sàng đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế.
Thứ tư, môi trường làm việc chưa thật sự được đáp ứng. Làm việc trong môi trường có áp lực rất lớn nhưng bác sĩ, nhân viên y tế lại không được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý. Trong khi ra làm việc ở các bệnh viện tư, điều này là khác.
Thứ năm, điều kiện học tập, trau dồi kỹ năng thực hành y khoa khác biệt giữa khu vực công với khu vực tư nhân. Khi làm ở khu vực công, y bác sĩ muốn đi học phải chờ lần lượt, phải đáp ứng các yêu cầu của bệnh viện… Trong khi đó, ở khu vực y tế tư nhân nếu muốn đi học, bác sĩ, nhân viên y tế sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để được đào tạo, nâng cao tay nghề.
Thứ sáu, khả năng thăng tiến. Tại bệnh viện công, muốn làm trưởng, phó khoa phải đi học lý luận chính trị trung cấp, ngoại ngữ, phải ở trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo đã được phê duyệt…Trong khi ở bệnh viện tư, chỉ cần có tay nghề, kỹ năng thực hành y khoa, có uy tín, đông bệnh nhân…là đã có thể được bổ nhiệm.
Thứ bảy, quản trị bệnh viện công khác so với bệnh viện tư. Việc quản lý các bệnh viện công vẫn theo thói quen từ trước đến nay nên ít có sự thay đổi trong khi ở khu vực y tế tư nhân vấn đề này lại được đặc biệt chú trọng, thay đổi thường xuyên, tiếp cận được với các phương thức quản trị bệnh viện trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân thu hút bác sĩ, nhân viên y tế chuyển đến khu vực y tế tư nhân.
VKS đề nghị giảm án cho ông Nguyễn Đức Chung sau khi nộp 85 bằng khen
Huệ Liên
Sau hơn một ngày xét xử, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đánh giá việc cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung nộp 85 bằng khen, giấy khen, hồ sơ bệnh án… là tình tiết mới nên đề nghị tòa phúc thẩm giảm một phần hình phạt.
Báo Thanh Niên đưa tin, chiều 12/7, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ án “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội năm 2016.
Theo đại diện VKS, quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo Chung chỉ thừa nhận có mối quan hệ bình thường với Bùi Quang Huy, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường), và phủ nhận việc mở đường cho doanh nghiệp này trúng thầu.
Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu thu thập được, VKS xác định Nhật Cường có mối quan hệ mật thiết UBND TP. Hà Nội. Từ lời đề nghị của Bùi Quang Huy, bị cáo Chung đã ba lần gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội để yêu cầu dừng thầu. Việc này đã tạo điều kiện cho Nhật Cường trúng hai gói thầu số hoá ở Hà Nội. Bởi vậy tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là không oan và mức án 3 năm là phù hợp.
Trong giai đoạn phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen kỷ niệm chương, huân chương trong thời gian công tác trong ngành công an và UBND TP. Hà Nội; các bằng khen, giấy khen của bố, mẹ đẻ trong các hoạt động, nạn nhân chất độc màu da cam; đơn của nhiều cá nhân, tổ chức xin giảm nhẹ hình phạt cho mình… và nộp ba bộ hồ sơ bệnh án thể hiện đang bị bệnh ung thư trực tràng di căn phổi.
Ngoài ra, quá trình xét xử, ông Chung đã thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo buộc, nhưng bị cáo Chung cho rằng việc làm này chưa đáng bị xét xử.
Kiểm sát viên đánh giá ông Chung đã thành khẩn khai báo và cung cấp những tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo để giảm nhẹ hình phạt sơ thẩm.
Ngoài ông Chung, Đại diện VKS đề nghị tòa phúc thẩm đề nghị giảm án đối với 2 2 đồng phạm khác nhưng không nêu cụ thể đề nghị giảm bao nhiêu.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2016 đến 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư hai gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn. Khi Sở chuẩn bị đóng gói thầu năm 2016, theo nhờ vả của Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy (đã bỏ trốn), ông Chung chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đình chỉ gói thầu vào phút chót.
Lúc mở thầu lại, Công ty Nhật Cường bố trí “quân xanh” nên trúng thầu cả hai gói thầu số hóa năm 2016 và năm 2017, nhưng đều bán lại cho Công ty Đông Kinh để hưởng lợi bất chính gần 20 tỷ đồng.
HĐXX xác định các bị cáo làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; chỉ 45% tài liệu được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, nhưng vẫn được Sở Kế hoạch và Đầu tư thanh toán 100% tiền công. Việc này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Giá heo hơi tăng vọt
Khảo sát của VnExpress ngày 12/7 cho thấy giá heo hơi tại các tỉnh miền Bắc tăng từng ngày. Thái Bình đang là tỉnh có giá heo hơi cao nhất lên 70.000 đồng một kg, tăng 2.000 đồng so với ngày trước đó, còn nếu so với hai tuần trước, giá tăng trên dưới 30%. Heo hơi tại Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và Tuyên Quang cũng nhích 1.000 đồng một kg, lên 68.000 đồng. Miền Trung và Tây Nguyên có giá heo hơi quanh mốc 62.000-64.000 đồng một kg.
Trong khi đó, tại miền Nam, giá heo hơi ngày hôm qua tăng cao nhất là 4.000 đồng một kg tại nhiều nơi như Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang…. lên quanh mốc 60.000-66.000 đồng một kg.
Báo cáo của Chợ đầu mối Hóc Môn cho thấy, giá heo hơi loại 1 của Công ty CP đã tăng thêm 7.000 đồng một kg so với tuần trước, lên 65.000 đồng. Sản lượng heo mảnh về chợ đêm 12/7 đạt 4.282 con.
“Lượng heo hơi về chợ ổn định, tuy nhiên giá tăng liên tục 4 ngày qua khiến giá heo mảnh cũng tăng mạnh. So với hai tuần trước, giá heo mảnh hiện được điều chỉnh 12.000 đồng”, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn nói.
Vì giá heo hơi, heo mảnh lên cao, giá thịt heo tại các chợ lẻ cũng đã tăng 10.000 đồng một kg so với tuần trước. Theo đó, thịt đùi tăng 110.000 đồng lên 120.000 đồng một kg; ba rọi, sườn non từ 150.000 đồng lên 160.000 đồng.
Chị Hạnh, tiểu thương chợ Thủ Đức, cho biết giá heo mảnh nhập về tăng mỗi ngày. “Đêm lấy thiếu, sáng muốn nhập thêm thì đầu mối đã báo mỗi kg tăng 2.000 đồng. Ba ngày qua, giá thịt heo đầu vào tăng liên tục nhưng tôi chỉ dám tăng nhẹ giá bán ra khiến tình hình kinh doanh gần như không có lời”, chị Hạnh nói.
Lý giải nguyên nhân khiến giá heo tăng mạnh, anh Hòa, thương lái thu mua heo các tỉnh miền Nam cho biết nguồn cung giảm do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, trong khi đó, các tỉnh miền Bắc thiếu hụt heo cao nên giá tăng mạnh.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, ngoài lý do nguồn cung giảm thì áp lực giá xăng và thức ăn chăn nuôi lên cao thời gian qua đã đẩy giá heo hơi tăng vọt.
Hơn 300 cửa hàng Bách Hóa Xanh đóng cửa
Zing – Theo thông tin trên trên website bán hàng Bách Hóa Xanh, tính đến tối ngày 12/7, chuỗi bán lẻ bách hóa này chỉ còn hiển thị 1.824 cửa hàng hoạt động sau khi nhiều địa điểm đã treo biển xả kho giảm đến 50% hay tạm đóng cửa để nâng cấp.
Bách Hóa Xanh ra mắt năm 2015, là chuỗi bán lẻ phát triển khá thần tốc để nhanh chóng lọt vào top dẫn đầu về bán lẻ thực phẩm. Số lượng cửa hàng liên tục gia tăng từ khi ra mắt đến nay và đã xâm nhập vào nhiều khu vực dân cư đông đúc.
Vào lúc cao điểm nhất, hệ thống bán lẻ thực phẩm này vận hành đến 2.140 cửa hàng tại cuối tháng 4. Như vậy, số lượng địa điểm kinh doanh đã giảm đi 316 chỉ trong hơn 2 tháng vừa qua.
Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG (công ty mẹ Bách hóa Xanh) đã chia sẻ với nhà đầu tư rằng Bách Hóa Xanh sẽ tạm ngưng mở rộng trong năm nay để tập trung cải thiện hiệu quả từng điểm bán, chăm sóc khách hàng, xây dựng đội ngũ để quay lại mở rộng toàn quốc từ năm 2023.
Vị này cho biết chỉ có hơn 50% trong tổng số 2.100 cửa hàng vào giữa tháng 5 đạt đầy đủ tiêu chí cần thiết. Với gần 50% cửa hàng còn lại, công ty sẽ rà soát, nếu điểm bán nào cách quá xa các tiêu chuẩn cần thiết sẽ được tính toán xử lý.