Hội An
Trà Vinh đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ dự án đường số 1 ở TP. Trà Vinh dài 2,2 km bị nắn cong, kéo dài thêm hàng trăm mét để đi qua đất Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và 19 cán bộ khác.
Liên quan đến vụ “Tuyến đường 160 tỉ đồng bị “nắn cong” để qua đất 20 cán bộ ở Trà Vinh” mà báo Người Lao Động phản ánh, thông tin với báo chí, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh đang tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến tuyến đường số 1, bởi dự án được triển khai đến nay đã 13 năm nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ Trà Vinh xử lý vấn đề liên quan đến dự án trên.
Sở Giao thông vận tải có lợi ích nhóm khi nắn đường đi vào đất 20 cán bộ
Trước đó, năm 2006, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt đầu tư dự án tuyến đường số 1 (thị xã Trà Vinh, nay là TP Trà Vinh) do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư với chiều dài 2,2 km, tổng mức đầu tư hơn 141 tỉ đồng. Sau đó, dự án nắn cong và kéo dài thêm so với con số đã phê duyệt, nâng tổng mức đầu tư lên gần 160 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu giáp hương lộ 11, tại điểm cách Quốc lộ 54 khoảng 915 m; điểm cuối giáp tuyến đường số 3, tại điểm cách Quốc lộ 54 khoảng 253 m. Dự án bắt đầu khởi công vào năm 2009.
Theo phản ánh của người dân, quá trình thi công, tuyến đường này bất ngờ bị “nắn cong” xuyên thẳng vào đất và nhà của người dân vốn không nằm trong quy hoạch. Năm 2009, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã thành lập đoàn thanh tra dự án này và phát hiện hàng loạt sai phạm.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, một số cán bộ đã cố tình làm thay đổi vị trí, quy mô dự án với mục đích “nắn” con đường vào khu đất của mình để được hưởng bồi thường. Khi tổ chức đấu thầu, Sở Giao thông Vận tải đã tự ý điều chỉnh giá dự thầu của nhà thầu, chấp nhận cho nhà thầu không đủ năng lực, tư cách trúng thầu. Trong tổng số hơn 280.300 m2 đất của 253 hộ gia đình và 3 tổ chức có đất nằm cạnh đường số 1, thì có hơn 40.700 m2 đất thuộc quyền sở hữu của 20 cán bộ và chủ doanh nghiệp trong tỉnh.
Trong vụ việc này, trách nhiệm chính thuộc về ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải. Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông (cũng là thành viên tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu), phải chịu trách nhiệm chung về các sai phạm từ chủ trương, quy hoạch, quá trình xét thầu… Đồng thời, thanh tra cũng xác định dự án có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân, đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Theo báo Tuổi Trẻ, đến nay hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất vẫn chưa được bố trí tái định cư theo quy định, đa số họ giờ đã ly tán.
Bà Sơn Thị A – một hộ bị ảnh hưởng bởi dự án tại phường 9, TP. Trà Vinh – bức xúc cho biết bà có gần 1.400m2 đất bị thu hồi, chỉ còn lại 100m2 xây nhà ở tạm. “Đã hơn 13 năm nhưng chính quyền vẫn không bố trí tái định cư cho tôi. Tôi đã rất nhiều lần đi hỏi, nhưng họ chỉ qua chỉ lại đổ trách nhiệm cho nhau. Giờ tôi quá chán nản rồi” – bà A cho hay.
Xe khách chở 28 người lao xuống vực, 13 người thương vong
Huệ Liên
Đêm 15/7, ô tô chở theo 28 khách du lịch đang di chuyển trong khuôn viên Vườn quốc gia Xuân Sơn (tỉnh Phú Thọ) thì lao xuống vực. Hậu quả làm 3 người tử vong, khoảng 10 người bị thương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 16/7, bí thư Huyện ủy Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) Phạm Thanh Tùng xác nhận và cho biết, “Qua báo cáo nhanh thì có 3 người tử vong, khoảng 10 người bị thương đang được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện” – ông Tùng thông tin.
Theo báo cáo nhanh, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 22h30 đêm 16/7, ô tô khách 29 chỗ mang biển kiểm soát Hà Nội chở theo 28 người đi trên đường liên xã (khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn), khi đến địa phận xóm Lấp (xã Xuân Sơn) xe đi xuống dốc thì bị lật về taluy âm bên trái.
Hậu quả làm tài xế Lâm Quang Trường (36 tuổi, ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa), hành khách Triệu Bình Minh (33 tuổi, trú tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội); cháu Nguyễn Gia Phong (9 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội 120 km. Đây là điểm du lịch sinh thái của những người ưa khám phá.
Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra.
Trưởng ban bảo vệ dân phố chiếm 372 triệu đồng tiền phòng chống COVID-19
Thanhnien – Trưa 16/7, ông Tống Trân, Bí thư Thị ủy TX. Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hoà) cho biết địa phương đã đình chỉ công tác một trưởng ban bảo vệ dân phố vì có hành vi “ăn chặn” tiền hỗ trợ chống dịch Covid-19. Ngoài ra, TX.Ninh Hòa cũng đã có ý kiến chuyển hồ sơ cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trước đó, UBND P.Ninh Hiệp, TX.Ninh Hòa phát hiện trường hợp ông Đặng Xuân Thịnh, Trưởng ban bảo vệ dân phố P.Ninh Hiệp có dấu hiệu tham nhũng khi có hành vi chiếm dụng số tiền 372 triệu đồng. Đây là tiền chi chế độ cho các trường hợp tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn P.Ninh Hiệp.
Theo ông Tống, sau khi vụ việc bị phát hiện, ông Đặng Xuân Thịnh đã khắc phục nộp lại số tiền 310 triệu đồng cho UBND phường. Riêng số tiền còn lại là 62 triệu đồng vẫn chưa được khắc phục.
Đắk Lắk: 1 xã xây 8 nhà vệ sinh công cộng hết 1.6 tỉ đồng
NLĐ – Xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị hoàn tất xây dựng, đưa vào sử dụng 8 nhà vệ sinh công cộng tại hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, buôn. Dự án có tổng kinh phí 1,6 tỉ đồng từ nguồn kinh phí ủng hộ quỹ an sinh xã hội của UBND huyện Buôn Đôn năm 2021 do UBND xã Ea Nuôl làm chủ đầu tư.
Theo khảo sát của phóng viên, 8 nhà vệ sinh được xây dựng trong khuôn viên của hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng các buôn: Ko Đung A, Ko Đung B, Ea M’Dhar 1A, Ea M’Dhar 1B, Niêng 1, Niêng 2, Niêng 3 và thôn Tân Phú của xã Ea Nuôl. Hiện các nhà vệ sinh đã cơ bản xong phần thô và đang thực hiện các hạng mục còn lại để đưa vào sử dụng. 8 nhà vệ sinh công cộng có diện tích xây dựng từ 16,6 m2 đến 19,2 m2.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Quang Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl, cho biết việc tổ chức xây dựng 8 nhà vệ sinh công cộng được thực hiện theo quy định, dự án đã được HĐND xã ra nghị quyết, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Buôn Đôn thẩm định hồ sơ xây dựng.
Đối với vấn đề người dân phản ánh việc xây dựng nhà vệ sinh với kinh phí trung bình 200 triệu đồng/cái là quá cao, ông Tấn cho rằng giá nhà nước làm cao hơn người dân làm bởi còn các chi phí tư vấn, giám sát…
Hà Tĩnh: Cá tự nhiên chết bất thường, nổi lềnh bềnh trong hồ thủy lợi Khe Lang
Thanhnien – Theo phản ánh của người dân, hồ thủy lợi Khe Lang nằm trên địa bàn thuộc 2 huyện Đức Thọ và Can Lộc (Hà Tĩnh). Hồ chứa nước này lâu nay phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân ở 2 huyện Đức thọ và Can lộc . Tuy nhiên, khoảng 1 tháng nay, người dân sinh sống gần hồ Khe Lang phát hiện cá tự nhiên chết rải rác và số lượng cá chết bất thường ngày càng tăng nhưng chưa rõ nguyên nhân.
Anh Nguyễn Văn Hải (ngụ tại ở xã Thường Nga, H.Can Lộc) cho biết, tình trạng cá tự nhiên chết bất thường dạt rất nhiều vào xung quanh mép bờ hồ Khe Lang diễn ra trong thời gian dài khiến nguồn nước trong hồ thủy lợi và môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cá chết chủ yếu là cá mè, cá diếc và cá rô phi.
Anh Hải nói,Người dân chúng tôi sinh sống gần hồ Khe Lang từ rất lâu nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng cá chết. Chúng tôi đang nghi ngờ nguyên nhân cá chết là do nguồn nước trong hồ bị ô nhiễm. Bởi vì khu vực phía trên hồ Khe Lang có một số trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn. Rất mong cơ quan chức năng sớm xác định được nguyên nhân để bà con được rõ”.
Theo ghi nhận của PV báo Thanh Niên, một lượng khá lớn cá mè, cá diếc và cá rô phi bị chết đang trong tình trạng phân hủy trôi dạt vào hạ lưu cống xả của hồ Khe Lang và dạt vào mép hồ thuộc địa phận hai xã An Dũng (H.Đức Thọ), Thường Nga (H.Can Lộc).
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch xã Thường Nga cho hay, để xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng cá chết tại hồ Khe Lang, xã đã có báo cáo gửi Phòng TN-MT H.Can Lộc cùng các cơ quan chức năng vào cuộc.
Ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh), đơn vị này đã lấy mẫu nước, mẫu cá trong hồ thủy lợi Khe Lang để đưa về phân tích làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường tại đây.