Nga bị cáo buộc tấn công có chủ ý, giết chết nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu Ukraine
Nga đã tấn công thành phố cảng Mykolaiv, miền nam Ukraine vào đêm và đầu ngày Chủ nhật (31/7), giết chết chủ sở hữu của một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất nước này, thống đốc địa phương cho biết.
Thống đốc Mykolaiv Vitaliy Kim cho biết trên Telegram rằng ông Oleksiy Vadatursky, một trong những người giàu nhất Ukraine, người sáng lập và chủ sở hữu công ty nông nghiệp Nibulon, và vợ của ông đã thiệt mạng tại nhà riêng sau cuộc không kích.
Ông Oleksiy Vadatursky, 74 tuổi, được xếp hạng là người giàu thứ 24 tại Ukraine và có thời điểm là người nhận giải thưởng “Anh hùng của Ukraine”.
Công ty Nibulon có trụ sở chính tại Mykolaiv, một thành phố chiến lược quan trọng giáp với vùng Kherson do Nga chiếm đóng, chuyên sản xuất và xuất khẩu lúa mì, lúa mạch và ngô, đồng thời có hạm đội và nhà máy đóng tàu riêng.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy mô tả cái chết của ông Vadatursky là “mất mát to lớn đối với Ukraine”, đồng thời cho biết doanh nhân này đang trong quá trình xây dựng một thị trường ngũ cốc hiện đại.
Nhà của ông Vadatursky nằm trong số nhiều khu dân cư bị tấn công, cùng với một khách sạn, một khu liên hợp thể thao, hai trường học và một trạm dịch vụ.
Thị trưởng thành phố Oleksandr Senkevych nói với đài truyền hình Ukraine rằng 3 người khác cũng bị thương trong các cuộc tấn công vào Mikolaiv.
Mykhailo Podolyak, một nhà báo Ukraine đã trở thành chính trị gia và cố vấn cho Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói về cái chết của ông Vadatursky, nhấn mạnh rằng ông đã bị giết trong một cuộc tấn công có chủ đích bởi quả tên lửa đã tấn công trực tiếp vào phòng ngủ của vị doanh nhân.
Tổng thống Putin đã cử hàng chục nghìn binh sĩ qua biên giới vào ngày 24 tháng 2, gây ra một cuộc xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản và gây ra căng thẳng sâu sắc trong quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai cũng đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực đang làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu. Cả Ukraine và Nga đều là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu.
TT Zelensky hôm Chủ nhật cho biết nước này có thể chỉ thu hoạch được một nửa số lượng ngũ cốc so với thông thường trong năm nay do cuộc xâm lược.
Ukraine đã phải vật lộn để đưa sản phẩm của mình đến tay người mua qua các cảng Biển Đen vì chiến tranh.
Tuy vậy, một thỏa thuận đã được ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22 tháng 7 quy định việc đi lại an toàn cho các tàu chở ngũ cốc ra khỏi ba cảng miền nam Ukraine.
Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết hôm Chủ nhật có khả năng cao là con tàu xuất khẩu ngũ cốc đầu tiên sẽ rời các cảng của Ukraine vào thứ Hai.
Lê Vy
Mỹ chỉ trích vì Trung Quốc để mảnh vỡ tên lửa “rơi tự do” xuống trái đất
Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ xác nhận các mảnh của tên lửa đẩy nặng 23 tấn của Trung Quốc đã rơi xuống Ấn Độ Dương lúc rạng sáng 31/7 (theo giờ Bắc Kinh) nhưng không rõ quỹ đạo rơi của chúng.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng đi hôm 24/7 để đưa mô-đun phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ mới mà Trung Quốc đang xây dựng trên quỹ đạo. Có điều, ngay sau đó nó lao xuống Trái Đất một cách mất kiểm soát – đánh dấu lần thứ ba Trung Quốc bị cáo buộc “xử lý không đúng cách các mảnh vỡ từ tên lửa trong không gian”.
Ông Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, nói với kênh CNN: “Không có quốc gia nào để những vật thể nặng hơn 20 tấn quay trở lại quỹ đạo một cách mất kiểm soát như Trung Quốc”.
Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson cũng chỉ trích trên Twitter: “Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái Đất. Mọi quốc gia du hành vũ trụ cần tuân thủ cách thực hành tốt nhất và làm tròn bổn phận chia sẻ loại thông tin này từ sớm để tạo điều kiện cho việc dự đoán rủi ro va chạm có thể xảy ra, đặc biệt là đối với thiết bị đẩy có trọng tải nặng như Trường Chinh 5B”.
Ông Bill Nelson nhấn mạnh: “Việc chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa rơi trở lại trái đất rất quan trọng. Nó thể hiện việc sử dụng không gian một cách có trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn cho những người dưới mặt đất”.
Trung Quốc lần đầu phóng tên lửa Trường Chinh 5B vào không gian năm 2020. Khi đó, nó cũng rơi trở lại Trái Đất một cách mất kiểm soát, gây thiệt hại cho một số tòa nhà ở Bờ Biển Ngà nhưng không gây thương tích về người.
Trần Phong
Giá cổ phiếu Tencent tiếp tục giảm, giá trị thị trường bốc hơi hơn 560 tỷ USD
Bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra chống độc quyền và các chính sách khác của chính quyền Trung Quốc, giá cổ phiếu của ‘gã khổng lồ’ Internet Trung Quốc Tencent tiếp tục giảm. Giá cổ phiếu đã giảm một nửa so với thời điểm cao nhất và giá trị thị trường bốc hơi khoảng 4.400 tỷ đô la Hồng Kông (hơn 560 tỷ USD).
Vào ngày giao dịch cuối cùng của tuần này, chứng khoán Hồng Kông giảm trên diện rộng. Chỉ số Công nghệ Hang Seng giảm gần 5% và Tencent Holdings giảm 4,36%. Giá cổ phiếu lại tiếp cận mốc 300 đô la Hồng Kông (khoảng 38 USD), gần như quay trở lại mức giá cổ phiếu cách đây 5 năm.
Chỉ hơn một năm trước, giá cổ phiếu của Tencent đã đạt đến mức cao nhất lịch sử là 750 đô la Hồng Kông (khoảng 95,5 USD), nhưng hiện tại nó đã giảm gần 60% và giá trị thị trường của nó đã bốc hơi khoảng 4.400 tỷ đô la Hồng Kông (hơn 560 tỷ USD).
Theo trang tin môi giới chứng khoán Trung Quốc (cs.com.cn), dữ liệu tài chính của Tencent thực sự đang chậm lại do giá cổ phiếu của công ty này giảm. Lợi nhuận phân bổ cho các chủ sở hữu vốn của Tencent Holdings không theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) năm 2021, (có thể hiểu là lợi nhuận ròng sau khi trừ các khoản lãi và lỗ không định kỳ như thu nhập đầu tư) là 123,788 tỷ nhân dân tệ (khoảng 18,4 tỷ USD), chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trong 2 năm qua, do tác động tổng hợp của nhiều yếu tố như điều tra chống độc quyền, chính sách hạn chế trò chơi trực tuyến dành cho trẻ vị thành niên, dịch bệnh và việc giảm cổ đông lớn nhất, giá cổ phiếu của Tencent liên tục giảm. Cho đến nay nó đã giảm một nửa so với điểm cao nhất.
Tencent sa thải hàng loạt nhân viên
Trong khi giá cổ phiếu tiếp tục giảm, gần đây liên tiếp có thông tin về việc Tencent sa thải nhân viên.
Hôm 23/6, trang tin công nghệ Đại Lục “36kr” cho biết, Tencent sẽ tiếp tục sa thải nhân viên trong nửa cuối năm trên cơ sở nửa đầu năm nay, và tỷ lệ sa thải ở một số bộ phận sẽ cao từ 40% – 50%.
Nhóm kinh doanh WeChat là một trong những nhóm kinh doanh cốt lõi nhất và thận trọng nhất của Tencent về việc mở rộng nhân sự. Mặc dù vậy, một số nhóm gần đây đã tối ưu hóa một số lượng nhỏ khoảng 10% nhân viên, và thậm chí còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chủ chốt của WeChat trong 2 năm qua — kênh video WeChat.
Theo một số người quen thuộc với vấn đề này, các bộ phận của Tencent News và QQ đã tiếp tục sa thải nhân viên trên cơ sở ban đầu. Gần đây, Tencent News đã bắt đầu một đợt sa thải mới từ 30% đến 50% nhân viên thuộc nhiều phòng ban kinh doanh.
Hoạt động kinh doanh trò chơi của Tencent không bị ảnh hưởng bởi việc sa thải đáng kể trong nửa đầu năm nay, nhưng không tránh khỏi xu hướng sa thải trong nửa cuối năm. Một người am hiểu vấn đề này cho biết, bộ phận nhân sự sẽ không nhẹ tay trong việc xây dựng kế hoạch cắt giảm nhân sự cho nhóm kinh doanh giải trí tương tác trong nửa cuối năm.
Giới phân tích cho rằng chính sách đàn áp ngành công nghệ của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua đã khiến định giá của nhiều công ty khởi nghiệp mới giảm mạnh, buộc nhiều hãng đầu tư lớn phải thay đổi chiến lược.
Bị chỉnh đốn vì giúp Tôn Lực Quân
Trong cuốn sách sắp xuất bản “Đế chế ảnh hưởng: Câu chuyện về Tencent và dã tâm công nghệ của Trung Quốc” (Influence Empire: The Story of Tencent and China’s Tech Ambition), phóng viên Bloomberg Lulu Yilun Chen lần đầu tiên tiết lộ rằng cựu Thứ trưởng Bộ Công an đã “ngã ngựa” Tôn Lực Quân từng yêu cầu Tencent theo dõi và cung cấp thông tin về các quan chức cấp cao khác. Đồng thời, Tencent cũng đang phát triển một phần mềm dự đoán ai sẽ là người kế nhiệm thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.
Bloomberg nói rằng những người quen thuộc với vấn đề này, những người yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù, đã tiết lộ rằng Tôn Lực Quân đã yêu cầu WeChat thuộc sở hữu của Tencent cung cấp cho ông ta thông tin về các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Nguồn tin cho biết, Tôn Lực Quân không chỉ sử dụng WeChat để theo dõi các quan chức cấp cao mà còn ủy quyền cho Tencent phát triển một hệ thống dự báo để dự đoán những người kế vị quyền lực chính trị, nhưng dự án này vẫn chưa được hoàn thành. Việc Tôn Lực Quân giám sát các quan chức cấp cao và dự đoán của ông về các ứng cử viên cho Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã khiến cho tầng lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ cảnh giác. Tencent cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn tin cho biết, mặc dù chính quyền chưa bao giờ tiết lộ công khai các hoạt động giám sát của Tôn Lực Quân, nhưng trong thời gian Tôn bị điều tra, các hành động đã bị lộ ra, từ đó dẫn đến cuộc tấn công của chính quyền Bắc Kinh đối với Tencent.
Ngày 11/2/2021, tờ Wall Street Journal (WSJ) trích dẫn nguồn tin nói rằng Trương Phong (Zhang Feng), một quản lý cấp cao của Tencent, do liên quan đến việc cung cấp dữ liệu WeChat cho Tôn Lực Quân, nên đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ điều tra từ đầu năm 2020.
Về vấn đề này, WSJ cho rằng trường hợp của Trương Phong đã cho thấy rõ các công ty công nghệ cao Trung Quốc bị lôi kéo vào cuộc đấu tranh chính trị ở tầng cao nhất của ĐCSTQ.
Trí Đạt