Hơn 500 gia đình triệu phú Trung Quốc dự tính di cư đến Singapore trong năm 2022
Công ty đầu tư nhập cư ước tính rằng khoảng 10.000 người giàu có ở Trung Quốc muốn di cư ra nước ngoài, điều này dẫn đến dòng tiền 48 tỷ USD chảy ra nước ngoài. Vào ngày 3/8, truyền thông Singapore đưa tin rằng hơn 500 gia đình giàu có Trung Quốc dự kiến sẽ di cư đến Singapore trong năm nay.
Những thắc mắc của công chúng Trung Quốc về việc di dân đã tăng lên trong những tháng gần đây, và nhiều người giàu đã bỏ trốn từ lâu. Đặc biệt là sau khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện chính sách phòng chống dịch bệnh “zero COVID”, sự chú ý của người dân Trung Quốc đối với vấn đề di dân cũng đã làm dấy lên vấn đề được gọi là “run xue” (润学 – nhuận học) trên Internet. “Run” (润 nhuận) được đặt tên theo từ đồng âm của “run” trong tiếng Anh, có nghĩa là có thể trốn thoát thì hãy trốn thoát, thoát khỏi Trung Quốc.
Vào ngày 3/8, theo tờ Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao) tại Singapore đưa tin, hàng chục ngàn người Trung Quốc “có giá trị tài sản ròng cao” đang cố gắng nhập cư sang các nước khác, trong đó ước tính có hơn 500 người (gia đình) triệu phú dự định chuyển đến Singapore trong năm nay, khối tài sản dịch chuyển theo họ ước tính ít nhất là 2,4 tỷ USD.
Theo câu trả lời có được sau khi hỏi công ty tư vấn đầu tư nhập cư “Henley and Partners” tại London (Anh), ước tính có khoảng 10.000 triệu phú ở Trung Quốc đã tìm kiếm cơ hội nhập cư sang các nước khác trong năm nay. Trung bình, mỗi người họ sẽ mang theo khoảng 4,8 triệu USD. Do đó, ước tính khoảng 48 tỷ USD của cải sẽ chảy ra ngoài Trung Quốc.
Trong số 10.000 người Trung Quốc giàu có, khoảng 4.200 người đã hoàn thành việc nhập cư từ tháng Một đến tháng Sáu năm nay. Quốc gia lựa chọn hàng đầu cử họ khi nhập cư là Mỹ, sau đó là Canada, Úc, Anh và Singapore.
Bloomberg chỉ ra một trường hợp cụ thể: Ông Hu, một chủ nhà hàng 46 tuổi ở Thượng Hải, gần đây đã bán 2 nhà hàng cao cấp với giá 20 triệu nhân dân tệ (hơn 2,9 triệu USD), đồng thời thuê một luật sư nhập cư và một quản lý tài chính, với hy vọng sẽ sơ tán tài sản của mình ra khỏi Trung Quốc.
Ông Hu nói rằng trước đây, ông không thể tưởng tượng được rằng một ngày nào đó mình sẽ rời Thượng Hải, thành phố phát triển nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Thượng Hải bắt đầu phong tỏa vào năm nay, ông nói mình gần như chết đói, ông rất buồn, cảm thấy hiện giờ là lúc phải ra đi.
Tổ chức tư vấn đầu tư nhập cư cho biết, tăng trưởng tài sản nói chung ở Trung Quốc đã chậm lại trong vài năm qua, vì vậy dòng chảy tài sản ra nước ngoài của các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao gần đây có thể đáng kể hơn so với trước đây.
Theo thống kê của công ty môi giới bất động sản Hedeng Group, doanh số bán căn hộ cao cấp ở Singapore tăng 64% trong quý II so với quý trước, trong khi nhu cầu từ người mua nước ngoài cũng tăng lên. Vào tháng Sáu, Canninghill Piers, nằm ở khu Fort Canning của Singapore, cũng có một người mua từ Trung Quốc, họ đã mua 20 căn một lúc, tất cả là căn lớn 3 và 4 phòng ngủ, với tổng giá trị giao dịch ước tính hơn hơn 85 triệu đô la Singapore (hơn 61,5 triệu USD). Các nguồn tin cho biết, người mua có thể còn mua thêm 10 căn nữa, nâng tổng giá trị giao dịch lên hơn 100 triệu đô la Singapore và đóng góp khoảng 30 triệu đô la Singapore tiền thuế trước bạ cho Chính phủ Singapore.
Ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc chuyển tài sản bằng cách thành lập văn phòng gia đình ở Singapore. Trong danh sách các tỷ phú toàn cầu do Forbes tại Mỹ công bố trước đó, 4 trong số 10 người Singapore giàu nhất là những người mới nhập cư từ Trung Quốc Đại Lục. Người đồng sáng lập và chủ tịch của Mindray Medical, ông Lý Tây Đình (Li Xiting) đứng đầu danh sách.
Cho dù đó là sự bùng nổ của những người nhập cư giàu có Trung Quốc hay việc chuyển tài sản đến Singapore đã được đồn đại trong những tháng gần đây, hay việc những người giàu mới nhập cư Trung Quốc xây dựng lại bản đồ tài sản địa phương, đều phản ánh rằng sức ảnh hưởng của những người giàu Trung Quốc đang ngày càng lớn, nhất cử nhất động của họ đều đang thay đổi cục diện tại địa phương.
Các nhà quan sát cho rằng câu hỏi lớn nhất hiện nay đối với giới giàu Trung Quốc là liệu Bắc Kinh có cho phép họ rời đi hay không.
Mặc dù không có quy định rõ ràng nào để thắt chặt các hạn chế được ban hành, các luật sư nhập cư cho biết việc nhập cư đã trở nên khó khăn hơn trong những tháng gần đây với thời gian xử lý hộ chiếu lâu hơn và yêu cầu phê duyệt giấy tờ cao hơn.
Ngoài ra, việc chuyển một lượng tiền lớn ra khỏi Trung Quốc ngày càng khó khăn. Theo quy định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, công dân Trung Quốc chỉ có thể sử dụng hạn ngạch ngoại hối tối đa là 50.000 USD mỗi năm. Trong những năm gần đây, ngay cả giới hạn trao đổi 50.000 USD cũng bị giới hạn trong thực tế.
Trên thực tế, sau kế hoạch “thịnh vượng chung” mà chính quyền Bắc Kinh đề xuất trước đó, những người giàu nhất Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ rời khỏi Trung Quốc.
Văn Long, Vision Times
Một học sinh Ukraina tạo ra một bộ sạc cực mạnh cho quân đội nước này
Theo thông tin từ một ấn phẩm chính trị và truyền thông của Ukraine, trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga, mọi người dân Ukraine có ý thức đang cố gắng giúp sức chống lại sự tấn công dữ dội của kẻ thù. Một số người tham gia chiến đấu ở tiền tuyến, những người khác lại âm thầm hỗ trợ từ hậu phương.
Trang umoloda.kyiv của Ukraina cho biết, ngoài những người trưởng thành, nhiều thanh thiếu niên Ukraine cũng tham gia hỗ trợ các Lực lượng vũ trang.
Một trong những người yêu nước trẻ tuổi này là Zakhar Shchurko, 15 tuổi đến từ Lviv, người đã phát triển một Pin sạc dự phòng Power Bank mạnh có khả năng sạc 15 điện thoại di động cùng lúc, máy bay không người lái, máy bộ đàm và các thiết bị khác.
Cùng với anh trai của mình, Zakhar đã dự định tiết kiệm tiền để mua một chiếc máy tính xách tay và một chiếc xe đạp, nhưng sau đó đã dành toàn bộ số tiền tích lũy, trị giá 16 nghìn hryvnias để phát triển một bộ sạc siêu mạnh có thể dùng trong điều kiện khó khăn ở chiến trường.
Cậu nói: “Chúng tôi quyết định rằng chúng tôi có thể sống mà không có máy tính xách tay và xe đạp, và có lẽ một thiết bị như vậy giờ đây có thể cứu mạng một ai đó và mang chiến thắng đến gần hơn”.
Cậu bé đã có ý tưởng tạo ra một ngân hàng điện từ rất lâu trước đây, ngay cả trước khi có cuộc xâm lược toàn diện của Liên bang Nga. Thực tế là điện thường xuyên bị tắt ở nhà, và cậu học sinh muốn tiếp tục dùng các thiết bị của mình theo cách này.
Nhà phát minh trẻ tuổi tài năng chỉ có hai tuần từ khi lên ý tưởng đến khi thực hiện. Nhưng trong tương lai, chàng trai trẻ tự tin, việc sản xuất bộ sạc sẽ mất không quá một tuần.
Bản sao nguồn sạc điện đầu tiên do Zakhar chế tạo sẽ được gửi tới tiểu đoàn 1 của lữ đoàn 92 thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine. Các binh sĩ chỉ ra rằng một thứ như vậy là rất cần thiết không chỉ vì tính chất của nó mà còn vì nó rất nhẹ nhàng.
Phát minh của cậu thiếu niên sẽ hữu ích cho các máy bay không người lái của Ukraia. Trong điều kiện thực địa, khả năng sạc điện di động cho điện thoại, máy bay không người lái, bộ đàm và các thiết bị khác là rất cần thiết.
Anh tăng lãi suất ở mức lớn nhất trong 27 năm giữa bối cảnh lạm phát tăng vọt, suy thoái cận kề
Lạm phát tại Anh dự kiến sẽ leo lên hơn 13%, khiến Ngân hàng Trung ương nước này phải đưa ra đợt tăng lãi suất lớn nhất trong 27 năm trong bối cảnh các quan chức cảnh báo Vương quốc Anh đang bước chân vào suy thoái.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 04/08 thông báo rằng Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) – cơ quan thiết lập lãi suất của họ – đã bỏ phiếu 8-1 để tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm, lên 1,75%.
Tất cả 9 thành viên MPC đều bày tỏ lo ngại về việc lạm phát của Anh đang ở mức cao trong hàng thập kỷ, làm gia tăng hơn nữa áp lực lên giá cả; họ hứa sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại các cuộc họp trong tương lai nếu cần.
“Ủy ban sẽ đặc biệt cảnh giác trước những dấu hiệu về áp lực lạm phát dai dẳng hơn, và nếu cần thiết sẽ hành động mạnh mẽ để đối phó”, MPC cho biết trong một tuyên bố.
Vòng xoáy tiền lương – giá cả
Các thành viên MPC lưu ý về rủi ro rằng lạm phát liên tục ở mức cao có thể thúc đẩy vòng xoáy tiền lương – giá cả hiện hữu “lâu dài hơn” vì thị trường lao động dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt hơn so với giả định trước đây.
Ủy ban cho biết áp lực lạm phát ở Anh và phần còn lại của châu Âu đã “tăng lên đáng kể” kể từ báo cáo chính sách cuối cùng của MPC vào tháng 5.
“Điều đó phần lớn đến từ việc giá khí đốt bán buôn đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 5, do Nga hạn chế nguồn cung khí đốt cho châu Âu và nguy cơ là sẽ tiếp tục hạn chế”, ủy ban lưu ý.
Với dự đoán rằng giá bán buôn năng lượng tăng cao sẽ làm giá bán lẻ tăng theo, MPC dự kiến lạm phát trong ngắn hạn sẽ tăng cao hơn so với các dự báo trước đó.
“Lạm phát tính theo CPI được dự kiến sẽ tăng nhiều hơn so với dự báo trong Báo cáo tháng 5, từ 9,4% trong tháng 6 lên hơn 13% trong quý IV/2022, và sẽ duy trì ở mức rất cao trong suốt phần lớn năm 2023, trước khi giảm xuống mức mục tiêu 2% trong 2 năm tới”, MPC cho biết.
Suy thoái cận kề
Lạm phát dai dẳng sẽ làm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh trở nên tồi tệ hơn khi mà tiền lương thực, sau khi được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, được dự đoán sẽ giảm với mức lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
MPC cho biết chi phí năng lượng tăng là yếu tố chính dẫn đến kinh tế Anh suy thoái. Ủy ban này dự đoán Anh sẽ bước chân vào một cuộc suy thoái từ cuối năm nay.
“Sản lượng dự kiến sẽ giảm trong mỗi quý từ quý IV/2022 đến quý IV/2023”, ủy ban cho biết thêm. “Mức tăng trưởng sau đó là rất yếu theo các tiêu chuẩn trong quá khứ”.
Tuy nhiên, MPC cho biết có những điều không chắc chắn “cực kỳ lớn” xung quanh nền kinh tế, có thể làm cho suy thoái trở nên ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng hơn so với dự báo ban đầu.
Với mức tăng 50 điểm cơ bản vào thứ 5, Ngân hàng Trung ương Anh hiện đã tăng lãi suất 6 lần kể từ tháng 12 năm ngoái.
Chi Anh
Theo Tom Ozimek – The Epoch Times
Quốc hội Anh đóng tài khoản TikTok
Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Anh đã quyết định cho dừng ngay lập tức tài khoản TikTok của Quốc hội nước này vì nguy cơ rò rỉ dữ liệu.
Ngày 3/8, Sky News đưa tin rằng vào tuần trước, một nhóm Nghị sĩ Anh đã gửi thư chung đến người đứng đầu Thượng viện và Hạ viện, cho hay nhiều báo cáo chỉ ra vấn đề dữ liệu của TikTok thường xuyên được gửi về Trung Quốc, vậy mà Quốc hội Anh lại mở tài khoản TikTok khiến họ thấy sốc và thất vọng, đồng thời thúc giục cần hủy tài khoản trên nền tảng xã hội này.
Chủ tịch Thượng viện Lord McFall và Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle của Anh phản hồi rằng tài khoản TikTok của Quốc hội Anh vốn có mục đích thu hút những người trẻ thờ ơ trên các nền tảng xã hội khác hiện có, tuy nhiên thừa nhận rằng họ không đã tham khảo ý kiến khi cho khởi động chương trình thử nghiệm, vì vậy sau khi tham khảo ý kiến của các bên, quyết định ngay lập tức cho ngừng hoạt động trên TikTok.
Quốc hội Anh đã đóng tài khoản TikTok
Quốc hội Anh gần đây đã mở một tài khoản trên TikTok, là phiên bản quốc tế của mạng xã hội video ngắn Trung Quốc Douyin. Vì lý do này, một nhóm nghị sĩ cấp cao của Đảng Bảo thủ lo lắng thông tin sẽ được truyền tới Trung Quốc và yêu cầu Quốc hội thu hồi tài khoản.
Ngày 29/7, phiên bản châu Âu của trang Politico (Mỹ) đưa tin, một bức thư chung đã được gửi vào ngày 27/7 đến người đứng đầu của Thượng viện và Hạ viện Anh, bởi một nhóm nghị sĩ Quốc hội Anh (gồm những người vào tháng Ba năm ngoái bị nhà cầm quyền Trung Quốc trừng phạt trả đũa), đã yêu cầu Quốc hội thu hồi tài khoản TikTok. Họ bao gồm Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Tom Tugendhat, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith, phó chủ tịch Nusrat Ghani của “Ủy ban năm 1922” thuộc Ủy ban nghị sĩ bình thường đảng Bảo thủ, Nghị sĩ Tim Loughton, nữ tước và nghị sĩ Thượng viện Baroness Kennedy, và huân tước David Alton.
Những người này coi việc nhà cầm quyền Trung Quốc có thể tiếp cận dữ liệu cá nhân của thế hệ trẻ Anh là mối quan tâm lớn.
Gần đây, TikTok đã bị phanh phui cho phép nhân viên [công ty mẹ] từ Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng của Mỹ.
Những nghị sĩ ký thư chung đã chỉ trích động thái mở tài khoản trên TikTok của Quốc hội Anh khiến họ “ngạc nhiên và thất vọng”, đồng thời chỉ ra rằng theo Luật Tình báo Quốc gia của nhà cầm quyền Trung Quốc được thông qua vào năm 2017 thì các công ty bắt buộc phải cung cấp thông tin khi Chính phủ yêu cầu. Từ năm 2021, giới lập pháp Anh đã chất vấn trước Quốc hội về độ tin cậy vấn đề dữ liệu người dùng nền tảng TikTok sẽ không được chia sẻ với Douyin của Trung Quốc.
“Khả năng Chính phủ của Tập Cận Bình có thể đọc dữ liệu cá nhân trên điện thoại di động của con cái chúng ta là nguyên nhân gây lo ngại”, bức thư chung thúc giục Quốc hội Anh hủy tài khoản liên quan “trước khi có thể đảm bảo đáng tin cậy và chưa có dữ liệu nào được truyền tới Trung Quốc”.
Quốc hội Anh đã đăng một tweet vào ngày 27/7, thông báo về việc mở một tài khoản Quốc hội Anh trên TikTok. Tweet có nội dung “Chúng tôi đang trực tuyến trên TikTok”, qua đó kêu gọi mọi người theo dõi “thông tin từ Tháp Elizabeth”. Tháp Elizabeth là chỉ Quốc hội Anh.
Họp nội bộ TikTok cho thấy vấn đề không an toàn dữ liệu người dùng
Những nguồn tin từ truyền thông Mỹ cho hay, trong nhiều năm qua TikTok đã không ngừng phản đối cáo buộc quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu, họ cam kết thông tin mà họ thu thập về người dùng Mỹ được lưu trữ ở Mỹ chứ không ở Trung Quốc – nơi đặt công ty mẹ của nền tảng video.
Nhưng một nguồn tin vào ngày 17/6 chỉ ra, theo âm thanh bị rò rỉ từ hơn 80 cuộc họp nội bộ của TikTok cho thấy, không ít lần nhân viên từ Trung Quốc truy cập dữ liệu một cách không công khai về người dùng TikTok ở Mỹ – hành vi khiến ông Trump khi là Tổng thống đã đe dọa cấm ứng dụng này ở Mỹ.
BuzzFeed News đã xem xét các đoạn ghi âm, trong đó có 14 phát biểu của 9 nhân viên TikTok cho thấy rằng từ ít nhất tháng 9/2021 đến tháng 1/2022, các kỹ sư ở Trung Quốc đã có thể truy cập vào dữ liệu của Mỹ.
Các đoạn ghi âm từ các cuộc họp nhóm của lãnh đạo công ty và của chuyên gia tư vấn, cho đến các bài thuyết trình toàn thể về chính sách (được chứng thực bằng ảnh chụp màn hình và các tài liệu khác), cung cấp nhiều bằng chứng chứng thực các báo cáo trước đây, cáo buộc việc nhân viên Trung Quốc truy cập dữ liệu người dùng Mỹ.
Vào năm 2019, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS) của Mỹ bắt đầu điều tra các tác động an ninh quốc gia của việc TikTok thu thập dữ liệu người dùng Mỹ. Vào năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đe dọa sẽ cấm ứng dụng này vì lo ngại rằng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng công ty ByteDance để thu thập hồ sơ thông tin cá nhân của người dùng TikTok ở Mỹ. Tổng thống Trump đã viết trong lệnh hành pháp rằng “việc thu thập dữ liệu của TikTok có khả năng cung cấp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc quyền truy cập vào thông tin cá nhân và riêng tư của người Mỹ”.
Thiên Tư, Vision Times
Nhà tư bản công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di bị ĐCSTQ truy nã
Vào cuối tháng trước, Ủy ban trù bị “Quốc hội Hồng Kông” do nhà tư bản công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di và những người khác thành lập, đã tổ chức một cuộc họp báo để thông báo chính thức bắt đầu công tác chuẩn bị bầu cử, với mục tiêu tổ chức bầu cử quốc hội vào cuối năm 2023 hoặc trước cuối năm 2023. Vào ngày 3/8, Cục Bảo an Hồng Kông đã ra thông cáo truy nã ông Viên Cung Di và những người khác, chỉ ra rằng “Quốc hội Hồng Kông” mà họ tổ chức ở nước ngoài bị nghi ngờ vi phạm “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”.
Có những bình luận và phân tích chỉ ra, ĐCSTQ hy vọng rằng chính quyền Hồng Kông hiện tại sẽ “kể câu chuyện về Hồng Kông thật tốt” và vận động hành lang để phương Tây cho rằng Hồng Kông vẫn có tự do và pháp quyền, trong khi đó “Quốc hội Hồng Kông” của ông Viên Cung Di mới đại biểu cho dân ý thực sự, điều này đã ‘vỗ vào mặt’ của ĐCSTQ, do đó chính quyền mới đưa ra lệnh truy nã.
Ủy ban trù bị của “Quốc hội Hồng Kông” bao gồm những người Hồng Kông sống rải rác trên khắp thế giới, và trách nhiệm chính của ủy ban này là chuẩn bị cho cuộc bầu cử “Quốc hội Hồng Kông”. Chủ tịch ủy ban trù bị là ông Hà Lương Mậu (Victor Ho), một người kỳ cựu trong lĩnh vực truyền thông; ông Lương Tụng Hằng (Leung Chung-hang), cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, là chủ tịch nhóm quan hệ công chúng; và ông Viên Cung Di là chủ tịch nhóm các vấn đề quốc tế.
Lần này, Cục Bảo an Hồng Kông đã chỉ đích danh 3 thành viên của Ủy ban trù bị và truy nã họ, nói rằng họ đang tổ chức một “Quốc hội Hồng Kông” ở nước ngoài và bị tình nghi vi phạm Điều 22 của “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” với tội danh lật đổ chính quyền quốc gia. Theo Điều 37 của “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”, cảnh sát phải điều tra theo luật pháp và bắt giữ những người nói trên quy án.
Trong một tuyên bố, Cục Bảo an Hồng Kông cũng cũng kêu gọi “công chúng vạch ra ranh giới rõ ràng với bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào của những kẻ vi phạm ‘Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông’ và các tổ chức của họ, để không gặp phải những rủi ro pháp lý không cần thiết.”
Ông Viên Cung Di (73 tuổi), là một nhà tư bản công nghiệp người Hồng Kông. Kể từ khi phong trào chống Dự luật Dẫn độ bùng nổ vào năm 2019, ông đã xuất hiện trước công chúng và liên tục chỉ trích ĐCSTQ. Năm 2020, ông Viên Cung Di đến Mỹ để vận động hành lang trước khi ĐCSTQ thực thi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”.
Sau hơn 2 năm vận động hành lang, ông Viên Cung Di cho rằng người Hồng Kông ở nước ngoài nên thành lập một cơ quan dân cử có thể đại diện cho người Hồng Kông, lên tiếng quốc tế về các vấn đề mà người Hồng Kông quan tâm và bày tỏ quan điểm thực sự của công chúng Hồng Kông tới chính phủ các nước phương Tây. Ủy ban trù bị “Quốc hội Hồng Kông” chính thức được thành lập tại Toronto, Canada vào tháng Bảy năm nay.
Trong một thông cáo báo chí, Ủy ban trù bị tuyên bố rằng chứng kiến Hồng Kông nằm dưới sự kiểm soát toàn diện của ĐCSTQ, tiếng nói của người dân đã mất đi, và người dân Hồng Kông cũng mất quyền tự do bầu cử các đại diện. Vì để thực hiện chủ quyền ở người dân, thực hiện giá trị phổ quát, Ủy ban hy vọng sẽ bầu ra đại diện dân ý của Hồng Kông ở nước ngoài thông qua phương thức mỗi người một lá phiếu, và tiếp tục theo đuổi quyền tự quản của người dân Hồng Kông và Hồng Kông tự do.
Ủy ban trù bị nhấn mạnh, chủ quyền của Hồng Kông thuộc về toàn thể người dân Hồng Kông, và chỉ có bầu cử dân chủ thực sự mới biểu đạt được dân ý của người dân Hồng Kông.
Một số nhà bình luận nói với Vision Times tiếng Trung rằng việc bị ĐCSTQ truy nã chứng tỏ ông Viên Cung Di, ông Hà Lương Mậu và ông Lương Tụng Hằng đã làm đúng. Đối với người Hồng Kông thực thụ mà nói, sự chỉ trích, lên án, trừng phạt và truy nã, v.v, của ĐCSTQ đều là “huân chương” cho họ.
Nhìn vào danh sách những người bị ĐCSTQ truy nã và trừng phạt trước đây, có thể thấy rõ: danh sách trừng phạt bao gồm cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cựu cố vấn thương mại Mỹ Peter Navarro, và cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, v.v …; và danh sách truy nã bao gồm các nhà hoạt động xã hội Hồng Kông La Quán Thông, Trương Côn Dương, v.v. Các ý kiến nói rằng vì những người này bảo vệ nhân quyền, tự do và pháp quyền, và vì những người này nói sự thật, nên mới khiến cho ĐCSTQ tức giận.
Lý Hoài Quất, Vision Times