Tin Việt Nam sáng thứ Năm: Người dân Hà Nội đối mặt 5 bệnh truyền nhiễm xuất hiện cùng lúc

Người dân Hà Nội đối mặt 5 bệnh truyền nhiễm xuất hiện cùng lúc

Laodong – Bên cạnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường, người dân tại Hà Nội đang phải đối mặt các bệnh truyền nhiễm hay gặp khác trong mùa thu như cúm A/B, sốt xuất huyết Dengue, virus hợp bào hô hấp (RSV) hay bệnh chân tay miệng. 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa Medlatec trong tuần đầu tháng 8 ghi nhận 4.846 ca xét nghiệm cúm, trong đó có 1.455 ca cúm A , cúm B là 156 ca. So với cùng kỳ tháng 7, số lượng người xét nghiệm cúm tăng 467% và phát hiện cúm A tăng 144%.

Bên cạnh bệnh cúm đang hoành hành trong cộng đồng, Trung tâm tiếp tục ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết. Thống kê tuần đầu tháng 8 ghi nhận 168 trường hợp dương tính sốt xuất huyết NS1(+) trong tổng số 1390 trường hợp xét nghiệm Dengue.

So với cùng kỳ tháng 7, tổng chỉ định làm xét nghiệm Dengue tăng 121% và số lượng có chẩn đoán Dengue với NS1 (+) tăng 305%.

Cùng thời gian này, Trung tâm bắt đầu ghi nhận những ca mắc bệnh viêm đường hô hấp có kết quả RSV (+), bệnh Tay – chân – miệng có kết quả xét nghiệm EV71 (+).

Các bác sĩ cảnh báo dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ngoài số người tái nhiễm COVID-19 gia tăng, người dân phía Bắc, đặc biệt ở Hà Nội nên cảnh giác nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Hoa Kỳ áp thuế lên gần 195% với gỗ dán Việt dùng nguyên liệu từ Trung Quốc

Chiều 09/08, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết luận sơ bộ việc điều tra với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập từ Việt Nam.

Cụ thể, theo kết luận của DOC, gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập từ Trung Quốc.

Hiện với Trung Quốc, Hoa Kỳ đang áp dụng mức thuế chống bán phá giá với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng là 183.36% và mức thuế chống trợ cấp là từ 22.98% đến 194.9%.

Cũng theo kết luận của DOC, với sản phẩm gỗ này nếu được sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác sẽ không bị áp dụng 2 loại thuế trên. DOC gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17/10/2022.

Theo thống kê của hải quan Hoa Kỳ, trong 4 năm từ 2018 đến 2021, kim ngạch xuất cảng gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang nước này liên tục tăng. Với mức tăng trung bình lên tới 52%/năm, kim ngạch đã tăng từ hơn 112 triệu USD năm 2018 lên gần 357 triệu USD năm 2021.

Đặc biệt năm 2019, kim ngạch xuất cảng gỗ dán của Việt Nam đã tăng gấp đôi năm 2018, vượt mốc 200 triệu USD. So với năm trước khi khởi xướng điều tra (2019), kim ngạch xuất cảng gỗ dán của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2021 đã tăng 57.6%.


Giá thép giảm lần thứ 13 liên tiếp, tới hơn 1.3 triệu đồng/tấn

Từ chiều 08/08, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp tục thông báo hạ giá với sản phẩm thép. Đáng chú ý tại miền Trung, thương hiệu thép Pomina có mức điều chỉnh mạnh, giảm tới 1.31 triệu đồng/tấn với thép cuộn.

Hiện tại sau điều chỉnh, giá thép tại Việt Nam dao động mức thấp nhất là 14.75 triệu đồng/tấn, và mức cao nhất 16.39 triệu đồng/tấn.

Như vậy, tính từ 11/05, đây là lần thứ 13 liên tiếp giá thép nội địa giảm với tổng mức giảm lên đến 4-5 triệu đồng/tấn. Đây cũng là lần giảm thứ 2 liên tiếp chỉ trong đầu tháng 8.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, hiện các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Nhiều nhà máy đã buộc phải phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí phải dừng sản xuất.

Bên cạnh đó, việc EU bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu bị điều chỉnh có thể sẽ khiến việc xuất cảng sắt thép của Việt Nam sang thị trường này giảm.

Theo VSA, những tháng cuối năm, thị trường thép sẽ còn khó khăn khi dự báo giá thép xây dựng tiếp tục giảm. Lượng tiêu thụ mặt hàng này từ tháng từ 7 đến tháng 9 sẽ không sôi động do bước vào mùa mưa, nhiều công trình xây dựng sẽ chậm tiến độ.


Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng mạnh

Bộ Y tế cho biết, hôm 09/08, Việt Nam ghi nhận hơn 2,300 ca COVID-19 mới, tăng hơn 600 ca so với hôm 08/08. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong gần 90 ngày qua.

Hiện, có hơn 100 bệnh nhân đang thở oxy, 11 ca thở máy. Trong ngày, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong. Tổng số bệnh nhân tử vong từ đầu dịch đến nay là gần 43,100 trường hợp, chiếm 0.4% so với tổng số ca nhiễm.


Sài Gòn: 80% mẫu bệnh tại bệnh viện nhiễm biến thể BA.5

Tại Sài Gòn, theo số liệu ngày 09/08 của Sở Y tế, trong tuần qua, trung bình mỗi ngày thành phố ghi nhận 144 ca nhiễm COVID-19 mới, tăng 10 ca/ngày so với tuần trước. Bên cạnh đó, số ca nhập viện có xu hướng tăng, số ca nặng tăng gần gấp đôi so với tuần trước. Hiện có 7 ca đang thở máy xâm lấn.

Kết quả giám sát cộng đồng từ ngày 01/01 đến 15/07 ghi nhận 20/429 mẫu bệnh mang biến thể phụ BA.5 của Omicron. Hơn 400 mẫu còn lại mang biến thể phụ BA.2 của Omicron, Delta, BA.1, BA.4, BA.2.12.1

Trong khi đó, khảo sát tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ ngày 14/07 đến 30/07 trên 30 bệnh nhân nội trú và bệnh nhân đến xét nghiệm cho thấy, có 24 mẫu bệnh nhiễm biến thể phụ BA.5 (chiếm 80%).


Bão số 2 giật cấp 11, hướng Quảng Ninh, Hải Phòng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lúc 7h sáng 10/08, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 480 km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 2 (tên quốc tế là Mulan) cập nhật lúc 7h ngày 10/08/2022 (theo giờ Việt Nam). (Nguồn: NCHMF)

Đến 7h sáng 11/08, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Tây Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 70 km về phía Nam, cách Hải Phòng khoảng 110 km về phía Đông, cách Thái Bình khoảng 150 km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ với sức gió xuống dưới cấp 6.


Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển; mưa lớn khu vực Bắc Bộ

Do ảnh hưởng của bão số 2 (tên quốc tế là Mulan), khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.

Khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ chiều tối và đêm 10/08 gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định đề phòng sóng lớn, triều cường gây ngập úng tại vùng trũng, thấp trong ngày 11/08.

Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh.

Trên đất liền, từ chiều tối 10/08 đến ngày 12/08, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa trên 250 mm/đợt.


Hà Nội ra công điện ứng phó với bão số 2

Theo nhận định của cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ chiều tối và đêm 10/08 đến ngày 12/08, Hà Nội có mưa to đến rất to và dông. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các khu đô thị, vùng trũng thấp, ven sông.

Trong tối 09/08, thành phố đã ra công điện về việc ứng phó với cơn bão Mulan, trong đó, yêu cầu tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình tiêu thoát nước;

Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan sẵn sàng các phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là các quận nội thành; tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, chuẩn bị ứng trực giải tỏa cây đổ, bảo đảm phương án cấp điện phục vụ tiêu úng.

Vụ Việt Á: Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, sáng 29/7/2022. (Ảnh: baokiengiang.vn)

Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế, bị kỷ luật vì liên quan đến những sai phạm trong phòng dịch COVID-19, đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm…

Chiều 10/8, ông Phạm Hoàng Nam, Chủ nhiệm UBKT, đại diện Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang công bố quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang.

Trước đó, ngày 20/7, tại kỳ họp thứ 10, UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang đề nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Hà Văn Phúc, vì những sai phạm trong lãnh đạo, điều hành công tác phòng dịch, đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm COVID-19.

Theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang, với trách nhiệm là người đứng đầu Sở Y tế, nhưng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ông Hà Văn Phúc thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát dẫn đến bản thân và một số cán bộ, đảng viên trong đảng bộ còn có sai phạm.

Cá nhân ông Phúc ký ban hành một số văn bản không đúng thẩm quyền; chỉ định thầu mua hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm không đúng quy định của luật Đấu thầu; không tận dụng nguồn lực tài trợ, viện trợ để thực hiện công tác phòng dịch là không tiết kiệm, gây lãng phí, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Những vi phạm của ông Phúc gây dư luận trong cán bộ, đảng viên và người dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Sở Y tế và cá nhân ông.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Kiên Giang, trong 2 năm 2020 – 2021, toàn bộ hóa chất, sinh phẩm kit xét nghiệm COVID-19 của tỉnh Kiên Giang đều do Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Kiên Giang ký hợp đồng mua sắm với Công ty Việt Á, tổng cộng 4 gói thầu. Trong đó, Sở Y tế Kiên Giang ký 2 hợp đồng trị giá hơn 58 tỷ đồng; CDC Kiên Giang ký 2 hợp đồng trị giá gần 790 triệu đồng.

Cả 2 gói thầu do Sở Y tế ký đều mua với giá cao hơn các mặt hàng cùng loại khác như: mua Cloramin B cao hơn 25.000 đồng/kg, mua kit test cao hơn từ 67.500 – 72.500 đồng/test.

Đối với 2 gói thầu trị giá gần 790 triệu đồng do CDC Kiên Giang thực hiện cho công ty Việt Á trúng thầu, cả 3 báo giá đều do công ty Việt Á cung cấp; trong đó có công ty con của công ty Việt Á và công ty không sản xuất hoặc kinh doanh thiết bị, dụng cụ y tế.

Phạm Toàn

Related posts