Thiên tai tại TQ: Nơi hạn hán kỷ lục, nơi mưa xối xả cuốn trôi nhiều nhà cửa

Mộc Vệ

Trong tháng qua, gần một nửa đất nước Trung Quốc đã bị bao phủ nhiệt độ cao khiến vùng hạn hán mở rộng gây ảnh hưởng nguồn cung cấp điện và nguy cơ mùa màng. Trái lại nhiều tỉnh miền bắc Trung Quốc thì hứng chịu những trận mưa lũ xối xả. Dự kiến ​​tình hình thời tiết hạn hán và lũ lụt này sẽ tiếp tục kéo dài trong một tuần tới.

Hôm 21/8 Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo hạn hán màu da cam. (Mạng Khí tượng Trung Quốc).


Nhiệt độ cao bao trùm một nửa diện tích Trung Quốc

Vào lúc 6:00 sáng Chủ nhật, Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc lại đưa ra cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ. Dự kiến ​​trong ngày 21/8, các vùng như nam Cam Túc, nam Thiểm Tây, Hà Nam, An Huy, nam Giang Tô, Thượng Hải, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, vùng trung tâm và phía đông Tứ Xuyên, Trùng Khánh, đông và bắc Quý Châu, đông bắc Vân Nam, bắc Quảng Đông, bắc Quảng Tây… có nhiệt độ cao từ 35 – 39 ℃.

Trong đó, nhiệt độ cao nhất ở các khu vực phía nam Thiểm Tây, đông Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc, trung và bắc Hồ Nam, đông nam An Huy, tây bắc Giang Tây, trung và nam Chiết Giang có thể lên tới trên 40°C. Nhìn chung khoảng 17 tỉnh, khu tự trị và thành phố của Trung Quốc sẽ phải hứng chịu thời tiết nhiệt độ cao cực đoan.

Kể từ ngày 21/7 đến nay, Trung Quốc đã trải qua 32 ngày liên tiếp có cảnh báo nhiệt độ cao, trong đó ngày thứ 10 liên tiếp cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ.

Vào lúc 18:00 tối thứ Bảy, Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc đã công bố danh sách nhiệt độ cao của 10 khu vực hàng đầu trong ngày hôm đó cho thấy, cả 10 khu vực đều ở Trùng Khánh và nhiệt độ đều trên 43,7℃.

Dự báo đến ngày 25/8, Trùng Khánh vẫn duy trì thời tiết nắng nóng trên diện rộng, có thể lên tới 43 – 45°C ở một số khu vực. Tính từ ngày 1/7, trung bình tổng số ngày ở Trùng Khánh chịu nhiệt độ cao có thể lên tới 40,8 ngày, là mức được cho là cao nhất được biết đến kể từ khi Trung Quốc có lưu dữ liệu khí tượng.

Đài khí tượng Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng: “Trong tháng qua, khoảng 4,5 triệu km vuông đất liền Trung Quốc đã trải qua nhiệt độ từ 35°C trở lên”. Mức nhiệt độ cao bao phủ vùng diện tích này chiếm khoảng một nửa tổng diện tích đất liền của Trung Quốc.

“Hơn 200 trạm quan trắc quốc gia đã quan sát thấy nhiệt độ cao kỷ lục, đặc biệt như nhiệt độ ở Bắc Bội – Trùng Khánh lên tới 45°C”, Đài khí tượng cho biết và dự đoán đợt nắng nóng sẽ kéo dài đến ít nhất là ngày 25/8.

5 tỉnh gồm Chiết Giang, Giang Tô, đông nam Phúc Kiến, tây nam Tứ Xuyên và trung tâm Hà Nam đã báo cáo các trường hợp say nắng và 2 trường hợp tử vong.

Cảnh báo hạn hán kỷ lục

Giữa đợt nắng nóng kỷ lục, Đài quan sát khí tượng Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo hạn hán quốc gia đầu tiên trong năm, là thông báo đầu tiên như vậy trong 9 năm.

Vào Chủ Nhật, Đài quan sát đã liên tục đưa ra cảnh báo hạn hán màu cam: nam Giang Tô, nam An Huy, tây nam Hà Nam, tây Hồ Bắc, phần lớn Chiết Giang, phần lớn Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, phần lớn Quý Châu, Trùng Khánh, phần lớn Tứ Xuyên, đông nam Cam Túc cùng trung và đông Tây Tạng phải hứng chịu những đợt hạn hán từ trung bình đến nghiêm trọng, có nơi đặc biệt nghiêm trọng.

Dự báo trong 3 ngày tới hầu hết các vùng khô hạn nói trên vẫn duy trì nhiệt độ cao, mưa ít, hạn hán do khí tượng sẽ tiếp tục diễn biến.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay mực nước ở con sông dài nhất Trung Quốc là sông Dương Tử đã xuống mức thấp kỷ lục khiến phần lớn tuyến đường thủy chính không còn hoạt động, trong khi mực nước ở hồ nước ngọt lớn nhất là hồ Bà Dương (Poyang) đã giảm 75% – mức thấp nhất kể từ kỷ lục năm 1951.

Ở phía tây nam Trùng Khánh – một đô thị với hơn 31 triệu dân, có 66 con sông và 25 hồ chứa đã xảy ra tình trạng bị gián đoạn lưu lượng nước, ảnh hưởng đến gần 1 triệu cư dân và 59.000 ha đất nông nghiệp ở 34 huyện. Tuyến vận chuyển đường thủy trung và hạ lưu sông Dương Tử tính từ trung tâm Hồ Nam đến An Huy đã bị đóng cửa.

Do nhiệt độ cao liên tục lên tới 43°C, sông Gia Lăng nổi tiếng ở Trùng Khánh đã khô cạn nhìn được đến đáy. Các đảo ở thôn Ngũ Đài, thị trấn Song Hà Khẩu, quận Ba Nam của sông Dương Tử, quanh năm chìm trong nước, nay cũng lộ ra trên mặt sông. Trên bãi đá ngầm, người dân địa phương đã phát hiện 3 bức tượng tạc trên vách đá thu hút sự chú ý .

Theo những bức ảnh được các cư dân mạng Trung Quốc tiết lộ, mực nước của đoạn Ba Nam của sông Dương Tử ở Trùng Khánh đã giảm xuống đáng kể. Tại khu vực lân cận thôn Ngũ Đài, thị trấn Song Hà Khẩu, huyện Ba Nam, đảo Phật Gia Lương quanh năm bị nhấn chìm dưới sông, đã trồi lên khỏi mặt nước. Trong 3 bức tượng được tạc trên vách đá, tượng ở giữa đặc biệt nổi bật là lông mày cong, mắt hơi mở, miệng mím, tai to, tay kết ấn và ngồi trên đài sen, chiều cao khoảng 95 cm. Hai bên là các tượng nhỏ, ngồi trên bệ, chiều cao của tượng bên trái khoảng 25 cm, chiều cao của tượng ở bên phải khoảng 20 cm.

3 tượng Phật được tạc trên vách đá ở đảo đá ngầm dưới đáy sông ở đoạn Ba Nam, Trùng Khánh, của sông Dương Tử. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình Weibo)

Các chuyên gia xác định sơ bộ, các bức tượng trên vách đá được dựng vào thời nhà Minh, nhà Thanh và có lịch sử gần 600 năm.

Theo giải thích của một nhà nghiên cứu của Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Trùng Khánh, các bức tượng trên vách đá này nằm trên đảo ở giữa sông, thuộc tuyến đường trên sông Dương Tử. Mục đích của nó có khả năng là để đảm bảo an toàn cho tàu bè qua lại trên sông.

Tuy nhiên, với tình hình nhiệt độ cao tiếp tục trong thời gian tới, và thậm chí làm khô sông Gia Lăng ở Trùng Khánh, mực nước của đoạn Ba Nam, Trùng Khánh của sông Dương Tử đã giảm xuống, và sự xuất hiện của 3 tượng Phật tạc trên vách đá đã khiến người dân không khỏi lo lắng về một cảnh báo “chẳng lành”.

Có cư dân mạng để lại bình luận nói, “Sai, sự xuất hiện của vách đá này có nghĩa là nhiệt độ cao lần này là 600 năm mới có một lần …”

“Virus corona mới liên tục đột biến, và gần đây đã xuất hiện virus Langya, cũng như những trận mưa lớn, lũ lụt và hạn hán .. . Đúng là tai họa dồn dập … Người dân Trung Quốc thực sự đáng thương.”

Ngoài ra, nhiệt độ cao và ít mưa đã tiếp tục diễn ra khắp Tứ Xuyên trong vài ngày qua. Một số cư dân mạng đã đăng một bức ảnh so sánh giữa Lạc Sơn Đại Phật vào ngày 18/8/2020 và ngày 18/8/2022. Năm nay, tượng Phật khổng lồ, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố Lạc Sơn, lộ ra độ cao của “bậc chân”, cho thấy mực nước năm nay đã giảm hơn 10 mét. So với hai năm trước, nước sông dâng cao nhấn chìm bậc đá dưới ngón chân tượng Phật.

Tối ngày 17/8, khu vực Bắc Sơn Bình ở đường Giang Bắc, quận Phù Lăng, thành phố Trùng Khánh, xảy ra cháy rừng. Sau 11 giờ, vụ cháy đã được dập tắt vào sáng ngày 18/8, nhưng vào tối cùng ngày ngọn lửa tiếp tục bùng phát ở khu vực phố Giang Bắc. Báo cáo chính thức cho biết vào sáng ngày 19/8, đám cháy ở Thạch Yến Bồn, quận Phù Lăng mới được dập tắt.

Cũng trong ngày 17/8, ngoài phố Giang Bắc, khu vực phố Gia Lăng cũng xảy ra cháy rừng.

Nguy cơ mùa màng

Bối cảnh thời tiết khắc nghiệt này diễn ra vào ngay thời điểm quan trọng đối với vụ thu hoạch nhiều loại cây trồng (lúa, đậu tương…). Một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Trung Quốc nói với CCTV: “Tháng Tám là thời điểm lúa trổ bông, nhiệt độ cao này sẽ gây ảnh hưởng xấu nghiêm trọng đến năng suất mùa màng”.

Hôm thứ Bảy, Tứ Xuyên đã ban hành phản ứng khẩn cấp 3 về thiên tai rằng 819.000 người cần được hỗ trợ khốn khó về vấn đề nước sinh hoạt do hạn hán, diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán là 431.000 ha, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng 433.000 ha, diện tích mất mùa là 47.000 ha, thiệt hại kinh tế trực tiếp là 3,5 tỷ nhân dân tệ.

Ở phía đông tỉnh Giang Tô đã không có mưa trong 3 tuần và nhiệt độ buổi chiều lên tới 40°C đủ để làm khô lá đậu tương, tờ South China Morning Post cho biết.

Người nông dân 70 tuổi họ Zheng nói: “Trong đời tôi chưa bao giờ thấy hạn hán nghiêm trọng như vậy. Có vẻ như cây cối sẽ chết vào buổi trưa. Chúng sẽ hồi phục một chút vào buổi tối khi thời tiết mát mẻ, nhưng lá sẽ héo lại vào sáng hôm sau”.

Hiện ông đang lo lắng rằng sản lượng năm nay sẽ giảm 30%, “Nhiệt độ trong thời kỳ đậu nành ra hoa không nên quá cao. Nhiệt độ lý tưởng là khoảng 30°C”.

Nhiều tỉnh phải thúc đẩy giảm tiêu thụ điện

Các đợt nắng nóng kéo dài và nguồn nước giảm cũng gây ra tình trạng khủng hoảng năng lượng.

Một số tỉnh đã áp dụng hạn chế sử dụng điện liên quan nhiều hoạt động khác nhau. Tiêu biểu như tỉnh thủy điện lớn của Trung Quốc là Tứ Xuyên đã phải đóng cửa tất cả các nhà máy trong 6 ngày, một số tòa nhà văn phòng tắt điều hòa. Tờ báo địa phương Nhật báo Tứ Xuyên (Sichuan Daily) kêu gọi mọi người đi thang bộ thay vì thang máy.

“Công suất thủy điện của tỉnh đã giảm hơn 50%”, một kỹ sư tại Công ty Điện lực Tứ Xuyên cho biết trên trang web của công ty. Thủy điện chiếm khoảng 80% nguồn cung cấp điện của Tứ Xuyên.

Tại Trùng Khánh, để tiết kiệm năng lượng, cơ quan chức năng buộc phải bật chế độ mờ đối với quảng cáo ngoài trời, đèn tàu điện ngầm và biển hiệu tòa nhà…

The Paper đưa tin hôm thứ Bảy rằng 865 doanh nghiệp công nghiệp ở Bành Châu đã được đưa vào phạm vi tiêu thụ điện có trật tự, tổng số 750 doanh nghiệp công nghiệp đã phải tạm nghỉ vì nhiệt độ cao, 56 trạm sạc đang hoạt động trong thành phố đã thực hiện hạn chế thời gian tiêu thụ.

Mưa lũ lớn ở phía bắc Trung Quốc

Ở Trung Quốc không chỉ đang trải qua hạn hán vì nhiệt độ cao kỷ lục mà một số nơi khác lại diễn ra cảnh trái ngược khi hứng chịu những trận mưa lớn và lũ lụt chết người làm nhiều nhà cửa bị cuốn trôi và hàng ngàn người phải di dời.

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc hôm thứ Bảy cảnh báo những nơi như Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Sơn Tây, Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, Sơn Đông, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Vân Nam, Quảng Tây… sẽ phải đối mặt với mưa lớn trong tuần tới, có nơi mưa cực lớn.

Tờ The Paper vào thứ Bảy dẫn lời ông Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Li Guoying dự đoán rằng trong tuần tới Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng lũ lụt và hạn hán chồng chất nghiêm trọng.

Ông Li Guoying cho biết từ tình hình cho thấy vấn đề hạn hán ở các khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử, hồ Phàn Dương và hồ Động Đình sẽ tiếp tục phát triển; hệ thống nước ở một số lưu vực như tại sông Tùng Hoa, sông Hải Hà, thượng lưu và trung lưu sông Hoàng Hà, đặc biệt là vùng Nội Mông và thượng lưu của dòng chính Bắc và sông Vị, Hải Nam và các sông ven biển ở lưu vực sông Tây Giang sẽ có khả năng xảy ra lũ cao vì mưa tương đối mạnh.

Vào thứ Sáu, nhiều nơi ở phía bắc Trung Quốc đã có mưa lớn hoặc mưa xối xả, bao gồm ở Thiên Tân, Đường Sơn và Tần Hoàng Đảo (Hà Bắc), Hồ Lô Đảo (Liêu Ninh), Miên Dương (Tứ Xuyên), một số nơi khác ở tỉnh Hà Bắc… (mức từ 266 – 330 mm); lượng mưa hàng giờ tối đa là 30 – 60 mm, trong đó có những khu vực đến hơn 80 mm.

Theo các nguồn tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, lúc 22:25 ngày 17/8, một trận mưa lớn bất ngờ tại huyện Đại Đồng, thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải đã gây ra lũ quét, sạt lở và chuyển hướng chảy dòng sông, khiến gần 6245 người thuộc 1517 hộ gia đình tại 2 thị trấn và 6 thôn bị ảnh hưởng. Tính đến nay đã có 23 người thiệt mạng và 8 người vẫn mất tích. Hiện sở chỉ huy mặt trận đã được thành lập, với tổng số hơn 2.000 người và hơn 160 phương tiện được cứu hộ, cứu nạn, công tác cứu hộ đang được tiến hành. Những người dân bị ảnh hưởng cho biết lũ quét đến quá bất ngờ, nhiều người cho hay vẫn bị mất liên lạc với người thân gia đình.

Ngoài ra, hôm 13/8 một trận lũ quét bùng phát ở Bành Châu tỉnh Tứ Xuyên khiến nhiều du khách đang chơi đùa trên sông thì mực nước bất ngờ dâng cao làm nhiều người bị lũ cuốn trôi, ít nhất 7 người chết. Từ tối 15/7 – sáng 16/7, mưa lớn liên tục ở phía Tây huyện Bắc Xuyên tỉnh Tứ Xuyên cũng gây ra lũ quét khiến 6 người thiệt mạng và 12 người mất liên lạc.

https://youtu.be/yEiKaoSO3Ck

Mộc Vệ

Related posts