Các cuộc đụng độ nổ ra giữa Azerbaijan và Armenia hôm thứ Tư (14/9) đã chứng kiến cảnh tượng bạo lực đẫm máu nhất kể từ năm 2020, bất chấp những nỗ lực hòa giải không ngừng của cộng đồng quốc tế đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết đất nước nhỏ bé và không giáp biển của ông đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (Collective Security Treaty Organization – CSTO) do Moscow lãnh đạo giúp khôi phục toàn vẹn lãnh thổ sau khi hứng chịu các cuộc tấn công của Azerbaijan.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết: “Nếu chúng tôi nói rằng Azerbaijan đã thực hiện hành động gây hấn chống lại Armenia, điều đó có nghĩa là họ đã thiết lập được quyền kiểm soát đối với một số vùng lãnh thổ ở Armenia”.
Ông Pashinyan cho biết 105 quân nhân người Armenia đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra xung đột, và Jermuk – một ngọn núi thị trấn spa và trung tâm của cộng đồng đô thị của Jermuk trong tỉnh Vayots Dzor ở phía nam của Armenia – được biết đến với các suối nước nóng, đã bị bắn phá.
Bạo lực bùng phát hôm thứ Ba (13/9) dọc biên giới Armenia với Azerbaijan đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi bình tĩnh và quốc tế kêu gọi kiềm chế. Trong đó Baku (thủ đô của Azerbaijan) đổ lỗi cho Yerevan (thủ đô của Armenia).
Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Paruyr Hovhannisyan nói với tờ Reuters rằng các cuộc đụng độ có thể leo thang thành chiến tranh – một cuộc xung đột vũ trang lớn thứ hai ở Liên Xô cũ trong khi quân đội Nga tập trung vào cuộc xâm lược Ukraine.
Một cuộc xung đột toàn diện sẽ có nguy cơ kéo theo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời gây mất ổn định một hành lang quan trọng cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt. Thêm vào đó, chiến tranh ở Ukraine cũng góp phần làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng.
Azerbaijan cáo buộc Armenia đã pháo kích vào các đơn vị quân đội của họ. Armenia là quốc gia nằm trong liên minh quân sự với Moscow và là nơi có căn cứ quân sự của Nga.
Baku báo cáo có 50 quân nhân tử vong trong ngày giao tranh đầu tiên và hôm 14/9 cho biết hai dân thường đã bị thương.
“Các đơn vị của chúng tôi đang thực hiện các biện pháp đáp trả cần thiết”, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết.
Bộ Quốc phòng Armenia, đã phủ nhận việc pháo kích vào các vị trí của Azerbaijan, cho biết cuộc giao tranh hôm thứ Tư đã phần lớn lắng xuống vào giữa trưa cùng ngày.
Reuters đã không thể xác minh ngay lập tức các tuyên bố trên chiến trường từ cả hai phía.
Hiệu quả của ngoại giao
Xung đột bùng phát đã kéo theo mối quan tâm quốc tế, trong đó Nga, Hoa Kỳ, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao.
Baku cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã gặp cố vấn Philip Reeker của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó yêu cầu Armenia phải rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ của Azerbaijan.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 13/9 cho biết, Nga có thể “thúc đẩy căng thẳng” hoặc sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp “xoa dịu căng thẳng”.
Ông đã tổ chức các cuộc gọi riêng với Tổng thống Pashinyan của Armenia và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev để kêu gọi một lệnh ngừng bắn, và đặc biệt bày tỏ lo ngại về việc pháo kích sâu vào lãnh thổ Armenia.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, trong cuộc điện đàm với những người đồng cấp của cả hai nước, cũng kêu gọi “chấm dứt các cuộc tấn công chống lại Armenia”.
Đại diện đặc biệt của EU Toivo Klaar đã có mặt tại nam Caucasus vào hôm 14/9 để tạo điều kiện cho đối thoại. CSTO cũng đã cử một phái đoàn đi đánh giá tình hình biên giới.
Tổng thống Pashinyan đã rút khỏi hội nghị thượng đỉnh CSTO ở Uzbekistan vào thứ Năm và thứ Sáu mà ông dự định sẽ tham dự, hãng tin Sputnik trích dẫn thông tin từ văn phòng truyền thông chính phủ cho biết.
Trong một diễn biến khác liên quan đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, lực lượng biên phòng Kyrgyzstan và Tajik đã trao đổi với nhau tại Trung Á hôm thứ Tư trong một cuộc tranh chấp về đường biên giới của hai quốc gia, các quan chức cả hai bên cho biết.
Armenia và Azerbaijan đã xung đột trong nhiều thập kỷ tại Nagorno-Karabakh, một vùng núi được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên cho đến năm 2020, toàn bộ cư dân Armenia đã kiểm soát lãnh thổ này với sự hậu thuẫn từ Yerevan.
Azerbaijan đã giành được nhiều lãnh thổ đáng kể trong và xung quanh Nagorno-Karabakh trong một cuộc chiến kéo dài sáu tuần vào năm đó.
Kể từ đó, các cuộc giao tranh đã nổ ra định kỳ bất chấp lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian và các bước đi dự kiến của cả hai bên nhằm đạt được một giải pháp hòa bình toàn diện hơn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Thái độ của Armenia đối với Azerbaijan sẽ mang lại hậu quả
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 14/9 cho biết, thái độ của Armenia đối với Azerbaijan là không thể chấp nhận được và sẽ gây ra hậu quả, sau nhiều ngày đụng độ giữa hai nước láng giềng.
Ông Erdogan phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng tôi thấy tình huống xảy ra do Armenia vi phạm thỏa thuận – đạt được sau cuộc chiến (2020) dẫn đến chiến thắng của Azerbaijan – là không thể chấp nhận được”.
Armenia và Azerbaijan, vốn đã có mâu thuẫn trong nhiều thập kỷ xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh. Hai bên cáo buộc đối phương bắt đầu một loạt các cuộc đụng độ biên giới nổ ra vào cuối ngày thứ Hai (12/9).
“Chúng tôi hy vọng rằng Armenia sẽ bước ra khỏi con đường sai lầm này càng sớm càng tốt và tận dụng thời gian cũng như năng lượng của mình để củng cố hòa bình”, Erdogan nói thêm.
“Thái độ này tất nhiên sẽ gây ra hậu quả cho phía Armenia, không những không thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận đã ký mà còn liên tục thể hiện thái độ gây hấn”.
Một cuộc xung đột ở Nam Caucasus, nơi giao nhau của châu Âu, châu Á và Trung Đông, có thể kéo theo các cường quốc như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời gây nguy hiểm cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt của Caspi về phía tây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thảo luận về cuộc giao tranh gần đây khi họ gặp nhau tại Samarkand, Uzbekistan vào cuối tuần này, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 14/9.
Lam Giang