Đúng ngày ông Tập phát biểu, 60% chuyến bay toàn Trung Quốc bất ngờ bị hủy

Trần Phong

Hôm 21/9, ĐCSTQ đã tổ chức một buổi hội thảo quốc phòng và cải cách quân đội tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency), tại cuộc họp, ông Tập Cận Bình nói rằng quân đội Trung Quốc “phải nắm bắt tình hình mới và các yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời tập trung chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh”.

Theo chuyên gia các vấn đề thời sự Lý Mộc Dương,đây không phải là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vấn đề “chuẩn bị cho chiến tranh”, mọi người không lạ gì với nhận xét của Tập, nhưng một sự việc khác đã xảy ra cùng ngày 21/9 làm tăng thêm một chút đồn đoán.

Hôm 21/9, nhiều sân bay ở Trung Quốc đã hủy các chuyến bay trên diện rộng, với tỷ lệ hủy chuyến trên toàn Trung Quốc lên tới gần 60%. Sự việc này xuất hiện cùng ngày với bài phát biểu “chuẩn bị chiến tranh” của ông Tập Cận Bình, không biết đó chỉ là một trùng hợp hay thực sự có liên quan.

Nhà bình luận Lý Mộc Dương cho hay, ban đầu, một số cư dân mạng đại lục đã đăng ảnh chụp màn hình trong cuộc trò chuyện nhóm. Sân bay Phố Đông Thượng Hải hủy 381 chuyến bay, sân bay Hồng Kiều Thượng Hải hủy 145 chuyến; Sân bay Bôn Ngưu Thường Châu tỉnh Giang Tô hủy 41 chuyến; Sân bay Lộc Khẩu Nam Kinh tỉnh Giang Tô hủy 218 chuyến; sân bay Bạch Vân Quảng Châu tỉnh Quảng Đông hủy 295 chuyến; Sân bay Cao Khi Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến hủy trong số 184 chuyến bay.

Kiểm tra các thông tin liên quan, nhà bình luận – phân tích Lý Mộc Dương thấy đúng là có một số lượng lớn các chuyến bay đã bị hủy tại các sân bay trên cả nước, không chỉ các sân bay ở vùng ven biển bị hủy trên diện rộng mà ngay cả Tây Tạng cũng bị hủy chuyến bay trên quy mô lớn.

Sau khi xác minh, Triệu Lan Kiên, một người từng làm truyền thông ở Trung Quốc đại lục, cũng xác nhận rằng “hơn một nửa số chuyến bay đã bị hủy” trên khắp Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình cho thấy tính đến 10:49 phút sáng theo giờ địa phương, tổng cộng có 12.932 chuyến bay nội địa được lên lịch bay thì có 6.792 chuyến bị hủy. Số lượng các chuyến bay bị hủy sau đó tiếp tục tăng, vào khoảng 10 giờ tối theo giờ địa phương ngày 21/9, tổng số 7.807 chuyến bay đã bị hủy. Tỷ lệ hủy chuyến bay toàn Trung Quốc cao tới 59,66%.

Vì nhiều chuyến bay đột ngột bị hủy khiến nhiều người đang tìm kiếm lý do, tờ First Financial của đại lục đã đăng Weibo và nói rằng, kể từ khi đại dịch Covid – 19 bùng phát việc hủy chuyến bay là “bình thường”.h

VariFlight, công ty hàng đầu về dịch vụ dữ liệu chuyến bay toàn cầu ở Trung Quốc, cũng cho rằng nguyên nhân của việc hủy chuyến bay quy mô lớn là do dịch bệnh. VariFlight thậm chí còn cho biết tình trạng các chuyến bay trên cả nước hôm nay về cơ bản là ổn định và bình thường, không có biến động gì.

Tuy nhiên, Triệu Lan Kiên cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng anh đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt để hỏi một chuyên gia tại đại lục, và câu trả lời mà anh nhận được rất khác với tuyên bố của VariFlight và First Financial.

Triệu Lan Kiên cho biết: “Việc hủy bỏ chuyến bay quy mô lớn này phải được lệnh của quân đội. Quyền kiểm soát không lưu được quyết định bởi quân đội Trung Quốc, và sau đó các mệnh lệnh được ban tới cơ quan quản lý hàng không dân dụng. Vùng trời được dành để cho máy bay quân sự tự do bay. Đây là một kế hoạch quân sự, hoặc ít nhất là có các cuộc diễn tập vũ khí”

Bên dưới bài đăng này, một số cư dân mạng bình luận: “Chỉ có những chỉ thị trong quân đội mới có thể làm được điều này”. 

Ngoài ra Epoch Times cũng dẫn lời một số cư dân mạng nói: “Đó hẳn là một sự kiện lớn, và nó không phải vì dịch bệnh, mà có động cơ chính trị hoặc quân sự.”

Có cư dân mạng còn nói: “Để dọn đường cho sự cố tương tự như ở Wendur Khan.” (Theo cuốn “Giản sử đại Cách mạng Văn hóa”, ngày 13/9/1971, chiếc máy bay chở Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lâm Bưu và vợ con đã bị rơi ở Wendur Khan, Mông Cổ, cả ba người đều mất mạng)

“Có lẽ đó là để ngăn một quan chức cấp cao bỏ trốn? Hãy chơi lại cuộc chiến băng đảng giữa Mao và Lâm Bưu.”

Các suy đoán của cư dân mạng được đưa ra và mỗi người có một quan điểm riêng, tuy nhiên, theo nhà bình luận Lý Mộc Dương, trong số nhiều tài khoản khác nhau, có tương đối nhiều người giữ quan điểm rằng có “điều gì đó lớn sắp xảy ra”. 

RFA: Ít nhất 22 người chết đói, 600 bị bắt vì biểu tình chống phong tỏa ở Tân Cương

Mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục thực thi chính sách “zero COVID” nhưng dịch bệnh vẫn lây lan khiến dư luận bất bình. Mới đây, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin rằng do thành phố Y Ninh ở phía bắc Tân Cương bị phong tỏa trong thời gian dài khiến ít nhất 22 người chết vì đói hoặc thiếu chăm sóc y tế.
Hình ảnh người dân Tân Cương xếp hàng làm xét nghiệm axit nucleic, trong đêm đi siêu thị mua đồ ăn trước khi phong tỏa. (Ảnh: Cắt từ video)

Thành phố Y Ninh thuộc Tân Cương phong tỏa, 22 người chết đói trong một ngày

Theo RFA, có khoảng 500.000 người sống ở thành phố Y Ninh, Tân Cương. Hầu hết cư dân là người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo dân tộc Turk. Kể từ khi thành phố phong tỏa vào đầu tháng 8, liên tục có thông tin về người dân địa phương chết vì đói hoặc thiếu thuốc.

Tuần trước, để khôi phục lại cuộc sống bình thường, người dân thành phố Y Ninh không còn cách nào khác phải xuống đường biểu tình ôn hòa, phản đối việc chính quyền không màng đến thực tế là người dân chết đói do phong tỏa thành phố. Được biết, hơn 600 người, hầu hết là thanh niên, đã bị chính quyền bắt giữ.

Sau khi các video biểu tình này được tải lên các nền tảng xã hội tại Trung Quốc Đại Lục, chúng nhanh chóng bị chính quyền kiểm duyệt và xóa bỏ. Mặc dù không thể xác nhận những cáo buộc trong những đoạn video này có phải là sự thật hay không, nhưng RFA đã xác nhận với các quan chức và cảnh sát thành phố Y Ninh rằng ít nhất 22 người đã chết vào ngày 15/9.

“20 người chết đói, đừng gọi nữa”, một quan chức từ cơ quan Dịch vụ khẩn cấp của thành phố Y Ninh trả lời và từ chối cung cấp thêm thông tin.

Một nhân viên bảo vệ ở một ngôi làng địa phương nói với RFA rằng ở chỗ họ có hai cư dân gần đây đã chết do thiếu đồ ăn.

Một quan chức cảnh sát Yining bác bỏ tin đồn lan truyền trên mạng xã hội rằng 100 người chết trong một ngày, nói rằng số người chết là “khoảng 21, 22”.

Theo một đoạn video chia sẻ trên Tiktok, một trong những người tử vong hôm 15/9 là Halmutar Ömerjan, chủ tịch một làng ở Y Ninh. Vợ của người này nói, “Họ đã giết chồng tôi … Không ai trả lời cuộc gọi của tôi.”

Góa phụ cũng cho biết trong đoạn video rằng sau khi bị cách ly 7 ngày, ông Halmutar Ömerjan đã được chuyển đến một nơi về cơ bản không ai có thể ở được, trước khi về nhà ông đã bị suy dinh dưỡng và có ai chăm sóc.

Châu tự trị dân tộc Kazakh Y Lê bị phong tỏa hơn 40 ngày, người dân đăng bài kêu cứu nhưng bị chặn

Trên thực tế, do Tân Cương bị phong tỏa và kiểm soát trong thời gian dài, các vấn đề như thiếu nguyên liệu và hạn chế tiếp cận thuốc men đã xảy ra ở địa phương, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước đó, nhiều người đã đăng bài viết kêu cứu lên các mạng xã hội.

Ông Abduweli Ayup, một học giả người Duy Ngô Nhĩ đã theo dõi tình hình ở Tân Cương từ nước ngoài trong một thời gian dài, bắt đầu chia sẻ video về những người Duy Ngô Nhĩ địa phương (Tân Cương) kêu gọi sự giúp đỡ thông qua Twitter vào đầu tháng Chín. Những đoạn video cầu cứu này cho thấy chính quyền địa phương nghiêm cấm người dân ra ngoài, có một số nhà còn bị bịt chặt cổng lại. Một số video cũng cho thấy mọi người phải thả dây thừng từ cửa sổ xuống tầng 1 để lấy đồ.

Theo lời kể của một cặp vợ chồng người Duy Ngô Nhĩ sống ở châu Âu vào giữa tháng này, cha mẹ già của cô ở Tân Cương đã gần một tuần không được ăn và phải hái lá cây ở trong sân vườn ở nơi bị phong tỏa để nấu canh. Họ cho biết bố mẹ mình đã bị chính quyền hạn chế ở trong nhà ít nhất 40 ngày.

Trên Weibo cũng có thông tin cho biết người dân ở địa phương không có cách nào để đi khám chữa bệnh. Ngày 8/9, một người dùng Weibo cho biết anh và con gái 2 tuổi đi khám bệnh, cháu bé bị sốt 39 độ và từng trình báo với bí thư của cộng đồng, nhưng không được bố trí đưa đi bệnh viện điều trị. Một cư dân mạng khác cũng cho biết, có những cụ già ngoài 80 tuổi không thể ăn cơm ở nhà một mình, vài trẻ nhỏ 4, 5 tuổi sốt 40 độ mà không có ai quản. Tuy nhiên, những bài viết cầu cứu đã lần lượt bị các quản trị mạng Đại Lục chặn lại.

Ngoài ra, các bài viết mô tả tình hình Y Ninh hỗn loạn do phong tỏa và thiếu hụt nguồn cung cấp đồ dùng thiết yếu trên WeChat cũng đã bị xóa. Đến ngày 11/9, Cục Công an thành phố Y Ninh thông báo đã bắt giữ 4 người nam với tội danh tung tin đồn trên mạng, kích động chống đối và gây rối trật tự thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Về vấn đề này, bà Vương Á Thu (Wang Yaqiu), một nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tiếng nói nước Đức (DW) rằng chính sách “zero COVID” đã trở thành một “vấn đề chính trị và ý thức hệ” ở Trung Quốc. Một khi chính sách phòng chống dịch trở thành một vấn đề ý thức hệ, Chính phủ Trung Quốc sẽ rất khó quay trở đầu.

Lê Tiểu Quỳ, Vision Times

Related posts