Tổng thống Kazakhstan chào đón những người Nga đang chạy khỏi đất nước’
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đang chào đón những người Nga chạy khỏi đất nước do lo ngại về lệnh tổng động viên.
Người Nga đã lũ lượt rời bỏ đất nước sau khi ông Putin phê duyệt việc điều động quân sự một phần hôm 21/9. Họ xuất cảnh sang các nước như Kazakhstan và Georgia. Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm thứ Ba rằng khoảng 98.000 người Nga đã chạy sang Kazakhstan trong vòng chưa đầy một tuần.
“Hầu hết họ [người Nga] buộc phải rời đi vì tình hình vô vọng”, ông Tokayev nói, theo AFP. “Chúng tôi phải chăm sóc họ.”
Tổng thống Kazakhstan cho biết tình hình hiện tại là “một vấn đề chính trị và nhân đạo”, tờ Kyiv Post đưa tin. Bộ Nội vụ Kazakhstan nói rằng văn phòng điều động di động tại một trạm kiểm soát biên giới sẽ hoạt động trong “tương lai gần”.
Ông Tokayev nói rằng chào đón những người Nga này là một phần của sự đoàn kết, thận trọng và khoan dung tạo nên “sức mạnh” của nhân dân đất nước ông. Ông gọi đây là “nguyên tắc then chốt” để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ đồng thời thừa nhận thực tế rằng một cuộc chiến đang diễn ra ở “vùng lân cận”, theo Kyiv Post.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Kazakhstan Aibek Smadiyarov cho biết hôm thứ Hai rằng ông Tokayev “đã nêu rõ tầm quan trọng của việc kiên định tuân thủ nguyên tắc luật pháp quốc tế” liên quan đến các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tại các vùng lãnh thổ Ukraine do Nga chiếm đóng, theo Astana Times của Kazakhstan.
Mặt khác, ông Tokayev đã cố gắng giữ thái độ trung lập nhất có thể trong khi xung đột Ukraine – Nga leo thang.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Hai rằng Bộ Quốc phòng Nga không buộc công dân Nga trở về từ Kazakhstan, Georgia và các quốc gia tị nạn khác, RIA Novosti đưa tin.
Ông Peskov cho biết thêm, cũng chưa có kế hoạch nào để ông Putin và ông Tokayev nói chuyện về khả năng trở lại của các công dân Nga đã rời đi.
Một số người Nga được huy động đã gọi đến đường dây nóng an ninh Ukraine để hỏi cách đầu hàng, Andriy Yusov, phát ngôn viên của Cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.
Nhật Minh
Iran: Nhóm nhân quyền cho biết đã có hơn 75 người biểu tình chết khi đàn áp gia tăng
Hơn 75 người đã chết trong cuộc đàn áp của chính quyền Iran trong 11 đêm bất ổn sau khi hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra trước cái chết của Mahsa Amini, theo một nhóm nhân quyền.
Số người chết chính thức của chính quyền Iran vẫn ở mức 41 người kể từ hôm thứ Bảy (24/9), bao gồm một số thành viên của lực lượng an ninh, khi đất nước bị rung chuyển bởi làn sóng biểu tình lớn nhất trong gần ba năm.
Những người biểu tình đã tiếp tục xuống đường vào tối thứ Hai như họ vẫn làm hàng đêm kể từ cái chết của Amini vào ngày 16/9, sau khi cô bị bắt vì bị cáo buộc vi phạm các quy định nghiêm ngặt của đất nước về khăn trùm đầu hijab và cách ăn mặc, các nhân chứng nói với AFP.
Tại Sanandaj, thủ phủ của tỉnh Kurdistan, quê hương của Amini, phụ nữ trèo lên nóc ô tô để xé khăn trùm đầu trước đám đông cổ vũ, trong khi không thấy cảnh sát, theo hình ảnh được công bố bởi nhóm Nhân quyền Iran (IHR) có trụ sở tại Oslo.
Trong khi đó, những đám đông ở Tehran đã hét lên “cái chết cho kẻ độc tài”, kêu gọi chấm dứt sự cai trị hơn ba thập kỷ của nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, 83 tuổi.
Video quay từ trên cao ở thành phố Tabriz cho thấy người biểu tình đối mặt với hơi cay do lực lượng an ninh bắn.
IHR cho biết ít nhất 76 người đã thiệt mạng trong các cuộc đàn áp biểu tình trong bối cảnh những hạn chế được chính quyền áp dụng trên internet, bao gồm cả các lệnh chặn Instagram và WhatsApp.
Các quan chức cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã thực hiện hơn 1.200 vụ bắt giữ. Những người bị bắt bao gồm các nhà hoạt động, luật sư và nhà báo cũng như những người biểu tình.
Hãng thông tấn Fars của Iran đưa tin, tại tỉnh Semnan, phía đông Tehran, trong số 155 người bị bắt có 26 phụ nữ.
Hãng thông tấn Tasnim cho biết tại tỉnh Gilan, một điểm nóng của các cuộc biểu tình gần đây trên bờ biển Caspi, lực lượng tình báo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng đã bắt giữ 12 người.
Tổ chức Freedom House của Mỹ hôm thứ Ba đã lên án hành động “đàn áp người dân” của Iran và kêu gọi “các chính phủ khác đứng về phía những người biểu tình can đảm này và buộc các quan chức Iran phải chịu trách nhiệm về những hành vi lạm dụng của họ”.
Căng thẳng với các cường quốc phương Tây gia tăng khi Pháp hôm thứ Hai đưa ra “lời lên án mạnh mẽ nhất” đối với “sự đàn áp bạo lực” của lực lượng an ninh, trong khi Đức triệu tập đại sứ Iran và Canada công bố các lệnh trừng phạt.
Một ngày trước đó, Liên minh châu Âu đã lên tiếng về cuộc đàn áp và Tehran cho biết họ đã gọi điện cho các phái viên của Anh và Na Uy.
Giám đốc IHR Mahmood Amiry-Moghaddam cho biết: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các bước thiết thực và dứt khoát để ngăn chặn việc giết hại và tra tấn người biểu tình.”
Có những video cho thấy cảnh sát đã bắn đạn thật vào đám đông người biểu tình, theo IHR, trong khi cảnh sát chống bạo động mặc áo giáp đen đã đánh những người biểu tình bằng dùi cui, và các sinh viên đã xé những bức ảnh lớn về nhà lãnh đạo tối cao và người tiền nhiệm quá cố của ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, trong đoạn video được AFP công bố gần đây.
Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, ít nhất 20 nhà báo đã bị bắt.
Giám đốc tư pháp Iran, Gholamhossein Mohseni Ejei, đã nhấn mạnh “sự cần thiết phải có hành động dứt khoát mà không cần sự khoan hồng” đối với “những kẻ chủ mưu biểu tình.”
Lê Vy (theo AFP)
Người giàu thứ 2 thế giới cảnh báo về khả năng Trung Quốc bị cô lập với thế giới
Ông Gautam Adani, chủ tịch tập đoàn Adani (người giàu thứ 2 thế giới hiện nay, xếp sau tỷ phú Elon Musk), nhận định rằng tác động từ cuộc khủng hoảng nhà đất cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc có thể khiến đất nước này bị cô lập với phần còn lại của thế giới, theo tờ Forbes.
Cụ thể, trong một cuộc hội thảo diễn ra hôm 27/9, ông Gautam Adani cảnh báo cuộc khủng hoảng nhà đất và tín dụng tại Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với những khó khăn mà nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt trong những năm 1990.
“Sự thay đổi về đường lối chính trị, việc thu hẹp chuỗi cung ứng cùng những rào cản trong việc tiếp cận với công nghệ sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc kết nối với phần còn lại của thế giới”, ông Adani cho hay.
Ngoài những yếu tố nêu trên, ông Adani cũng nhận định rằng những rào cản trong việc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ làm cản trở quá trình thực hiện những tham vọng toàn cầu của quốc gia này.
“Tôi dự báo rằng Trung Quốc, đất nước được xem là có chủ trương thúc đẩy toàn cầu hóa mạnh mẽ, sẽ ngày càng cảm thấy bị cô lập”, ông Adani cho biết.
Bên cạnh đó, ông Adani còn nhận định rằng Ấn Độ có tiềm năng phát triển lớn trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động, đồng thời dự đoán nước này đang trên đường phát triển thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030.
“Thế giới sẽ có sự chuyển dịch lớn. Sự tương tác giữa các quốc gia sẽ diễn ra theo hướng tự chủ hơn để giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng của mỗi nước. Những yếu tố này sẽ biến Ấn Độ trở thành một điểm sáng về kinh tế và địa chính trị. Tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ sẽ đi từ mức 3.000 tỷ USD lên 30.000 tỷ USD, trong đó vốn hóa thị trường chứng khoán đạt mốc 45.000 tỷ USD“, ông Adani nhận định.
Được biết, ông Adani hiện là người giàu thứ 2 thế giới với khối tài sản ròng trị giá 154,9 tỷ USD, trong đó người xếp sau là ông Arnault (153,4 tỷ USD).
Vị tỷ phú giàu thứ 2 thế giới là ông trùm trong nhiều lĩnh vực từ hạ tầng, sân bay đến xi măng, và hiện chỉ xếp sau CEO Elon Musk, người vẫn giữ vững vị trí người giàu nhất thế giới, với tài sản ròng trị giá 273,5 tỷ USD.
Thứ hạng này cũng biến ông Adani thành người châu Á đầu tiên có mặt trong Top 3 người giàu nhất thế giới. Trong hơn 2 năm, tài sản của ông Adani đã tăng 13 lần. Tài sản của ông được định giá 10 tỷ USD vào tháng 1/2020.
Phan Anh
Mỹ không phản đối Ukraina dùng vũ khí phương Tây để lấy lại lãnh thổ mà Nga sáp nhập trái phép
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 27/9 nói rằng Washington không phản đối việc Ukraina sử dụng vũ khí của phương Tây để chiếm lại lãnh thổ của mình khỏi sự xâm lược của Nga, bao gồm cả những khu vực mà Điện Kremlin dự định tuyên bố là của mình sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Ukraina có quyền tự vệ tuyệt đối trên toàn lãnh thổ của mình, kể cả việc lấy lại vùng lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng trái phép bằng cách này hay cách khác” .
Ông Blinken nói rằng vũ khí mà Hoa Kỳ, cũng như các nước đồng minh khác viện trợ cho Ukraina đã chứng minh tính hiệu quả của chúng – cả ở phía bắc, đông và nam Ukraina.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng tuyên bố của Nga về việc sáp nhập các lãnh thổ Ukraina không tạo ra bất kỳ thay đổi nào đối với các kế hoạch của Mỹ và Ukraina. theo ông Blinken, “người Ukraina sẽ tiếp tục làm những gì họ cần làm để lấy lại lãnh thổ của mình” và Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục hỗ trợ họ”
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh, Washington và các nước khác sẽ không bao giờ công nhận việc sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraina mà Điện Kremlin công bố. Ông nhắc nhở rằng Washington đã công bố ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mới đối với Liên bang Nga nếu nước này quyết định sáp nhập lãnh thổ của Ukraina.
Trần Phong
Liên Hợp Quốc cam kết với “toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine
Liên Hợp Quốc đã tái khẳng định cam kết của mình đối với “toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine vào thứ Ba (27/9), khi các chính quyền thân Moscow ở một số vùng của Ukraine tuyên bố “thắng lợi” trong các cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập Nga.
“Liên Hợp Quốc vẫn hoàn toàn cam kết đối với chủ quyền, thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong các biên giới được quốc tế công nhận”, Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp bằng liên kết video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa lên án các cuộc bỏ phiếu được tổ chức vội vàng ở 4 khu vực do Nga chiếm đóng – Donetsk và Lugansk ở phía đông và Kherson và Zaporizhzhia ở phía nam.
Ông nói: “Có một nỗ lực hết sức nực cười nhằm buộc công dân nam giới trên lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine phải điều động vào quân đội Nga, để gửi họ đến chiến đấu chống lại chính quê hương của họ.”
Ông nói: “Trước mắt cả thế giới, Nga đang tiến hành một trò hề gọi là ‘trưng cầu dân ý’ trên lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine.”
“Mọi người buộc phải điền vào một số giấy tờ để quay TV dưới họng súng máy.”
Ông nói: “Các số liệu về kết quả được cho là của cuộc trưng cầu dân ý giả này đã được vẽ ra từ trước.”
Nhắm vào nhà lãnh đạo Nga Vladmir Putin, ông Zelensky cảnh báo rằng việc thôn tính đã khiến ông Putin “đơn độc chống lại toàn thể nhân loại.”
Ông cho biết Kyiv sẽ không đàm phán với Moscow vì cuộc bầu cử giả mạo này.
TT Zelensky cho biết sau đó vào thứ Ba rằng Ukraine sẽ “bảo vệ” công dân ở các khu vực do Nga quản lý.
“Chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ người dân của mình: cả ở vùng Kherson, vùng Zaporizhzhia, Donbas, trong các khu vực hiện đang bị chiếm đóng ở vùng Kharkiv và Crimea,” ông nói trong một video đăng trên Telegram.
Bất chấp lời kêu gọi của TT Zelensky, không có cơ hội để Hội đồng Bảo an – nơi Nga giữ quyền phủ quyết – đạt được lập trường thống nhất về động thái sáp nhập.
Vassily Nebenzia, Đại sứ Liên hợp quốc của Nga, nói rõ rằng Nga sẽ lại tiếp tục phủ quyết, chỉ trích hành động này là “sự nóng nảy của các phái đoàn phương Tây”.
Nebenzia lập luận: “Các cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành minh bạch độc lập, với việc duy trì tất cả các tiêu chuẩn bầu cử”, và nói thêm rằng mục đích duy nhất của phương Tây là “làm suy yếu và làm chảy máu nước Nga càng nhiều càng tốt.”
Lê Vy (theo AFP)
Các nhà lập pháp GOP cảnh báo về việc Trung Quốc mua đất gần căn cứ không quân Mỹ
Năm mươi mốt thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã viết thư cho ba quan chức nội các hàng đầu của chính quyền ông Biden để cảnh báo về những nỗ lực của một thực thể Trung Quốc, nhằm mua đất nông nghiệp gần căn cứ không quân Bắc Dakota.
Giao dịch được đề cập liên quan đến tập đoàn nông nghiệp Fufeng, nhà sản xuất phụ gia thực phẩm lớn có trụ sở tại Sơn Đông, Trung Quốc và có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Fufeng gần đây đã mua 370 mẫu đất ở Grand Forks, North Dakota và có kế hoạch xây dựng thành một nhà máy xay ngô. Nhà máy trong tương lai sẽ cách Căn cứ Không quân Grand Forks, nơi đặt máy bay không người lái, vệ tinh và công nghệ giám sát của Mỹ, khoảng 12 dặm.
Thương vụ mua đất như vậy là một “sự phát triển đáng báo động đối với an ninh quốc gia của chúng ta”, các nhà lập pháp, dẫn đầu bởi Hạ nghị sĩ Carlos Gimenez (Cộng hòa-Florida), đã viết trong bức thư ngày 26/9, theo một bản sao của The Epoch Times. Người nhận bức thư là Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, và Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack.
Các nhà lập pháp cho hay, với khả năng tình báo, giám sát và trinh sát đặc biệt của căn cứ không quân, khu đất mà Fufeng mua sẽ trở thành vị trí lý tưởng để giám sát chặt chẽ và chặn đứng các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.
Các nhà lập pháp viết trong bức thư: “Thực thể ràng buộc với ĐCSTQ này sẽ có những cơ hội thuận lợi tiềm năng để thực hiện hoạt động gián điệp, bao gồm các hành động và hoạt động được thực hiện dưới vỏ bọc thương mại hoặc bảo trợ”.
Hạ nghị sĩ Scott Franklin (Cộng hòa-Florida), người đã ký vào bức thư, cho biết ông rất lo lắng vì thương vụ mua bán.
“Thật vô lý khi một công ty trực thuộc ĐCSTQ được phép mua đất nông nghiệp gần một căn cứ quân sự nhạy cảm”, ông nói với The Epoch Times trong một email.
Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia, các nhà lập pháp cũng nhận thấy thương vụ mua bán này có vấn đề từ góc độ an ninh lương thực.
Vào tháng 12/2020, 37,6 triệu mẫu đất nông nghiệp của Hoa Kỳ thuộc sở hữu nước ngoài, một xu hướng sẽ phát triển trong nửa thập kỷ tới, bức thư lưu ý, trích dẫn một báo cáo năm 2021 (pdf) từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture).
Bức thư nêu rõ, thực tế là Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ không phải là thành viên thường trực của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (Committee on Foreign Investment in the United State – CFIUS), một ban hội thẩm chuyên xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp đã hạn chế lên tiếng về những vấn đề này mặc dù họ có chuyên môn về nông nghiệp.
“Việc chúng ta quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã chứng tỏ một thảm họa trong đại dịch COVID-19″, ông Franklin nói và nhấn mạnh rằng Mỹ không thể cho phép ĐCSTQ kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm của nước này.
“Chính quyền ông Biden phải giải thích những gì họ đang làm để ngăn chặn kẻ thù chính của nước Mỹ đang tiến tới giành quyền kiểm soát các nguồn lực cơ bản nhất của đất nước”, ông cho hay.
Các nhà lập pháp cũng đặt câu hỏi về tiền lệ của việc mua đất sẽ đặt ra về sau. Họ nói rằng các đối thủ nước ngoài có thể sử dụng điều này như một mô hình để xâm phạm an ninh của Mỹ bằng cách mua đất nông nghiệp ở các quận quốc hội, nơi đặt các cơ sở quân sự.
Ví dụ như ở hạt Miami-Dade của Florida, Căn cứ Dự trữ Không quân Homestead là nơi đặt nơi đóng quân của Cánh máy bay tiêm kích 482 (482 FW) thuộc Lực lượng Không quân số 10 của Bộ Tư lệnh Lực lượng Dự bị Không quân (10 AF), cũng như trụ sở của Bộ Tư lệnh Hoạt động Đặc biệt miền Nam.
Bên cạnh đó, căn cứ này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động cho Đội An ninh và An toàn Hàng hải của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ (U.S. Coast Guard Maritime Safety), cũng như chi nhánh hàng không và hàng hải của Cơ quan Hải quan và Biên giới Hoa Kỳ (United States Customs and Border Protection).
“Vào thời điểm Hoa Kỳ tham gia vào cuộc cạnh tranh quyền lực lớn với Trung Quốc, chúng ta phải sử dụng mọi công cụ theo ý mình để bảo vệ sự toàn vẹn của quân đội và an ninh quốc gia, duy trì sự thống trị quân sự và tối đa hóa khả năng sẵn sàng quân sự toàn cầu của chúng ta”, bức thư đã nêu.
Dự án nhà máy ngô hiện đang bị tạm dừng để chờ CFIUS xem xét về vấn đề an ninh quốc gia. Phía thành phố cho biết hôm 01/9 rằng, việc này có thể mất từ 45 đến 90 ngày.
Bất chấp sự ủng hộ của các quan chức thành phố về các cơ hội kinh tế tiềm năng mà nhà máy này mang lại, vẫn có sự phản đối đáng kể từ người dân địa phương. Họ tin rằng thành phố chưa đủ minh bạch về dự án này và lo lắng rằng, dự án đã không được kiểm tra đúng cách.
“Tôi không muốn người Trung Quốc ở đất nước của chúng ta. Thứ nhất, tôi không muốn có một công ty của ĐCSTQ ở đây. Quý vị phải đủ thông minh để hiểu điều đó. Có rất nhiều lý do, ví dụ như ô nhiễm nguồn nước”, bà Sheila Spicer, một thành viên của tổ chức Concerned Citizens of Fufeng Project ở Grand Forks, trước đây đã nói với The Epoch Times. Nhóm hiện có khoảng 2.600 thành viên trên Facebook.
Lam Giang
Ukraina trong một ngày đánh 3 nhà kho và 20 khu vực tập trung trang thiết bị và binh lính của Nga
Theo truyền thông Ukraina, Trong ngày thứ Ba, 27 tháng 9, quân Ukraine đã tấn công khoảng 20 khu vực tập trung binh lính và thiết bị quân sự của quân Nga, đánh vào các kho đạn và các vị trí phòng không của đối phương. Điều này đã được Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong cuộc họp giao ban buổi tối.
Đặc biệt, máy bay của Ukraina đã bắn trúng 7 vị trí tập trung nhân lực và quân trang của quân Nga, cũng như 3 vị trí của các hệ thống tên lửa phòng không.
Các đơn vị tên lửa và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công tới 15 quận là nơi tập trung binh lính và thiết bị của đối phương. Ngoài ra, họ cũng đã đánh vào 5 điểm kiểm soát của Nga, 3 kho chứa đạn dược và 2 vị trí đặt thiết bị phòng không của Nga.
Trong khi đó, lực lượng phòng không Ukraina được cho là đã bắn rơi 1 máy bay cường kích Su-25 và 5 máy bay không người lái các loại của Nga.
Ngoài ra, theo Bộ Tổng tham mưu Ukraina, những nỗ lực của binh sĩ nước này vào ngày 27 tháng 9 đã đẩy lùi các cuộc tấn công mới của quân đội Nga tại 10 khu vực.
Đồng thời, Nga đã đánh vào lãnh thổ Ukraine từ trên không. Đặc biệt, họ đã thực hiện hai cuộc tấn công bằng tên lửa và sáu cuộc không kích, thực hiện hơn 20 cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Ukraina. Kết quả là hơn 15 khu định cư bị ảnh hưởng.
Nguồn: Zn.ua
Thái Tử Saudi Arabia được bổ nhiệm làm Thủ tướng
Hôm 26/9, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đã chỉ định con trai và người thừa kế của ông là Thái tử Mohammed bin Salman trở thành Thủ tướng của đất nước, theo một sắc lệnh hoàng gia.
Theo sắc lệnh này, con trai thứ hai của Quốc vương là Hoàng tử Khalid sẽ trở thành Bộ trưởng quốc phòng. Trước đó, ông giữ chức Thứ trưởng quốc phòng, tờ Reuters đưa tin hôm 28/9.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Faisal bin Farhan Al Saud, Bộ trưởng Tài chính Mohammed al-Jadaan và Bộ trưởng Đầu tư Khalid al-Falih cũng vẫn giữ nguyên chức vụ.
Vị vua cho biết trong sắc lệnh hoàng gia do hãng thông tấn nhà nước SPA đưa tin, cuộc cải tổ vẫn giữ một người con trai khác, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, làm Bộ trưởng năng lượng.
Thái tử Mohammed bin Salman, được thăng chức từ Bộ trưởng Quốc phòng và là người điều hành trên thực tế của Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là đồng minh lớn của Mỹ ở Trung Đông.
Một quan chức Saudi Arabia cho biết, vai trò Thủ tướng mới của Thái tử phù hợp với nhiệm vụ mà Quốc vương trước đây giao cho ông, bao gồm đại diện cho nhà vua trong các chuyến thăm nước ngoài và chủ trì các hội nghị thượng đỉnh do đất nước tổ chức, một quan chức Saudi Arabia cho biết.
“Thái tử theo lệnh của nhà vua, đã giám sát các cơ quan điều hành chính của nhà nước hàng ngày, và vai trò Thủ tướng mới của ông ấy nằm trong bối cảnh đó”, quan chức giấu tên cho biết.
Trong lịch sử, các nhiệm vụ như vậy đã diễn ra ở đất nước vài lần, quan chức này cho biết.
Thái tử cho biết Saudi Arabia đã tăng khả năng tự cung tự cấp trong các ngành quân sự từ 2% lên 15% và có kế hoạch cán mốc 50%, tờ SPA đưa tin.
Theo sắc lệnh, Quốc vương Salman vẫn sẽ chủ trì các cuộc họp nội các mà ông tham dự. Sau khi sắc lệnh được ban hành, truyền hình nhà nước đã chiếu cảnh ông chủ trì một cuộc họp nội các hàng tuần, theo tờ Reuters.
Vị vua 86 tuổi, người trông coi các địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, đã trở thành người điều hành đất nước từ năm 2015. Ông đã phải nhập viện nhiều lần trong hai năm qua vì các căn bệnh khác nhau.
Thái tử Mohammed đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của Saudi Arabia kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, dẫn đầu nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, cho phép phụ nữ lái xe và kiềm chế quyền lực của giáo sĩ.
Tuy nhiên, những cải cách của ông đã đi kèm với một cuộc đàn áp đối với nhà bất đồng chính kiến như các doanh nhân, nhà hoạt động nhân quyền, đã bị bỏ tù.
Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2018 đã làm ảnh hưởng đáng kể đến danh tiếng của ông và làm căng thẳng mối quan hệ của Saudi Arabia với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác.
Mối liên hệ chặt chẽ với Nga
Chuyến thăm vào tháng 7 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không đảm bảo được các cam kết từ Saudi Arabia về việc tăng sản lượng dầu ngay lập tức hoặc đưa ra lập trường khắc nghiệt hơn đối với ông Putin. Động thái này đã nổi bật những căng thẳng đang đè nặng lên mối quan hệ giữa Washington và Riyadh.
Thay vào đó, Saudi Arabia đã giành được thắng lợi ngoại giao lớn khi đảm bảo tự do cho các chiến binh nước ngoài bị bắt ở Ukraine. Đây là tín hiệu đánh dấu ‘giá trị’ của liên minh giữa Thái tử Mohammed bin Salman với Nga, trong bối cảnh các đối tác phương Tây đang tìm cách cô lập Moscow trước cuộc chiến tại Ukraine.
Với sự hòa giải của Thái tử Mohammed, Nga hôm thứ Tư (21/9) đã trả tự do cho 10 người nước ngoài mà họ đã bắt giữ ở Ukraine, trong đó có 5 người Anh và 2 người Mỹ.
Ông Ali Shihabi, một nhà bình luận ủng hộ chính phủ, cho biết sự hòa giải của Saudi Arabia trong việc phóng thích các tù nhân “là chưa từng có tiền lệ”.
Ông Shihabi nói: “Tôi nghĩ rằng Saudi Arabia đang gửi một thông điệp đến phương Tây rằng mối quan hệ của họ với Nga cũng có thể phục vụ một mục đích hữu ích cho họ”.
Ông Kristian Ulrichsen, một nhà khoa học chính trị tại Viện Baker của Đại học Rice, Hoa Kỳ, cho biết: “Bằng cách dàn xếp cuộc hòa giải với kết quả tích cực, Thái tử Mohammed bin Salman đã thể hiện mình là người có khả năng đóng vai trò chính khách trong khu vực. Động thái này cũng phản bác lại những tin tức tiêu cực về ông với cái mác là một người bốc đồng và hay gây rối”.
Vị thế của Saudi Arabia – nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đối với cả Washington và Moscow đã tăng vọt vào thời điểm cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang làm chao đảo các thị trường năng lượng toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi Saudi Arabia sản xuất thêm dầu. Nhưng Saudi Arabia đã tỏ ra không sẵn lòng tham gia nỗ lực cô lập Nga. Nước này đã tăng cường hợp tác với ông Putin, bao gồm cả trong nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC +.
Thanh Hải