Tổng thống Joe Biden đưa ra nhận xét về phản ứng của chính phủ liên bang trong cơn bão Ian, tại Phòng Roosevelt ở Tòa Bạch Ốc, Washington, Mỹ, ngày 30/09/2022. (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images)
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng các vụ nổ đường ống Nord Stream I và II dưới biển Baltic là hành động phá hoại có chủ đích, đồng thời khẳng định Mỹ và đồng minh sẽ không bị đe dọa bởi những lời cáo buộc từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Hãy để tôi nói điều này: Đó là một hành động cố ý phá hoại, và bây giờ người Nga đang tung ra những thông tin sai lệch và dối trá”, ông Biden nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ 6 (30/10) giờ địa phương.
Tuyên bố mới nhất này của ông Biden đã bác bỏ cáo buộc của ông Putin rằng phương Tây phá hoại các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình để tìm hiểu chính xác những gì – chính xác những gì đã xảy ra. Và theo chỉ đạo của tôi, chúng tôi đã bắt đầu giúp các đồng minh tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng này”, Tổng thống Mỹ nói thêm. “Và vào thời điểm thích hợp khi mọi thứ lắng xuống, chúng tôi sẽ cử thợ lặn xuống để tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra”.
Ông Biden cáo buộc Nga đã truyền bá “thông tin sai lệch và dối trá” khi Moscow nói rằng Washington làm nổ các đường ống Nord Stream I và II để có thể bán thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.
Ông Vassily Nebenzia, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, nói với Hội đồng Bảo an vào hôm thứ 6 (30/09) rằng Mỹ chắc chắn được hưởng lợi từ việc phá hủy các đường ống dẫn khí đốt.
“Các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ nên ăn mừng bởi họ có thể tăng lượng LNG cung cấp cho châu Âu”. Đại diện thường trực của Liên bang Nga tại Liên hợp quốc,
Cũng trong thứ 6, ông Putin đã trực tiếp cáo buộc phương Tây làm nổ các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.
“Các biện pháp trừng phạt [Nga] là vẫn chưa đủ đối với người Anglo-Saxon: họ chuyển sang phá hoại”, ông Putin nói. “Thật khó tin nhưng có một sự thật là họ đã tạo ra các vụ nổ trên các đường ống dẫn khí đốt quốc tế Nord Stream”.
Mỹ và các quốc gia khác đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt chống lại Nga kể từ khi ông Putin cử lực lượng tấn công Ukraine vào đầu năm nay.
Tòa Bạch Ốc bác bỏ tất cả cáo buộc của Điện Kremlin về việc phương Tây phải chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ, cho rằng tuyên bố của Moscow là “không đúng sự thật”.
“Đừng nghe những gì ông Putin nói”, Tổng thống Biden phát biểu trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc. “Những gì ông ấy nói, chúng ta đều biết là không đúng sự thật”.
Ông Biden đã từ chối trực tiếp quy trách nhiệm cho bất kỳ bên nào về “hành động cố ý phá hoại”. Thay vào đó, ông cho rằng Mỹ cần điều tra thêm về vụ việc và thu thập thêm các bằng chứng.
Xuân Hoa
Theo Lorenz Duchamps – The Epoch Times
Ông Putin đổ lỗi cho phương Tây đã phá hoại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream I và II
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ 6 đã quy trách nhiệm cho Mỹ và đồng minh về vụ nổ các đường ống Nord Stream dưới biển. Vụ nổ này đã làm tăng nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, khiến lục địa già phải chạy đua để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông cận kề.
“Các biện pháp trừng phạt [Nga] là vẫn chưa đủ đối với người Anglo-Saxon: họ chuyển sang phá hoại”, ông Putin nói. “Thật khó tin nhưng có một sự thật là họ đã tạo ra các vụ nổ trên các đường ống dẫn khí đốt quốc tế Nord Stream”.
Putin nói thêm: “Họ đang bắt đầu phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng trên toàn châu Âu. Những ai hưởng lợi từ hành động này đều đã rõ ràng. Tất nhiên, ai được lợi thì chính là bên đã làm việc đó”.
Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của ông Putin.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, đang phải cố gắng tìm nguồn cung khí đốt thay thế càng sớm càng tốt. EU nói rằng họ tin vụ rò rỉ là do phá hoại, nhưng không nêu tên bất kỳ bên nào.
Các đường ống Nord Stream đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng giữa phương Tây và Moscow kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
EU vẫn đang điều tra xem đường ống Nord Stream I và II của Nga bị vỡ như thế nào hồi tuần này. Khí đốt đã thoát ra Biển Baltic khu vực ngoài khơi Đan Mạch và Thụy Điển. Các nhà địa chấn học đã ghi nhận các vụ nổ trong khu vực.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết vào hôm thứ 6 rằng đây là lần giải phóng khí mê-tan lớn nhất từng được ghi nhận. Giới nghiên cứu phát hiện một lượng lớn khí mê-tan trong ảnh vệ tinh.
Cùng ngày, cơ quan năng lượng Đan Mạch cho hay khí đốt sẽ tiếp tục tuôn ra từ đường ống Nord Stream I cho đến Chủ Nhật, trong khi những rò rỉ trên đường ống Nord Stream II dự kiến sẽ chấm dứt vào thứ 7 (theo giờ địa phương).
Xung đột rộng lớn hơn
Sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream I và II khiến châu Âu phải tăng cường cảnh giác đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Theo Reuters, Ý, quốc gia đi đầu trong việc loại bỏ nguồn cung khí đốt từ Nga, đã tăng cường giám sát các đường ống dẫn khí đốt đến đất nước này từ phía nam và phía đông. Chúng bao gồm đường ống TransMed – nối từ Algeria đến đảo Sicily của Ý, đường ống Trans Adriatic (TAP) – chạy từ Azerbaijan đến vùng Apulia (Ý) và đường ống GreenStream – nối giữa Libya và đảo Sicily. Rome cũng nâng cao cảnh báo về đường ống dẫn khí đốt xuyên Áo (TAG) đưa nhiên liệu từ Bắc Âu đến phía đông bắc của Ý.
Trong khi đó, nhà điều hành lưới điện của Ba Lan hôm thứ 6 đã thông báo sẽ kiểm tra một tuyến cáp dưới biển mang điện từ Thụy Điển đến Ba Lan; tuyến cáp này đi qua các đường ống Nord Stream đang bị hư hỏng.
Ngoài ra, giới chức châu Âu còn tập trung cao độ vào đường ống Baltic, một dự án được công bố trong tuần này. Đường ống Baltic sẽ vận chuyển khí đốt từ Na Uy đến Đan Mạch và Ba Lan cũng như các nước lân cận từ thứ 7 (01/10).
Ở Hà Lan, người dân bắt đầu tích trữ gỗ và than để tiết kiệm tiền mua khí đốt.
Ba Lan và Cộng hòa Séc đã yêu cầu Ủy ban châu Âu khôi phục một dự án đường ống dẫn khí đốt nối hai nước.
Các nhà khai thác khí đốt của Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia cũng đã đề xuất giúp đỡ vận chuyển khí đốt tự nhiên bổ sung từ Azerbaijan đến châu Âu.
Na Uy, một đối thủ lớn của Nga về khí đốt, sắp triển khai quân đội để bảo vệ các cơ sở dầu khí. Anh, Pháp và Đức sẽ giúp đỡ thực thi hoạt động này.
“Nguy cơ xảy ra rủi ro đối với các dòng khí đốt trong thời gian tới đang tăng mạnh bởi có thể xảy ra những vụ phá hoại khác đối với các đường ống nhập khẩu khí đốt quan trọng”, công ty Fitch Solutions có trụ sở tại Mỹ cho biết. “Việc xảy ra thêm hành động phá hoại đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng là một nguy cơ ngày càng tăng; điều này có thể biến cuộc chiến [Nga – Ukraine] thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn”.
Xuân Hoa