Kể từ thứ Bảy (1/10), hàng chục triệu người dùng ở Trung Quốc đã không thể truy cập vào ‘Google Dịch’ (Google Translate). Điều này đánh dấu sự rút lui mới nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc.
Trang tin tức công nghệ TechCrunch là một trong những trang đầu tiên đưa tin về việc này. Theo đó, Google Dịch đã đóng quyền truy cập ở Trung Quốc và người dùng được chuyển hướng đến một thanh tìm kiếm chung, với thông báo yêu cầu người dùng đánh dấu trang web Hong Kong của dịch vụ, nhưng trang này cũng không thể truy cập được ở Trung Quốc.
Chức năng dịch tích hợp trên trình duyệt Chrome của Google cũng không còn hoạt động ở nước này, theo nhiều bài đăng của người dùng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Trả lời với trang tin công nghệ TechCrunch, Google cho biết nguyên nhân khiến công ty quyết định rút lui khỏi thị trường Trung Quốc là “do lưu lượng sử dụng thấp”.
Tuy nhiên, phiên bản Hong Kong của Google Dịch vẫn bị Great Firewall (tường lửa) của ĐCSTQ chặn, điều này có nghĩa là người dùng Trung Quốc sẽ không thể sử dụng chức năng dịch nếu họ không vượt qua tường lửa.
Thay đổi được cho là ảnh hưởng đến KOReader, một trình xem tài liệu, cũng như tính năng dịch tích hợp của Chrome.
Tờ South China Morning Post lưu ý rằng, Google Dịch vẫn có một lượng lớn người dùng ở Trung Quốc, mặc dù cũng có một số công ty công nghệ Trung Quốc hiện đang cung cấp dịch vụ dịch thuật. Trích dẫn dữ liệu từ nền tảng phân tích web Similarweb, tờ báo cho biết chỉ trong tháng 8, trang Google Dịch ở Trung Quốc đã ghi nhận 53,5 triệu lượt truy cập từ người dùng máy tính để bàn và thiết bị di động.
Ứng dụng dịch thuật là một trong những dịch vụ tiêu dùng cuối cùng còn sót lại của Google ở Trung Quốc. Việc ngưng ứng dụng này ở Trung Quốc đánh dấu sự rút lui khỏi thị trường internet lớn nhất thế giới của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Tờ South China Morning Post cho rằng việc ngừng ứng dụng dịch thuật ở Trung Quốc phản ánh lịch sử phức tạp của Google với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Vào tháng 1/2010, Google đã ngưng phiên bản tiếng Trung của chức năng tìm kiếm web do ĐCSTQ tăng cường kiểm duyệt nội dung và các cuộc tấn công mạng có chủ đích, nhằm thắt chặt kiểm soát tự do ngôn luận trực tuyến. “Việc Google rút khỏi Trung Quốc” cũng trở thành sự kiện lớn thu hút nhiều sự chú ý nhất của cư dân mạng trong năm đó.
Các nhà chức trách Trung Quốc sau đó đã chặn các dịch vụ của Google ở Trung Quốc.
Nhưng vào tháng 3/2017, Google Dịch đã khởi động lại ở Trung Quốc sau bảy năm vắng bóng.
Đến tháng 7/2018, Google đã ra mắt một ứng dụng trò chơi nhỏ trên WeChat của Tencent Holdings, một tháng sau khi Google đầu tư 550 triệu USD vào gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com.
Vào cuối năm 2018, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai thừa nhận rằng công ty đang xây dựng một ứng dụng tìm kiếm dành riêng cho thị trường Trung Quốc, nhưng cho biết kế hoạch này đang ở giai đoạn đầu.
Nhiều nguồn tin cho rằng, phiên bản kiểm duyệt của công cụ tìm kiếm có tên “Dragonfly” được phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc có thể chặn các từ nhạy cảm như “nhân quyền”, “biểu tình của sinh viên”, “dân chủ” và đưa vào danh sách đen các trang web bị chính quyền Trung Quốc cho là nhạy cảm.
Sau khi tin tức được đưa ra, công cụ này ngay lập tức gây ra phản ứng dữ dội.
Cuối cùng, dưới sự phản đối mạnh mẽ của các bên, cũng như làn sóng từ chức của các quản lý của đội ngũ bảo mật của Google, “Dự án Dragonfly” này rốt cuộc đã bị xóa sổ.
Hiện tại, Google vẫn giữ lại các dịch vụ như quảng cáo, cộng đồng các nhà phát triển dịch vụ và cộng đồng các nhà phát triển Android ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những dịch vụ này chủ yếu nhằm mục đích hỗ trợ các nhà phát triển địa phương và khách hàng của Google.
Thanh Hải
Theo The Epoch Times